Đám cưới trong rừng

Xin được kể về một đám cưới nơi chiến trường Miền Đông. Tiểu đoàn 2 của tôi- Tiểu đoàn Tinh Nhuệ.

minh-hoa-1660276889.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Sau trận đầu đánh thắng, Tiểu đoàn lui về căn cứ huấn luyện tiếp chờ trận đánh tiếp theo. Đại đội trưởng của tôi được đưa đi cấp cứu, điều trị ở quân y Viện K10. Đơn vị cho hai chiến sĩ đi theo để chăm sóc anh, phần nào chia bớt phần khó khăn cho quân y Viện. Anh bị thương nặng nên đã mất sức chiến đấu.

Anh tuy không có mặt ở đơn vị, nhưng vẫn là quân số của Tiểu đoàn. Tiểu đoàn vẫn có trách nhiệm và quan tâm đến anh. Xuân năm 1972 anh cưới vợ, lấy cô y sĩ ở viện K10 nơi anh điều trị và an dưỡng. Anh đích thân cũng hai chiến sĩ đi bảo vệ, về tận đơn vị mời dự cưới anh.        

Đơn vị đằng nào cũng đại diện cho họ nhà trai, viện quân y là họ nhà gái, chỉ khâu đón dâu là cho qua, vì cô dâu chú rể ở cùng một chỗ.

Hai chiến sĩ ngày ấy được đơn vị cử đi chăm sóc anh kể rằng: Năm 1969 là năm vô cùng ác liệt, suốt ngày cáng thương nằm trên vai theo viện chuyển địa bàn hết chỗ nọ đến chỗ kia, vì tình hình địch xuống thang, lính Mỹ chuẩn bị rút về nước. Chúng ném bom bắn phá suốt ngày đêm, dưới đất xe tăng, M113 càn ủi bảo vệ bọn Mỹ đổ quân. Khi Bác Hồ mất là đang trong mùa mưa, đơn vị quân y lập bàn thờ viếng Bác, cài cho anh em băng tang xong là chuyển địa bàn đi trong cơn mưa rừng xối xả. Cho đến năm 1970 vết thương của anh kín miệng dần và anh đi lại được, hai chiến sĩ mới trở về đơn vị.                     

Được tin anh cưới vợ đơn vị vui lắm. Tiểu đoàn hội ý chớp nhoáng, có hai việc cần giúp anh: Một là trang trí đám cưới, hai là góp thực phẩm nấu cơm chung liên hoan mừng đám cưới. Tôi có chút năng khiếu về hội họa và thiết kế, đơn vị cử đến trước ba ngày để chuẩn bị cho đám cưới. Ở nhà anh em bẫy Cheo, chém Cá để lấy thực phẩm đến tặng đám cưới. Do ở gần địch nên không săn bắt bằng tiếng súng.                      

Bẫy Cheo, chọn giăng dàn bẫy gần suối, nơi chúng hay xuống uống nước. Làm hàng rào chắn cao khoảng 60-70cm, Cheo lần theo hàng rào, đến khoảng trống, đi qua là sập bẫy. Cheo thường bị dây bẫy chói vào chân sau. Người đánh bẫy lâu lâu đi thăm bẫy một lần, con nào mắc bẫy gỡ luôn mang về, nếu Cheo mắc bẫy lâu, có thể chúng cắn đứt dây thoát hiểm.

Chém cá suối, đèn đội đầu ban đêm chiếu xuống mặt nước, gặp cá dùng dao cùn chém. Nếu dao sắc, cá có thể đứt đôi đứt ba.chỉ vớt được khúc đầu hoặc khúc đuôi, do nước chảy mà khúc còn lại trôi mất. Nên chỉ dùng dao cùn chém, cá chỉ đau và mất sức, nên vớt dễ dàng cả con.

Tôi cùng một chiến sĩ đến quân y viện K10 ngày đầu tiên. Buổi sáng anh quản lý của K10 dẫn đoàn đi ấp mua lương thực thực phẩm cho đám cưới. Tôi ghi vào giấy cho anh quản lý mua: Một tờ giấy tô-ky khổ 80 nhân 120cm. Một hộp màu, một cây bút lông. Ba cuộn linon đủ che phủ hội trường 100m2. Đoàn đi mua lương thực thực phẩm đi ban ngày trong rừng, nhưng vào ấp ban đêm, vì địch còn chiếm đóng, cũng khó khăn gian khổ như đánh trận vậy.  

Ở nhà tôi chọn làm hội trường dưới tán lá rộng của mấy cây Bắng Lăng cổ thụ, bảo anh em dọn mặt bằng khoảng 100m2. Xong đi chặt cây rừng làm bàn ghế (những cây nhỏ đan ken lại thành mặt bàn ghế). Một số đi chặt cây to làm cột. Số chặt cây nhỏ, chặt dây mây về bện ghế, bện bàn. Cuối ngày cũng xong hội trường, chỉ đợi quản lý mua linon về lợp trên nóc là xong.

