Chở củi đi đâu

Lão Sướng tuổi sắp lục tuần, mấy chục năm công tác xa nhà. Năm ngoái lão được nghỉ hưu, về với làng quê, với họ hàng…Nhưng thoải mái và sung sướng nhất là được về với mái ấm gia đình, nơi có người vợ thảo hiền đã bao năm tần tảo thay lão chăm lo gia đình, nuôi dạy hai đứa con khôn lớn thành người.

cho-cui-di-dau-1660362312.jpg
Ảnh do tác gải cung cấp

 

Hai đứa con của lão Sướng (một trai, một gái) được học hành chu đáo, có công việc ổn định, đã lấy vợ, lấy chồng, có nhà trên thành phố.
Lão Sướng về nghỉ được ba tháng, hôm đó cơm tối vừa xong, vợ lão bảo:
- Bây giờ ông nghỉ hưu rồi, ông vẫn còn khỏe thì ở nhà trông nom vườn tược, nhà cửa. Tôi lên chỗ thằng cả trông thằng cu Tít, giúp vợ chồng nó, đỡ phải thuê người giúp việc.
- Tôi với bà già rồi, ở nhà trông nom nhau thôi. Chúng nó có con, thì thuê người bế, lớn tý nữa thì cho đi nhà trẻ.
- Thuê người bế tôi không yên tâm, đi trẻ cũng không bằng tôi trông, vừa sạch sẽ, vừa đỡ tốn tiền. Tôi đã quyết rồi, tuần sau tôi đi, không phải bàn cãi gì nữa.
Vợ lão Sướng đi rồi! Lão cặm cụi một mình, lại cơm niêu nước lọ. Quá nửa cuộc đời chinh chiến xa nhà, cơm tập thể, ngủ giường cá nhân. Bây giờ nghỉ hưu được ngủ giường đôi, nhưng chỉ có một mình, cũng chẳng khác gì giường cá nhân. Nhiều đêm một mình trong căn nhà hai tầng, bốn phòng ngủ…sao vắng vẻ thế này!  Tiếng vợ chồng con thạch sùng gọi nhau giữa đêm khuya, càng làm cho lão thấy cô đơn.
Lão muốn ngủ một giấc để quên, nhưng không ngủ được. Chả nhẽ bây giờ lại gọi điện giục bà ấy về…Không được! Làm thế bà ấy lại mắng cho ấy chứ “Ông đi mấy chục năm, tôi ở nhà một mình không sao! Bây giờ tôi đi mới hơn chục hôm mà ông đã..”.
Mình phải làm cách gì, để bà ấy tự giác về mới được. Lão Sướng trầm ngâm đến sáng. Ái chà! Đây rồi…xem bà có về không thì bảo?
Cả đêm không ngủ, sáng dậy ăn tạm gói mỳ tôm. Lão Sướng vác dao ra vườn chặt củi nhãn, bó thành từng bó tròn chặt chẽ. Buổi chiều lão chằng bó củi sau xe máy đi sang làng Hạ. Lão cố tình đi qua ngõ nhà cô Mai là em gái vợ lão.
Lão cứ chở củi như vậy hai, ba ngày một lần, liên tục gần một tháng. Đầu đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang kín mặt, khi đi qua ngõ nhà cô Mai, lão cố tình để cho cô Mai nhìn thấy. Nếu cô Mai định hỏi hay chào, thì lão phóng nhanh, lượn sang lối khác.
Một lần, hai lần, ba lần…cô Mai bắt đầu nghi vấn. Xóm làng bắt đầu có những lời xì xào, bàn tán. Cô Mai bí mật theo dõi, thấy lão chở bó củi vào ngõ nhà cô Vang bên làng Hạ. 
Buổi tối hôm ấy, cô Mai gọi điện cho chị gái, giọng như cháy nhà “Chết rồi chị ơi! Chị về ngay không mất chồng đến nơi rồi. Gần tháng nay, cứ vài ba ngày em lại thấy anh rể chở củi sang nhà con Vang bên làng Hạ. Con Vang là gái goá chồng, lẳng lơ lắm đấy! Chồng chị phải lòng nó rồi.”
Trưa hôm sau, lão Sướng đang ăn cơm thì vợ lão về, vẻ mặt đầy sát khí. Lão làm ra vẻ chột dạ:
- Bà đã về đấy à? May quá! Tôi vừa mới dọn cơm, bà vào ăn luôn cho nóng.
- Không ăn uống gì sất. Hôm nay tôi phải sống mái với ông! Vợ mới đi vắng hơn tháng, mà ông đã giở quẻ trai gái, đĩ bợm. Ông không biết xấu hổ với con, với cháu à?
- Bà ăn nói cẩn thận! Tôi làm gì mà trai gái, đĩ bợm?
- Thế ông chở củi đi đâu? Chở cho đứa nào? Sao đời tôi lại khổ thế này? Ối giời ơi là giời..!
- Tôi chở củi cất đi, vừa sạch vườn, Tết lại có củi luộc bánh chưng. Ai bảo bà là tôi chở củi cho gái?
- Cả cái xóm này ai cũng nhìn thấy ông chở củi cho gái, ông còn được cãi hả? Ông cất ở đâu, đưa tôi với dì Mai đi xem cho hai năm, rõ mười.
Vừa lúc cô Mai sang, vẻ mặt căm thù lắm “Đúng đấy! Nếu anh không sợ mang tiếng ăn vụng, thì đưa tôi với chị tôi xem chỗ anh cất củi. Xem mặt con chuồn chuồn thế nào?”.
Lão Sướng đi một xe máy, vợ lão với cô Mai đi một xe máy hướng làng Hạ thẳng tiến. 
Qua làng Hạ, qua ngõ nhà cô Vang…vòng ra xóm bãi hướng làng Đông. Đến một bụi rậm đầy cây hoa trinh nữ (cây xấu hổ), lão Sướng dừng xe chỉ tay “Tôi cất củi ở đây”. Vợ lão Sướng với cô Mai không tin, xuống kiểm tra, vạch đám cây xấu hổ xem…Đủ mười tám bó củi gỗ nhãn.
Cô Mai hiểu ý “Thôi tý nữa anh chở chị về, em về trước đây”.
Trên đường về, vợ lão Sướng như người biết lỗi, bẹo vào sườn lão bảo “Ông muốn tôi về, thì gọi điện là tôi về. Ông làm thế này người ta cười cho đấy. Nỡm ạ!”
Lão Sướng cười khoái chí “Lần này tôi làm thử, lần sau là tôi làm thật đấy”.
Vợ lão Sướng, nhẹ nhàng “Tôi biết rồi! Để tối tôi điện cho thằng cả thuê người trông cháu. Tôi ở nhà với ông”.

Chuyện làng quê

Nguyễn Hộp

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cho-cui-di-dau-a14663.html