Đấy là một buổi sáng mùa hè, mẹ bế em và dắt tay tôi ra bến sông. Một chiếc thuyền nan có mái che đã chờ sẵn ở đó. Ông già lái đò người nhỏ nhắn, gương mặt phúc hậu, nhanh nhẹn giúp chúng tôi lên thuyền. Hình như bố tôi cùng một vài người bà con đưa tiễn chúng tôi ra bến sông. Đồ đạc lỉnh kỉnh những thúng mủng, xoong nồi, bát đĩa, xô chậu...đã được xếp gọn gàng trong lòng thuyền. Chắc chúng được mọi người vận chuyển khi tôi còn đang ngủ say. Con thuyền rời bến đưa chúng tôi ngược dòng sông Lô. Tôi ngồi đầu mũi thuyền, còn mẹ bế em ngồi phía đuôi thuyền gần ông lái đò. Đang là mùa lũ, nên dòng sông đục ngầu, nước chảy xiết. Trên sông những cành củi mục, rác rưởi nổi lều bều theo dòng nước trôi tuột về xuôi. Thỉnh thoảng có chỗ nước chảy tạo thành vòng xoáy xoay tít. Đây là lần đầu tiên tôi ngồi trên thuyền ngược sông nên tôi vừa sợ, vừa háo hức. Chiếc thuyền cứ chậm rãi men theo bờ phải sông mà tiến. Trên bờ, sát mép nước là những rặng tre xanh mướt chạy dài theo bờ sông. Đến bữa trưa, mẹ tôi lấy cơm cùng cá bống kho mà bà đã chuẩn bị trước cho tôi ăn.
Khoảng đầu giờ chiều, thuyền cập nhà bác Sang (Sang là tên con gái bác). Bác là anh trai cả của mẹ tôi. Nhà bác ở ngay mép bờ sông, xung quanh nhà trồng toàn nhãn và na. Nước lũ tràn lên tận vườn nhà bác. Nơi đây thuộc xã Vân Sơn, Sơn Dương, Tuyên Quang. Bà ngoại và các bác cũng từ Sơn Đông, Lập Thạch sơ tán lên đây từ hồi kháng chiến chống Pháp. Bà ngoại đang sống cùng gia đình bác Tuất, anh trai thứ hai của mẹ tôi. Nhà bác cách nhà bác cả mấy trăm mét sâu vào phía trong. Mọi người hồ hởi đón mẹ con tôi và chuyển đồ đạc từ thuyền lên nhà bác cả. Ông lái đò từ biệt chúng tôi và cho thuyền quay xuôi vì sợ trời tối. Một bữa liên hoan nhỏ được tổ chức tại nhà bác cả để chào đón mẹ con tôi.
Thời gian đầu mẹ con tôi tá túc tại nhà bác Tuất. Bác dành một gian buồng đầu hồi cho chúng tôi. Còn vợ chồng bác, ba người con và bà ngoại sống ở ba gian nhà ngoài. Bác Tuất người nhỏ nhắn, hiền lành, ít nói nhưng rất tốt bụng. Bác là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Bác đã giúp đỡ mẹ con tôi rất nhiều. Đáng tiếc là bác mất khi chưa đầy 60 tuổi do sơ suất khi chặt tre, một cành tre đã đập mạnh vào mắt và làm tổn thương khá nặng. Do chủ quan và chạy chữa không kịp thời nên đã nguy hiểm đến tính mạng. Bà ngoại và hai bác đều ra đi khi tôi còn đang học tập ở Liên Xô. Vào cuối những năm năm mươi và đầu sáu mươi, ngôi làng này khá sầm uất. Những ngôi nhà nằm dưới bóng những cây nhãn cổ thụ, xen lẫn na, chuối, bưởi..liền kề nhau, chạy dài theo bờ của con sông Lô hùng vĩ. Đối diện bên kia sông là dãy núi Bà Nghi sừng sững như một bức trường thành. Phía sau làng là dãy núi đá vôi cao chót vót. Giữa các khe đá cây cối, dây leo mọc um tùm. Lũ sáo mỏ trắng, mỏ vàng từ đâu kéo về làm tổ, tiếng chim kêu ríu rít suốt ngày. Dưới chân núi, có một hang đá rất rộng có thể chứa hàng trăm người. Giữa hang, có một bức tượng Phật tạc bằng đá đứng uy nghi. Chẳng biết có phải từ cái hang này và cái đồn của Tây đoan ngày xưa đóng ngoài bờ sông để kiểm soát thuyền bè qua lại khúc sông này mà làng có tên là Đồn Hang?
