“Trăng và bé” – Thông điệp của tình yêu thương dành cho trẻ

Nhân đọc tập thơ thiếu nhi Trăng và bé của Phạm Thị Mai Khoa, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2022.

trang-va-be-pham-thi-mai-khoa-1661358524.jpg
Trăng và bé, tập sách viết cho thiếu nhi mới nhất của nhà thơ Phạm Thị Mai Khoa vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (6/2022)

 

Trăng và bé, tập sách viết cho thiếu nhi mới nhất của nhà thơ Phạm Thị Mai Khoa vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (6/2022). Trăng và bé khá đầy đặn với nhiều nội dung phong phú, thiết thực và bổ ích (phần chính gồm: 53 bài thơ, 2 câu đố; phần phụ bản: 5 ca khúc phổ thơ, 2 mẩu truyện). Trong buổi ra mắt tập thơ này, Phạm Thị Mai Khoa chia sẻ: “Tôi rất vui, vì đã làm được điều mà lâu nay mình ấp ủ, bao tâm huyết, công sức để có tập sách giờ đã trở thành hiện thực, Trăng và bé chính thức được khai sinh”.

Ở tập sách Trăng và bé, nhà thơ đã làm cuộc hành trình đi qua nhiều khoảng thời gian, không gian khác nhau để trẻ khám phá và trải nghiệm bản thân. Từ những chuyến tham quan, du lịch đến những những sinh hoạt thường nhật bé đều có những cảm nhận riêng. Đó cũng là cơ hội để trẻ tiếp thu và mở rộng sự hiểu biết, và quan trọng hơn hết là mở ra khoảng không gian và thời gian lý tưởng cho trẻ.

Nhà thơ Phạm Thị Mai Khoa giờ đã là bà (nội/ ngoại) của các cháu và đặc biệt là những đứa cháu này của nhà thơ đều sinh ra và lớn lên ở phố. Ở phố thị, ưu thế hơn vùng nông thôn đó là trẻ sẽ được hưởng những phúc lợi của thành phố. Tuy nhiên, trẻ ở phố sẽ có những thiếu hụt nhất định so với vùng nông thôn. Đó là các em không được gần gũi với thế giới tự nhiên - khoảng trời lý tưởng của tuổi thơ: cây cối, hoa lá, ruộng đồng, sông suối và cả thế giới loài vật... Có lẽ hiểu được những thiệt thòi đó, người bà Mai Khoa đã làm nhịp cầu giúp cháu khám phá một cách hiệu quả nhất về thế giới xung quanh.

Chủ thể trữ tình/ nhà thơ - người bà xuyên suốt trong tập thơ Trăng và bécũng chính là người bà ngoài đời thực của cháu. Đây vừa là sự thuận lợi để bà - cháu trao đổi, tâm tình. Bà trực tiếp chỉ dạy và giáo dục cháu kỹ lưỡng nhất, hơn nữa bà là người có nhiều trải nghiệm; bà hiểu tâm lý của cháu, biết cháu yêu - ghét và khao khát, mơ ước điều gì...

Thơ thiếu nhi Mai Khoa viết một cách tự nhiên, hồn hậu. Câu chữ được bật ra từ chính trái tim yêu thương của mình dành cho cháu.Đây cũng là dịp để chị thả hồn mình trở về sống lại những năm tháng tuổi thơ. Chị hóa thân và nhập vai để nói lên những điều trẻ suy nghĩ, trẻ hành động, khát vọng được sẻ chia để thực hiện những ước muốn, những điều còn hoài nghi hoặc chưa có câu trả lời.

- Mẹ ơi ông trăng/ Ăn gì hở mẹ/ Ông ở cao thế/ Làm sao về nhà// Con có ông bà/ Có cha có mẹ/ Ông trăng một mình/ Chắc buồn lắm đấy// Con muốn làm bạn/ Cùng ông trăng đầy/ Đêm đêm tỏa sáng/ Cười cùng con đây (Trăng và bé).

- Tập làm người lớn/ Không dễ tí nào/ Không nói ồn ào/ Khi em đang ngủ// Không vòi vĩnh mẹ/ Không được khóc nhè/ Theo gương người lớn/ Ru em ngủ ngoan// Tập làm người lớn/ Từ nay chăm hơn/ Bé được làm chị/ Trông thật đáng yêu (Bé làm chị hai).

- Lên cao thì thấy trời gần/ Bà Nà mây trắng nắng trần ngoài xa/ Lưng trần ngắm núi ngắm hoa/ Cháu bà thích chí tưởng là động Tiên (Bà Nà Hill).

Trên mỗi chặng đường, mọi sinh hoạt, học tập, dạo chơi đều có những bài thơ nhỏ xinh ghi lại cảm xúc trong cách nhìn trong trẻo, tự nhiên và đầy hứng khởi. Xíu ơi anh đau lắm/ Nhà mình nghèo làm sao/ Không tiền đi bệnh viện/ Bố mẹ mất từ lâu// Xíu nghe dì Sáu bảo:/ Bệnh của Tí phải có/ Phép màu thì mới qua/ Vò đầu Xíu thắc mắc/ Phép màu mua ở đâu?// Đồng tiền Xíu có được/ Nhờ đập bụng chú heo/ Hỏi thăm người mách bảo/ Tìm đường mua phép màu// Theo hướng tay chỉ dẫn/ Cuối đường ở khúc quanh/ Bệnh viện nhiều bác sĩ/ Phép màu... ước mơ xanh// Tại cửa phòng khám bệnh/ Xíu gặp cô rất xinh/ Nhìn nét mặt hiền hậu/ Ngước mắt bé khẩn cầu// Cô ơi cho con hỏi/ Phép màu mua ở đâu/ Cô ân cần tìm hiểu/ Bé thưa, anh cháu đau// Bố mẹ thì mất sớm/ Anh phải đi làm thuê/ Người ta nói ở đây/ Có rất nhiều phép màu// Cô y tá tươi cười/ Hỏi đường về nhà cháu/ Thăm bệnh tình của anh/ Cô ân cần hứa giúp// Phép màu cô có được/ là một tấm chân tình/ Giúp nhau khi gặp nạn/ Cùng xóm làng bao dung// Bé hiểu rồi cô nhé/ Phép màu là tình thương/ Anh Tí sẽ hết bệnh/ Nhờ tấm lòng hảo tâm (Phép màu tình thương).

