Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 10)

Ngày 21 tháng 8 năm 1968, tôi vào đến cơ quan – Thông tấn xã Giải phóng, thuộc Ban Tuyên huấn khu ủy khu V, mật danh là Làng Tuyên. Thời kỳ này, sau Mậu Thân, đối phương phản công khá quyết liệt, Ban phải rút lên vùng núi cao.

bia-ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-1660572196.jpg
 

 

Tôi chỉ làm đôi chút công việc ít liên quan đến chuyên môn, như ghi chép tin đọc chậm, còn phần lớn thời gian dành cho việc gùi cõng và sản xuất. Thời ấy, Khu V chỉ xin Trung ương chi viện về vũ khí, quân dụng, quân nhu, còn lại tự túc lương thực. Bởi vậy, cơ quan nào ở Khu V cũng phải lo lương thực, thực phẩm từ hai nguồn chính: Tự sản xuất, và mua ở đồng bằng về.

Sau những chuyến gùi cõng vất vả, tôi bị sốt rét quật ngã. Đúng lúc ấy thì cơ quan phải di chuyển. Không thể nằm lại vùng rừng núi một mình, tôi gắng gượng chống gậy đi về vùng căn cứ mới. Rồi, tôi đón cái tết Kỷ Dậu, tết đầu tiên xa nhà, ở chiến trường, trong một túp lều, vì chưa kịp xây dựng nhà cửa. Cũng không dám thắp đèn, vì sợ máy bay Mỹ phát hiện. Hết sốt rồi nhưng người còn yếu, vật chất đón tết chẳng có gì, thì nguồn lực tinh thần của tôi là chiếc đài bán dẫn. Trong túp lều dựng bằng tấm tăng, loại vải vi ni lông không thấm nước, tôi và anh Minh, phụ trách tổ Thông tấn chúng tôi, bật đài nghe các buổi phát thanh mừng xuân từ miền Bắc truyền vào. Vô cùng vui sướng, chúng tôi được thưởng thức Hội diễn làn sóng, đo Đài TNVN tổ chức. Tôi thầm cảm ơn Đài đã có sáng kiến tổ chức một cuộc hội diễn bằng âm thanh trên làn sóng phát thanh như thế này, để những người xa miền Bắc như chúng tôi cùng được thưởng thức. Rừng già trở nên ấm áp, rạo rực trong tiếng đàn hát từ chiếc radio phát ra. Chương trình hội diễn này do các ca sĩ không chuyên, những công nhân của Hà Nội, Quảng Ninh, Hải phòng, tham gia. Giọng hát của Ngọc Bé, Bích Việt, Huy Túc, Quốc Đông phát ra từ chiếc đài nhỏ bé, nhưng đủ làm chúng tôi rung động mãnh liệt. Ngọc Bé, công nhân công ty xe điện Hà Nội, hát bài  Cô thợ hàn của Thịnh Trường, vẽ nên một bức tranh sống động về cô công nhân, hăng say lao động để cho đất nước mạnh giầu:

“1. Ngước trông lên lò cao,

Ánh lửa hàn lóe sáng hơn sao

Tôi ngước trông lên lò cao,

Thấy cô thợ hàn sáng mắt trông sao

Ngày nào trên tay cô cặp sách,

Chiều về cô vui chơi thỏa thích

Cô vẫn say mê xem bác thợ hàn.

Kìa xem bông hoa đang nở sáng

Mải chơi nên đôi khi mẹ mắng

Miên man thấy trong lòng rực ánh lửa hoa.

* *

Đến hôm nay trên lò cao,

Ánh lửa hàn lóe sáng hơn sao

Đôi mắt cô đang nhìn theo,

Ngắm xem đường hàn nhẵn bóng cô yêu

Ngày ngày tay cô đưa mải miết

Lò ngày mai ra bao mẻ thép

Cô thấy vui khi đất nước mạnh giàu

Đời vui bên bông hoa nở sáng

Đường cô đi muôn hoa hồng thắm

Lò cao ánh tương lai đẹp tựa ngàn sao”.

