Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 35)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ 35.

Quân của Nguyễn Khắc Nhu vừa tới cũng tham chiến. Hai bên nổ súng vào nhau kịch liệt. Phủ Lâm Thao ngập tràn khói lửa và tiếng nổ vang như pháo rền vang. Công sứ Chauvet bị một phát đạn vào vai kêu lên một tiếng và gục xuống. Nhưng quân Pháp đông như kiến cỏ. Quân khởi nghĩa hy sinh gần hết. Nguyễn Khắc Nhu bị thương ở đùi, máu chảy đầm đìa, quân Pháp xông vào bắt sống, ông rút chốt quả tạc đạn và nằm đè lên để tự sát. Tạc đạn nổ, Nguyễn Khắc Nhu chỉ bị thương vào bụng và vào ngực, quân Pháp nhồi ruột ông bị lồi ra vào bụng và bắt ông đem lên thuyền trở về Hưng Hóa. Ra đến giữa sông, Nguyễn Khắc Nhu nhảy xuống sông tự vẫn nhưng quân Pháp lại vớt ông lên, đưa về giam ở nhà lao Hưng Hóa. Nguyễn Khắc Nhu đập đầu vào tường mà chết. Đó là ngày 11 tháng 2 năm 1930, khi đó ông mới 49 tuổi.

ch1ngthaihocj1-1660215349.jpg
Danh sách 13 người thụ án tử hình của khởi nghĩa Yên Bái. gồm: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tự (Tử) Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà văn Lào (Lạo), Đào Xuân Nhất (Nhít), Ngô Văn Du, Nguyễn văn Cửu, Nguyễn Như Liên, Nguyễn Văn Tiềm, Lê văn Tụ, Nguyễn Văn Tính. Nguồn: Internet

 

Sau Yên Bái, đến lượt khởi nghĩa Hưng Hóa thất bại, một số nghĩa quân bị bắt trong đo có Bùi Văn Mai, Ủy viên Trung ương Đảng.

Tại hành dinh của tổng khởi nghĩa đặt tại Hải Dương, sáng 13 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Thái Học đang ngồi theo dõi diễn biến của khởi nghĩa ở các địa phương thì có liên lạc về báo:

-Dạ bẩm Chủ tịch, các tỉnh Yên Bái, Hưng Hóa vẫn khởi nghĩa theo kế hoạch cũ ạ.

Nguyễn Thái Học hỏi:

-Vì sao vậy, ta đã ra lệnh hoãn khởi nghĩa đến 15 tháng 2 cơ mà?

-Dạ liên lạc viên của ta dọc đường bị Pháp bắt cho nên ngài Thanh Giang ở Yên Bái và Nguyễn Khắc Nhu ở Hưng Hóa không nhận được lệnh thay đổi thời gian ạ.

Lại có liên lạc viên về báo

-Dạ báo cáo Chủ tịch, khởi nghĩa Yên Bái, quân ta đã làm chủ thị xã, chiếm được đồn Dưới nhưng đến sáng quân Pháp ở đồn Trên phản công, chúng lại cho máy bay bắn trên đầu, quân ta hy sinh gần hết, còn lại rút vào rừng, Khởi nghĩa Yên Bái đã thất bại rồi ạ.

Lại có tin về báo:

-Dạ báo cáo Chủ tịch, khởi nghĩa Hưng Hóa, quân ta đã chiếm được phủ đường phủ Lâm Thao nhưng hôm sau quân Pháp từ Phú Thọ lên phản công. Nghĩa quân bị hy sinh gần hết, ngài Nguyễn Khắc Nhu bị bắt vào nhà lao Hưng Hóa nhưng đã đập đầu vào tường tự sát, ngài Bùi Xuân Mai bị bắt rồi ạ.

Trái tim Nguyễn Thái Học bỗng đau nhói:

-Hả, Nguyễn Khắc Nhu tự sát chết rồi sao?

-Dạ, thưa Chủ tịch.

Lại có tin báo về:

-Dạ, thưa Chủ tịch, kế hoạch tấn công đồn Chùa Thông ở thị xã Sơn Tây bị lộ, ngài Phó Đức Chính bị Pháp bắt ngày 10 tháng 2 năm 1930 rồi ạ.

