Cuộc hành trình "Về nguồn theo dấu chân Bác" giúp tôi hình dung về những năm tháng cách mạng còn nằm trong trứng nước và những vùng đất mà Bác kính yêu đã ở và lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua những năm tháng gian lao để làm nên những chiến công lẫy lừng trong lịch sử. Từ thành phố Cao Bằng, xe đi vào khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng), cách thành phố 52 km. Đến Km0 (cây số 0) điểm bắt đầu của đường mòn Hồ Chí Minh, mọi người chụp ảnh rồi đi tiếp đến con suối trong vắt, nước chảy ào ào. Bên kia bờ nổi bật dòng chữ:"Suối Lê Nin" và lưng chừng vách đá có ghi:"Núi Các Mác".
Mọi người vượt qua suối Lê Nin đi ngược lên. Con suối như dải lụa mềm màu ngọc bích uốn lượn dưới chân núi Các Mác hùng vĩ. Nguồn của suối này phát xuất ở phía bắc ngọn núi thuộc Trung Quốc. Pác Bó - theo tiếng Tày-Nùng nghĩa là“đầu nguồn”. Dòng suối chảy từ đầu nguồn Pác Bó (dân địa phương gọi là suối Giàng hay Dòng Trừng). Còn hang Pác Bó (Cốc Bó) nơi Bác nghỉ ngơi có tấm phản gỗ và bếp lửa. Hang có diện tích chừng 80m2, cửa hẹp vừa một người đi. Trên vách có dòng chữ 8/2/1941 do chính tay Bác khắc để nhớ ngày tháng. Khi về nước hoạt động, Bác đặt tên cho dòng suối trước cửa hang là"Suối Lênin" và ngọn núi có hang là "Núi Các Mác".
Ở đầu nguồn dòng suối có chiếc bàn đá tự nhiên Bác thường ra ngồi làm việc, xuôi chừng 50m về phía dưới có tảng đá Người ngồi câu cá đi thêm 100 m bên hữu ngạn có lối rẽ lên núi, với tấm biển chỉ dẫn đường lên Cột mốc 108 (cột mốc 675) biên giới Việt -Trung, lối Bác đã về nước. Cột mốc nằm cách suối Lê Nin 1000 m đường rừng với vách núi đá treo leo. Theo đường mòn có các bậc đá, chúng tôi lần từng bước tiến lên. Trong đoàn có thành viên 6 năm là bộ đội biên phòng đóng tại tỉnh Cao Bằng nên khá thông thuộc. Độ dốc thay đổi theo độ cao, mỗi lúc một quanh co khúc khuỷu. Những người lính năm xưa động viên nhau quyết đến chỗ Bác đặt chân về đất mẹ năm nào. Cuối cùng dốc núi cũng phải cúi đầu. Cột mốc biên giới 108 (675 mới) nằm ở đường phân thủy của quả núi ẩn trong khe rừng tĩnh lặng. Sau cụm loa phóng thanh là hàng rào sắt phía Trung Quốc mới dựng lên có cổng, im lìm.