Bài hát gợi cho tôi nhớ kỉ niệm về thời học sinh phổ thông, cứ mỗi dịp nghỉ hè lại tham gia lao động ở công trình xây dựng, vui với ánh lửa hàn lập lòe, hăng hái đẩy xe cút kít vôi vữa góp phần xây nên những ngôi nhà “cao... cao... cao mãi...”. Rồi Huy Túc với bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng”. Còn một giọng hát mượt mà, tha thiết, đó là Bích Việt - công nhân mỏ Quảng Ninh- tiếc rằng tôi không nhớ rõ hồi đó chị đã hát bài hát gì, chỉ nhớ rằng giọng hát của chỉ khiến tôi lặng đi, xúc động...

***

Tôi vào nóc Ông Chanh, tham gia sản xuất ở cơ sở một. “Bắt đầu những ngày phát rẫy dai dẳng. Trời nắng ong ong, nóng điên người. Phơi mình dưới trời nắng, chúng tôi dùng rựa phá t cây, dứt dây. Những bụi mâm xôi rậm rì, đầy gai, bò ngùng ngoằng, cào nát hai bàn tay chúng tôi. Chúng tôi phải dùng cây dài làm đòn bẩy, đánh vòng, đi từ phía sau bụi mâm xôi đánh xuống. Nhờ vậy, gốc nó phải phơi ra cho chúng tôi chặt.

Vắt cũng thi nhau hút máu. Ngày nào máu cũng đổ vì vắt. Rồi còn ruồi mòng đốt nữa. Thứ ruồi này to, đốt buốt thon thót. Cơ thể mỏi mệt, đau nhức. Chân, tay mụn xưng đỏ tấy. Phải có ý chí chiến đấu - cứ vươn tới, vươn tới, lấn dần với cái mỏi mệt. Và rồi cũng qua đi. Đây, một ngày mới lại đến. Ăn cơm sáng trong ánh đèn dầu leo lét. Xách rựa ra rẫy trong cái lành lạnh của sương sớm. Ánh bình minh đón ta. Nó sáng lên với ánh sáng hơi xanh dịu hoặc ửng hồng, lan tràn trên các đỉnh núi. Mặt trời đỏ mọng như quả mâm xôi chín gặp chúng tôi khi nhô lên khỏi ngọn núi phía bên trái rẫy. Và những đám mây dầy đặc bao giờ cũng đem lại cho tôi một cảm giác khoan khoái, mênh mông... Mây trắng đục như sữa tràn đầy không gian, đầy ắp các thung lũng, tràn phủ cả lưng những ngọn núi cao, làm ngập lút cả những ngọn núi thấp. Đứng trên núi nhìn về phía xa ấy, trông như một dòng sông mênh mông. Mây tạo thành dòng sông lớn, có những đoạn uốn lượn duyên dáng, có cả ngã ba bát ngát. Những mỏm núi nhô lên xanh xanh như những hòn đảo nổi giữa sông. Rồi ta bước vào rẫy và bị rẫy bưng lấy tầm mắt. Đó: cây, lau lách, gai góc, dây dợ đó, hãy xông tới mà chặt, mà dứt, mà cào. Con rựa, con rựa có cái mấu khoằm khoằm ở đầu tha hồ tung hoành. Rồi trưa đến với cái nắng cháy da. Ăn cơm trưa ngay tại rẫy. Xong, nghỉ tạm bợ dưới bóng cây, trên nền đất lởm chởm cho dãn xương cốt một chút rồi lại dậy làm. Khi mặt trời khuất sau những dãy núi trùng điệp và bầu trời chỉ còn sáng với ánh sáng thoi thóp, chúng tôi ra về. Len qua những khu rừng, khe suối, vượt qua vài cái dốc nhỏ rồi về nhà. Nhào vào nước rửa ráy hoặc tắm ào, rồi mài rựa, rồi ăn cơm trong ánh đèn dầu. Tối đến với những buổi họp bàn công việc, những giờ học văn hoá say sưa hoặc cùng hát hò vui vẻ. Đấy, cuộc sống sản xuất của chúng tôi cứ diễn ra đều đặn, bình thản như vậy.”... “Những ngày dọn rẫy thật đáng nhớ. Phơi mình dưới cái nắng lửa suốt ngày, không một bóng cây nhỏ. Vác những cây gỗ cháy nham nhở vứt khỏi rẫy hoặc xếp gọn lại. Dùng rựa cào cây nhỏ, dây dợ cho sạch. Chao, lúc ấy tro bụi tung lên mù mịt, thộc vào mồm, mũi nồng nặc. Đến ngột lên vì tro, vì nắng, nóng. Rồi trỉa lúa, bắp. Tất nhiên là với phương thức rất nguyên thuỷ: dùng gậy thọc lỗ rồi tra hạt, lấp đất. Kể cũng lạ thật, làm thế vậy mà lúa ngô vẫn vươn lên xanh tốt - đặc biệt là ngô.

