Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 12 )

Năm 1971 đánh dấu bước chuyển quan trọng của chiến trường. Quân Giải phóng tấn công khắp nơi, cuốn trôi bao bốt đồn giặc. Chúng tôi vui mừng nghe tin thắng trận từ Quảng Trị - Thừa thiên tới Nam Bộ. Nổi bật là chiến thắng của quân ta tại mặt trận Đường 9 – Nam Lào.

bia-ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-1660572196.jpg
 

 

“Ngày 19/3/1971: Nghe tin ta đánh thắng Bản  Đông. Thật lý thú khi nghe những tin, bài phản ánh sự thắng lợi đó. Ngày 23, quân ta làm chủ hoàn toàn Nam Lào. Chúng tôi say sưa ghi chép tin tức chiến thắng. Anh Phi chỉ thị phải có kế hoạch tuyên truyền tập trung cho chiến thắng này. Tập thể bàn bạc, sau nửa tiếng vạch xong kế hoạch cụ thể. Bài vở soạn kịp thời, vẽ cả bản đồ nữa. Đem in kịp thời tập tài liệu về chiến thắng đó để chuyển về các tỉnh cung cấp xuống cơ sở” (Bê trọc). Các nhạc sĩ của chúng ta hết sức nhanh nhạy, giàu cảm xúc, tạo nên một làn sóng ca khúc ca ngợi chiến thắng lẫy lừng của quân Giải phóng thời đoạn này: Bài ca Đường 9 chiến thắng, Tiếng đàn Ta Lư, Người con gái Pa Kô, Hoa Chăm Pa mừng chiến công… Chúng tôi nghe như nuốt lấy từng lời bài hát Bài ca đường 9 chiến thắng của nhạc sĩ Văn Dung qua làn sóng phát thanh. Bài hát này nghe rộn ràng, cuốn hút, vừa giống như một bản tin thời sự, vừa giống như một bản tuyên dương công trạng, lại cũng giống như lời reo vui của quần chúng trước chiến thắng lẫy lừng của quân, dân ta, nhưng khác ở chỗ, có một giai điệu đẹp và một nhịp điệu rộn ràng thôi thúc lòng người:

“1. Em nghe tin vui bên Đông Trường Sơn

Em nghe tin vui bên Tây Trường Sơn

Nghe sấm dội cả non ngàn

Nghe bão nổi cả đôi miền

Anh giải phóng quân hôm nay ra đi

Mang lửa hờn căm bao năm nấu nung

Anh qua Tân Lâm chôn vùi Mỹ ngụy

Bão thép căm hờn dội lửa Sa Mưu

Đồi Năm trăm kèn vang chiến thắng

Rền trời Khe Sanh quân ta reo hò

2. Khe Sanh năm xưa anh đã về đây

Non sông nơi nơi dâng lên niềm vui

Nghe pháo nổ rền vang trời

Bao bốt đồn giặc tơi bời

Anh giải phóng ơi ! quê hương vui sao

Trên đường 9 anh ghi bao chiến công

Trong muôn gian lao mưa bom bão lửa

Anh bước trên đầu thù cùng xốc tới

Miền Nam vui mùa hoa chiến thắng

Tràn ngập quê hương lời ca tưng bừng...”

           Tôi náo nức, nóng lòng được xuống đồng bằng tham gia cuộc tấn công và nổi dậy đang trào lên khắp các địa phương. Một bài hát được nhạc sĩ Lê Lôi sáng tác từ năm 1970, nay lại vang lên trong tôi với giọng hát Quốc Hương, nói hộ tôi niềm khao khát về với đồng bằng, đó là bài hát Gửi Cà Mau:

“1. Nơi quê hương tôi xa xôi Cà Mau

Nghe tiếng quê hương ngồi nhớ năm nào

Tôi thuộc từng đường đi góc phố

Từng bờ kênh xóm nhỏ những dòng sông

Nơi đây quanh năm không qua mùa đông

Mà chỉ có nắng hồng với gió biển

Lòng này hằng ước mơ nghe tiếng mẹ ầu ơ những năm còn thơ

Giờ này miền quê đang ghi bằng xương máu chiến công oai hùng lừng vang.

2. Tim tôi rung lên trong tim Cà Mau

Trong máu sôi theo dòng máu quê nhà

Nghe mẹ gọi lòng tôi náo nức

Giờ này như sống ở đất Cà Mau

Ngân lên câu ca vang trên trời cao

Nguyện dâng trái tim này cho đất mẹ

Thành đồng rực sáng quê tôi trong khói đạn vùng lên chống quân ngoại xâm

Vượt ngàn trùng xa cho tôi gửi vô tới quê nhà tình một người con...”