Sau bữa cơm chiều tôi tìm anh Bảy- chú rể trong ngày cưới. Lán anh ở gần lán chị Bảy cô dâu. Gặp tôi anh chị niềm nở, hỏi hết chuyện đơn vị, chuyện chiến đấu, ai còn ai mất. 

Anh đã trải qua nhiều trận chiến đấu, trận cuối của anh cũng là trận đầu tiên của tôi năm 1968. Bây giờ anh là Tiểu đoàn phó, nhưng vẫn ở Viện để điều dưỡng. Chị là nữ y tá năm đó điều trị cho anh, nay là y sĩ. Lúc anh mới vào viện, anh hai sáu, chị hai mốt. Sau bốn năm anh chị yêu thương nhau và làm lễ cưới.

Ngày thứ hai ở viện K10 tôi mang giấy màu bút ra vẽ trang trí. Trước khi vẽ vào giấy tô-ky, tôi phác trước ra cuốn sổ tay, vẽ nháp. Tôi cùng chiến sĩ của tôi, vừa vẽ vừa ngồi uống nước, có cô y tá chạy ra xem: "Các anh vẽ cho đám cưới anh Bảy chị Bảy ạ"? "Vâng cô"! Cô y tá tiếp: "Các anh vẽ anh chị ngồi khoác súng cho đúng cảnh chiến trường ạ". Chiến sĩ của tôi reo lên: "Đúng anh, vẽ thế đi". Tôi bảo: 

 - Không được, thế khác nào ngồi gác chứ đâu phải cô dâu chú rể trong ngày cưới, mà phải Anh mặc quân phục, chị mặc áo Bà Ba, quần Mỹ A, mũ tai bèo hất phía sau lưng là có khí thế quân Giải phóng. Anh chị trao nhau bó hoa rừng.

Tôi vừa phác vừa nói nên ý tưởng của mình. Cô y tá cùng chiến sĩ đồng thanh: "Đúng ạ". Đặt giấy lên mặt bàn, đồng đội của tôi phụ giúp pha màu nước, có sáu màu tất cả. Tôi dặn pha màu nào với nhau, cứ thế đồng đội tôi làm theo. Bút lông đẫm màu, cứ thế theo ý tưởng của mình tôi phóng bút, chỉ trong mười năm Phút là hình ảnh cô dâu chú  rể ngồi dưới bóng hai cây dừa thân thiện tỏa bóng hiện lên. Anh quân phục màu lá, chị bộ Bà Ba, mũ Tai Bèo hất phía sau lưng, anh chị trao nhau nhành Phong Lan tím của núi rừng Miền Đông. Xong mảng bên trái, sang mảng bên phải,tôi chợt nhớ tới câu ca trong bài hát "Chiếc khăn tay" của nhạc sĩ Xuân Hồng. "Chỉ hồng thêu tặng người trai, chỉ vàng thêu một cành Mai, cùng đôi chim én lượn bay trên Cành". Vậy là tôi phác tiếp sang mảng bên phải, chữ lồng màu đỏ tên anh chị, nhành Mai Vàng có chim én đang bay lượn. Tiếp là dòng chữ bên dưới: "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ". Dòng chữ này, thời chiến đám cưới nào cũng có, ở đây thì lại càng thích hợp. Vậy là xong.

Tôi cùng cậu phụ việc treo bức tranh lên tấm dù vuông bằng chiếc chiếu đôi đã được căng sẵn, giữa hai cột như phông chiếu bóng, nổi bật trên khóm cây rừng. Mọi người lác đác ra xem mỗi lúc một đông. Cô y tá vừa góp ý đã kéo cả chị Bảy ra xem. Chị xem tranh và ngó về phía tôi, nói được một câu: "Em Sáu giỏi quá"! Rồi chị mắc cỡ lẩn đi mất. Chiều muộn, đơn vị tôi cho năm chiến sĩ, đưa thực phẩm sang để góp vui với nhà gái gồm: Hai nhăm kilogam thịt Cheo, mười năm kilogam cá chém dưới suối, tất cả đã qua sơ chế, nhà gái chỉ việc chế biến món ăn.

Đêm rừng Miền Đông yên tĩnh, tôi và bạn tôi nằm võng cạnh suối. Tiếng suối chảy rách róc, mùi hoa rừng thơm ngát nhẹ nhàng thoảng đến, tiếng Tắc Kè cầm canh, bạn tôi ngủ ngon lành. Tôi còn thao thức nhớ ngày mới chân ướt chân ráo có về tiểu đoàn. Được anh Bảy hướng dẫn từng động tác, chiến kỹ thuật chiến trường trong chiến đấu. Trong sinh hoạt, anh luôn là người anh cả, chăm sóc tình cảm cho anh em gắn bó đoàn kết một lòng, thống nhất một ý chí một hành động thành sức mạnh đánh thắng kẻ thù.   