Đầu những năm sáu mươi, trước khi tôi sơ tán lên đây, ngọn đồi sát bờ sông, nằm ở giữa làng được san ủi phẳng lỳ. Hàng dãy nhà xây, mái ngói đỏ tươi mọc lên từ đây. Đấy là nơi làm việc hành chính và nơi ở của hàng trăm công nhân Công trường khai thác đá. Ngọn núi đá vôi phía sau làng bắt đầu bị khai thác và chuyên chở về xuôi cung cấp nguyên liệu cho khu công nghiệp Việt Trì và các tỉnh vùng xuôi. Người ta xây dựng một đường ray như đường tàu hỏa từ núi đá ra tới bến sông, rồi dùng xe goòng vận chuyển đá từ trong núi ra đổ xuống các sà lan. Tiếng khoan đá chói tai xen lẫn tiếng đá do con người bốc cho vào xe goòng tạo nên tiếng ồn hỗn tạp rất khó chịu. Bụi đá bốc lên mù mịt, những người thợ khoan đá nhễ nhại mồ hôi, mặt mũi, quần áo trắng toát như chui từ túi bột mỳ ra. Nhưng tôi sợ nhất là khi nghe tiếng hô báo động của người thợ khoan đá “Nổ mìn đấy! Chạy đi!”. Một lát sau thì tiếng mìn nổ uỳnh oàng, xen lẫn tiến đá rơi rào rào. Mỗi khi nghe thấy tiếng báo nổ mìn dù đang chơi ở sân hay ngoài vườn thì tôi cũng nhanh chóng kéo đứa em chui vào gầm tấm phản kê giữa nhà để tránh những hòn đá nhỏ do mìn nổ làm văng vào nhà vì nhà bác tôi chỉ cách ngọn núi đá và cái hồ nước đầy lau sậy chừng 400-500m theo đường chim bay.
Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt. Hàng ngày, sau bữa ăn sáng, lũ trẻ chúng tôi, gồm con của xã viên hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và con của các cặp vợ chồng công nhân khai thác đá được các bà, các cô (chắc có sự phân công của tổ chức) đưa chúng tôi vào hang đá để tránh máy bay Mỹ. Bọn trẻ chúng tôi bắt đầu đi khám phá các ngóc ngách của hang. Nhiều ngách lũ dơi thấy chúng tôi bay loạn xạ, luôn mồm kêu chít chít. Dưới chân chúng tôi là một lớp phân dơi dày, đen sì. Hết trò khám phá, chúng tôi lại chơi trốn tìm rồi đuổi bắt nhau, nhiều đứa trèo cả lên vai Phật. Chắc Đức Phật từ bi nên không trừng phạt đứa nào cả. Một hôm, cả nhà tôi đang ăn cơm trưa thì nghe tiếng kẻng báo động từ khu nhà ở của công trường đá. Tôi nhanh chân lao ra khỏi nhà chạy về căn hầm trú ẩn phía trước sân nhà, mẹ tôi bế em chạy liền sau tôi. Khi đã ở trong hầm, tôi nghe thấy tiếng máy bay gầm rú, quấy đảo ở trên đầu. Tôi nhoài người ra cửa hầm ngó lên trời. Tôi thấy một vật màu trắng dài, đang lắc lư rơi xuống cách chỗ tôi không xa lắm. Tôi nghĩ đó là bom, nhưng không nghe thấy tiếng nổ. Tiếng máy bay thưa dần rồi tắt hẳn. Không gian trở lại yên tĩnh. Một lúc sau thấy mọi người í ới gọi nhau đi xem thùng dầu phụ của máy bay Mỹ. Tôi liền theo mọi người đi về khu nhà ngói của công trường. Khi tôi đến đã thấy một đám đông, tay cầm theo chai, lọ, tụ tập trên cái sân của dãy nhà ngói. Tôi cố len vào thì thấy trên hè nhà là một vật màu trắng, dài chừng 4-5m, thuôn hai đầu hình quả trám, to bằng hai thùng gánh nước. Một phía đầu bị vỡ một mảng khá lớn, để lộ ra những đường dây điện xanh đỏ. Ở phía hai đầu của thùng dầu có hai chú dân quân vai khoác súng chăm chú nhìn mọi người. Một người đàn ông đang múc dầu ở trong thùng, rồi rót một ít vào các chai lọ mà mọi người đem theo để về cho vào máy lửa. Sau này, phục vụ trong ngành hàng không, tôi mới biết dầu máy bay còn nặng và khó bắt lửa hơn xăng, nó chỉ nhẹ hơn dầu hỏa. Còn thùng dầu phụ thì được treo dưới cánh hoặc bụng máy bay để mang thêm nhiên liệu cho động cơ máy bay. Phi công sẽ vứt bỏ thùng dầu phụ khi cần tăng tốc đuổi theo hoặc chạy trốn kẻ thù.