Chính trong niềm vui, niềm khao khát ấy, tôi được phân công đi công tác đồng bằng – tỉnh Bình Định. Thế là như lúa đã trổ bông, bắp đã ra hạt, những trí thức trẻ chúng tôi được ươm mầm trên căn cứ, nay bắt đầu vươn mình lên, đâm chồi, nảy lộc để kết trái ngọt dâng cho đời. Những ngày này, đường Trường Sơn vui như tết. Quân đi rầm rập vào, ra. Đâu đâu cũng vang lên bài ca “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước”. Khi dừng chân ở các trạm giao liên, mọi người mở đài nghe tin chiến thắng, nghe những bài ca mừng chiến thắng. Nhưng, bất ngờ và rất vui, lại là việc tôi gặp một chú bé người Bana có một giọng hát tuyệt vời. Chú chỉ chừng 14 – 15 tuổi, được cho ra Bắc học văn hóa. Với mái tóc quăn quăn, nước da nâu bóng và đôi mắt to, sáng, chú khiến tôi chú ý. Nghe giọng nói của chú sang sảng, tôi hỏi: “Cháu có biết hát không?” “Dạ, có!” – chú trả lời dứt khoát. Tôi vừa đưa ra lời đề nghị, chú đã đứng thẳng, cất giọng căng tràn sức sống:

“Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao.

Dù đạn bom man rợ thét gào

Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích

Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch

Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngần.

Một tiếng chim ngân, một làn gió biển,

Một sớm mai Xuân trước cửa hầm dã chiến

Thấy trời xanh xao xuyến ở trên đầu,

Ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau.

Ơi trái tim Việt Nam như mặt trời trước ngực

Giữa thế kỷ hai mươi cháy rực, sáng ngàn năm ngàn năm.”

Tôi ngỡ ngàng trước một giọng hát vừa ấm áp, vừa vang động đến như vậy. Chú bé hát đúng từng nốt nhạc với nhạc cảm tinh tế, làm cho bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Dương Hương Ly truyền đến cho tôi một sự rung động mới mẻ, khác hẳn khi tôi nghe các nghệ sĩ chuyên nghiệp hát. Tôi có vinh dự được hoạt động cùng chiến trường với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nên biết bài hát này ông mới sáng tác vào năm 1970, vậy mà bây giờ, một chú bé tận Tây nguyên xa xôi, đã hát được một cách thành thục. Điều đó cho ta thấy khả năng tiếp nhận và trình diễn âm nhạc rất tốt của chú bé người dân tộc thiểu số, đồng thời cho thấy sức lan tỏa của ca khúc mãnh liệt dường nào. Sau này, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nói về ca khúc đó như sau: “Đó là năm 1970, tôi 46 tuổi và bị thương ở chiến trường. Người bệnh hoạn, da bọc xương nhưng nhờ bác sĩ quân y cho thuốc tốt nên một thời gian ngắn tôi phục hồi sức khỏe. Trong thời gian nằm bệnh, tôi được đọc bài thơ của Dương Hương Ly và ngẫm thấy đúng hoàn cảnh mình nên tôi đã nhanh chóng viết  Cuộc đời vẫn đẹp sao 

            Tôi viết trong bệnh viện với cây đàn mandolin. Ở bệnh viện, viết nhạc đâu dám đàn lớn mà chỉ đàn nhỏ xíu. Ca sĩ Quốc Hương vào thăm tôi, tôi đưa anh ca khúc đó, anh hát khe khẽ hai câu đầu “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”, bỗng tới câu thứ ba “dù đạn bom man rợ thét gào…” anh hát lớn như bom đạn thật đang đến. Những tưởng bị bệnh viện rầy la nhưng không, từ bệnh viện rồi ca khúc nhanh chóng lan ra với tiếng hát Quốc Hương.”

Không hiểu vì sao, chú bé chỉ hát một bài rồi không chịu hát nữa, dù cho tôi năn nỉ thế nào cũng vậy. Tôi đành chia tay chú bé và mong khi ra Hà Nội, chú sẽ được học để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.

Cũng trong chuyến đi này, tôi được sống trong tình cảm nồng ấm của đồng bào dân tộc Ba Na, lúc chúng tôi phải ghé vào làng đồng bào ở tạm vì đường tới Ban Tuyên huấn Tỉnh bị bọn địch đổ quân chặn mất. Tôi ghi trong “Bê trọc” như sau:

“Chúng tôi về M6. Tối, nghỉ lại một  làng đồng bào. Làng này nằm ở một sườn núi, núp bên các vách đá hoặc chui trong những lèn đá. Có chừng vài ba chục người. Ở đây phụ nữ rất khoẻ, nhất là những cô gái đang lớn, trẻ con khá bụ bẫm, kháu khỉnh.

