Kỳ 37.
Sự tàn bạo của Pháp không làm các chiến sĩ nhụt chí khí kiên cường bất khuất, những con người đã quyết tâm và say sưa lý tưởng "Không thành công cũng thành nhân”, “Sát thân thành nhân”. Bùi Tư Toàn, một đảng viên xuât thân từ nông dân bước lên máy chém đầu tiên. Anh ung dung thản nhiên hút thuốc bước lên máy chém. Anh vừa hô xong "Việt Nam vạn tuế” thì dao rơi xuống, máu anh phun lên đỏ rực. Bùi Văn Chuẩn bật lên tiếng thét căm hờn: "Đả đảo thực dân Pháp”. Nguyễn Văn An vì tay bị xích phía sau nên anh gật đầu chào mọi người và hô vang "Việt Nam vạn tuế”. Hà Văn Lạc hơi cúi mình chào mọi người và hô vang "Đả đảo thực dân Pháp”. Đỗ Văn Tư trừng mắt nhìn bọn lính Pháp, nhìn tên đao phủ Cai Công và hô đả đảo thực dân Pháp còn giở dang thì máu đã phun lên đỏ sắc cầu vòng. Đào Văn Nhật quay đầu dặn con phải nhớ mối thù này, phải tiếp bước cha anh trả thù nhà nợ nước. Ngô Văn Du ngẩng cao đầu kiêu ngạo bước lên. Bùi Văn Cửu lặng lẽ nhìn trời và hô vang "Việt Nam Vạn Tuế", tiếng hô vang vọng khắp không gian. Nguyễn Văn Tiềm rung tay cho xích kêu vang và hô đả đảo thực dân Pháp. Nguyễn Đức Thịnh bước đi hiên ngang với tiếng hô "Việt Nam vạn tuế". Nguyễn Như Liên thoáng nở nụ cười ngạo nghễ trước mặt bọn thực dân, xem thường cái chết. Phó Đức Chính bảo hai tên lính Pháp áp tải:
-Cho ta nằm ngửa để xem lưỡi dao tội ác của thực dân Pháp như thế nào?
Hai tên lính chiều ý anh, cho anh nằm ngửa. Anh vừa dứt tiếng hô "Việt Nam Vạn tuế" thì lưỡi dao tội ác đã rơi xuống.
Nguyễn Thái Học là người cuối cùng bước lên máy chém. Anh bước đi ung dung thanh thản, đàng hoàng. Anh vừa đi vừa đọc vang bài thơ bằng tiếng Pháp:
-Chết vì tổ quốc
Cái chết Vinh quang
Lòng ta sung sướng
Trí ta nhẹ nhàng.
Hết đọc thơ, anh nói lớn:
-Không thành công cũng thành nhân, Việt Nam vạn tuế.
Anh vừa dứt tiếng hô thì lưỡi dao tội ác đã lao xuống, máu của anh đỏ chói phun lên cao hòa với 12 dòng máu của các đồng chí tạo nên một dòng thác đỏ thắm bầu trời. Dòng máu của các anh hòa với dòng máu anh hùng bất khuất của biết bao thế hệ nòi giống Lạc Hồng. Những cái chết oai hùng lẫm liệt của các anh khiến quân thù khiếp sợ, làm chấn động dư luận Đông Dương và nước Pháp.