Cho đến đầu những năm bẩy mươi thì làng tôi di dời hết về xóm Trại (xóm Vụng) và các xóm ở sâu phía trong cách xa công trường đá. Họ sợ công trường đá trở thành mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ và những viên đá văng vào nhà mỗi khi nổ mìn phá đá. Tuy vậy, cho đến khi hoà bình công trường khai thác đá chưa hề bị một quả bom hay tên lửa nào. Gia đình hai bác và gia đình tôi đều chuyển về ở xóm Trại, cách công trường đá khoảng 1km về phía hạ lưu của dòng Lô giang
....
Những năm đầu mới sơ tán lên đây, mẹ tôi không tham gia HTX nông nghiệp mà bán hàng tại nhà. Có lẽ là mẹ tôi chưa hề làm nông bao giờ vì ở dưới quê bà cũng chỉ đi chợ buôn bán. Lý do nữa là bọn tôi còn nhỏ dại. Bà nấu chè đỗ đen, nấu kẹo lạc bán cùng với chè thuốc. Thỉnh thoảng, bà vào các làng người dân tộc Cao Lan cách xa vài ki lô mét để mua bán, đổi chác. Mỗi khi bà nấu kẹo lạc là anh em tôi lại ngồi chầu hẫu bên cạnh để được ăn những đầu thừa, đuôi thẹo của những thanh kẹo vàng ươm màu cánh gián, được nấu từ mật mía và lạc rang thơm phức. Khách hàng của mẹ tôi là những cô chú công nhân công trường khai thác đá. Vào những giờ nghỉ giải lao, nhà tôi thường đông đúc khách. Lúc này, gia đình bác Tuất đã chuyển về xóm Trại ở, nên gia đình toàn quyền sử dụng cả căn nhà gỗ xoan, mái lợp lá cọ 4 gian của bác.
Trong số khách hàng đến nhà tôi có một người là hàng binh Pháp. Ông tên là Giăng, người to, cao chừng 1,8-1,9m, da trắng. Chẳng biết ông có phải là người Pháp chính gốc không, nhưng ông có mái tóc đen xoăn, đôi mắt màu nước biển, râu ria cạo nhẵn nhụi với cái mũi lõ. Chân tay tay dài, đầy lông lá. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, ông không trở về Pháp mà ở lại lấy vợ người Việt. Vợ ông là cô Cảnh, người to béo, nước da bánh mật, khuôn mặt tròn đầy đặn với cặp mặt to và mái tóc đen dài. Cô cũng là công nhân khai thác đá. Hai vợ chồng ông có hai thằng con trai, thằng lớn kém tôi 1-2 tuổi gì đó. Hai thằng này, tóc đen, xoăn, nhưng mắt và màu da giống mẹ. Công việc hàng ngày của ông Giăng là dùng xe goòng vận chuyển đá từ trong núi ra bờ sông đổ vào các sà lan. Tôi nghe người lớn nói chuyện, có bữa xe goòng của ông trật bánh ra khỏi đường ray, một mình ông đã nâng cả xe để chỉnh lại cho bánh xe trở lại đường ray. Chẳng biết chuyện đó có đúng không thì tôi chịu. Ngày đó, cứ mỗi khi nhìn thấy ông Giăng là tôi sợ hết hồn. Mỗi khi ông đến nhà là tôi lại vội chạy vào trong góc, chăm chú quan sát ông với cặp mắt sợ sệt. Thực ra ông rất hiền và quí mến trẻ con. Ít năm sau thì ông đưa vợ con hồi hương về Pháp. Trong số các gia đình công nhân công trường đá thì nhà tôi thân thiết nhất với gia đình nhà chú Nhỡ. Chú Nhỡ người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và rất tốt bụng. Chú bị hỏng một bên mắt, hình như là mắt trái. Nguyên nhân vì sao thì tôi không rõ. Nhà chú nằm trên một sườn đồi, cửa chính nhìn vào dãy núi đá, cách nhà tôi khoảng 400-500m, sâu vào phía trong. Vợ chú cũng là công nhân công trường đá. Nghe nói cả hai vợ chồng chú đều ở quê lúa Thái Bình. Đứa con gái lớn của cô chú tên là Oanh, kém tôi khoảng 5 tuổi. Sau Oanh là một em trai còn bé tý. Em Oanh người mập mạp, da trắng với gương mặt bầu bĩnh. Cô chú rất quí tôi, mỗi khi có món ăn ngon lại gọi tôi đến nhà. Anh em tôi chơi rất thân với Oanh. Một bữa, tôi đưa em Oanh về nhà chơi và lấy món ốc nhồi luộc bón cho em ăn. Con ốc to làm em bị nghẹn, mắt trợn ngược, nước mắt, nước mũi dàn dụa. Tôi sợ hết hồn không biết xử lý thế nào, may sao sau đó em nôn ra được.
