Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 34)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ 34.

Nguyễn Thái Học dừng lại. Dù là họp bí mật nhưng hội trường vang lên tiếng vỗ tay như tràng pháo mãi không dứt. Sau khi tràng vỗ tay dứt, Nguyễn Thái Học hỏi:

-Còn đại biểu nào phát biểu?

Im lặng. Vài phút sau, Nguyễn Thái Học nói:

-Đảng đã dân chủ bàn bạc. Bây giờ chúng ta lấy biểu quyết của đại biểu. Ai không tán thành tổng khởi nghĩa, xin giơ tay?

ch1ah2vnqdd-1660121558.jpg
Ảnh: Internet

 

Khoảng 30 cánh tay giơ lên. Nguyễn Thái Học đếm và nói:

-30 đại biểu. Ai đồng ý tổng khởi nghĩa giơ tay?

Nguyễn Thái Học đếm và nói:

-170 đại biểu. Như vậy đa số các đại biểu tán thành tổng khởi nghĩa. Tôi thay mặt Đảng tuyên bố, Việt Nam Quốc Dân Đảng bước vào thời kỳ tổng khởi nghĩa lật đổ nền bảo hộ của Pháp, giành độc lập dân tộc, xây dựng thiết chế cộng hòa, độc lập, dân chủ, tự do ở Việt Nam.

Nguyễn Thái Học đọc lời “Hiệu triệu tổng khởi nghĩa”.

Nguyễn Thái Học dứt lời, một tràng vỗ tay lại vang lên như pháo nổ mùa xuân. Các đại biểu chào Đảng kỳ rồi Đại hội bế mạc. Các đại biểu tản về các địa phương triển khai "Nghị quyết Tổng khởi nghĩa" của Đảng ở các chi bộ cơ sở.

Sau Đại hội Đảng ở làng Đức Hiệp, để xúc tiến tổng khởi nghĩa, ngày 26 tháng 1 năm 1930, Hội nghị ban chấp hành Trung ương họp tại làng Mỹ Xá, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Hội nghị này đã quyết định khởi nghĩa ở một số nơi là đô thị và những điểm quân sự quan trọng của Pháp như Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại, Hưng Hóa, Lâm Thao, Hà Nội. Không lâu sau, Hội nghị bí mật của Tổng Bộ ở Yên Tử, Quảng Ninh chỉ định chỉ huy khởi nghĩa ở các địa phương:

Yên Bái do Trần Văn Liêm, Thanh Giang và Nguyễn Văn Khôi chỉ huy.

Hưng Hóa và Lâm Thao do Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy.

Sơn Tây do Phó Đức Chính chỉ huy.

Phả Lại, Hải Dương do Nguyễn Thái Học chỉ huy

Hải Phòng, Kiến An do Hồ Văn Mịch chỉ huy.

Hà Nội do Đoàn Trần Nghiệp chỉ huy.

  Hội nghị cũng lập ra Tổng Bộ chiến tranh là cơ quan chỉ đạo   cao nhất trong tổng khởi nghĩa.

 Ngày khởi nghĩa được ấn định vào ngày 10 tháng 2 năm 1930.

VII

   Đang là mùa xuân nên thị xã Yên Bái không khí mát mẻ, nắng vàng nhạt rải xuống muôn cây lá. Dòng sông Hồng vẫn như một giải lụa muôn thuở mềm mại đưa nước về xuôi. Vài con thuyền của ngư dân trôi nổi kiếp giang hồ lang thang đây đó. Vài đàn chim tung cánh trên trời bay về tổ ấm phương xa. Trên các đường phố đang là lễ hội đền Tuần Quán nên người đi lễ hội, đi chơi xuân đông đúc. Nghĩa quân của Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng dấu vũ khí trong người, súng bom trong quang gánh hòa vào dòng người về nơi quy định. Trước đó vài ngày, cô Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Bắc cùng vài chiến sĩ nữ đã quang gánh giả đi buôn bán chuyển vũ khí từ Lâm Thao về Yên Bái bằng đường xe lửa.

  Chỉ huy khởi nghĩa Yên Bái là Nguyễn Văn Khôi, Thanh Giang và Trần Văn Liêm. Chỉ huy lính khố đỏ, khố xanh đi theo cách mạng là Ngô Hải Hoàng (Cai Hoàng), Cai Thuyết. Trong hành dinh khởi nghĩa, Trần Văn Liêm ra lệnh:

-Ngài Nguyễn Văn Khôi.

-Có.

-Ngài dẫn 30 tay súng đánh chiếm thị xã Yên Bái

-Tuân lệnh.

-Ngài Thanh Giang.

-Có.

-Ngài bí mật đem 30 nghĩa quân đến gần đồn Dưới của Pháp, báo cho Cai Hoàng biết 1 giờ đêm nay tấn công, chiếm xong đồn Dưới thì đánh chiếm đồn Trên ở trên cao.

-Tuân lệnh.

Trần Văn Lâm nói thêm.

-Nhớ là đánh đến đâu treo Đảng kỳ đến đó và phát bài “Hịch kêu gọi Tổng Khởi nghĩa” của Đảng.

-Rõ, tuân lệnh.

Màn đêm buông xuống dần, thị xã trung du chìm vào yên tĩnh. Chỉ còn những tên lính Pháp đi tuần tiễu về đêm bước đi trên đường phố. Đúng một giờ đêm ngày 9 tháng 2 năm 1930, nghĩa quân nổ súng bắn chết bọn lính đi tuần rồi đánh chiếm nhà ga, bưu điện. Trong đêm, lá cờ nửa vàng nửa đỏ bay phấp phới trên nóc nhà bưu điện và nhà ga. Một bộ phận nghĩa quân tiến đánh dinh Công sứ pháp và dinh Tổng đốc Yên Bái nhưng quân Pháp đóng cửa cố thủ, không nghênh chiến.