Ở nơi hẻo lánh này đã chứng kiến vị lãnh tụ cách mạng đã đặt chân lên đất mẹ sau 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển để tìm đường cứu nước. Ban đầu Bác Hồ dự định về nước theo 3 hướng, thứ nhất là về ở hướng Lào Cai, thứ hai là hướng Đồng Đăng (Lạng Sơn) và thứ ba là hướng Cao Bằng. Cuối năm 1940, Trung ương Đảng cử 3 đồng chí là Phùng chí Kiên, Hoàng Văn Thụ và Đặng Văn Cát lên Cao Bằng kiểm tra phong trào cách mạng và ra nước ngoài báo cáo, đón Bác trở về. Ngay sau khi nghe đồng chí Hoàng Văn Thụ báo cáo tình hình trong nước và phong trào cách mạng ở Cao Bằng, đặc biệt là núi rừng ở Pác Bó, Bác đã nhận định: căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định chọn Pác Bó là nơi đầu tiên để trở về, trực tiếp chèo lái con thuyền Việt Nam vì Pác Bó là thuận đường tiến, tiện đường lui. Ở nơi núi rừng heo hút này đang mang trong mình một giá trị lịch sử đặc biệt. Mọi người chụp ảnh lưu giữ khoảnh khắc đặc biệt này, rồi hạ sơn khi núi rừng đã ngả sang màu tím sẫm. Ở khu di tích Pác Bó, ngoài cột mốc biên giới 108 (cột mốc 675) còn có nhà tưởng niệm Bác Hồ, các hang Cốc Bó, Lũng Lạn, Ngườm Vài (nằm trên núi Các Mác), dòng suối Lê nin, bàn đá Bác Hồ làm việc ở đầu nguồn suối, nền nhà ông Lý Quốc Súng và ông La Thành, v.v....Ngày 10/5/2012, Khu di tích lịch sử Pác Bó được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Rời khu di tích Pác Bó, đến thăm mộ Kim Đồng (Nông Văn Dền) khi trời đã nhạt nắng.
Chúng tôi hành trình lên thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) khi thành phố vẫn say trong giấc ngủ. Thác cách thành phố 92 km về phía bắc, là thắng cảnh nổi tiếng nằm trên sông Quây Sơn, có một phần thuộc về Trung quốc. Hiện nay hai nước cùng khai thác phục vụ đời sống và làm du lịch. Rời thác Bản Giốc xuôi về Bắc Cạn khi mặt trời đứng bóng. Xe qua các đèo Tài Hồ Sìn, Mã Phục, Khau Liêu và Đèo Giàng nằm trên quốc lộ 3. Đèo Giàng nằm ở vùng giáp ranh hai huyện Bạch Thông và Ngân Sơn, Bắc Kạn.
Trong kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn 165 (Trung đoàn Thủ đô) đã phục kích làm nên chiến thắng vang dội. Trận đánh diễn ra lúc 9 giờ sáng ngày 12/12/1947, tại Km số 187-188 thuộc xã Lãng Ngâm (Ngân Sơn) là đoạn đèo rất hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Khi đoàn xe có 22 chiếc của địch gồm xe tăng, xe thiết giáp, ô tô, xe Jíp chở lính lọt vào trận địa phục kích. Ta nổ súng và loạt đạn đầu phá hủy ngay 1 ô tô, diệt nhiều tên địch. Bộ đội ta ở hai bên rừng ào ạt xung phong tiêu diệt tại chỗ 60 tên (có hai viên trung úy), phá hủy 17 xe cơ giới, thu 2 triệu đồng tiền Đông Dương và nhiều vũ khí khác. Ngày 12/7/2001, di tích lịch sử Đèo Giàng được xếp hạng cấp quốc gia. Trong đoàn có một thành viên có người bác hy sinh ở trận đánh này và càng thêm ý nghĩa khi được thắp hương đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-liệt sỹ và 75 năm chiến thắng Đèo Giàng. Về đến thành phố Bắc Kạn khi phố xá đã lên đèn. Hôm sau chúng tôi lên thăm hồ Ba Bể là hồ nước tự nhiên lớn nhất cả nước, có khu bảo tồn thiên nhiên gắn với hình ảnh những cô gái Tày-Nùng chèo thuyền độc mộc cùng mênh mang sóng nước.