Tôi nghỉ ở nhà anh Khả. Anh nói tiếng Kinh rất thạo, kể chuyện hay. Anh nói rằng hồi bọn Sư đoàn 4 Mỹ còn ở đây, chúng càn luôn. Thu thóc về để trong hang, trong kho, chúng đốt sạch. Chỉ có mì (sắn) ăn thôi. Có khi bị chúng bao quanh, nằm trong đám mì non suốt 3 ngày đêm, không ăn, không uống. Có khi trốn trong hang, trẻ nhỏ khóc phải bịt miệng suốt, vì thế mà chúng đau luôn, ốm nhom. Nhưng, đêm vẫn bám đất mà sản xuất. Anh nói: “Có chết cũng chết trên rẫy, bên gốc mì”. Du kích luôn bám đánh địch. Có hôm anh và 2 du kích khác bò vào tận sân bay dã chiến của chúng, thấy chúng đang ngồi đánh bài, Khơ nói: “Để mình bắn trước, hồi giờ mình chưa được bắn Mỹ” và bắn một  phát CKC làm thằng Mỹ bật ngửa. Anh em bắn vào tiếp, giết chết một số, số còn lại la ó ran trời. Hôm sau, sáng sớm chúng đã gọi trực thăng đến vớt đi. Bò lên thấy máu đọng thành vũng. Còn đồ hộp tha hồ lượm mà ăn. Hồi đó đồng bào lượm cả kho, cất ăn dần. Súng AR15 cũng nhiều.

Nhà có cô bé Mưa chừng 16 tuổi tính tình nhí nhảnh hay cười.

SÁNG 30/5/1971

Suốt ngày qua, tối qua và sáng nay địch cho Môranh quần, trực thăng bắn, pháo câu tới vùng Bãi Tranh, Suối Quéo. Nghe nói chúng đổ quân chặn khẩu, bị ta đánh đau nên chúng phản ứng dữ. Đứng trên mỏm đá ở đây nhìn rõ trực thăng hạ cánh, quân bộ chạy lốc nhốc - đây tới đó đi bộ chừng một  giờ đồng hồ.

Anh Khả nói rằng ở đây bom đạn thường dội xuống. Có lần B52 dội gần, lũ nhỏ chết ngất một lúc mới tỉnh dậy.

Quá trưa, chúng tôi theo Lâm - một  du kích người nhỏ, chắc - qua “đầm” (cách gọi của dồng bào chỉ một xóm nhỏ) bên kia núi. Đi theo kiểu xuyên sơn, toàn chui rúc trong gai góc, lau lách và leo trèo trên những tảng đá to tướng. Lâm nhảy như sóc trên các tảng đá. Gần đến chỗ băng qua đường hành lang, cách chỗ địch đổ quân hôm qua chừng nửa giờ đồng hồ, Lâm bảo chúng tôi dừng lại đi sau. Anh tháo dép cột vào thắt lưng rồi tiến lên trước thận trọng, đầu nghiêng qua, nghiêng lại nghe ngóng, xem xét, sau đó mới vẫy chúng tôi tiến theo. Vượt dốc, tiến theo một vùng nhiều hang đá lớn. Đồng bào ở đây không làm nhà cửa gì mà gác sạp trong hang lấy chỗ ăn ở. Vùng này hiện nay đang phát rẫy chứ chưa đốt rẫy nào cả. Có những rẫy đu đủ, dứa lớn, mấy nải chuối trên cây đã chín vàng ửng, bị chồn ăn mấy trái.

Đồng bào vùng này biết dệt vải - dệt rất thủ công, với khung cửi nhỏ bằng tre, gỗ. Sản phẩm là những tấm vải dài, nhỏ, có pha màu sắc khá nhã để nối vào váy cho đẹp. Còn khăn của đồng bào khá hay, dài, màu đen, có gắn những chuỗi hạt cườm, khi đội lên giống cái mũ Ca lô nhưng lại có một giải quấn tròn phía sau như búi tóc. Thanh niên rất thích đánh đàn - loại đàn làm bằng ống nứa, một đầu đục lỗ, xỏ cây qua để cột dây, một đầu nối với một  quả bầu, có từ 8 đến 12 dây, âm thanh không phong phú lắm nhưng nghe dập dìu, rộn rã.

NGÀY 31 /5/1971

Ở lại đây một  ngày. Buổi chiều, bà con ở tổ bên cạnh mời sang ở. Bà con bảo anh em đến gần bên mà không sang thăm bà con là không được. Khi chúng tôi qua thì bà con đã nấu sẵn một nồi sắn. Một ông già tiếp chúng tôi, mời chúng tôi ăn sắn.