Không bao lâu bắp đã được ăn. Trái bắp to, mẩy hạt, ngọt ngào. Có những buổi đi coi rẫy, tôi bẻ những trái bắp non quăng vào đống lửa. Khi lớp vỏ ngoài cháy gần vào trong, là lúc bắp chín. Bắp dẻo, thơm, ngọt lừ, tôi chỉ ăn 3 - 4 trái là no căng, thay cho bữa cơm. Thật là sung sướng khi được hưởng thành quả lao động do chính tay mình làm nên. Bắp được thu về, chật nhà cửa. Chúng tôi lột bao rồi chất lên dàn, tối đốt lửa sấy. Lẽ ra có thể phơi, song lũ máy bay lượn dữ quá, sợ chúng phát hiện ra.” (Bê trọc,NXB Thanh Niên, NXB Văn học, 1999). Giống như người nông dân, chúng tôi vui với niềm vui được mùa.

Nhưng, lũ giặc tìm mọi cách “đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá” như Tư lệnh Không quân Mỹ, tướng Curtis LeMay từng phát ngôn. Dùng bom đạn giết người, tàn phá làng mạc xóm làng, rải chất độc phá hoại mùa màng... chúng không từ một hành động man rợ nào. Có trận, máy bay rà sát sạt, rải chất độc bay mù trời, khiến mũ, áo chúng tôi thấm ướt. Rẫy sắn bị chất độc, rũ lá xuống, chúng tô vội vàng lấy rựa tới phạt cây sát gốc, để sắn không hút chất độc vào củ... Chúng dùng cả bom B,52 rải thảm vào nương rẫy để vừa giết người, vừa triệt nguồn lương thực của chúng tôi.

“NGÀY 4-9-1970

Lúa sớm đã chín vàng rực nương rẫy. Ban cử thêm người vào suốt lúa, càng thêm vui. Giữa những ngày bận rộn này, giặc Mỹ lại tới quấy nhiễu. Hôm trước, chúng cho B.52 rải bom ở Nước Boa. Và hôm nay, mới hơn 7 giờ sáng, chúng đã tới đấm lưng chúng tôi. Tôi sốt, đang nằm mơ mơ thì nghe hàng tràng tiếng nổ như sấm động nối nhau. Vội nhào xuống hầm. Hai đứa trẻ khóc thét lên.

Hết loạt bom, tôi ra rẫy nhìn, thấy phía Nước Lon và phía rẫy 3 của chúng tôi bụi đất, khói bom bay mù mịt. Chúng tôi rất lo lắng cho sinh mạng mấy anh em đang làm kho lúa phía đó.

Một lúc sau, Bá chạy về. Chưa tới ngõ, anh đã nói: “Kho bắp hư hết rồi!” – Như vậy có nghĩa là người không ai việc gì. Rồi Tạo, Hiến chạy về. Hiến bị một vết xước nhỏ trên đầu, máu ri rỉ như bị vắt cắn; anh em xúm lại rửa thuốc và băng cho anh. Tạo ngồi thở, mồ hôi ra đầm đìa. Cậu ta đột ngột cười to, nói trong tiếng cười: “Khỏi chết. B52 chụp trên đầu vẫn khỏi chết”. Rồi thì Huy, Tám chạy về, bình an cả. Anh em cho biết lũ B52 bắt đầu rải ”tấm thảm bom” của chúng từ rẫy 2, kéo qua rẫy 3 và nối dài qua Nước Lon, qua giải núi bên kia. Anh em đều nằm giữa “tấm thảm” đó. Hiến nằm giữa triền dốc, gần bụi lồ ô. Phía đó, một quả bom đào đã làm bay cả bụi lồ ô đi mất. Phía sau Hiến vài mét, hai quả bom khác đào hai lỗ sâu hoắm. Vậy mà không giết nổi Hiến, chỉ làm anh bị trầy da đầu và mất một chiếc dép cao su. Tạo, Bá cũng nằm gần mấy hố bom, nghe bom nổ chát chúa mà không hề gì hết.

