Bố chồng của tôi

Bố chồng tôi cũng như bố đẻ tôi,  giống như muôn ngàn các ông bố khác sống trong thế kỷ 20... Cũng gian khổ nhọc nhằn với nỗi lo cơm áo gạo tiền của thời" gạo châu củi quế "Đứng mũi chịu sào một gia đình đông con. Riêng tôi có một kỷ niệm sâu sắc về ông mà  không bao giờ tôi quên được.

bo-chong-toi-1661571747.png
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Mẹ chồng tôi kể rằng : Mẹ về nhà cha từ lúc 13 tuổi, cha kém mẹ 6 tuổi...Khi lớn lên lúc nào không biết... Mẹ đẻ mười một lần,  rồi giặc giã , chạy tản cư điều kiện kinh tế thiếu thốn...Mất đi còn lại năm người, bốn trai một gái.
Khi tôi về làm dâu anh cả đã có vợ và ba con rồi ,anh chị làm ruộng  ở cùng cha mẹ và các em.Chị  dâu tôi khỏe mạnh, gánh vác công việc đồng áng thật giỏi giang.Tôi và chồng tôi đều công tác thoát ly,cưới ở cơ quan xong về, mẹ dẫn đến chào hỏi họ hàng rồi lại đi nên cũng không đỡ được gì.Cha sắp xếp mẹ lên trường ở cùng chúng tôi và giao lại toàn bộ công việc quán xuyến gia đình cho chị dâu. Hai em trai đi bộ đội ,còn cô em gái chúng tôi xin cho em về nông trường Sông Bôi làm công nhân .Thời gian thấm thoắt trôi đi chú em đi bộ đội  về đã lấy vợ.
Nghe tin em dâu sinh cháu, tôi gửi con để mẹ chồng trông, tranh thủ ngày nghỉ về thăm em .Tôi  đạp xe về một mình gần 40 km,( khi ấy chồng tôi đi học ở Hà Nội).Tôi về nhà anh cả thăm cha trước.Thấy tôi về cha rất vui các cháu tíu tít quây quần, tôi theo cả nhà ra ngoài ngắm vườn cây tranh thủ chuyện trò với chị dâu vài câu...Nghe cha gọi tôi vào nhà cha hỏi :
- Con về thăm em, có tiền cho em chưa ? 
- Dạ, con có rồi ạ !
- Có bao nhiêu ?
 Tôi thật thà nhưng ngỡ ngàng:
-Con có 40 đồng ạ ( tiền chưa đổi )
Cha nhìn xung quanh không có ai , rồi  cha móc ở túi áo lấy ra 60 đồng đưa vào tay tôi và nói :
- Bố cho con ,thêm vào mà cho em!
Lúc đó tôi không thể tả được tâm trạng mình thế nào : Đúng là 40 đồng này tôi còn phải đi vay chị bạn đồng nghiệp mười đồng.Lương một tháng có 45 đồng mà con bé, mẹ già ,chồng đi học...Tôi lâu lắm mới về đã không biếu bố được gì lại còn cầm tiền của bố... Nước mắt cứ rơi lã chã vừa  cảm động vừa tủi thân.
Vì cha nói "thêm vào mà cho em" nên tôi không nỡ từ chối.Thấy tôi khóc ông nói :
    - Cha mày, không được nói với ai đâu đấy nhá !
Tôi xuống nhà em dâu,em vừa vượt cạn thành công, mới ở bệnh viện về hôm qua.Em cứ xuýt xoa : Sao chị cho em nhiều thế ! Tôi lại thấy nước mắt rưng rưng...May quá ,nếu cha không dặn  trước chắc tôi sẽ nói ra là cha cho thêm...
Ngày ấy 100 đồng đã là nhiều đối với những viên chức  chúng tôi và những người làm nông nghiệp như em.
Tôi rất kính phục cha với  việc làm ấy .Không phải cha cho tôi tiền trong lúc đó mà tôi nghĩ thế ... Nhưng  tôi nghĩ thông điệp cha gửi cho tôi đó là mong muốn chị em dâu hãy yêu thương đùm bọc nhau để làm cầu nối cho các thế hệ con cháu noi gương...Tôi lại đạp xe gần 40 km về trường mà trong lòng ấm áp lạ kỳ... Tôi tự hứa với lòng mình: Sẽ tiếp nhận thông điệp mà cha đã trao cho!
Hồi đó tôi về thì thầm với chồng tôi việc làm của cha và những nhận xét của tôi..Anh ấy chỉ cười. Sau khi cha mất tôi nói với tất cả mọi người về nghĩa cử cao đẹp trong việc làm của cha ,(chỉ có câu : đừng nói với ai là tôi không nói.
Năm nay Tuần Vu Lan báo hiếu con không về được vì Hà Nội giãn cách.Con viết những suy nghĩ của mình dâng lên cha như một nén tâm nhang. Và hứa với cha chúng con sẽ làm được như ý của cha đã trao gửi.

Chuyện làng quê

Nguyễn Thị Kim Chi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bo-chong-cua-toi-a14907.html