Còn ông bố thì chỉ thẳng vào mặt nói: Tao truyền đời, báo danh, loại đàn ông, đàn ang mau nước mắt như mày rồi chẳng làm nên vương tướng gì.
Ngay hồi đó, tôi đã biết bố mẹ nói thế, mắng thế là đúng. Nhưng ở đời có hai thứ không phải muốn là có thể thay đổi đấy là bản tính và số phận. Vì thế cái tính yếu đuối, dễ mủi lòng cứ theo bám tôi cho đến suốt cuộc đời như định mệnh. Để rồi vì thế mà chẳng làm được cái gì nên cơm, nên cháo cho dù trong mình vẫn còn biết bao ước vọng, khát khao.
Hồi lên 5, lên 7 tôi toàn chơi với bọn con gái. Chơi bán hàng, chơi chuyền, nhảy dây ... Những lúc đông bạn chơi, tụi nó đuổi: mày là con trai, ra chỗ bọn chúng nó đang đánh đáo, chơi khăng, đá cầu mà chơi! Khổ nỗi, tôi có biết gì mấy bộ môn đó đâu, nên tủi thân về nhà đắp chăn khóc, thề không bao giờ thèm chơi với bọn con gái. Hôm sau, thiếu người chơi tụi nó lại rủ. Tôi ngúng ngẩy làm cao, tụi nó xúm vào khen này, khen nọ, có đứa lại cho cắn một mẩu kẹo, thế là hoà, lại chơi như chưa từng hờn dỗi.
Hồi tôi học lớp 7 gặp một chuyện không vui. Có hai thằng bạn thân nhất đã không an ủi thì chớ, lại quay ra nói xấu tôi tàn tệ. Mới tý tuổi đầu tôi đã đau nỗi đau phản trắc tới mức nghĩ đến cái chết. Tôi trùm chăn giữa mùa hè khóc cho cái chết tự nghĩ ra của mình đến thê thảm. Lúc người ta lấp đất lên quan tài, tôi nhìn thấy bao người khóc thương chỉ duy hai thằng bạn đó nhăn răng ra cười. Tôi bỗng tỉnh, tung chăn đứng dậy và quyết định: mình không thể chết. Năm đó tôi học hành, cả công tác đội giỏi giang tới mức được tuyên dương là cháu ngoan Bác Hồ toàn TP Hà Nội và được tuyển thẳng vào trường cấp 3 Chu Văn An.
Cuộc sống từ nó đã dậy cho tôi bài học: không thể gục ngã ngay cả khi bị vùi dập. Nhưng tính mủi lòng mau nước mắt thì không thể bỏ dù rất ngại khóc trước mặt người khác.
Xem mấy bộ phim Hàn, nước mắt rơi lã chã, bà vợ ngồi bên nguýt:"Giống quá phải không, nhớ lại cảnh chia tay với con ý chứ gì. Tôi còn lạ". Tụt hết cảm xúc mà chả buồn cãi. Túm lại, đàn ông đàn ang khóc trước mặt người khác, dù bất cứ lý do gì, ngay cả vợ minh cũng chả chấp nhận, nói chi đến người ngoài. Nên tôi tránh xem những phim tình cảm mùi mẫn bên cạnh vợ, đặc biệt là chương trình tốn nhiều nước mắt nhất: Như chưa hề có cuộc chia ly. Mỗi lần bà vợ bật lên chương trình này là tôi lủi. Bả hỏi, sao thế? Cũng chẳng buồn trả lời. Chả nhẽ lại nói: tôi ngồi xem lại khóc tu tu trước mặt bả vừa mất thể diện, vừa có cớ để bà suy diễn. Tránh cho lành.
Nhưng khóc một mình thì vẫn thi thoảng. Cũng may là chỉ thi thoảng khóc vì cuộc đời cho tôi nhiều niềm vui hơn nỗi đau. Và cũng may là còn khóc được để biết con tim mình không đến nỗi khô cằn. Như đợt về Việt Nam vừa rồi, người này, người kia giận dỗi. Mình yêu người ta rồi phụ bạc, giận dỗi đã đành. Người ta yêu mình, mình không thể đáp lại, nhưng một mực nâng niu, trọng đãi mà vẫn quay ra trách móc y như mình vắt chanh bỏ vỏ. Buồn bực đâm ra uống cho đẫy. Đêm về lăn quay trên giường khách sạn nghĩ thấy tủi thân, ấm ức. Rồi khóc rống lên. Có ai đâu mà phải sĩ. Khóc đã đời. Sáng mai dậy thấy thật nhẹ lòng. Lại tự bảo mình: Sống ở đời còn được ai trách móc là may. Có yêu thương mới có hờn giận. Chứ người ta gỗ đá với mình, hơi đâu mà giận hờn. Vậy mà cứ rượu vào là lại cả nghĩ rồi tủi thân.
Như hôm rồi có chuyện buồn, đi về, cả dọc đường miên man nghĩ chuyện đúng sai. Đến nhà cũng chẳng buồn lên. Đường phố khuya khoắt chẳng một bóng người, tủi thân thế nào lại ngồi trong xe ô tô khóc. Lên nhà “len lét như rắn mùng năm” mà vẫn bị bà vợ bắt gặp. Bả dòm tận mặt rồi phán:"Này ông vừa khóc phải không? Tuổi này rồi, đừng nói là lại vừa sướt mướt chia tay với con bồ non nào nhé". Chả thể thanh minh, thanh nga. Với bả, tôi là người sung sướng nhất. Làm ít, dong chơi nhiều, về nhà vợ con một mực chiều chuộng. Hoạ có điên mới khóc. Có khóc chỉ vì con nào.
Tôi lặng vào giường ôm lấy thằng con bé. Những lúc vui vẻ, hứng thú ôm con vào lòng như nhân lên niềm vui. Những lúc buồn rầu, chán nản thế này, hơi ấm từ con như sự an ủi, chia sẻ. Mà ở đời này, chỉ có mẹ và đứa con ruột thịt còn đang nằm trong vòng tay, là không thể phản trắc. Biết vậy mà sao nước mắt vẫn rơi.
Chuyện làng quê
Hùng Lý (Berlin, Đức)
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mui-long-a14796.html