Kỳ 5.
Một ngày cuối tháng 12 năm 1953, Cognu gọi cho Navarre:
-Báo cáo Tổng tư lệnh, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được xây dựng xong.
Đầu dây từ Sài Gòn, Navarre có vẻ vui vẻ, hài lòng:
-Tốt lắm, theo ngài nên cử ai làm Tư lệnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ?
-Theo tôi nên cử Đại tá Christitan De Caxtries. Đó là theo ý của tôi, còn tùy Tổng tư lệnh quyết định.
H.Navarre đáp:
-Tôi đồng ý với đề xuất của ngài.
H.Navarre lập tức quay máy cho De Caxtries:
-Tôi Navarre đây, chào ngài Đại tá De Caxtries.
-Xin chào ngài Tổng Tư lệnh, ngài khỏe chứ ạ?
-Cảm ơn ngài Đại tá, tôi khỏe. Tôi đã trao đổi với ngài Cognu bổ nhiệm ngài Đại tá làm tư lệnh trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
-Xin cảm ơn ngài Tổng tư lệnh, nhưng có biết bao Chuẩn tướng, Thiếu tướng tài giỏi cơ mà thưa ngài Tổng tư lệnh.
-Chúng tôi không nhìn sao và vạch trên ve áo mà nhìn vào khả năng của các sĩ quan. Vả lại đây là một mệnh lệnh quân sự.
-Cảm ơn Tổng tư lệnh, đã là mệnh lệnh thì tôi chấp hành.
-Chúc ngài may mắn, tôi đón tin thắng lợi từ ngài.
-Cảm ơn Tổng tư lệnh.
Vậy là De Caxtries được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra đời, liên tục khoảng 50 chính khách, trong đó có H. Navarre của Pháp, Phó Tổng thống Mỹ Ních xơn lần lượt lên thăm và khảo sát Điện Biên Phủ. Tất cả đều không ngớt lời ca tụng đây là “pháo đài bất khả chiến bại”. Những lời ca tụng kín mặt báo Pháp và Mỹ trong thời gian này. Tướng Chevigne thì cho đó là “Một tập đoàn bất khả xâm phạm. Vả lại Việt Minh không dám tấn công đâu". Tướng Cognu thì nói rằng: Chúng ta đến Điện Biên Phủ là buộc Việt Minh phải giao chiến. Không nên làm gì thêm để họ hoảng sợ mà lãng đi. Pháp còn rải truyền đơn thách thức quân đội nhân dân Việt Nam đánh vào Điện Biên Phủ. Truyền đơn của H.Navarre viết: "Gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghe tin ngài đưa nhiều quân lên nghênh chiến và có ý vào ăn tết ở Mường Thanh. Rất sẵn sàng đón tiếp ngài".
IV.
Tháng 12 năm 1953, đã cuối năm rồi nhưng gió mùa đông vẫn thổi lạnh cắt da khắp miền Thủ đô kháng chiến huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Gió khua lá rừng xào xạc. Đồi núi và rừng quanh co, khe suối, rải rác có những mảnh ruộng uốn quanh xanh màu lúa nương. Những mái nhà sàn nép bên những sườn đồi bao năm tháng, bao đời con người được che chở mờ mờ trong sương, trong lá. Tiếng chim bắt cô trói cột vọng lên trong rừng thẳm, tiếng tếch về, tếch về của lũ tắc kè càng tăng thêm vẻ tĩnh mịch của chiến khu kháng chiến.
Tại đồi Tỉn Keo, xã Điềm Mạc, huyện Định Hóa được coi như Phủ Chủ tịch cũng xanh mướt kín đáo của rừng, nhiều nhất là rừng vầu, nứa, mai, giang. Tiếng lá xạc xào theo gió, lá vàng rụng đầy lối đi màu vàng úa. Một ngôi nhà ba gian lợp lá cọ, vách nứa đan, gian giữa vách trên cao treo cờ đỏ sao vàng, dưới cờ là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những chiếc bàn gỗ đơn sơ kê một dãy dài từ trong ra gần cửa, vuông góc với chiếc bàn rộng kê ngang phía trong. Trên bàn đặt những bộ ấm uống trà sạch sẽ nâu bóng. Hôm nay, tại đây có cuộc Hội Nghị của Bộ Chính trị để quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi ghế chủ tọa. Ngồi bàn dưới hai hàng đối diện nhau là các tướng lĩnh trong Tổng quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng Cục chính trị, Tổng Cục hậu cần. Đây là cuộc họp bàn việc quan trọng quyết định đến chiều hướng tương lai của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:
-Các chú uống nước cho nóng rồi chúng ta làm việc.