Bom làm sập kho bắp của chúng tôi và hư một số lúa của rẫy 2, 3. Cũng may mà bắp chỉ sập xuống đất, không bay mất trái nào. Huy động toàn lực lượng đi cõng hết số bắp về nhà. Đông người nên chỉ qua chiều hôm sau là đã chuyển hết bắp. Hai mái gà cùng một đàn gà con cũng được chuyển về. B52 dù sao cũng giết được hai con gà nhỏ của lũ tôi. Tuy nhiên, bầy gà con vẫn điềm tĩnh chiêm chiếp theo mẹ kiếm ăn, không tỏ ra sợ hãi gì.”

Làm nhiệm vụ sản xuất không những vất vả, gian lao, mà cũng không kém phần hiểm nguy như thế đây. Cũng chính vì vậy, bài hát  Vui mùa chiến thắng của Văn Chừng – Lam Lương, qua giọng hát của Bích Lại, trở thành bạn thân thiết của tôi trong suốt thời kỳ tham gia sản xuất và nhiều thời sau sau đó:

“1. Chiều nay tôi đứng trên Trường Sơn

Lòng tràn đầy vui sướng mùa lúa thơm ngạt ngào.

Dòng sông đưa nước về xuôi

Mang bóng nương ngô cùng bồng con phất cờ.

Chim phí bay về nương lúa thơm trĩu bông

Chao mình trong gió Thu đưa xạc xào.

Hò ơ ớ ơ...

Mùa lên trên đỉnh núi Trường Sơn

Như nhiều cô gái đẹp,

Như áo hoa của đàn em thơ,

Như cả mùa Xuân!

Tương lai đang bước về trên nền trời quê.

Hò ơ...

Mang trong tim này tình yêu quê hương

Trên nương đồi này đẹp bao tấm lòng

Mùa lúa chín chờ ta với bao niềm tin

Thu sang trong mùa vui chiến thắng.

2. Rừng xưa không vết chân người đi

Bọn giặc thù hung ác giày xéo lên cuộc đời.

Về đây ta biến rừng hoang

Ra lúa ngô khoai nặng tình đi giết thù.

Tay súng tay rìu theo chúng ta vùng lên

Hai bàn tay trắng xây nên cuộc đời.

Hò ớ ơ...

Bàn tay ta gieo lấy mầm xanh

Gieo niềm tin ở ngày mai sáng tươi

Với tình yêu thương ta bắt rừng hoang

Nuôi ta đi giết thù bảo vệ trời quê.

Hò ơ...

Đôi tay anh hùng bạt núi ngăn sông

Đôi chân anh hùng đạp tan quân thù

Mùa lúa chín rộn vang khúc quân hành ca

Ta đang đi về trong chiến thắng...”