Các yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã hy sinh. Quân Pháp đem thi hài 13 người chôn chung một mộ ở Yên Bái. Việt Nam Quốc Dân Đảng hoàn toàn bị Pháp tiêu diệt và tan rã. Hàng trăm đảng viên bị tàn sát, bị tù đày ra Côn Đảo hoặc các nhà tù tàn khốc nhất Đông Dương. Một số đảng viên khác tiếp tục con đường cách mạng như Trần Huy Liệu, Tô Chấn (anh của Tô Hiệu), Nguyễn Văn Lâm (em Nguyễn Thái Học) đã đi theo Đảng Cộng Sản Đông Dương, tiếp tục con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Trần Huy Liệu gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1928, giữ chức Bí thư Kỳ Bộ Nam Kỳ. Ông bị Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Tại đây ông giác ngộ chủ nghĩa Cộng sản. Năm 1936 ra tù, Trần Huy Liệu gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương. Tô Chấn gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1927, bị bắt và bị đày ra Côn Đảo. Ông trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương trong nhà tù. Năm 1936, ông vượt ngục cùng nhóm Ngô Gia Tự và bị chìm xuồng, hy sinh trên biển.
IX
Làng Thổ Tang trong một đêm tháng 6, bóng tối bao trùm lên mọi cây lá, cây đa, cây mít, cây xoan, cây cau, cụm tre, trong tối lá khua xào xạc theo gió. Đường làng vắng vẻ, tiếng chó sủa vang lên giận dữ. Tin tức Nguyễn Thái Học, một thanh niên yêu nước tài ba của làng bị Pháp giết hại ở Yên Bái làm cả làng đau buồn, tang tóc không chỉ riêng nhà ông Hách, bà Quỳnh mà tang chung của cả làng, cả tổng. Vừa tối cả làng các nhà đều đóng cửa chìm trong tang tóc.
Trong căn nhà nhỏ của bà dì, em bà Quỳnh cách xa ngôi đền Thổ Tang khoảng 100m cũng chìm trong tối u buồn. Mấy đêm nay, bà không ngủ được, đôi khi lại khóc vì thương ba đứa cháu của mình Nguyễn Thái Học đã hy sinh, còn thằng Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Văn Lâm đang bị truy nã không biết thế nào, rồi còn thương anh Hách, chị Quỳnh, nghĩ đến đó bà lại khóc. Chợt bà nghe có tiếng gõ cửa nhẹ và tiếng gọi nhỏ:
-Dì ơi, dì ơi.
Bà dì đứng bên trong hỏi nhỏ:
-Ai đấy?
-Cháu là Giang đây mà.
Bà dì nghe đúng tiếng cô Giang vội mở cửa. Cô Giang bước vào nhà. Bà dì vội đóng cửa lại. Dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu bà thấy cô Giang mặc giả trang phục đàn ông, khi cô bỏ mũ phớt ra thì trên đầu lộ ra chiếc khăn trắng để tang Nguyễn Thái Học. Cô Giang ôm lấy bà dì và khóc nghẹn lời:
-Dì ơi, anh Học bị chúng giết hại rồi.
Hai người ôm nhau mà khóc, một lát cô Giang nói:
-Cháu định về nhà bố mẹ nhưng bị mật thám, cảnh sát vây chặt nhà nên cháu không về được. Cháu nhờ dì sang báo cho bố mẹ cháu bí mật sang đây để cháu gặp lần cuối để cháu đi.
Bà dì nói:
-Cháu về đây là nguy hiểm quá, nhưng thôi dì sẽ giúp, may ra đêm khuya rồi không còn bọn mật thám và lính nữa.
Cô Giang dặn:
-Nhưng dì phải cẩn thận, nếu thấy chúng còn lảng vảng thì thôi nha.
-Dì biết rồi.
Dì đi rồi, cô Giang hồi hộp chờ đợi, một lát sau dì về, ông Hách và bà Quỳnh cùng tới. Cô Giang đứng dậy:
-Con chào cha, con chào mẹ.
Rồi cô khóc.
-Cha mẹ ơi, anh Học hy sinh rồi, còn em Nho, em Lâm thì không có tin tức.
Nói xong cô ôm lấy bà Quỳnh, hai mẹ con và bà dì lại nức nở. Ông Hách vẫn giữ bình tĩnh. Ông hỏi:
-Con định dự liệu thế nào?
Cô Giang gạt nước mắt:
-Dạ, thưa cha, mẹ, thưa dì, con về đây để gặp cha mẹ lần cuối, con sẽ đi xa.