Do bị hoãn lại theo kế hoạch mới cho nên các cuộc khởi nghĩa ở miền xuôi mãi tới 14 tháng 2 năm 1930 mới bùng nổ. Tại Thái Bình, đêm 14 tháng 2, nghĩa quân đánh chiếm được phủ đường Phủ Dực nhưng tên tri huyện Trương Trọng Hiền trốn thoát. Nghĩa quân đã đốt giấy tờ, sổ sách, chiếm kho súng đạn và tự giải tán. Tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng, nghĩa quân do Trần Quang Diệu chỉ huy đã phục kích bắn bị thương tri huyện Hoàng Gia Mô, cháu nội Hoàng Cao Khải, bắt sống và xử tử tại Vĩnh Bảo. Tại Vĩnh Bảo kế hoạch khởi nghĩa bị lộ. Tên công sứ La xa len và Phó Công sứ L. Gô re đã bắt giam toàn bộ lính khố đỏ đi theo cách mạng nên họ không nổi dậy phối hợp được. Tại Hà Nội, đội cảm tử của Đoàn Trần Nghiệp đã đặt 2 quả bom ở nhà Chánh mật thám Ac nu, đặt ở Hỏa Lò 8 quả, Sở Sen Đầm 2 quả, cảnh sát quận 1 hai quả, cảnh sát quận 2 hai quả, Bọm nổ nhưng không tên Pháp nào thiệt mạng. Đoàn Trần Nghiệp bị Pháp bắt ở Nam Định do đội Tảo phản bội chỉ điểm và bị hành quyết tại Hà Nội.

 Trong những tháng đầu năm 1930, Toàn quyền Đông Dương Pi e Pa ki ê chịu nhiều áp lực nặng nề bởi cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Chính phu Pháp dọa cách chức Toàn quyền nếu như không dẹp được phiến loạn. Hàng tập báo tại Pháp và tại Đông Dương lần lượt đăng bài chỉ trích Chính quyền Đông Dương. Thậm chí  báo chí của Đảng Xã Hội, Đảng Cộng Sản Pháp còn ca tụng sự bất khuất anh dũng của cuộc khởi nghĩa, của nhân dân Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng quả nhiên đã làm chấn động nước Pháp và Đông Dương.

Sáng hôm nay sau bữa ăn sáng, Toàn quyền P. Pa ki ê gọi điện cho Thống sứ Bắc Kỳ Ro bin, giọng của Pa ki ê gay gắt:

-Ngài xử lý cuộc bạo loạn của Việt Nam Quốc Dân Đảng thế nào rồi?

-Thưa ngài Toàn quyền, thuộc cấp đang xử lý ạ.

-Đang đang cái gì, ngài chờ cho đến khi chúng nổ bom hoặc tấn công vào phủ Toàn quyền, hay phủ Thống sứ của ngài chăng?

-Dạ không thể…

-Thế nào là không thể, trên đời này không có cái gì là không thể. Ta ra lệnh cho ngài trong một thời gian ngắn phải thực hiện: thứ nhất, bắt hết những nhân vật chủ chốt của Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhất là Nguyễn Thái Học. Truy nã khắp nơi, phong tỏa tất cả những nơi mà chúng đã nổi dậy và khủng bố ác liệt, dùng máy bay ném bom vào những nơi nghi ngờ chúng đang trú ẩn như các làng Cổ Am, Võng La, Xuân Lững, Sơn Đường, Kha Lẫm là những nơi từng là cơ sở cách mạng, nay có thể là  nơi chúng đang về lẩn trốn và được che dấu. Thứ hai, đàn áp và quản thúc tất cả các làng Thổ Tang, Bắc Giang là quê hương của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu. Quản thúc và canh phòng nghiêm ngặt gia đình Nguyễn Thái Học và Nguyên Khắc Nhu. Dùng máy bay trinh sát và tuần tra gắt gao các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hải Dương, Kiến An, Hải Phòng, Sơn Tây. Thứ ba, chặn tất cả các con đường sang biên giới với nước Tàu, đề phòng Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhất là các lãnh tụ chạy sang Trung Quốc.

-Dạ thưa toàn quyền, thuộc cấp đã rõ.

-Ngài cẩn thận cái ghế Thống sứ của ngài. Ngài hãy đọc các báo ở Pháp và ở Đông Dương đi. Ngài cai quản Bắc Kỳ như vậy sao?

-Dạ thưa Toàn quyền, thuộc cấp đã biết rồi ạ.

Toàn quyền Pa ki ê dập máy, vẫn chưa hết tức giận:

-Người đâu.

-Dạ.

