Thế rồi qua ngày Lập thu, Ngâu mới về để giọt mưa rả rích xua đi cái oi ả của nắng hạ. Mưa cứ tí tách lúc nhanh lúc chậm, lúc to lúc nhỏ dăng mùng trên xóm làng, đồng ruộng. Có mưa nên cây cối rau cỏ bỗng tươi tỉnh hẳn ra. Chỉ qua một đêm mưa, ngọn mồng tơi vươn dài thêm và xanh mỡ màng; đám rau muống lá xanh đậm, cọng tròn non bấy chờ người hái. Những bụi chiều tím hai bên đường nở bông khoe sắc tím lịm kệ gió mưa. Cánh đồng lúa đang thì con gái xanh mượt, sóng lúa nhấp nhô đuổi nhau ra mãi xa. Nhìn dòng nước tí tách từ mái hiên và màn mưa càng về chiều càng nặng hạt, lòng lại nhớ câu chuyện xưa...
Quê tôi xưa vốn sống bằng nghề nông nhưng có thêm nghề phụ là đan cói truyền thống. Những chợ phiên ngày bảy ngày ba của tháng nông nhàn, bà nội đón mua từng gánh cói của người miền biển về để dành đan lát. Cái công đoạn sơ chế cói để đan cũng thật công phu. Nào là ngâm cho cói trương phềnh lên rồi vo giũ cho sạch bùn đất, rồi phơi cho cói khô kiệt nước, bó gọn lại từng đon nhỏ cỡ bắp chân em bé. Chưa hết, người ta phải dùng dao sắc lấy gốc (tước bớt cho phần gốc cói mỏng đi, không quá chênh lệch với phần ngọn cói) rồi mới đem đi giã cói. Quê tôi gọi là giã cỏ.
Cứ khoảng tang tảng sáng là khắp làng vang lên tiếng chày thậm thịch giã cỏ. Cối giã là phiến đá rộng mà phẳng lì cỡ gần bằng cái mâm nhỏ được chôn kĩ, chỉ nhô lên khỏi mặt đất khoảng vài đốt ngón tay. Đặt đon cói xuống mặt cối, người ta dùng chày gỗ cao cỡ đầu người nhịp nhàng giã xuống. Bó cói được giã dẹp dần, mỏng tang, sờ mát rượi. Nói là vậy chứ giã xong bó cói, mồ hôi đầm đìa cả đầu tóc, áo quần bà nội. Vất vả lắm!
Bó cói giã xong và việc gầy mê đan cói bắt đầu. Trẻ con quê tôi đứa nào cũng thuộc cách gầy mê và đan nong đôi. Tay thoăn thoắt nâng từng đôi sợi cói, miệng ríu ran đủ chuyện. Từ những đôi tay cần mẫn, bao sản phẩm ra đời nào là ró, vỉ, quài, bao bị và cả áo cói cho người đi biển nữa. Những thứ đó bà mang bán chợ phiên thêm thắt chút rau mắm cho bữa cơm nhà nghèo và đồng quà mọn đỡ đần cho con cháu. Bà tôi là người không biết chữ nhưng chuyện cổ tích và truyện Nôm thì bà thuộc nằm lòng. Vừa đan, bà vừa kể. Trong những câu chuyện, vần thơ ấy được bà xen luôn cả bài học làm người, cách đối nhân xử thế, kinh nghiệm sống ở đời để truyền dạy cho con cháu.
Rồi một chiều đông buốt giá, bà về với tiên tổ bỏ lại mái nhà xưa. Cứ thế người già rủ nhau về cõi trời, các cháu lớn khôn dời quê đi lập nghiệp lâu lâu mới có dịp về quê. Nhưng mái nhà xưa vẫn được tôn tạo, xây mới trên nền cũ dù giờ chỉ để thờ phụng nhang khói. Vườn chè xưa đã thay bằng hàng na hàng bưởi trĩu quả. Sân gạch thênh thang vắng bóng người, cổng ngõ im ỉm đóng nhắc nhớ bao chuyện cũ.
Nay lại mùa Ngâu...
Mưa cứ rỉ rả từng giọt không ngừng như dòng lệ buồn tủi của vợ chồng ả Chức chàng Ngưu trong tích cũ làm tôi nhớ mãi mùa Ngâu năm nào: Vừa giã lại đám cói do hơi ẩm làm trương gốc để đan cho xong cái vỉ tròn xoe, bà vừa kể tích Ngưu Lang Chức Nữ. Rồi với giọng ngân nga, bà hát khúc đồng dao: "Vào mồng ba. Ra mồng bảy. Giận lẫy mồng tám. Nán lại mồng mười. Sợ chị em cười. Ngâu ở đến mười một...". Cứ thế Người cặn kẽ giảng giải cho chúng tôi vì sao có cầu Ô Thước, vợ chồng Ngâu vì sao bị trời phạt và vì sao tháng bảy lại có mưa Ngâu. Lời đồng dao và câu chuyện của bà cứ in đậm và bay bổng trong tâm trí non nớt của tôi ngày ấy.
Mùa Ngâu năm nay tuy đến muộn nhưng những trận mưa cũng gây bao nhung nhớ. Về thăm quê, thăm lại nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, bao kỉ niệm ùa về. Nhớ khu vườn đầy cây trái xanh tốt bốn mùa, nhớ khói lam chiều vờn mái rạ, nhớ hàng hiên nơi bà cháu ngồi đan và bao câu chuyện xưa bà kể. Nhớ cảnh đầm ấm xum vầy của nhà ta khuya sớm. Còn đâu tiếng thậm thịch giã cói lúc sáng sớm và ngôi nhà tường đất mái lợp rạ xưa chỉ còn là quá vãng. Trên nền cũ là ngôi nhà khang trang, đủ tiện nghi và có hàng hiên rộng. Khu vườn trĩu nặng trái cây đang vào độ chín. Trong nhà, mọi đồ vật bị lớp bụi thời gian bao phủ, nhà đẹp mà không có bóng người. Đứng tần ngần nhìn làn khói nhang từ bàn thờ tổ tiên ông bà mà ứa lệ. Ngoài trời, mưa cứ rơi, cứ rơi. Lòng lại nhớ câu chuyện và lới hát đồng dao của bà. Nhớ cái dáng gầy gầy cúi xuống mảnh cói đan dở, thỉnh thoáng bà ngừng tay vuốt nước cốt trầu đỏ tươi nơi khoé miệng rồi nhắc các cháu đan cho ngay hàng thẳng cói.
Mùa Ngâu năm nào cũng về cùng tháng bảy mà sao bà đi mãi. Tôi ngước nhìn màn mưa trắng đục và thầm gọi: Bà nội ơi ! Bà đang ở chốn nào...
Chuyện làng quê
Quế Hương
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mua-ngau-nho-noi-a14902.html