Có những buổi chiều trông coi nương rẫy, chỉ một mình, tôi ngồi dựa gốc cây, mở đài dò tìm bài hát “Vui mùa chiến thắng”, rồi nhắm mắt thả hồn vào bài ca. Nhưng cũng có buổi, không thể tìm ra bài hát đó, tôi vẫn ngồi tựa gốc cây, mắt lim dim. Yên lặng. Thật yên lặng. Và rồi, bài hát “Vui mùa chiến thắng” vang lên trong tâm khảm tôi, hình như làm lá rừng cũng xào xạc ca theo. Bài hát này tuy nói về sản xuất nông nghiệp, nhưng tính biểu tượng rất cao, phản ánh lung linh chiều sâu tâm trạng của tôi lúc ấy. Những câu ca “Mùa lúa chín chờ ta với bao niềm tin/Thu sang trong mùa vui chiến thắng.”, “Bàn tay ta gieo lấy mầm xanh/Gieo niềm tin ở ngày mai sáng tươi/Với tình yêu thương ta bắt rừng hoang/Nuôi ta đi giết thù bảo vệ trời quê.”,” Mùa lúa chín rộn vang khúc quân hành ca/Ta đang đi về trong chiến thắng...” đâu chỉ nói về việc gieo trồng, thu hoạch lúa ngô? Những câu ca ấy nói về chính chúng tôi, những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đang được gieo trồng ở căn cứ cách mạng, chờ thời cơ bung tài năng ra phục vụ cuộc chiến tranh của dân tộc, và tất yếu sẽ “đi về trong chiến thắng”.

***

Dù gian khổ, thiếu gạo, thiếu cả muối, nhưng Khu ủy Khu V vẫn rất coi trọng đời sống tinh thần, đồng thời coi văn hóa, nghệ thuật là một đội quân quan trọng, một loại vũ khí sắc bén góp phần vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Ở căn cứ, có đoàn văn công Quân khu, đoàn ca múa Khu ủy, đoàn Dân ca, đoàn Tuồng... Tất cả đều đem lời ca, điệu múa đi phục vụ quân dân vùng căn cứ và nhân dân vùng giải phóng, vùng tranh chấp giữa ta và địch. Chính tôi cũng không ít lần bấm đèn pin đi xuyên rừng để tới xem đoàn văn công Quân khu biểu diễn. Bài hát  Những cô gái Quan họ của Phó Đức Phương do tốp ca nữ của đoàn trình bày gây ấn tượng không phai mờ trong tôi. Tám nữ diễn viên đều là thanh nữ tươi trẻ, mạnh khỏe và cũng không kém thướt tha trong bộ trang phục biểu diễn. Các cô vừa hát, vừa thể hiện những động tác vũ đạo đầy sức cuốn hút:

 

“1.Trên quê hương quan (i) họ (i)

Một làn nắng (i) cũng mang điệu dân ca

Giữa mùa lúa thơm cánh cò bay đẹp như trong mộng (i)

Những cô Tấm ngày xưa như vẫn còn đây trong mùa trẩy hội.

A... Quê hương ta biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp đảm đang (ì i)

Việc nước việc nhà vẹn toàn nắng mưa nhọc nhằn vẫn  tươi duyên.

2. Yêu quê hương quan (i) họ (i)

Từ đồng lúa (i) đến con đò ven sông

Giữa mùa chiến công xóm làng xưa lại ngân câu hò (i)

Lúa xanh mướt đồng quê, ta tiếp bài ca chiêm mùa mở hội.

Đây quê hương ta gái thay trai tay súng tay cày đảm đang (i)

Giặc đến giặc không đường về, lúa xanh mùa mùa vẫn tươi xanh.

Giặc đến giặc không đường về, lúa xanh mùa mùa vẫn tươi xanh...”

Xem các cô biểu diễn, tôi cứ nghĩ mãi tại sao giặc Mỹ nỡ đem bom đạn đến tìm diệt những người dân Việt Nam yêu nghệ thuật, duyên dáng và đáng yêu như thế này? Nếu như, nói dại, nếu như chợt một tràng bom Mỹ dội xuống cướp đi sinh mạng những cô gái thướt tha kia, thì tôi sẽ đau buồn biết nhường nào! Nghĩ rồi, càng yêu mến những người con gái đó, tôi càng thêm căm thù quân xâm lược, mong muốn có ngày được xuống đồng bằng tham gia chiến đấu, với vũ khí là cây bút, sẽ góp công xứng đáng đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, như lời Bác Hồ dạy.