Nghe tiếng súng nổ trong thị xã, Thanh Giang ra lệnh nổ súng tấn công đồn Dưới, lính khố đỏ do Cai Hoàng chỉ huy cùng nổi dậy. Ngay loạt đạn đầu, nghĩa quân đã giết chết quan ba Ju đam, quan một Rô be, viên quản Cu neo, viên đội Sơ va li ê, sĩ quan Bu hi ê. Một số sĩ quan Pháp bị thương nặng. Cai Hoàng ra lệnh:

-Chiếm kho vũ khí và lấy súng đạn nhanh.

-Tuân lệnh.

Thanh Giang hỏi Cai Hoàng:

-Đồn Trên tên nào chỉ huy?

-Đồn Trên do tên Trung tá Ai mơ Lơ Ta công chỉ huy.

Thanh Giang ra lệnh:

-Ngài chỉ huy tấn công chiếm đồn Trên.

-Tuân lệnh.

Cai Hoàng chỉ huy quân khố đỏ cùng nghĩa quân tấn công đồn Trên nhưng Ta con cố thủ, lại thêm quân khố xanh ở đây vào phút quyết định đã thay đổi thái độ, không nổi dậy theo, lại nổ súng chống nghĩa quân. Đạn từ đồi cao bắn xuống như mưa. Quân khởi nghĩa thương vong nhiều mà khi trời đã sáng vẫn không chiếm được đồn Trên

Trong đồn, 7 giờ sáng 10-2-1929 Ta con ra lệnh:

-Ngài quan ba Rô ca.

-Có thuộc cấp.

-Ngài dẫn một cánh quân tấn công quân phiến loạn trước mặt.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Ngài quan một Va ren.

-Có thuộc cấp.

-Ngài chỉ huy một cách quân tấn công sườn bên phải quân phiến loạn.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Ngài đội On li vi ê.

-Có thuộc cấp.

-Ngài dẫn một toán quân tấn công sườn trái quân phiến loạn

-Thuộc cấp tuân lệnh.

Quân Pháp mở cổng đồn từ trên cao vây bọc ba hướng tấn công nghĩa quân. Đồng thời Pháp điều máy bay lên bay thấp và xả đạn từ trên đầu nghĩa quân. Nghĩa quân bị đánh từ ba hướng và trên không trung nên hy sinh gần hết, còn một số phải rút vào rừng.

Ta con chiếm lại đồn Dưới. Quân khởi nghĩa chỉ làm chủ được thị xã Yên Bái và đồn Dưới được một đêm. Quân Pháp bắt được 4 cai, 22 lính khố đỏ cùng 25 nghĩa quân. Chúng còn nhặt được những tờ “Hịch kêu gọi khởi nghĩa” ở trại lính và nhiều nơi trong thị xã:

“Đuổi giặc Pháp về nước Pháp,

Đem nước Nam trả lại người Nam

Cho trăm họ khỏi lầm than

Được thêm phần hạnh phúc”.

Tại Hưng Hóa, trong đêm ngày 9 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh:

-Ngài Phạm Nhuận.

-Có thuộc cấp.

-Ta sẽ phụ trách đánh đồn Hưng Hóa, ngài đem quân đánh phủ huyện Lâm Thao.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

Phạm Nhuận kéo 100 quân đi. Mỗi nghĩa quân có băng vàng ghi chữ “Quân cách mạng” quấn vào cánh tay. Trong đêm, lá cờ nửa đỏ nửa vàng tung bay theo bước của nghĩa quân.

3 giờ sáng ngày 10 tháng 2 năm 1930, nhận được pháo hiệu bắn lên báo giờ khởi sự, Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh:

-Hỡi quân cách mạng vinh quang, hãy tấn công đồn Hưng Hóa, tiêu diệt kẻ thù.

-Tuân lệnh.

Nghĩa quân nổ súng vào đồn. Phó chỉ huy Thúy của nghĩa quân đọc “Hịch kêu gọi khởi nghĩa” kêu gọi binh lính quay súng về với cách mạng. Trong đồn bắn ra, Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh:

-Ném bom vào đồn.

Nghĩa quân ném bom tự chế vào đồn nhưng chất lượng thuốc nổ kém, vỏ bom phần lớn đúc bằng xi măng nên không có hiệu quả sát thương cao. Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh:

-Rút về Lâm Thao hỗ trợ cho Phạm Nhuận.

Tại Lâm Thao do bị tấn công bất ngờ, tri phủ Đỗ Kim Ngọc chạy trốn. Phạm Nhuận ra lệnh:

-Chiếm công đường của phủ

-Tuân lệnh.

Nghĩa quân tiến vào treo cờ vàng đỏ lên nóc phủ đường, thu súng đạn, công văn, giấy tờ nhưng vẫn chưa tiêu diệt được lính lệ đang cố thủ ở lô cốt cạnh công đường. Hai bên bắn nhau dữ dội cho đến sáng. 10 giờ sáng thì có lính về báo:

-Dạ báo cáo chỉ huy, Công sứ Hưng Hóa So vét đem quân tiếp viện đã đến nơi.

Phạm Nhuận ra lệnh:

-Chuẩn bị đánh quân tiếp viện.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vii-tieu-thuyet-lich-su-ky-34-a14599.html