Tháng bảy, mùa Vu Lan

Những cơn mưa bất chợt như rẩy nước vào cái nóng bỏng của ngày cuối Hạ làm cho không khí dịu lại, trời đất như nhu hòa hơn, sáng sớm hay chiều tối ta như cảm thấy có màn sương nhẹ, trời chưa hẳn vào Thu nhưng đã chạm Thu, ấy là tháng Bảy về, tháng Bảy cũng bắt đầu cho mùa Vu Lan báo hiếu, cho ngày xá tội vong nhân.

vu-lan-17821-1629361707.jpg

Tôi đi xa lâu rồi nhưng tháng Bảy về, tâm luôn hướng về quê nhà và lòng dậy một niềm thương nhớ.

Tôi nhớ, tháng Bảy có những cơn mưa chiều, sau một đêm sũng nước, sáng ra thiên nhiên, đất trời như phủ một màn sương ướt, trời như chùng xuống, không hết nắng nhưng cái nắng đã dịu đi, trời như thấp hơn, đọng đầy mây, những đám mây mang đầy hơi nước. Chiều không nắng gắt, hoàng hôn không đỏ rực mà nhờ nhờ một màu sương khói, màu thiền vị.

Trời dịu, lòng người cũng dịu, cuộc sống dường như chậm lại, lắng xuống, nhẹ đi. Không ai bảo ai nhưng hầu như mọi người đều tập trung vào mùa Vu Lan báo hiếu, ngày xá tội vong nhân .

Tháng Bảy, vườn nhà tôi, cây trái bắt đầu chín, những buồng chuối mẹ tôi để dành đã lốm đốm quả vàng, những quả đu đủ xanh mượt đã có vệt vàng thẩm, na bung hết mắt, ổi xá lị bắt đầu tỏa mùi thơm và dâu cũng đã căng tròn. Tất cả đều hứa hẹn!

Như ai đó nói “tháng Bảy mỗi nhà mỗi quảy” (mỗi nhà đều một mâm cúng) mặc dù, hằng năm đều có ngày giỗ cho từng người đã mất và hằng tháng đều thắp nhan vào độ rằm để tưởng nhớ tổ tiên ông bà nhưng thánh Bảy là ngày xá tội vong nhân, ai cũng nghĩ người âm phủ sẽ được trở về nên tháng Bảy thành ra rằm lớn. Từ gia đình đến chùa đều nhan khói suốt mùa.

Ngày tháng Bảy năm ấy, tôi vừa chớm lớn, mẹ tôi đi chợ xa mua thêm nhiều thứ để cúng rằm, mẹ không mang theo giỏ mà mang theo chiếc thúng nhỏ vì khi về những đồ cúng sẽ được đội trên đầu, tôi cũng được theo mẹ ra chợ. Con đường đất chạy dài theo những hàng tre, cỏ mát dịu dưới bàn chân, đây đó vài chỗ còn đọng nước, điểm vào những vũng nước là những lá tre vàng, đâu đây mùi nhan trầm ai thắp trong buổi sớm mai phảng phất khiến lòng thấy nao nao, con đường chạy qua những cánh đồng và qua những đền chùa, những trái thị ở đền bắt đầu se vàng lủng lẳng trên cây, phả mùi thơm dịu vào trong gió, đã giữa tháng Bảy rồi!

Chợ nhiều kẻ bán, người mua, nơi đông nhất là hàng hoa và hàng mã, những bó huệ trắng tinh được sắp xếp ngay ngắn bên những ôm sen hồng thơm mát, rất nhiều loại hoa khác đang phô sắc toả hương bên cạnh những hoa lý, hoa mộc giản dị của quê nhà được gói trong lá chuối. Không hiểu sao khi đứng cạnh những hàng hoa này tôi thấy lòng lâng lâng, và dâng trào cảm xúc.

Mẹ tôi ghé lại hàng mã để mua giấy tiền, giấy trắng, vàng bạc và một số áo binh để cúng cho người đã khuất, mẹ cũng không quên mua thêm muối, hạt nổ và những tán đường đen.

