Nhà báo, tuyển thủ quốc gia Vũ Mạnh Hải

Tháng 11 năm 1967, thượng úy Ngô Xuân Quýnh, đại úy Nguyễn Văn Tiền, trung uý Nguyễn Minh Cảnh và trung uý Phùng Công Hùng dẫn 26 cầu thủ trẻ của Thể Công sang Triều Tiên tập huấn một năm.

vu-manh-hai-1659963270.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Từ nơi sơ tán ở Hoài Đức, đoàn theo xe tải sang đất Trung Quốc rồi đi tiếp bằng tàu hỏa đến sông Áp Lục ở biên giới Triều Tiên, đổi tàu đi tiếp đến Bình Nhưỡng.
Đoàn cầu thủ trẻ Thể công khi đó có Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), Vương Tiến Dũng, Nguyễn Văn Nhật, Vũ Đình Bội, Ngọc Chi, Duy Phú… và đặc biệt là Vũ Mạnh Hải.
Sở dĩ gọi ông Vũ Mạnh Hải là đặc biệt vì duy nhất trong làng bóng đá, ông này vừa là tuyển thủ quốc gia, sau này lại còn là quan chức Liên đoàn, là dân làm báo với chức danh Tổng biên tập báo Bóng đá.
Ông này cũng thuộc diện dân phủi, la cà quanh các sân cỏ Hà Nội đá phong trào.
Nhiều cầu thủ đã thành danh rất ngại vào sân khi rời bóng đá đỉnh cao. Họ sợ khi gối đã mỏi, chân đã chồn, thao tác không được như ý dễ bị bọn trẻ trâu chê trách. Đến như những tượng đài bóng đá khi về với đội bóng Đống Đa của ông Huy “lô”, đá hỏng một quả còn bị bọn sửu nhi cười khẩy nữa là.
Riêng ông Vũ Mạnh Hải và nhiều danh thủ khác như các ông Minh “mã”, Sơn “min”, Hùng “xồm”, Hải “lơ”, Chung “xe ca”… mặc kệ.
Già thì đá kiểu già. Hồi còn đương chức, đội Báo Bóng đá của ông Vũ Mạnh Hải luôn đắt sô mời của các đội bóng phong trào. Cũng từ đấy, giới bóng đá phủi Hà thành gọi ông là Hải “báo”.
Hồi học bên Triều Tiên, ông Hải “báo” và các cầu thủ trẻ học được tính kỷ luật, bài tập phối hợp ngắn, chuyền bóng sệt và màn “nhồi thể lực” khi trận nào cũng phải thi đấu đủ 120 phút.
Về nước, ngay lập tức các cầu thủ trẻ đã tạo nên khác biệt với các đàn anh. Lối đá nhanh giàu thể lực đã được tướng Vương Thừa Vũ “khoái” và ông yêu cầu đội Thể công áp dụng trong thi đấu. Cũng vì vậy, ông Vũ Mạnh Hải và nhiều cầu thủ trẻ đã sớm được đôn lên đội 1.
Suốt thời vàng son của Thể công, ông Vũ Mạnh Hải đã cùng các ông Mỵ, Dũng tạo nên “tam giác huyền ảo khu trung tuyến” của đội. Lứa 26 cầu thủ trẻ đi tập huấn Triều Tiên về đã là nòng cốt của đội Thể công và bổ sung nhiều tuyển thủ cho quốc gia như các ông Ba Đẻn, Giáp, Dũng, Hải, Mỵ…
Nghỉ đá bóng, ông chuyển sang công tác huấn luyện, là HLV Đội bóng đá Quân khu Thủ đô rồi làm cán bộ Tổng cục TDTT, rồi cơ duyên đưa ông đến với nghề làm báo.
Từ những bài bình luận, tiến đến tổng hợp và nhận định tương lai bóng đá Việt Nam, ông được giao phụ trách báo Bóng đá thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thời khó khăn chung của cả nước.
Ông Vũ Mạnh Hải còn là Trưởng Ban truyền thông của VFF nhưng muốn tìm ảnh ông chụp cùng đội tuyển khi chiến thắng để đăng báo thì tìm không ra. Có lẽ ông sợ mình không “ăn ảnh”.
Thời bao cấp, làng báo cũng “teo tóp” theo nhưng báo Bóng đá vẫn “khỏe re”. Đánh trúng thị hiếu độc giả với những bài viết chuyên sâu, báo Bóng đá đã tạo đà cho những tờ báo khác ra những bản tin nhanh mỗi khi thế giới tổ chức vòng chung kết bóng đá.

Chuyện làng quê

Hồ Công Thiết

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nha-bao-tuyen-thu-quoc-gia-vu-manh-hai-a14552.html