Tuyên Quang có thêm 2 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa có các quyết định công bố bổ sung 10 di sản vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trong đó, tỉnh Tuyên Quang có thêm 2 di sản được công nhận.

nguoi-mong-hoa-tq-1659956630.jpg

Thiếu nữ Mông xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) học thêu thùa. Ảnh: Quang Minh

 

Quyết định số 1842 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về việc đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Tri thức dân gian nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên,  Chiêm Hoá, Na Hang, Yên Sơn (Tuyên Quang).

Quyết định số 1846 của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về việc  đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Đại Phan của người Sán Dìu, tỉnh Tuyên Quang.

Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giao cho Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Người Mông ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu ở các xã vùng cao của các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên. Các nhóm dân tộc Mông được phân biệt bởi cách phát âm khác nhau và các đặc điểm, màu sắc trên trang phục của phụ nữ với 3 nhóm chủ yếu là Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đen.

Trang phục truyền thống của người Mông Hoa mang vẻ đẹp đặc trưng với các họa tiết hoa văn rực rỡ của sự phối màu hài hòa các gam màu ấm, màu chủ đạo là: Đỏ, hồng, vàng, cam xen lẫn một số ít hoa lá màu xanh lá cây, trắng trên nền vải chàm hoặc đen, tuy nhiên màu đỏ tươi vẫn là màu chủ đạo.

Vì vậy, trang phục truyền thống của đồng bào Mông Hoa cũng rất cầu kỳ từ kỹ thuật vẽ và in hoa văn bằng sáp ong trên vải, thêu thùa, đến cách cắt khâu đến hoa văn, cách tạo hình… và đặc biệt là màu sắc trang trí nhất thiết phải có đủ năm màu cơ bản, tạo nên sắc thái riêng biệt trong văn hóa trang phục của đồng bào.

Người Sán Dìu ở Tuyên Quang có trên 3.500 hộ với trên 15.000 nhân khẩu tập trung ở các xã Ninh Lai, Thiện Kế, Sơn Nam (huyện Sơn Dương). Đại Phan là một lễ hội quan trọng của cộng đồng người Sán Dìu, được tổ chức để cầu mong cho dân làng được an yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, xua đuổi tà ma. Nghi lễ Đại Phan chứa đựng nhiều quan niệm giáo dục, triết lý về nhân sinh quan nhằm hướng con người tới chân - thiện - mĩ và là nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của người Sán Dìu cần được lưu giữ, bảo tồn, phát huy.

Đến nay, Tuyên Quang đã có 12 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Các di sản đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của người dân Tuyên Quang, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, góp phần phát triển du lịch.

Lê Hoàn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tuyen-quang-co-them-2-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-a14549.html