Đồng bào vùng này đều thuộc dân tộc Bana, rất ân cần, chăm sóc chúng tôi.

NGÀY 1/6/1971

Sáng, bà con nấu cho chúng tôi ăn sớm để chúng tôi đi. Mặc dù bà con ăn nhiều sắn, rất ít gạo nhưng vẫn nấu cho chúng tôi nhiều gạo, ít sắn. Khi chúng tôi đi, bà con góp gạo cho chúng tôi mang theo ăn đường. Một ông già mang cho chúng tôi một  lon muối và bảo: “Tội nghiệp các cháu ở xa đến, không có gì cho các cháu ăn, các cháu cầm đỡ ít muối ăn đường”. Hành động ấy khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Tất nhiên chúng tôi không dám nhận số muối đó vì biết rằng đồng bào rất thiếu muối.

Khi đi qua “đầm” của anh Ninh, bà con cũng mang gạo, muối ra ủng hộ. Đồng bào nói mãi, chúng tôi đành nhận gạo.

Ninh là một du kích nhỏ bé, xương xương, đen, rắn chắc, có mái tóc đen, quăn, ngắn. Anh lủi trong rừng nhanh thoăn thoắt. Anh đã từng bò vào ổ phục kích của Mỹ lấy bi đông và súng. Khẩu AR15 mang theo là chiến lợi phẩm của lần ấy. Ninh dẫn chúng tôi xuyên rừng qua M3. Đường nhỏ, cheo leo, chui rúc nhiều, cỏ tranh cứa nát 2 ống tay, bông lau rụng đầy người, rặm vô cùng. Xuống sông Quéo phải tắm giặt rồi mới tiếp tục đi được.

Chiều đã ở M3. Có nhiều hang ở được.”

Sống trong tình cảm nồng hậu của đồng bào dân tộc Ba Na ở Bình Định này, tôi nhớ tới bài hát  TIẾNG CHÀY TRÊN SÓC BOM BO (1966)  của nhạc sĩ Xuân Hồng và cảm thấy trong bài hát ấy có hình ảnh những người Ba Na nơi này: 

“Lửa bập bùng, tiếng chày khua cắc cum cum cùm cum

Cum cùm cum, cum cùm cum cắc cum cum cùm cum

1. Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa

Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khua

Bồng con ra võng để đòng đưa

Giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa.

Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ

Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây

Người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay

Với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày.

Ê... Còn nhớ ngày xưa

Người dân Bom Bo cái bụng không no, khố chăn chẳng lành.

Ê... Được sống tự do, cơm áo lành no

Dân làng Bom Bo nhớ ơn giải phóng.

Nhớ..., nhớ người chiến sĩ ngày đêm không nghỉ

Tìm diệt giặc Mỹ giải phóng cho dân mình.

Nay dẫu còn gian khó, mồ hôi ta đổ

Làm nương phát rẫy giữ lấy đất quê hương

Người hậu phương tiếp lương gùi đạn

Ta bên bạn là bạn bên mình

Cùng đồng tình, là giặc thua ta...

Tiếng nói ríu ra, lời ca trong vắt

Nhìn trong đôi mắt đều thấy mỗi người

Một nụ cười tin chắc tương lai.

2. Tiếng cười vui đẩy lùi đêm vắng vẻ

Có ai đi về phía những hàng cây

Mời vô đây cùng nghe khúc nhạc hay

Khúc nhạc đêm nay dùng nhịp đệm bằng chày.

Đuốc gần tàn nhịp càng thêm rắn rỏi

Bóng trăng lên vừa khỏi đỉnh đồi cây

Người chưa ngơi đã sẵn có người thay

Cối gạo vơi đi và rồi gạo lại đầy.

Ê... Gạo giã chày tay, gạo mang trên vai

Để ngày mai đây túi anh có đầy.

Ê... Gạo trắng lại thơm, ngon lắm nồi cơm

Thơm tình quân dân trắng trong tình nước.

Ê... Tiếng gà đã gáy màn sương phủ xuống

Mồ hôi pha lẫn thấm ướt suốt đêm dài.

Ê... Tiếng chày chưa dứt mặt trời đã thức

Đàn chim náo nức vỗ cánh tung bay đi

Mừng một đêm giã thêm nhiều gạo

Bao nhiêu gạo là bao nhiêu tình

Này là tình của người hậu phương.

Tiếng súng Phước Long chờ mong tin thắng

Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày

Về đường này thăm sóc Bom Bo.

Lại nghe tiếng chày nhịp nhàng trên sóc Bom Bo...

Cum cùm cum, vang chày khua...”

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-phan-12-a14892.html