\Hôm nay ngày mười một, tháng bẩy (âm lịch), buổi chiều trời đổ cơn mưa rất to.
Nhớ ngày xưa, cứ vào đầu tháng này, U tôi lại đọc một câu vần, nói về mưa ngâu “Vào mùng ba, ra mùng bẩy, giãy mùng tám, núm nám mùng mười. Sợ chị em cười, ở đến ngày mười một”. Có lẽ hôm nay là ngày cuối cùng của vợ chồng (nhà ngâu) gặp nhau, nên trời mới có trận mưa to đến như vậy.
Nhìn những giọt mưa ngâu rơi xuống mặt đất, ao hồ…nổi bong bóng. Bất chợt tôi lại nhớ đến một lời ru se sắt, đã tạc vào tâm khảm của tôi hơn năm mươi năm qua.
Ngày ấy tôi mới bẩy tuổi, đang học lớp vỡ lòng. Buổi chiều đi học, buổi sáng Thầy U giao ở nhà trông em. Em gái tôi (cái Tý) gần ba tuổi, nhưng còi cọc, ốm yếu lắm. Cái Tý mặc dù đã ăn được cơm nát, cháo đặc, nhưng U thương nó ốm yếu lại là út ít, nên vẫn cho bú.
Tôi trông em, cứ nửa buổi thì lấy bát cháo xúc cho em ăn. Cái Tý đã quen lệ, cứ nghe thấy tiếng trống báo tan tầm của HTX, là nó đòi anh bế ra đầu xóm đón U đi làm đồng về.
Hôm ấy, tôi bế em đi đón U. Ra đến đầu xóm đã thấy mấy bà, mấy cô làm đồng về xuống cầu ao rửa chân tay. Cái Tý không thấy U đâu, nó buồn lắm! Cô Xuân đang rửa chân bảo “U mày còn cắt thêm gánh cỏ, tý nữa mới về”.
Trong xóm, phía nhà bà cụ Từ có tiếng em bé sơ sinh khóc ngàn ngạt, tiếng khóc này anh em tôi đã nghe thấy từ sáng rồi.
Trong tiếng khóc ngạt ấy, bỗng cất lên lời ru trầm buồn của cụ Từ:
“À…à…ơi..!
Trời mưa bong bóng bập bồng
Mẹ đi lấy chồng, con ở…với ai
Con ở với…bà! Bà không có…vú
Con ở với…chú! Chú là đàn…ông
À…à…ơi..!”
Nghe lời ru của bà cụ Từ. Mấy bà, mấy cô đang rửa chân tay ở cầu ao không cầm được nước mắt. Ai cũng sụt rùi, đưa vạt áo lau nước mắt. Cô Xuân nước mắt lưng tròng “Khổ thân thằng bé mới gần ba tháng tuổi, mẹ bỏ đi…nó khát sữa đây mà”.
Mấy bà, mấy cô còn đang lau nước mắt, thì U tôi gánh gánh cỏ về đến. Cô Xuân tươi tỉnh hẳn lên “May quá! Chị vào nhà cụ Từ cho thằng bé bú tạm miếng, nó khát sữa lắm rồi”.
U tôi hạ gánh cỏ, xuống ao rửa vội tay chân. U đi như chạy vào nhà cụ Từ, tôi bế em chạy theo. Trên tay cụ Từ đang bế đứa trẻ nhỏ xíu, tiếng khóc của nó như khản đặc…U tôi vào đến “Bà đưa thằng bé cho con”. Cụ Từ truyền thằng bé sang tay U.
U tôi vỗ về “Ôi! Bác thương! Bác thương! Khát sữa hả? Bú miếng nào”. U vạch áo cho em bé bú, nó mút hóp cả má…hết bên này, U lại chuyển sang bên kia. Em bé bú sữa U tôi, no bụng đang thiu thiu ngủ.