Nhà thơ Mai Khoa cũng rất khéo để hướng trẻ quan tâm về thế giới tự nhiên và làm những việc có ích để giúp đỡ ông bà, bố mẹ. Trẻ phát hiện cái đẹp, sự thích thú của cỏ cây, hoa lá, loài vật...

- Trước ngõ hàng dâm bụt/ Bà mới trồng lên xanh/ Bàn tay lá rất xinh/ Níu chân em mỗi sớm (Hàng dâm bụt).

- Xòe đôi cánh nhỏ/ Cái mỏ xinh xinh/ Đôi mắt tinh anh/ Ngó nghiêng tìm mẹ// Cánh rừng vui vẻ/ Lích chích tiếng chim/ Từ trên tầng cao/ Mẹ đang chao liệng// Mồi ngon mẹ nhịn/ Giành phần cho con/ Một bầy chim non/ Lích chích lích chích (Chim non).

......................

Đó cũng là cách giáo dục cho trẻ ý thức trách nhiệm, tình thương, sự quan tâm, sẻ chia với người thân, bạn bè và thế giới xung quanh. Mẹ bận nấu cơm/ Chị chăm em bé/ Cánh võng hai đầu/ Bé nằm ở giữa// Ca dao đầu đời/ Mẹ ru chị ngủ/ Nay chị ru em/ Con cò bay lả... (Ru em).

Kinh koonglà một bài thơ thể hiện rõ sự đáng yêu cả trong từng ánh nhìn, cả trong từng suy nghĩ và hành động của bé. Sự tự thức của trẻ về những điều hay, lẽ phải là điều đáng quý vô cùng.

Xe đạp ba bánh/ Xanh màu lá mạ/ Quà của ba mẹ/ Tặng bé lớp chồi// Bé học thuộc bài/ Giao thông trật tự/ Đi trên đường phố/ Không chạy ngược chiều// Dù vội bao nhiêu/  Đèn đỏ đứng lại/ Không đi lên vạch/ Không vượt sai trái// Bé học thuộc bài/ Tham gia giao thông/ Đội mũ bảo hiểm/ Kính koong kính koong// Chấp hành nghiêm chỉnh/ Luật lệ giao thông.

Mọi thắc mắc, hoài nghi từ thế giới tự nhiên, hay chính trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày được thể hiện qua những lời thơ chân thành, bình dị. Đó là thế giới muôn màu, là sự sống đang diễn tiến rất sôi động, lý thú. Nhà thơ đã làm phép liên tưởng, so sánh theo kiểu của trẻ thơ nên có những điều rất đáng yêu và ngộ nghĩnh. Nhìn hoa lưỡi cọp ở vườn nhà thì lại có sự đối sánh rất thú vị: Cọp ở trên rừng/ Sơn lâm chúa tể/ Cọp trong vườn nhà/ Nụ cười xinh thế. Nhìn thấy mặt trời dậy sớm, bé lại có cách nhận xét và đánh giá bằng cái nhìn trong trẻo: Ông mặt trời ngoan lắm/ Thức dậy rất đúng giờ/ Vầng hào quang rực rỡ/ Phía chân trời ngoại ô (Mặt trời dậy sớm).

Liên tưởng là quy luật của nhận thức và cũng là quy luật của cảm xúc. Nhờ liên tưởng mà cảm xúc được mở rộng và đi vào chiều sâu. Sự liên tưởng làm cho cảm xúc thơ phong phú và đa dạng. Vì vậy, Phạm Thị Mai Khoa đã sử dụng nhiều phép liên tưởngtrong khi miêu tả và phản ánh.Bên cạnh đó, chị chọn thể thơ 4 chữ, 5 chữ làm sáng tác chủ đạo. Đó cũng là lợi thế để chuyển tải những thông điệp, phù hợp  với khả năng quan sát và tiếp nhận đối với trẻ.

Trăng và bé, nhà thơ Phạm Thị Mai Khoa đãbiết kế thừa tinh hoa của những bài đồng dao vào thơ của mình với nhịp thơ có điệu thức, gần gũi với đồng dao nhưng vẫn mang hơi thở của thời đại. Đem đến cho thơ thiếu nhi một không khí mới, một sắc thái mới. Đó là ở cảm xúc và dấu ấn của cái tôi cá nhân.

Điều đặc biệt, trong tập sách này có 5 bài thơ được phổ nhạc, trở thành 5 ca khúc hay. Búp sen,Kinh koong, Bé đi mẫu giáo, Mèo conđược nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên phổ nhạc với những giai điệu vui nhộn, trữ tình. Trăng và bécũng không kém phần hấp dẫn bởi lời nhạc dịu êm, da diết của Bùi Quang Ân.

Bên cạnh những ưu điểm như đã nói ở trên thì tập sách này còn có hạn chế nhất định, đó là có một vài bài, một vài chi tiết, hình ảnh, câu chữ...còn gượng ép ngay trong   cảm xúc, suy nghĩ vì có bóng dáng kiểu tư duy của người lớn.  

Nguyễn Văn Hoà

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/trang-va-be-thong-diep-cua-tinh-yeu-thuong-danh-cho-tre-a14865.html