Đoàn ca múa của Khu Ủy, được quản lý trực tiếp bởi Ban Tuyên huấn, cũng có nhiều buổi biểu diễn tại căn cứ và vùng xung quanh, phục vụ cán bộ, bộ đội, đồng bào dân tộc. Tôi thích nhất bài hát  Bài ca bên cánh võng của Nguyên Nhung, do ca sĩ Thanh Hoài của đoàn biểu diễn. Tiếc rằng không có bản ghi giọng hát Thanh Hoài, nhưng bản ghi giọng hát của Nghệ sĩ Trần Chất cũng là một giá trị đáng trân trọng:

“1. Dừng chân bên suối võng đưa

Nhìn trời cao trong xanh lồng lộng

Bông hoa rừng thơm mát, phải đất nước cho ta

Mẹ yêu con gửi tình trong hoa bát ngát.

Võng theo ra chiến trường

Võng theo ta giải phóng

Tổ Quốc ơi! Muôn năm vững bền hai đầu

Cho quê ta hết giặc,

Bao em thơ yên ngủ

Về anh ru dưới bóng dừa.

2. Chiều Trường Sơn dào dạt võng đưa

Rừng ru ta thân yêu như quê nhà

Như con thuyền trên bến đợi rẽ sóng trùng khơi

Về dưới xuôi, đồn thù bốc cháy nơi nơi.

Võng theo ra chiến trường

Võng theo ta giải phóng

Tổ Quốc ơi! Muôn năm vững bền hai đầu

Lời ru xưa vỗ về

Lời ru nay thúc giục

Rộn lòng ta ra chiến trường.”

Tôi thấm thía đoạn “Chiều Trường Sơn dào dạt võng đưa/Rừng ru ta thân yêu như quê nhà/Như con thuyền trên bến đợi rẽ sóng trùng khơi/Về dưới xuôi, đồn thù bốc cháy nơi nơi.” Cánh võng chính là bạn thân thiết của những người chiến sĩ Trường Sơn, nâng giấc, ru êm con người. Câu hát có tiết tấu dàn trải, giai đoạn êm dịu, nhưng đã nói lên được khát vọng cháy bỏng của chúng tôi “về dưới xuôi” để cho “đồn thù bốc cháy nơi nơi”.

Về bài hát này, tác giả Kiều Thẩm viết tên trang Bài ca đi cùng năm tháng như sau:

“Giữa những ngày tháng đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đang còn ở thời kỳ quyết liệt. Bên cạnh âm hưởng hào hùng sục sôi không khí “chiến đấu và chiến thắng” của rất nhiều bài ca hừng hực khí thế, lòng ta bỗng dịu đi, lắng lại bởi một bài hát rất độc đáo với giai điệu mượt mà, uyển chuyển nhưng không kém phần sâu sắc. Mới nghe qua đã thấy phảng phất âm điệu của chất ví dặm khu Bốn, nhưng được nhạc sĩ phát triển, tạo cho ca khúc vẻ mới mẻ, hiện đại. Giữa ngày tháng ấy, những bài hát như thế không nhiều so với các ca khúc sôi nổi, sục sôi hào khí.

“Dừng chân bên suối võng đưa.

Nhìn trời cao trong xanh lồng lộng.

Bông hoa rừng thơm ngát phải đất nước cho ta.

Mẹ yêu con gửi tình trong hoa bát ngát…”

Đó là những lời đầu tiên dẫn vào “Bài ca bên cánh võng” của Nguyên Nhung - một nhạc sĩ suốt đời mặc áo lính. Nhạc sĩ kể: “Dịp ấy là năm 1969, tôi đang học sáng tác tại trường Đại học âm nhạc (nay là Nhạc viện Quốc gia) thì được điều động về các địa phương công tác như các nhạc sĩ quân đội khác, vì khi ấy nhu cầu tuyên truyền văn nghệ ở mọi nơi đang rất cần nhiều chiến sỹ làm công tác văn nghệ.

Tôi được điều động về Đoàn Văn công Quân khu Bốn. Sau một số sáng tác làm tiết mục cho Đoàn, tôi thấy cần có một bài mang một phong cách mới lạ, khác hẳn so với những bài đã trình diễn. Đang loay hoay tìm ý tứ thì tình cờ tôi quen biết một đồng chí Chính uỷ sư đoàn (đồng chí này sau đó đã hy sinh ở mặt trận Quảng Trị năm 1972).