Qua thành phố Bắc Cạn khoảng 10 km, mọi người vào thăm di tích lịch sử cách mạng Nà Tu, (xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn) cạnh quốc lộ 3. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, địch đã cho máy bay bắn phá ác liệt các tuyến giao thông trong vùng, trọng điểm là quốc lộ 3 đi qua Bắc Kạn. Đảm bảo giao thông trở thành trọng yếu của quân và dân nơi đây. Năm 1950, Trung ương Đảng triển khai sửa chữa, khôi phục quốc lộ 3 từ Thái Nguyên lên Cao Bằng. Tỉnh Cao Bằng và Thái Nguyên đã tăng cường nhiều liên phân đội thanh niên xung phong cho Bắc Kạn. Tổng đội đóng quân ở Nà Tu. Giữa lúc khó khăn ác liệt, ngày 28/3/1951 Bác Hồ đã đến Nà Tu thăm hỏi, động viên thanh niên xung phong và nhân dân, trong đó nhắc nhở Ban chỉ huy công trường và cán bộ phải tổ chức lao động khoa học, đoàn kết yêu thương lẫn nhau. Trước khi ra về Bác đã đọc tặng lực lượng thanh niên xung phong ở đây 4 câu thơ:“Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Nà Tu là nơi ra đời 4 câu thơ bất hủ của Bác nay đã trở thành khu di tích lịch sử cách mạng với cụm tượng đài vươn cao.
Xe đến ATK Định Hóa (Thái Nguyên) lúc 17 giờ. Mọi người lên Nhà tưởng niệm Bác bái vọng khi chiều đã phai nắng. ATK Định Hóa là quần thể gồm có 13 di tích gắn với các hoạt động của Bác, của Trung ương, là nơi ra đời của một số tổ chức, cơ quan của Trung ương, cũng là nơi Bác Hồ chủ trì lễ tấn phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Năm 1981, ATK Định Hóa được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia và ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích lịch sử ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là Di tích quốc gia đặc biệt. Đoàn đi tiếp sang Tuyên Quang, khi những tia nắng cuối cùng vừa tắt trên đỉnh núi Hồng. Sáng hôm sau, đoàn về Tân Trào (Sơn Dương) cách thành phố Tuyên Quang 60 km về phía nam, là căn cứ địa cách mạng, vùng tự do đầu tiên của cả nước, cũng là thủ đô kháng chiến một thời. Tân Trào có các công trình đã đi vào lịch sử như: đập Khuôn Pén, Núi Hồng, lán Nà Nưa (Nà Lừa), Đình Tân Trào nơi họp Quốc dân đại hội, đình Hồng Thái nơi ban hành quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, cây đa Tân Trào v.v..
Trước cách mạng tháng 8/1945, Bác đã ở và làm việc tại đây từ tháng 2 đến cuối tháng 8/1945. Khi quân Pháp quay lại xâm lược nước ta, Tân Trào lại đón Bác và Trung ương về hoạt động. Quân và dân Tân Trào đã bảo vệ an toàn cơ quan đầu não, để làm lên chiến thắng Điện Biên"Chấn động địa cầu". Điểm mới của khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào là "Làng văn hóa du lịch Tân Lập" phục vụ du khách và bảo tồn bản sắc văn hóa ở nơi đây. Đặc biệt công trình đền thờ Bác Hồ và 14 vị tiền bối cách mạng mới hoàn thành năm 2019. Đền được xây dựng theo kiểu chữ "Đinh" (丁) 3 gian, 2 chái và hậu cung rộng 155 m2, làm bằng gỗ lim, đá xanh và lợp ngói mũi hài màu nâu đỏ, tọa lạc trong khuôn viên rộng 2.300 m2 luôn rộng mở cho khách muôn phương mỗi khi trở lại thăm thủ đô kháng chiến một thời.
\Hành trình "Về nguồn theo dấu chân Bác" để lại những dấu ấn tốt đẹp về Việt Bắc về "Chiếc nôi cách mạng", về vùng non cao, sơn thủy hữu tình rất ấm áp tình người. Những trải nghiệm trong chuyến đi nắng đọng và đằm sâu trong ký ức, tạo thành nền tảng và niềm tin cho mỗi người vững bước tới mai sau.
Thân Văn Phương
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hanh-trinh-theo-dau-chan-bac-a14873.html