Những người bà và câu thần chú

Cách đây nhiều năm, nghệ sỹ, họa sỹ Chu Lượng tặng tôi một bức tượng gỗ anh làm. Khi anh mở bức tượng ra, tôi đã khóc. Đó là bức tượng một bà già cõng đứa cháu mình. Lúc đó, tất cả hình ảnh của xa xưa của bà cháu tôi hiện về.

tranh-nguyen-quang-thieu-1620578054.jpg
Bức tranh Nguyễn Quang Thiều vẽ tặng Đỗ Quân - chất liệu sơn dầu trên toan, khổ 90 x 110cm. Vẽ năm 2021

Trong những người đã khuất của gia đình tôi, thì người thường hiện ra trong giấc mơ của tôi suốt từ tuổi thanh xuân tới giờ là bà nội tôi. Bà nội tôi không biết chữ, nhưng là người có ảnh hưởng nhất đối với tuổi thơ tôi và là người có thể nói đã dẫn tôi vào thế giới văn chương bởi những chuyện kể buổi tối của bà cho anh em chúng tôi nghe.

Một lần, tôi hỏi con gái tôi :’’ Nếu bây giờ Thượng đế cho phép một trong những người thân yêu của gia đình mình đã khuất được sống lại, con biết bố chọn ai không ?’’. Con gái tôi nói :’’ Bà nội bố’’. Con gái tôi đã hiểu được tôi.

Cách đây nhiều năm, nghệ sỹ, họa sỹ Chu Lượng tặng tôi một bức tượng gỗ anh làm. Khi anh mở bức tượng ra, tôi đã khóc. Đó là bức tượng một bà già cõng đứa cháu mình. Lúc đó, tất cả hình ảnh của xa xưa của bà cháu tôi hiện về. Bức tượng người bà đó vô cùng giống bà tôi và cậu bé đó vô cùng giống tôi. Chu Lượng nói ‘’ em tặng bức tượng này cho bác vì lúc nào bác cũng nhớ bà nội’’.

Và mấy năm trước, trong một lần ngồi uống rượu với nhau, tôi đã nghe một người bạn không phải nhà thơ đọc bài thơ về bà nội mình. Một cảm xúc đặc biệt tràn ngập tôi. Người đọc bài thơ ấy là Đỗ Quân, một người đồng hương huyện Ứng Hòa, Hà Tây cũ của tôi. Bài thơ có tên : BÀ ƠI...

Đỗ Quân viết bài thơ đặc biệt này trong những ngày khó khăn nhất của đời anh nơi xứ người. Chính lúc đó, hình ảnh bà nội của anh hiện lên như một vị Thần đã dẫn anh đi qua bóng tối cuộc đời. Tôi tin rằng: nơi Đỗ Quân lúc đó là một không gian mà sự im lặng, cô đơn và cả sợ hãi trùm lên. Đỗ Quân đã nghĩ tới bà nội mình và gọi tên bà nội mình. Tiếng gọi ấy đã trở thành câu thần chú kỳ lạ nhất và đã giúp anh vượt qua khó khăn và thách thức nhất để thực hiện được giấc mơ của đời mình.

Cũng vì bài thơ đó và vì tình yêu thiêng liêng đối với bà nội của chúng tôi, tôi nuôi một ý định sẽ vẽ tặng Đỗ Quân một bức tranh. Nhưng cho đến bây giờ mới thực hiện được.

Hình ảnh trong tranh là một người phụ nữ chắp tay cầu nguyện với một chiếc bình gốm quen thuộc trong đời sống thôn quê dưới một cái cây mà tôi gọi là Cây Thiên Đường. Điều tôi muốn vẽ là sự bình yên, thiêng liêng và che chở trong đời sống này. Một đời sống đang tao loạn, nhiều vô cảm và độc ác.

Tôi xin phép được đưa lên đây bài thơ Đỗ Quân viết về bà mình mà cũng như viết về bà tôi và người bà của nhiều người khác cùng bức tranh tôi vẽ tặng Đỗ Quân và bức tượng nghệ sỹ, họa sỹ Chu Lượng tặng tôi.

Hãy gọi tên những người thân yêu của mình trong những lúc đối mặt với khó khăn và thách thức. Đấy thực sự là một câu thần chú.

buc-tuong-1620578211.jpg

Bức tượng Chu Lượng tặng Nguyễn Quang Thiều

BÀ ƠI....

Sớm nay tỉnh dậy canh ba

Vẳng nghe tiếng gọi của Bà, Bà ơi

Bà đi xa sáu năm rồi

Mà trong cháu, vẫn bồi hồi, Bà đâu

Quạnh bóng cau, lạnh cơi trầu

Còn đâu chân đất áo nâu đường làng

Nhớ ngày sơ tán lang thang

Đọi cơm,bát mắm, thuốc thang bòng đèo

Còng lưng Bà gánh đói nghèo

Một thân mỏng, Bà chống chèo đói no

Dẫu giờ đã hết cam go

Cảnh nhà cũng hết bếp lò, bếp than

Chạn bát giờ cả chục ngăn

Chẳng còn kê gạch một chân năm nào

Chẳng còn cái rét năm nao

Áo cháu mỏng, rét cắt vào thịt da

Vùi trong hơi ấm của Bà

Mắt cháu ngủ, mắt Bà nhoà trong sương

Nhớ Bà bao nỗi vấn vương

Nguồn cội Tết đến cố hương tìm về

Đêm ba mươi, khói hương quê

Giao thừa đến,đón Bà về Thanh tao...

Gorzow,Poland 05/2003

Nguyễn Quang Thiều

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-nguoi-ba-va-cau-than-chu-a1467.html