Trong một lần tâm sự, tôi hỏi đồng chí: - “Là chính uỷ, trước mỗi trận đánh, anh nói điều gì với anh em chiến sĩ để động viên họ? Chắc chắn thời gian không có nhiều, anh không thể nói dài, chỉ có thể là một vài câu. Vậy đó là câu gì?” Đồng chí chính uỷ trả lời: “Tôi nói: Anh em, hãy hi sinh tất cả vì Tổ quốc. Vâng, lúc ấy tôi chỉ còn biết nghĩ đến Tổ quốc và tôi nghĩ anh em họ cũng chỉ nghĩ như thế chẳng kịp nghĩ gì hơn”.

Sau câu trả lời đó, tôi nảy ra tứ: Người chiến sĩ chiến đấu vì Tổ quốc. Nhưng như vậy thì xưa nay rất nhiều tác phẩm đã đề cập và đã có những tác phẩm rất hay. Tôi phải tìm một hình tượng nào đó để chuyển tải ý tứ này. Thế là hình tượng cánh võng xuất hiện. và tôi đã viết như mọi người đã biết…”

Võng quả là một hình tượng đắt để nói về người lính Trường Sơn, bởi đó là một vật dụng không thể thiếu trong hành trang của họ. Nhưng điều quan trọng tạo nên giá trị của bài hát là từ chiếc võng, từ việc mắc võng và người lính nằm trên võng mà suy tư về Tổ quốc, liên tưởng đến nhiệm vụ, sứ mạng của mình với quê hương, đất nước. Trong cái đung đưa của cánh võng, người lính nằm trên võng ngửa mặt “nhìn trời cao lồng lộng”, có lẽ chưa bao giờ thấy bầu trời của Tổ quốc đẹp như vậy. Ít phút dừng chân bên suối giữa rừng trong những cuộc hành quân, nằm trên võng là khoảng thời gian vô cùng quý hiếm của đời lính. Anh miên man nghĩ đến: Mẹ yêu con gửi tình trong hoa bát ngát. Bông hoa rừng thơm mát, phải đất nước cho ta? và Cho quê ta hết giặc, bao em thơ yên ngủ. Về anh ru dưới bóng dừa.

Tác giả đã kiếm tìm được một ngôn ngữ âm nhạc quý hiếm, giàu hình tượng. Những đường nét, giai điệu uốn lượn, bổng trầm diễn tả rất sinh động cái đung đưa của cánh võng. Nhưng ở đây là võng giữa rừng, bên suối - nghĩa là giữa thiên nhiên có “trời cao lồng lộng” có “bông hoa rừng thơm ngát”.

Vậy nên những nốt ngân dài sau mỗi tiết nhạc, câu nhạc đã cho ta cảm giác về một không gian có bề rộng, chiều cao và hương sắc thiên nhiên chứ không phải là nằm võng ở trong nhà. Cũng là một hiện thực - hiện thực lính nằm võng giữa rừng rồi lại cuốn võng tiếp tục hành quân, chiếc võng đã đi theo người lính suốt cuộc chiến - nhưng nói như tác giả là vô cùng sâu sắc: “Võng theo ra chiến trường, võng theo ta giải phóng. Tổ quốc ơi! Muôn năm vững bền hai đầu”.

Khi mắc võng, đương nhiên người lính phải tìm cách buộc cho thật chắc, thật vững hai đầu dây để nằm không tuột, không ngã. “Vững bền hai đầu” còn có nghĩa bóng sâu xa: Sứ mạng của người lính cách mạng là hiến thân mình cho sự bền vững “muôn năm” của Tổ quốc. Anh mắc võng giữa rừng Trường Sơn, hai đầu sẽ là hai cực Bắc và Nam của Tổ quốc. Cũng bởi hình hài Tổ quốc ta trải dài, thắt ở giữa, có hai đầu chót là Đồng Văn và Cà Mau”...

Thời đó, "Bài ca bên cánh võng" cũng được nghệ sĩ Ưu tú Trần Chất trình diễn rất thành công.

 

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-phan-10-a14858.html