Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Nhuệ, con sông hiền hòa tắm mát tuổi thơ tôi. Học hết cấp Hai ở xã, tôi lên học cấp Ba trường Huyện. Trường cách nhà hơn mười cây số nên tôi phải trọ học. Học hết cấp Ba, tôi xin đi làm công nhân cơ khí ở một xưởng đóng tàu ở Hải phòng.
Có trình độ văn hóa, nên đầu nhưng năm sáu mươi của thế kỷ trước tôi được cử sang Trung Quốc học nghề hàn, để về hàn tàu. Tốt nghiệp xong tôi về Xưởng hàn tàu. Những chiếc tàu của Pháp hư hỏng để lại, có bàn tay tôi đóng góp sửa chữa, phục chế thành tàu như mới.
Những năm sáu nhăm sáu sáu của thế kỷ trước, tôi lên đường tòng quân cứu nước. Khi nhập ngũ, thấy tôi có tay nghề chuyên môn, cấp trên chuyển tôi sang Binh chủng Quân Giới.
Tôi cùng đơn vị băng Trường Sơn về Miền Đông Nam Bộ, sát nhập với xưởng Quân Giới Biên Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu, nói chung là các tỉnh Miền Đông.
Những ngày chống càn ở Bình Thuận thật vất vả. Đơn vị tôi có vợ chồng chị Ba Sáng anh Ba Nên đã hy sinh cả đứa con nhỏ mới vài tháng tuổi để giữ bí mật cho đơn vị, điều làm chúng tôi nhói lòng mỗi khi nhớ lại.
Đầu năm bảy mươi đơn vị chuyển lên núi Bể, nơi đây là an toàn tuyệt đối.
Đơn vị tất cả có bốn A: A Hóa, A Cơ khí, A Sưu tầm, A Rèn.
A Hóa là khâu cuối cùng cho ra các thành phẩm: Mìn, lựu đạn, thủ pháo, kíp nổ.
Mìn chủ yếu lấy thuốc nổ từ những trái bom pháo lép của giặc được A Sưu tầm mang về. Vỏ mìn, mảnh mìn được A Cơ khí đưa sang. A Hóa chỉ cần sắp xếp mảnh mìn hay đạn mìn vào vỏ, tráng lớp xi măng lên để giữ liên kết, xong cho thuốc nổ lên, rồi đóng nắp đậy, vuốt diềm lại là xong.
Kíp nổ, cắt từ đồng lá ra nhiều hình chữ nhật bằng nhau, làm sao khi cuộn lại vừa thành cái kíp, sau đó dùng hàn khò, hàn ghép mí là xong. Đấy là mới xong phần vỏ kíp, phải mang đi tẩy sạch bằng Thuốc tẩy, xong sấy khô. Cuối cùng cho thuốc kíp vào, ép xuống mới hoàn toàn là thành phẩm. Nếu làm kíp điện, chỉ cho thêm phần mồi điện lên trên đấu kíp, sau thắt cổ kíp lại là hoàn chỉnh kíp điện.
A Cơ khí làm nhiệm vụ cung cấp vỏ mìn, vỏ thủ pháo cho A Hóa. Làm vỏ mìn phải chọn loại tôn dầy, cứ theo bản vẽ mà cắt gò theo các loại: Mìn Đh10, Đh8, Đh5, Đh2. Thủ pháo dùng tôn mỏng hơn.
A Cơ khí còn có nhiệm vụ làm các khuôn đúc đầu thủ pháo, lưu đạn, cán dao. Tiện cán lưu đạn, tiện kim hỏa mìn gạt.
A Sưu tầm. Nhiệm vụ chính là đi cưa bom đạn lép lấy thuốc nổ. Vỏ bom pháo lấy về để phục vụ A Cơ khí làm khuôn đúc, cho A rèn làm dao. Nghe tin báo của đơn vị nào cho biết có bom pháo lép là A Sưu tầm có mặt để thi hành nhiệm vụ.
A Rèn. Chuyên rèn dao, rèn các dụng cụ cần thiết phục vụ bộ đội cơ quan. Đốt than phục vụ rèn. Đốt than là cưa cây cắt ra từng đoạn, trên dưới một mét. Khi lò cháy đều thì lấp lại. Sau khi gỗ cháy hết sẽ thành than.
Cơ khí cần gì thì lại nhờ đến rèn. Rèn cần đến sắt thép thì nhờ đến sưu tầm. Đó là một guồng quay chặt chẽ sản xuất, phục vụ chiến trường, của chiến sĩ Quân giới chúng tôi.
Chuẩn bị đón xuân 1972, Xuân Nhâm Tý, để có thực phẩm, chúng tôi chia hai nhóm: Nhóm săn thú trên núi, nhóm xuống biển đánh cá.
Tôi theo nhóm xuống biển. Chuyến đi biển mất ba ngày, xuống biển vùng Xuyên Mộc. Ngày đầu đánh cá, có những chỗ một gói thuốc nổ vớt được bốn yến cá. Khi cảm thấy lượng cá đã khá đủ, bọn tôi đổ cá ra bãi cát phơi. Chỉ một ngày phơi trên cát, cá đã khô ròn, tất cả chúng tôi đóng cá vào bồng, ngủ lại một đêm, sáng hôm sau trở về căn cứ.
Ở nhóm trên núi, nhóm đi săn bắn được năm con Dọc, một con Chồn Hương.
Tất cả trên rừng dưới biển, thực phẩm dành cho Tết là vậy. Gạo, bột mì làm bánh. Rượu lấy từ A Hóa (khoản cất cồn còn dư).
Một cái Tết thật tưng bừng náo nhiệt. Chúc tụng nhau hết lời để rồi chuẩn bị cho mùa xuân "xuống đường".
Xuân xuống đường năm 1972. Đơn vị tôi đã cấp cho chiến dịch hàng ngàn trái thủ pháo lựu đạn, hàng ngàn trái mìn đủ các loại, từ Đh2 đến Đh10. Hàng ngàn kíp nổ các loại.
Mỗi lần tin chiến thắng từ mọi miền loan về, niềm vui có công sức của bàn tay Quân Giới của chúng tôi đóng góp. Tôi tự hào biết bao là chiến sĩ Quân giới.
22/8/2022
Trái tim người lính
Nguyễn Đăng Dung
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chien-sy-quan-gioi-ke-chuyen-a14848.html