Rồi Người bê bát nước thơm nóng, tất cả cũng bê nước lên và nói:
-Kính mời Bác, mời đồng chí Đại tướng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:
-Hôm nay, chúng ta họp để quyết định vấn đề rất quan trọng, quyết định đến chiều hướng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Các chú đã biết, sau khi ta tấn công nhiều hướng trong chiến dịch đông-xuân 1953-1954, phá vỡ khối quân cơ động của H. Navarre. Để đối phó, Navarre đã xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ rất kiên cố mạnh mẽ để bảo vệ Thượng Lào, khống chế miền Bắc Đông Dương. Điều quan trọng nữa chúng là thách thức chúng ta tấn công để tiêu diệt các Đại đoàn chủ lực của ta, tạo thắng lợi quân sự để giành thắng lợi trong chiến tranh. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là trước một tập đoàn cứ điểm mạnh như vậy, ta có tấn công hay không. Hôm qua, Bác đã nhận được ý kiến của chú Giáp đề nghị Bộ Chính trị và Bác cho tấn công Điện Biên Phủ. Hôm nay, chú Giáp trình bày căn cứ khoa học để tấn công Điện Biên Phủ và có bảo đảm thắng lợi hay không?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói:
-Kính thưa Bác, thưa các đồng chí, sở dĩ tôi thay mặt Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đề đạt nguyện vọng được tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vì mấy lý do:
-Thứ nhất, quân đội chúng ta hiện nay đã lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt so với trước năm 1950. Nay quân chủ lực của ta đã có 6 Đại đoàn, tương đương 6 Sư đoàn bộ binh tinh nhuệ, còn có binh chủng pháo binh và công binh. Quân đội ta đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu tiêu diệt các Tiểu đoàn của Pháp cố thủ trong các lô cốt kiên cố gọi là cứ điểm. Cuối năm 1953 đầu năm 1954, chúng ta đã xây dựng các đơn vị phòng không với nhiều pháo cao xạ, đã có 76 khẩu pháo cao xạ 37 ly và 72 khẩu súng phòng không DSHK, ngoài ra còn có vài chục khẩu M120 Browmno thu được của quân Pháp.
Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nhìn nhận trận Điện Biên Phủ như là cơ hội để quân đội ta đánh tiêu diệt lớn, tạo chiến thắng quyết định để mang lại chiến thắng cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Từ trước đên nay, chúng ta chỉ mới đánh tiêu diệt cứ điểm mà chưa đánh tập đoàn cứ điểm. Với Điện Biên Phủ, chúng ta đập tan tập đoàn cứ điểm, đập tan hình thức phòng ngự cuối cùng của Pháp, đẩy kháng chiến đi vào một giai đoạn mới, đẩy Pháp càng lún sâu vào thế bị động và thất bại.
