Vì thế,khi đọc thơ Bùi Cửu Trường, nhà thơ Nguyễn Thế Kiên nhận định rằng: “Mấy mươi năm cống hiến cho nghề thuốc, nghiệp binh, ngoại lục tuần, chị mới chạm cái mênh mông của cõi ảo internet, những tưởng chỉ để khuây khỏa tuổi hoàng hôn. Nào ngờ, cứ sau mỗi bình minh lại thấy một vài bài thơ xuất hiện trên trang blog Hạt Cát của chị. Chỉ sau 24 tháng, chị đã viết hơn một ngàn bài thơ trên blog của mình. Đọc những bài thơ ấy, khiến tôi ngạc nhiên bởi sự lấp lánh của ngôn ngữ, sự độc đáo của ý tưởng… Đọc Hạt Cát tôi cứ băn khoăn một câu hỏi: Phải chăng, để có hai bốn tháng viết được hơn ngàn bài thơ đầy ám ảnh kia, là năng lượng từ một cõi siêu nhiên nào đó đã tích tụ trong chị suốt mấy chục năm qua? Hay cái duyên thơ từ trời xanh đã nhập vào đời chị sau tuổi lục tuần? Thơ của Diệu Sinh Bùi Cửu Trường – Sợi chỉ căng ngang giữa đời và đạo.”
Bùi Cửu Trường là người phụ nữ đã đi qua những tháng năm đau thương của dân tộc, chứng kiến những thăng trầm của đất nước. Cuộc đời chị được tôi luyện trong môi trường quân đội, có những tháng năm học tập ở nước ngoài và công tác trong ngành y đã tạo nên cốt cách của một con người khuôn phép, mẫu mực, đức độ, nhân ái và bao dung.
Thơ chị chính là tiếng lòng của một người phụ nữ với những suy tư, đau đáu, lo lắng, khát khao. Đó là những suy ngẫm trước cuộc sống, con người, thời cuộc, những bất an trước bao điều nghịch lý, những giá trị người, giá trị đạo đức bị chao đảo. Những điều bất công, ngang trái vẫn cứ tồn tại và ngày càng phổ biến.
Lòng chị lại đau, khi Tổ quốc, dân tộc, nhân dân mình lại phải gánh chịu những tổn thương, nỗi bất công ngang trái của thời cuộc.
Bùi Cửu Trường là người lặng lẽ sống, lặng lẽ viết. Chị làm thơ không phải để đăng báo, không để in và quảng bá, hay để đánh bóng tên tuổi mình. Làm thơ như một nhu cầu tự thân: cần mẫn, chăm chỉ như con ong tìm hương hoa về làm đầy tổ mật; chị viết, chị đọc, chị tự tập hợp in cẩn thận để tặng bàn bè. Phải chăng đó là niềm vui của Bùi Cửu Trường ở vào tuổi xế chiềucủa đời mình!
Chưa bàn đến nội dung và nghệ thuật tác phẩm nhưng khi lướt qua cả hàng nghìn bài thơ chị viết trong khoảng thời gian mấy năm từ lúc chị nghỉ hưu đến giờ mới thấy sức viết của “kinh khủng”đến nhường nào. Mới thấy chị yêu thơ,“chơi thơ” mê đắm biết nhường nào.
Những cặp phạm trù đối lập trong thơ Bùi Cửu Trường được sử dụng khá nhiều và tạo nên những hiệu ứng nghệ thuật rõ nét. Vốn kiến thức về Kinh Dịch của chị được thể hiện khá rõ trong thơ của mình. Có lẽ bên cạnh tố chất có sẵn, sự nỗ lực của bản thân, nhà thơ còn thừa hưởng từ cái nôi truyền thống của gia đình và quê hương; cha chị là cụ đồ nho tài hoa, tài tử - Nhà thơ, Nhà báo Bùi Hạnh Cẩn; quê hương chị là vùng đất Nam Định - nơi sản sinh nhiều bậc danh sĩ, trí thức nổi tiếng. Tất cả những điều ấy đã tạo nên một Bùi Cửu Trường với hồn thơ đa dạng, trữ tình, man mác làm nao lòng người đọc.
Đọc thơ chị, đúng như chị nói: “Tôi không cố ý làm thơ mà thơ nó tự tuôn ra trong đầu như có một sự lập trình sẵn, tôi chỉ việc chép chép ghi ghi và tôi gọi đó là Nhật ký thơ”. Nhật ký thơ của chị chính là nhật ký của những trang đời, mà ở đó có đủ các cung bậc, sắc thái: tốt - xấu, trắng - đen, vui - buồn, được - mất, hạnh phúc - khổ đau…
Thơ Bùi Cửu Trường là thơ của tâm trạng nên số chữ trong dòng thơ không theo một quy định nào. Chị viết đa dạng các thể thơ và ở thể loại nào cũng đều có những bài thơ ấn tượng. Đó là thế mạnh để nhà thơcó thể bộc lộ, giãi bày đầy đủ những suy nghĩ, các cung bậc cảm xúc của lòng mình trước cuộc sống và tình yêu.