-Ra lệnh cho các báo không được đưa tin cuộc đàn áp khốc liệt của chính quyền Đông Dương với cuộc nổi loạn của Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhất là những cuộc ném bom vào các làng sắp tới. Tờ báo nào trái lệnh, đóng cửa.

-Nhưng thưa ngài, còn quyền tự do ngôn luận do chính chúng ta đưa ra thì sao a?

-Đây là thuộc địa, thuộc địa thì làm gì có tự do dân chủ, các tòa án xét xử cũng không có luật sư, có luật sư cũng không được bào chữa. Chúng ta chỉ tuyên bố để mị dân, để đánh bóng chế độ mà thôi.

-Dạ.

Sáng ngày 16 tháng 2 năm 1930, cả làng Cổ Am đang bình yên, bỗng người ta nghe trên không trung có tiếng động cơ gầm rít và sau đó 10 chiếc máy bay nhào xuống cắt bom. Bom xé gió rơi xuống rồi nổ như sấm sét tạo nên những quầng lửa đốt cháy nhà cửa, sát hại hàng loạt con người vô tội. Phút chốc, cả làng biến thành biển lửa và chết chóc. Tiếng la hét vang trời chuyển đất. Pháp đã trút xuống làng Cổ Am 700 kg bom. Những ngày tiếp theo Pháp cho máy bay ném bom thảm sát các làng Võng La, Xuân Lững, Sơn Dương, Kha Lẫm. Ném bom thảm sát những người vô tội là vết nhơ bẩn nhục nhã nhất trong lịch sử thực dân ở thuộc địa của Pháp. Ấy vậy mà các báo ở Đông Dương im lặng trước tội ác dã man này. Chỉ có tờ “Phụ Nữ tân văn” của bà Nguyễn Đức Thuận (Cao Thị Khanh) mới dám đưa tin tức về tội ác này.

                                        VIII

                                            

Hoàng hôn tím dần đang bao trùm vùng Bắc Ninh, các mái nhà trong thôn làng đang đỏ lửa bữa cơm chiều tối, chim dáo dác bay về tổ ấm, gió xuân se lạnh. Sông Đuống tím dần in bầu trời vàng rực vẫn êm ả tuôn nước về Lục Đầu Giang.

Trong căn nhà nhỏ của Lê Hữu Cảnh ở một làng nam Bắc Ninh, khó khăn lắm Nguyễn Thị Giang mới gặp được Nguyễn Thái Học trong cơn phong ba của lùng sục, khủng bố, bắt bớ, đàn áp. Phu thê gặp nhau trong sự mừng mừng mừng tủi tủi lo âu lẫn lộn. Người này lo cho người kia. Sau một lần nước, cô Giang khuyên Nguyễn Thái Học:

-Anh tạm thời lánh sang Trung Quốc một thời gian, chúng lùng sục anh rất gắt gao, em lo quá.

Nguyễn Thái Học cầm tay cô Giang và nói:

-Anh là Chủ tịch Đảng, trong lúc nước sôi lửa bỏng này anh phải ở lại để xây dựng lại Đảng, xây dựng lại phong trào cách mạng, động viên những đồng chí còn hoạt động, những đồng chí đã bị bắt giam trong tù. Có chết cũng là “sát thân thành nhân”. Em yêu đừng lo lắng.

Cô Giang đã biết tính khí vị phu quân của mình đã nói là làm, không thể thay đổi được lòng kiên trì sắt đá của anh. Cô nén dòng cảm xúc lo lắng của mình. Nguyễn Thái Học lại nói:

-Tối nay, anh phải đi Cẩm Phả, Quảng Ninh, có lẽ để bắt đầu xây dựng, củng cố lại Đảng từ đó.

-Vâng, vậy để em nấu cơm cho anh ăn rồi đi.

Bữa cơm có ba người ăn, thêm cả Sư Trạch là người bảo vệ cho Nguyễn Thái Học từ khi thành lập Đảng. Cơm xong thì trời đã tối. Nguyễn Thái Học và cô Giang chia tay nhau. Cô có linh cảm là chuyến đi này lành ít dữ nhiều. Tiếng cô rung lên trong tay Nguyễn Thái Học:

-Anh đi phải nhớ cẩn thận, nhớ bảo trọng.

-Anh nhớ rồi, em bảo trọng, đừng lo cho anh nhiều.

Nguyễn Thái Học và Sư Trạch bước đi. Cô Giang còn dặn theo:

-Hai anh nhớ bảo trọng.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vii-tieu-thuyet-lich-su-ky-35-a14632.html