Hình như những ngày nầy người ta ít trả giá, lời trao đổi cũng nhẹ nhàng, dặn dò cũng ân cần chu đáo.

Tôi nhớ cha tôi gấp những tờ giấy tiền tỉ mỉ cẩn thận như đặt cả sự kính cẩn của lòng mình vào đấy, những tờ giấy bổi vẽ những đồng tiền xâu xưa như đưa tôi vào thế giới của người xưa, thế giới của tổ tiên, ông bà, thế giới mà ta đi hết trăm năm đời người sẽ gặp.

Tháng Bảy về lòng tôi lại sống lại những câu chuyện hư huyễn mang màu Phật pháp mà nội tôi từng kể như chuyện Muc Liên - Thanh Đề, chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ. Tôi nằm trên chiếc giường tre, gối đầu lên tay nội, nội tôi vừa phe phảy chiếc quạt vừa lần kể cho tôi nghe câu chuyện Mục Liên Thanh Đề, câu chuyện làm tôi cảm động về lòng hiếu đạo của một người con. Tôi cũng nhìn lên bầu trời, những đám mây như đang sũng nước, dãi ngân hà vắt ngang bầu trời, tôi hình dung hàng ngàn cánh Ô thước choãi mình bắc cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau, trời lắt thắt những hạt mưa như cũng cảm động cho tình cảm của đôi lứa. Mới hiểu ra chuyện tình yêu xưa nay không phải dễ, mới trân trọng hơn mỗi khoảnh khắc của cuộc đời mình.

Mâm cúng rằm được mẹ tôi chuẩn bị chu đáo, bên cạnh xôi chè, hoa quả mẹ tôi còn nấu một nồi cháo trắng, và múc ra nhiều bát nhỏ gọi là cháo lá đa hay quê tôi gọi là cháo thánh cùng đĩa gạo muối, hạt nổ, những thứ nầy để ban phát cho những người không nhà cửa, để những linh hồn cô quạnh được chút ấm lòng. Nhìn những chén cháo lá đa cùng những hạt nổ xanh đỏ lòng tôi thấy cảm động, mới thấy hết tình người, mới thấy tính nhân bản, nhân văn như được giữ gìn và truyền từ đời nầy sang đời khác. Đó là sự cứu trợ, sự giúp đỡ nghĩa tình ngay cả khi họ không còn trên dương thế.

Tháng Bảy về, những ngôi chùa ta gặp trên đường đều nghi ngút khói hương, người ta đến chùa để cầu an để nhờ chùa cầu xá tội cho người đã khuất, những người khác cũng đến chùa đễ dâng lễ, để cúng cho những vong hồn được ký gửi hay nhờ chùa gửi quà cho người đã xa cõi tạm, người ta đi lại lặng lẽ, lời cầu khấn cũng nhiều hơn hòa trong tiếng kinh lâm râm như bản hòa tấu của người sống gửi đến người đã khuất.

Đêm tháng Bảy tiếng côn trùng râm ran như nỉ non than thở, đóm đóm lập lòe trên các bụi cây, sương xuống nhiều hơn khiến lòng người cũng chùng lại và nghĩ nhiều hơn về cõi vô cùng.

Tháng Bảy, trời đất như gần lại, âm dương như có sự giao hòa, người sống nghĩ nhiều hơn về người đã ra đi và cố gắng sống nhẹ nhàng hơn, tốt hơn như để góp công đức mình cho người đã khuất.

Tôi đã qua nhiều mùa tháng Bảy, bông hồng trên áo đã thay bằng bông hồng trắng, Vu Lan về không khóc nhưng lòng thấy nghẹn ngào, mâm cổ xưa cha mẹ tôi chuẩn bị giờ tôi chuẩn bị, thấy trong những đồ vật quanh mình hình ảnh tháng Bảy năm nào để thương hoài hai chữ Vu Lan.

Lê Phượng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thang-bay-mua-vu-lan-a14698.html