Quê hương nhiều nỗi nhớ cái bát 

Trong bếp ăn của mỗi gia đình có rất nhiều vật dụng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, cái nào cũng cần cái nào cũng quý nhưng thân thuộc  và không thể thiếu đó là cái Bát. Trong chạn bát của mỗi nhà dù giầu hay nghèo  đều có các loại Bát to nhỏ khác nhau. Bát nhỏ nhất dùng đựng nước chấm. Bát to hơn dùng để ăn cơm. To hơn nữa dùng đựng canh. Thông dụng  và chiếm số lượng nhiều nhất phải kể đến Bát ăn cơm . 

noi-nho-cai-bat-1659566418.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Trong những năm tháng khó khăn khi còn chiến tranh Bát ăn cơm là mặt hàng phân phối. Những chiếc Bát được sản xuất ở làng Bát Tràng vừa đen vừa méo, cứ chục cái một buộc chữ thập bằng mấy cái rơm sản xuất ra đến đâu bán hết ngay đến đấy. Phải thân quen lắm mới mua được chục Bát. Mang được về đến nhà kiểm tra không cái nào bị nứt là sướng âm ỉ cả tuần. 
Thông thường các nhà chỉ đủ Bát ăn cho các thành viên trong gia đình có dư dăm cái để phòng khi có khách. Rửa Bát không may làm vỡ cái nào là cảm thấy xót xa như mất đi một vật gì quý giá. Vào các bữa ăn, cảnh tranh nhau Bát đẹp Bát xấu diễn ra như cơm bữa. Đứa được Bát đẹp thì cười, đứa bị Bát xấu thì mếu đã trở thành “ Chuyện thường ngày ở huyện “. Những lúc như thế  Mẹ tôi hay mắng chúng tôi bằng câu : “ Ăn cơm hay ăn Bát ? “. Khổ nhất là khi nhà có việc phải làm dăm mâm cỗ lúc đó buộc  phải đi mượn Bát đĩa của họ hàng. 
Chỉ riêng mục dùng sơn đánh dấu vào đáy Bát để khi trả không bị lẫn đã là cả một môn “ khoa học về nhận dạng “. Cả Miền Bắc khi đó duy nhất có nhà máy sứ Hải Dương do Trung Quốc giúp. Nhà máy sản xuất các loại Bát, Đĩa, Ấm , Chén, sản phẩm thì nghe nói cũng đẹp nhưng ngày đó chúng tôi có được nhìn thấy bao giờ đâu. Ấy vậy mà khi vào bộ đội vừa nói quê Hải Dương đồng đội phán ngay cho một câu xanh rờn : “ Dân Bát Méo “! . 
  Nhớ những năm 60 của thế kỷ trước Bát hiếm đến mức có cả nghề hàn Bát , Đĩa vỡ. Thị trấn Cẩm Giàng quê tôi vào những ngày chợ phiên thật đông vui tấp nập. Hàng hóa nông sản ở các xã  lân cận đổ về không thiếu thứ gì. Có một bác chuyên nghề hàn Bát không biết ở đâu đến hành nghề ngay trước cửa nhà tôi. Tôi hay đứng xem bác biểu diễn cách hàn Bát trước mọi người để mời mua keo dán. Cái Bát quý như  thế mà bị bác đập vỡ đôi rồi dùng một thỏi keo như viên phấn màu nâu hơ lên lửa quét vào chỗ vỡ của hai mảnh Bát dán chúng lại với nhau. 
Để khô lại rất chắc, đập ra vỡ chỗ khác chứ chỗ hàn không bung. Tôi và những  người đứng xem  phục lắm. Nhưng  ấn tượng sâu đậm trong tôi lại là những cái Bát dùng để đựng  nước Vối bán ở sân Ga Cẩm Giàng. Mỗi khi tàu dừng bánh ở sân ga, tiếng rao “ Ai nước Vối nóng đây “ lại vang lên mời gọi. Nước Vối được ủ trong Ấm đất và rót ra Bát cho  khách mua. Mỗi Bát 5 xu, một cái giá rất bình dân với tất cả mọi người. Vào những ngày đông khi gió bấc hun hút thổi mang đến cái lạnh tê tái cho khách đi tàu. Bưng Bát nước Vối nóng trên tay khách đi tàu cảm nhận được cái ấm nóng của Bát nước truyền sang. 
Màu nước Vối trong Bát đỏ nâu như màu áo người thân nơi quê nhà. Hương thơm ngai ngái lẫn với một chút khói rơm làm khách nhớ đến những mái nhà tranh ẩn mình dưới những rặng  tre thân thuộc. Rồi chậm rãi, khách đưa Bát nước Vối nóng lên môi nhấp từng ngụm nhỏ, thưởng thức vị đắng nhẹ ngòn ngọt của thứ nước uống dân dã đã có tự  bao đời. Cùng với những món quà quê khác, nước Vối đã tạo nên nét đặc trưng của Ga Cẩm Giàng quê tôi. Hương vị của Bát nước Vối  đã trở thành “ Hương Thầm “ góp phần gắn kết tình thân giữa khách đi tàu và người d.ân địa phương cho dù mới chỉ lần đầu gặp mặt. Tàu đã chuyển bánh, nhưng người bán vẫn còn đứng dưới sân ga với ấm nước Vối nóng và chồng  Bát trên tay lưu luyến dõi theo bóng con tàu dần khuất.

Chuyện làng quê

 

Hoa Dang

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/que-huong-nhieu-noi-nho-cai-bat-a14451.html