Rồi cô móc túi lấy ra hai bức thư, chiếc đồng hồ quả quýt có dây nhỏ bằng vàng, phía sau đồng hồ có khắc chữ G.
-Dạ, đây là hai bức thư của con, một bức gửi cha mẹ, một bức gửi cho anh Học. Trong lễ 49 ngày, cha hóa vàng cho anh Học để anh nhận được. Đây là chiếc đồng hồ anh Học tặng con, nay con gửi lại cha mẹ làm kỷ vật của gia đình.
Ông Hách cảm thấy điều chẳng lành khi cô Giang gửi thư và kỷ vật. Ông nói:
-Vật anh Học tặng con thì con giữ lại, sao lại đưa cho cha mẹ, con chớ có nghĩ và làm điều dại dột đấy nha. Con phải sống tiếp tục hoạt động cách mạng báo thù cho anh Học.
Cô Giang quỳ vái lạy hai ông bà:
-Đứa con dâu bất hiếu, xin cha mẹ tha thứ cho con.
Lát sau cô nói:
-Đêm khuya rồi, thôi cha mẹ về đi.
Ông Hách đứng dậy:
-Con nhớ bảo trọng nha, cha mẹ rất thương con. Có điều kiện thì con về với cha mẹ.
-Dạ, con cảm ơn cha em mẹ.
Bà Quỳnh lại ôm cô Giang và khóc:
-Con bảo trọng, đi đâu, ở đâu con luôn nhớ cha mẹ rất thương con. Con nhớ bảo trọng.
-Con cảm ơn cha mẹ, cha mẹ và các em nhớ bảo trọng.
Mờ sáng hôm sau, cô Giang từ biệt bà dì. Bà dì nói:
-Để dì nấu cơm con ăn rồi hãy đi.
Cô Giang đáp:
-Con cảm ơn dì, không cần cơm nước đâu. Dì nhớ bảo trọng, vĩnh biệt dì.
Hai dì cháu lại ôm nhau khóc. Dì nói:
-Cháu đi đâu khi có điều kiện thì về thăm cha mẹ, dì và các em của thằng Học nha.
-Đa tạ dì, dì nhớ bảo trọng.
Cô Giang ra đi. Chung quanh cô làng Thổ Tang ghi biết bao nhiêu kỷ niệm sâu đậm giữa cô và Nguyễn Thái Học. Cô tìm đến quán nước mà cô và Nguyễn Thái Học hay ngồi mỗi khi đi dạo. Bà già bán nước đã mở cửa. Cô Giang là vị khách đầu tiên, cô ngồi xuống ghế và nói:
-Chào bà, bà cho con bát nước.
Bà bán nước thấy khách trang phục đàn ông nhưng lại nói giọng nữ êm dịu trong trẻo mềm mại, bà nghe quen quen. Bà hỏi:
-Sao ông khách lại có giọng giống giọng cô cháu tôi là Giang vậy?
Cô Giang nói:
-Cháu là cháu Giang đây bà.
Bà lão cầm tay cô Giang òa khóc:
-Nghe tin cháu Học bị Pháp giết, cả làng, cả tổng ai cũng thương tiếc đau buồn. Cháu đã về đây thì ở lại với cha mẹ để an ủi và chăm nom. Ông bà Hách, Quỳnh thương con bây giờ ốm yếu lắm.
-Dạ, cháu về thăm cha mẹ cháu rồi cháu lại đi ạ.
Uống xong bát nước, cô Giang ôm lấy bà hàng nước:
-Cháu vĩnh biệt bà, bà bảo trọng.
-Cháu đi đâu? Nhớ bảo trọng.
-Dạ, cháu cảm ơn bà.
Bà hàng nước nhìn theo cô Giang, nước mắt lưng tròng.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vii-tieu-thuyet-lich-su-ky-37-a14669.html