Bà cụ Từ giọng như nghẹn lại “May quá! Có mẹ đĩ về kịp, cho cháu bú, chứ suốt từ sáng nó cứ khóc ngạt. Không chịu uống nước cơm pha đường, sữa hộp pha ra nó cũng không uống. Khổ thân cháu tôi, nó thèm bầu vú mẹ…”
Xem chừng em bé đã ngủ say. U nhẹ nhàng truyền em bé sang tay cụ Từ “Cụ cho cháu ngủ! Con về nhà còn lo cơm nước, chiều con lại sang cho cháu bú”.
Không hiểu làm sao mà cái Tý em tôi, hôm nay nó lại hiền thế? Chứ mọi hôm, cứ thấy U về là nó xà vào lòng, vạch áo U bú luôn. Chắc nó cũng biết, em bé đang cần được bú sữa hơn, nên nó nhường em.
Em bé (bé Kiên) mới gần ba tháng tuổi, con của chú Bình. Chú Bình là con trai cụ Từ làm ở trên tỉnh (cụ Từ ông mất từ khi chú Bình còn đang học lớp một). Cách đây hai ngày, vào buổi chiều muộn, chú Bình bế bé Kiên về bảo với cụ Từ “U nuôi thằng bé giúp con, mẹ nó bỏ đi rồi. Con còn bận công tác, mới lại đàn ông, con trai nuôi trẻ nhỏ vụng lắm”. Chú Bình giúi vào tay cụ Từ mấy chục đồng, mở túi lấy mấy hộp sửa với cân đường kính “U cầm tạm mấy đồng…nuôi cháu giúp con, tuần sau con lại về”.
Chú Bình ở nhà với bé Kiên một đêm, sáng sớm hôm sau chú phải lên tỉnh để đi làm.
Bé Kiên ở nhà với cụ Từ, cụ pha sữa, nước cơm đường cho nó ăn. Được hai ngày cũng thấy ổn. Nhưng hôm nay nó yếu người, nên không chịu ăn sữa pha, nước cơm đường. Nó cứ khóc như xé vải suốt cả buổi sáng. Cụ Từ bế dỗ dành cháu, mà lòng như xát muối. Nó là cháu (đích tôn) của cụ. Nên Cụ thương lắm, nhưng cụ già rồi…muốn cho cháu bú cũng không được.
Chú Thường là em trai chú Bình mới mười sáu, mười bẩy tuổi đi làm đồng về, thấy cháu khóc quá, vào bế dỗ dành. Nhưng cũng không ăn thua gì. Vì chú Thường là đàn ông, làm sao có vú mà cho cháu bú.
Thế là cứ ngày hai buổi, cụ Từ bế bé Kiên sang nhờ U tôi cho bú. Bé Kiên càng lớn, càng bú khỏe, U tôi vừa cho cái Tý bú, vừa cho bé Kiên bú. Nên không đủ sữa, nhiều hôm cụ Từ phải bế bé Kiên lên tận xóm giữa, xóm trên xin mấy cô đang nuôi con nhỏ cho bé Kiên bú trực.
Bé Kiên tuy không được mẹ nó nuôi dưỡng. Nhưng được sự yêu thương của bà, của bố, của chú…cộng với sự giúp đỡ, chia sẻ của bà con xóm làng. Thời gian trôi đi…nó chập chững biết đi, rồi bập bẹ gọi bà, gọi bố…
Bé Kiên bú U tôi, nên nó quen hơi, nhiều hôm nó không chịu ngủ với cụ Từ, nhất là lúc nó mọc răng, yếu người quấy khóc. Cụ Từ lại bế bé Kiên sang nhà tôi “Mẹ đĩ đâu rồi? Cho cháu ngửi hơi tý nào”. U tôi đón bé vào giường cho bú, nựng yêu một lúc là nó lăn ra ngủ. Cụ Từ vào định bế đưa về, vừa nâng khỏi chiếu thì nó lại khóc ré lên. Mấy lần không được…cụ đành để nó ngủ với U tôi. Sáng hôm sau cụ mới sang đón.