Thơ Bùi Cửu Trường dày đặc những thanh âm buồn. Đó là những nỗi buồn đã thấm vào tâm can, ăn sâu vào huyết mạch của người đàn bà sống và yêu hết mình, cống hiếnhết mình cho đất nước. Ở cương vị nào, Bùi Cửu Trườngcũng là người tử tế, sống biết mình biết người và lúc nào cũng hoàn thành tốt công việc.
Nỗi buồn trong thơ Bùi Cửu Trường đến từ nhiều phía. Đó có thể là nỗi đau do chiến tranh, những người thân mãi mãi ra đi không bao giờ trở về, như vết dao cắt cứa tâm hồn người còn sống.
Chồng không về, con cũng không về…/ Cả dâu rể đều không trở lại/ Ngôi nhà trống trải./ Mâm cơm bữa nào cũng trắng xóa nỗi đau.// Đắng lòng nhìn bát đũa không/ Bát đũa những người ra trận…/ Không về!(Tái tê).
Đó cũng có thể là nỗi trăn trở của một công dân có tinh thần trách nhiệm, luôn quan tâm đến những vấn đề của đất nước, của dân tộc và thời đại.
Bài thơ Qua Hồng Hàchính là tiếng lòng đau đáu, sự nuối tiếc một thời đã qua, những kỉ niệm thuở nào giờ chỉ còn trong ký ức. Mọi thứ đã đổi thay, Bùi Cửu Trường nghẹn ngào: Em qua sông lòng trống rỗng khôn cùng!
Em qua sông hôm nay/ Hồng Hà thu không hồng/ Hồng Hà thu không nước/ Không bãi ngô xanh mượt/ Nhà lô nhô... Bãi rác lô nhô.// Em qua sông sang phía kia bờ/ Không còn sóng xanh đồng lúa
...
Đường rộng thế và hoa đẹp thế! / Nắng thu trải hụt hàng cây/ Em qua sông tìm hương lá ngất ngây/ Chỉthấy/ Vườn biệt thự xô bồ đường biệt thự.../ Mất tăm tích bờ cỏ gà ngày cũ/ Cũng chả đâu sót lại ruộng đay/ Không bóng trâu bò, không thấy cuốc cày/ Không mái gianh chiều lam khói/ Tiếng gà chìm xôi xa diệu vợi./ Thành phố lạnh im lìm bê tông... // Em qua sông lòng trống rỗng khôn cùng!
Hàng loạt những cái “không”, những thứ đã không còn hiện hữu nữa, làm cho “Em” và cả những người một thời đã từng gắn với ruộng đồng, dòng sông, bờ bãi, lànkhói lam chiều… cảm thấy nhói đau.
Thời gian trong thơ Bùi Cửu Trường không chỉ là thời gian của tự nhiên mà còn là thời gian của tâm trạng. Có sự đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời gian hồi tưởng, tìm về quá khứ, tìm về những năm tháng bi hùng của tuổi trẻ, của một thời gian khó mà chị đã từng nếm trải. Ngoái nhìn lại, thời gian đã vèo qua, tuổi già ập đến:
Tháng năm trôi... Phai phôi năm tháng/ Phút giây qua... Mòn cạn phút giây/ Tuổi già rén đến từng ngày/ Nhặt vàng lá cánh tay gầy run run.
Cùng với thời gian, không gian trong thơ Bùi Cửu Trường không chỉ là không gian của tự nhiên mà nó còn là không gian của tâm trạng: thể hiện những vui buồn, khắc khoải, lo âu.Gánh buồn đem đổ xuống sông/ Sông bị nghẹn dòng… sông khóc tỉ ti…(Đổ buồn đi)
Mọi thứ trong cuộc sống đều có giới hạn, chỉ riêng sự mênh mông trong trái tim của mỗi con người là vô tận. Bùi Cửu Trường đã sống, đã đi qua những năm tháng của tuổi trẻ, chị đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.
Bất chợt buồn, bất chợt vui/ Mới hay mình đã già rồi còn đâu/ Loay hoay chuốt lại mái đầu/ Tóc xanh đổi sắc thay màu ngẩn ngơ(Bất chợt).
Sống ở môi trường thành thị nhưng trong tâm khảm chị lúc nào cũng hướng về vùng đất đã sản sinh, nuôi dưỡng mình từ thuở lọt lòng. Vụ Bản, Nam Định - mảnh đất nặng nợ ân tình, nơi gắn với bao ký ức, niềm thương đi vào thơ chị như sự trải lòng…Cảnh đẹp, nên thơ, hiền hòa. Con người sống chan hòa, tình nghĩa. Vì thế, Bùi Cửu Trường có nhiều bài thơ viết về vùng quê này với một tình cảm thiêng liêng của một đứa con xa quê luôn nhớ về nguồn cội.
Bởi chị muốn sống hòa hợp, muốn gần gũi, chia sẻ vui buồn với tất cả mọi người. Tuy vậy, nhiều khi nhà thơcảm thấy “chán” và có khao khát được làm điều mình thích, dù có thể đó là viễn vông, hư ảo. Cợt vàng giỡn ngọc mà chơi/ Chán trò./ Rũ áo lên giời hái sao(Chán trò).