Phía trước nhà tôi, cách 100-200m là một bãi cỏ rộng, vốn trước đây là vườn trồng các loại rau củ và trồng lạc, đỗ. Từ ngày nhà bác tôi chuyển về xóm Trại thì cái vườn bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Qua cái vườn là một cái ao khá lớn mà HTX dùng để thả cá. Bên bờ ao, cạnh bãi cỏ có một cái lò nung vôi bỏ hoang. Đây chính là nơi mà công trường đá dùng để mổ thịt trâu. Có lẽ ngày đó tiêu chuẩn của công nhân mỏ đá khá cao vì một, hai tháng là lại mổ trâu rồi. Hầu như lần nào mổ trâu, bọn trẻ chúng tôi cũng đến xem với ánh mắt tò mò, sợ sệt. Những con trâu bị mổ thịt phần lớn là những con trâu ốm, yếu già nua không còn sức kéo. Tôi thấy một người đàn ông dắt con trâu già được cột ở gần đó ra nơi hành quyết. Con trâu già lầm lũi bước đi vẻ cam chịu, từ hai khoé mắt nó chảy ra hai giọt nước. Người dắt trâu dừng lại, tay phải ông ta cầm một chiếc búa đinh vung lên rồi đập mạnh vào đỉnh đầu con trâu, con trâu khuỵu xuống rồi nằm im. Bọn trẻ chúng tôi đều sợ sệt rồi bỏ đi không xem nữa. Thế mà cũng có lần, người cầm búa đập không đúng huyệt hiểm, con trâu vùng lên giật đứt dây thừng rồi bỏ chạy. Mọi người hoảng hốt rồi chạy đuổi theo con trâu. Về sau, có bắt được nó hay không thì tôi không nhớ. Và mỗi lần mổ trâu như vậy, chú Nhỡ lại gọi tôi đến nhà cho chén một bữa no. Vài năm sau thì cô chú nghỉ việc ở công trường đá về quê sinh sống. Giờ này không biết cô chú có còn sống không? Rất tiếc, ngày đấy tôi còn bé nên không nhớ cô chú ở huyện, xã nào, nhưng ký ức tốt đẹp về cô chú và em Oanh luôn sống mãi trong ký ức của tôi. Hy vọng qua bài viết này, cô chú hoặc em Oanh cho biết thông tin thì vui sướng biết bao. Tôi cứ hy vọng như thế.
Còn câu chuyện về dãy núi đá vôi thì sau này lớn lên, tôi cùng mấy đứa bạn vẫn trèo lên những vách đá để bắt những con sáo non về nuôi. Lũ chim sáo lông đen tuyền, mỏ vàng tươi với cọng lông đuôi màu sáng. Chúng có thể học nói tiếng người giống như loài vẹt. Tuy nhiên, chẳng con nào tôi nuôi được đến khi chúng biết học nói tiếng người cả. Con thì lăn đùng ra chết cho dù tôi chăm chúng còn hơn mẹ chăm con. Con thì bị con mèo nhà nuôi xơi thịt. Có bữa tôi vừa đuổi đánh mèo, vừa khóc vì tiếc con sáo. Núi đá tiếp tục bị khai phá với tốc độ chóng mặt. Hướng Đông Nam, phần đầu của dãy của dãy núi đá trông giống như đầu con voi. Ở phần mắt của con voi có một cái hang thông cả hai phía núi trông như mắt con voi, vì thế có tên là hang Mắt Voi. Thời gian ôn thi tốt nghiệp cấp 3 (PTTH), tôi còn trèo lên đây để ôn thi vì ở đây lúc nào gió cũng thổi vù vù, mát rượi. Thế mà sau mấy năm học tập ở LX về, ngọn núi đá đã trở thành bình địa, ngổn ngang như mới bị trận bom B.52 rải thảm. Công trường đá đã giải thể, công nhân cũng đã chuyển đi nơi khác.
Bây giờ, nơi đó chỉ còn lại gia đình anh cả và chị út con bác Tuất. Hầu hết những người đứng tuổi thời tôi sống ở đó đều đã bay về trời. Đồn Hang giờ đã khác xưa rất nhiều. Buổi tối đèn điện sáng trưng. Con đường đất lầy lội ngày xưa, giờ đã được trải nhựa phẳng lỳ. Bọn trẻ năng động, làm ăn buôn bán, chạy tàu chở cát sỏi về xuôi bán. Có tiền, chúng xây những ngôi biệt thự to, đẹp chẳng kém gì ở thành phố. Mỗi khi có dịp, tôi lại quay trở lại đây để sống với những ký ức xưa, nơi mảnh đất, con người thường đến với tôi trong những giấc mơ. Đến để nhớ lại “một thời đạn bom, một thời hoà bình.
Trái Tim Người Lính
Hoàng Xuân Tiến
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/gio-nay-chu-o-dau-a14737.html