-Khó khăn lớn nhất của ta khi tiến hành bao vây và đánh Điện Biên Phủ là khó khăn về vận tải lương thực, bảo đảm cho ít nhất 4 đại đoàn chính quy, qua 300km đường dốc nhỏ hẹp, miền núi dưới tầm oanh tạc của máy bay Pháp mà lại không có phương tiện cơ giới nhiều. Còn phải bảo đảm lương thực cho hàng vạn dân công, thanh niên xung phong phục vụ chiến trường. Khó khăn về vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng, thiết bị đồ dùng y tế. Làm thế nào để đem được pháo hạng nặng, pháo phòng không vượt qua 300km đường nhỏ hẹp nhiều dốc cao suối sâu. Pháp đã nhìn thấy những khó khăn tưởng như không thể khắc phục được của chúng ta nên chúng ngang nhiên thách thức chúng ta. Vậy xin Bác và các đồng chí bàn luận thêm làm thế nào để khắc phục được những khó khăn của chiến dịch.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi xuống và uống ngụm nước. Nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị như Tổng Bí thư Trường Chinh, Phạm Văn Đồng...phát biểu ủng hộ việc Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công Điện Biên Phủ, nêu giải pháp khắc phục khó khăn lớn nhất là vận chuyển vũ khí, lương thực cho chiến dịch. Cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận:
-Bác tán thành ý kiến của các chú. Trước hết bác thay mặt Bộ Chính Trị và Chính phủ cho phép Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Từ trước cho đến nay, quân ta chỉ quen đánh những cứ điểm. Nay tại Điện Biên Phủ, Pháp xây dựng tập đoàn cứ điểm thì ta phải đánh tan hình thức phòng ngự mới này của Pháp để đẩy cuộc kháng chiến sang một giai đoạn mới, đẩy Pháp vào thế thất bại không thể cứu vãn được. Các cuộc kháng chiến của cha ông ta xưa đều kết thúc bằng một trận quyết chiến lược thắng lợi vang dội, kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài. Còn những khó khăn như vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược, kéo pháo hạng nặng lên Điện Biên Phủ phải dựa vào nhân dân. Chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân. Khó trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn làn dân liệu cũng xong. Vần đề này chúng ta sẽ bàn trong cuộc họp của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến sắp tới. Nay thay mặt Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi thành lập bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ:
1. Tư Lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Đại tướng Võ Nguyễn Giáp.
2. Tham Mưu trương Thiếu tướng Hoàng Văn Thái.
3. Chủ Nhiệm chính trị đồng chí Lê Liêm.
4. Chủ Nhiệm hậu cần Thiếu tướng Đặng Kim Giang.
-Về các đơn vị tham gia chiến dịch:
1. Đại đoàn bộ binh 308, danh hiệu quân Tiên Phong, mật danh Việt Bắc, Tư lệnh trưởng Đại tá Vương Thừa Vũ. Chính ủy Đại tá Song Hào, Tham mưu trưởng Đại tá Nguyễn Hải.
2. Đại đoàn bộ binh 304, danh hiệu Vinh Quang, mật danh Nam Định, Tư lệnh trưởng Đại tá Hoàng Minh Thảo, chính ủy đồng chí Lê Chưởng, Tham mưu trưởng đồng chí Nam Long.
3. Đại đoàn 312, danh hiệu Chiến Thắng, mật danh Bến Tre, Tư lệnh trưởng Đại tá Lê Trọng Tấn, Chính ủy đồng chí Trần Độ, Tham mưu trưởng đồng chí Hoàng Kiên.
4. Đại đoàn bộ binh 316, danh hiệu Bồng Lân, mật danh Biên Hòa, Tư lệnh trưởng Đại tá Lê Quảng Ba, Chính ủy đồng chí Chu Huy Mân, Tham mưu trưởng đồng chí Vũ Lập.
5. Đại đoàn công binh, pháo binh 351, mật danh Long Châu, tư lệnh trưởng Đại tá Đào Văn Trường, Quyền Chính ủy đồng chí Phạm Ngọc Mậu.
-Giao cho Bộ chỉ huy chiến dịch vạch kế hoạch và phương án tác chiến cụ thể để thực hiện chiến dịch. Đảng và Chính phủ phát động phong trào toàn dân thi đua yêu nước, huy động hàng vạn dân công, hàng vạn thanh niên xung phong mở đường, hàng vạn phương tiện cơ giới, thô sơ, xe đạp thồ, quang gánh, thuyền bè để vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực lên Điện Biên Phủ phục vụ chiến dịch thắng lợi.
Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viện Bộ chính trị, phó thủ tướng chính phủ làm Chủ tịch.
-Bác ra lệnh hành quân tấn công Điện Biên Phủ.
Tất cả đứng dậy nghiêm trang. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận 6 lá cờ đỏ sao vàng lớn có dòng chữ : “QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG” của Bác trao và nói:
-Chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Bác, Bộ Chính trị, Đảng và Chính phủ giao phó.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dien-bien-phu-ban-hung-ca-chien-thang-tieu-thuyet-lich-su-ky-5-a14756.html