Có lúc, chị trở về với chính chị, “tôi về với tôi”, “tôi thấu hiểu tôi”:
Vô hình gửi cho nhau/ Rầu rầu nắng sớm, nhàu nhàu hoàng hôn/ Hữu hình nghĩa ráp, tình trơn/ Trăm thề ngàn hẹn trẫm luồng nước xuôi.// Vô hình tôi gặp tôi/ Một bơ vơ gió, một bời bời mây/ Hữu hình kẻ tỉnh, người say/ Bao lăn lóc, bấy vơi đầy.../ Tình tang(Vô hình – Hữu hình).
Chưa hết, khi chị nhìn thấy thế cuộc ngảnghiêng, mọi giá trị chao đảo, thì con người thơ ấy lại đau đớn:
1. Đặt bày sinh tử khắp gầm trời
Nhân thế ngược xuôi bạc tựa vôi
Tạo hoá lộn thiên cho trẻ vẽ
Quỷ thần đảo địa để già bôi
Trăm năm chìm nổi mây tan tác
Một thoáng phiêu du gió tả tơi
Nghịch ngược kiếp đời vô nghĩa ấy
Chả qua cũng chi kiểu đùa chơi!
2. Đã rằng đời giống một trò chơi
Kẻ đến người đi mặc xác trời
Ngẩng mặt trông lên: mưa giọt xám
Cúi đầu ngó xuống: nước lờ vôi
Luân hồi quanh quẩn xin buông trọn
Duyên nợ cong queo cố thả lơi
Hãy trả cho sòng vay kiếp trước
Khi về cõi tử khỏi ai đòi!
(Thưa với hư không)
Con người trong thơ Bùi Cửu Trường là con người hòa nhập, nhưng dường như lúc nào cũng cảm thấy cô đơn và đầy ắp những nỗi lo âu, tự vấn. Đôi lúc, nhà thơcảm thấy bất lực:
Hỏi mình... Mình chả biết đâu/ Ra sông mà hỏi nhịp cầu chông chênh/ Bụi mưa sớm rớt lạnh tanh/ Hững hờ chiều gió quẩn quanh gai rào// Tại làm sao? bởi làm sao?/ Dại khờ cánh nhạn sa vào lưới giăng/ Thượng huyền ngơ ngác ngóng rằm/ Hạ huyền nín dấu đăm đăm bóng vàng.// Trách khuya mờ mịt đường sang/ Trách đêm con sóng vặn ngang mái chèo/ Thuyền mui trơn nhẫy màng rêu/ Dám đâu sầm sập cố liều một khi.// Hỏi mình, Mình có biết gì.../ Chát chua dây dớt, ngãi nghì bâng quơ.../ Là trung trinh? Là dối lừa?/ Lang bang nào thiếu, nào thừa... Ai hay?!// Này trời tỉnh, này đất say/ Phẩy tay... Năm tháng đêm ngày./ Thế thôi!// Câu thề sặc trắng bụi vôi/ Gập ghềnh tròn méo Thiên thai .../ Liệu rằng...! ...(Hỏi).
Bên cạnh những vần thơ viết về quê hương, người thân, thế sự…Bùi Cửu Trường còn có nhiều bài thơ viết về tình yêu, với nhiều những cung bậc tình cảm và sắc thái khác nhau.
- Xin đừng nói yêu/ lời yêu sao bền khi cõi đời giả tạm?/ Xin đừng thề hẹn/ thề hẹn sao khi đá núi vẹt mòn?!/ Vết đỏ son/ Vệt môi tình vẫn đậm./ Neo hồn người dấu trong sâu thẳm/ Tim ta.(Để lại).
- Buồn vì mây cuốn nắng trưa/ Ngắm vu vơ/ ngọn gió lùa ngọn cây/ Ngoài thềm / hoa sữa rơi đầy/ Thương ai/ Mà mãi đến rày vẫn thương(Vu vơ).
- Yêu cho lật đất, sụt giời/ Cho tương tư rối bời bời áo khăn(Nõn nà ơi).
Hình ảnh thiên nhiên trong thơ chị đầy màu sắc, sinh động, gợi cảm, có hồn. Bùi Cửu Trường thường mượn hình ảnh thiên nhiên để bộc lộ thế giới nội tâm của mình.
Với ngôn ngữ tự nhiên, sự phong phú các thể loại thơ,Bùi Cửu Trường đã đem đến cho người đọc những sắc màu, giai điệu, cung bậc đa dạngcủa đời sống.Những vần thơ ám ảnh, quặn thắt niềm thương, nỗi nhớ - trong đólà nhữngnỗi đau, nỗi cô đơn, baokhát vọng cháy bỏng về tình yêu - hạnh phúc và cả những triết lýsâu sắc, nhân bảnvề cuộc đời.
Nguyễn Văn Hoà
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bui-cuu-truong-nguoi-lam-tho-va-choi-tho-me-dam-a14520.html