Tôi vẫn phải trông cái Tý! Nhiều hôm xúc cháo cho em ăn, nó cứ ngúng nguẩy…tôi chí tay vào trán nó, mắng “Mày đầy miệng răng, ăn cháo thôi! Để sữa cho em Kiên bú chứ!”. Cái Tý ngọng nghịu “Không..! Em phải bú U cơ”. Giọng của em tôi, bây giờ nghĩ tới vẫn thấy thương!
Chú Bình làm việc nhà nước ở trên tỉnh. Chú cưới cô Mai, gái phố buôn bán ở chợ. Vợ chồng chú sinh bé Kiên được gần ba tháng, thì cô Mai đi theo người tình cũ là người đàn ông lái buôn đường dài. Cô bỏ lại bé Kiên cho chú Bình nuôi, không một lời trăng trối.
Chú Bình là người biết nghĩ. Lần nào chú về cũng mua cho mấy anh em tôi gói kẹo, biếu Thầy tôi gói chè Thanh Mai, mua cho U tôi mảnh vải. Có lần chú giúi vào tay U tôi mấy đồng “Chị cầm lấy, bồi dưỡng…để còn có sữa cho con em bú nhờ ạ”.
U tôi cương quyết không nhận, chú nói như khóc “Chị thương em, thương cháu thì chị cầm tiền giúp em! Em xin chị”.
Bé Kiên chập chững biết đi, cô Mai cũng vài lần về tìm gặp con. Nhưng lạ thay, cứ nhìn thấy cô là thằng bé lại khóc bỏ chạy.
Khi bé Kiên được ba tuổi, thì chú Bình lấy vợ khác là người cùng cơ quan với chú. Chú đón nó lên tỉnh, được vài ngày nó khóc không chịu ăn cơm. Nhất quyết đòi về với bà, với bác Hợi (tên U tôi). Chú Bình đành phải đưa nó về cho cụ Từ nuôi.
Thằng Kiên học hết cấp một, sang cấp hai, cụ Từ cũng già yếu, chú Thường thì đi bộ đội. Vợ chồng chú Bình nhiều lần về đón nó lên tỉnh học, nhưng nó cương quyết ở lại với bà nội.
Cụ Từ ốm vài ngày rồi qua đời. Chú Bình về quê lo hậu sự, xong việc muốn đón Kiên lên tỉnh sống cùng gia đình chú. Nhưng thằng Kiên vẫn không đi, nó bảo “Để con ở nhà hương khói cho bà”. Chỉ đến khi U tôi sang giải thích, động viên thì Kiên mới chịu theo chú Bình lên tỉnh.
Năm tháng dần trôi, thằng Kiên cũng trưởng thành có việc làm ở trên tỉnh. Thầy U tôi cũng già yếu, ngày U tôi ốm nặng, chú Bình đưa thằng Kiên về thăm hỏi. Hôm U tôi qua đời, Kiên về cùng anh em tôi lo hậu sự, trước hương án có di ảnh U tôi, nó khóc nức nở gọi “U ơi..! U ơi..!”. Cả họ không ai cầm được nước mắt!
Đã gần hai mươi năm U tôi về cõi Vĩnh hằng! Nhưng tình thương và nỗi nhớ U của anh em tôi không hề phai nhạt. Nhất là vào dịp Vu Lan, tháng bẩy âm lịch với những cơn mưa ngâu rả rích, bóng nước bập bồng.
Nhìn những bóng nước bập bồng, lại nhớ lời hát ru của cụ Từ năm xưa…lời ru se sắt, không những đã tạc vào tâm khảm tôi quá nửa cuộc đời. Lời ru ấy chắc chắn còn theo tôi đến hết cuộc đời.
Chuyện làng quê
Nguyễn Hộp
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mua-bong-bong-nho-loi-ru-xua-a14628.html