Đã gần về sáng, tổ phục vụ hậu cần thức dậy làm công việc cho buổi liên hoan đám cưới. Tiếng dao, tiếng song chảo, tiếng cười nói náo động, vậy mà tôi vẫn thiếp đi trong giấc ngủ, cho đến lúc anh bạn đánh thức.

Khoảng tám giờ sáng, phái đoàn của Tiểu đoàn tôi đã sang dự mừng đám cưới. Đoàn gồm ba mươi tư người, đại diện cho cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn, chủ yếu từ cán bộ Trung đội trở lên, vậy cộng thêm tôi với anh bạn đến từ trước là ba mươi sáu người tất cả. Quà tặng của đoàn dành cho đám cưới chủ yếu là hoa, sổ tay bút bi, khăn rằn.

Vỏ hộp sữa, can nhựa cắt đôi được sử dụng làm bình cắm hoa, hai loại chính Phong Lan và Mai Vàng.

Đến giờ tốt, ban tổ chức nhắc nhở hai họ vào vị trí để khai mạc. Rồng Rắn lên mây: Hai giờ tốt liền, Thìn và Ty.

Đại diện chủ nhà phát biểu trước: Bác Giám đốc Viện, Bác sĩ Tư Minh nói nên quá trình, hai anh chị quen biết và yêu thương nhau, trong quá trình anh bị thương điều trị, chị chăm sóc điều trị vết thương cho anh. Quá trình gắn bó đoàn kết giữa Bệnh viện K10 và Tiểu đoàn 2 Tinh Nhuệ. Có một tình cảm thân thương như trong một nhà.

Đại diện họ nhà trai, chú Tiểu đoàn trưởng Út Mười Năm, nhận dâu phát biểu: Qua quá trình chiến đấu và công tác dũng cảm quên mình, hết lòng vì đồng đội của anh Bảy. Cảm ơn tinh thần phục vụ chăm sóc của chị Bảy nói riêng, và tập thể y bác sĩ nói chung của viện K10 hết lòng chạy chữa chăm sóc anh em Thương binh của Tiểu đoàn. Kết thúc là những tràng pháo tay ròn rã, vang động một góc rừng.

Tiết mục văn nghệ là tiếng hát của các nữ y tá, y sĩ của Viện. Tiếng đệm đàn của Tiểu đoàn phó, tiếng sáo trúc của Đại đội trưởng bạn tôi, với những ca khúc đi cùng năm tháng: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Xuân chiến khu, Chiếc khăn tay, Tiếng đàn Ta Lư, Anh vẫn hành quân, Miền Nam nhớ mãi ơn người...

Anh chị Bảy đi tiếp nước hai họ. Chị Bảy tiếp nước đàng trai, anh Bảy tiếp nước đàng gái. Mỗi anh chị đều có, một bình tông nước sôi úp ngược lên chiếc ca Mỹ đưng trà Bảo Lộc Lâm Đồng. Cứ rót cạn lại nhấc nhẹ cái bình tông lên và rót tiếp, vào chén (bát) mỗi người đã có sẵn.

Tiếp đến là tiệc liên hoan mặn bắt đầu. Các món khô được trải trên tàu lá chuối thay mâm. Món nấu món canh, được đựng vào những chiếc can năm lít, đã phạt đi phần trên, còn phần đáy để đựng. Các Thương binh của tiểu đoàn, được các cô y tá dìu ra ngồi chung với anh em. Thương binh nào yếu nằm cố định, được y tá y sĩ, mang thức ăn phục vụ tận nơi. Uống nước ngọt nhưng mọi người chúc tụng nhau thật vui.

Một đám cưới, hạnh phúc của mùa xuân chiến khu thật đúng nghĩa. Đơn vị tôi chia tay ra về. Tôi là người cuối cùng, còn lưu luyến bên anh chị Bảy. Anh ôm tôi vỗ nhẹ sau lưng thì thầm: "Hòa Bình về ghé thăm anh chị nha"! Tôi "Vâng", cảm giác như lời người anh trai khi tiễn tôi lên đường nhập ngũ.

Anh tên là Bảy Dũng, người Bến Tre, Chị tên Bảy Hiền, người ấp Phú Hội, Nhơn Trạch, Đồng Nai. Năm 1973 anh chị có một cháu trai. Tháng 9/1975 trước khi về Bắc, tôi đến chào anh chị, lúc ấy anh chị vẫn ở Viện K10.

Trái Tim Người Lính

Nguyễn Đăng Dung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dam-cuoi-trong-rung-a14638.html