Là hàng xóm từ lâu nhưng tôi không biết tên bà. Với người Việt nhớ tên một người Đức còn khó nhớ hơn nhớ một từ mới. Thấy bà đi đâu cũng dắt theo một con chó nhỏ nên tôi tiện mồm gọi bà là “Bà dắt chó”. Vừa dễ nhớ, vừa gợi hình ảnh. Cái sự không nhớ tên một ai đó cả khi là tên nước nào chăng nữa cũng một phần vì mình không có thiện cảm với người ta. Chứ yêu thương, gần gũi xem. Tên dài và khó đến đâu cũng thuộc nằm lòng.
Tôi không có thiện cảm với bà dắt chó cũng là có nguyên do. Vốn nhà làm quán nên thức khuya, dậy muộn vậy mà không ít lần cả nhà tôi bị dựng dậy vì tiếng chuông cửa gắt gỏng. Cố tình không dậy thì người bên ngoài cũng cố tình nhấn chuông cho bằng dậy thì thôi. Đang ngái ngủ, cửa vừa mở đã thấy một đôi mắt xanh như mắt mèo nhìn xoáy vào mình. Ngồi chồm chỗm cạnh đấy là một con chó. Con chó nhỏ thó như chủ, đôi mắt cũng xanh tựa mắt chủ nhìn tôi vẻ đe dọa.
-Có phải đêm qua ngài đã vứt rác vào thùng rác chung mà không phân loại?
Người phụ nữ đứng trước mặt tôi nói giọng nhỏ, nhẹ nhưng lạnh sắc.
Bị làm phiền, muốn cho xong chuyện tôi cãi quấy quá:
-Không, không phải của nhà tôi. Từ hôm qua tới giờ nhà tôi chưa hề vứt rác.
-Chỉ của nhà ngài thôi. Tôi đã xem trong túi rác đó. Toàn sản phẩm nhãn mác châu Á. Cả chai nước mắm có hình con cá mực to tướng. Cả chung cư này mỗi nhà ngài là người Việt Nam.
Nói đến thế thì tôi cứng họng. Chắc bà vợ tôi đêm qua trước khi đi ngủ đã vứt ẩu. Tôi đành bấm bụng xin lỗi và dù ngái ngủ cũng phải theo bà dắt chó xuống tận thùng rác moi lại túi rác của nhà, phân loại, rồi cho vào từng thùng theo đúng quy định. Tử đó với gia đình tôi bà dắt chó còn có thêm biệt danh nữa là “Cảnh sát khu vực”.
Chắc tuổi già ít ngủ, lại nuôi chó nên cứ tầm 6h sáng bà đã dậy và dắt chó đi dạo nhân tiện quan sát tình hình khu vực như một cảnh sát thực sự. Cứ tầm 7-8 giờ sáng mà bị bấm chuông thì chắc chắn là của “Cảnh sát khu vực”.
Tiếng chuông réo. Mở cửa. Một cặp mắt xanh đứng. Một cặp mắt xanh ngồi. Cặp mắt xanh đứng, nói:
-Hôm nay thứ 5. Nhân viên vệ sinh lau toàn bộ hành lang toà nhà. Đề nghị ngài cất thảm chùi chân vào trong.
Cặp mắt xanh ngồi nhau nhảu sủa mấy tiếng phụ họa.
Lại chuông réo. Mở cửa. Cặp mắt xanh đứng, nói:
-Cửa kho dưới tầng hầm của nhà ngài đồ chất chiếm cả đường đi chung. Đề nghị ngài thu gọn lại.
Cặp mắt xanh ngồi lại vẫn gióng đúng ba tiếng nhau nhảu vào hùa.
Khi chung cư đón thêm một đồng hương người Việt của tôi về cư ngụ. Với tư cách “ma cũ” tôi cũng cảnh tỉnh người hàng xóm mới về thái độ săm soi của bà dắt chó “Cảnh sát khu vực”.
Người mới dọn đến ở ngay tầng dưới nhà tôi tức là nằm đúng tuyến đường đi tuần mỗi ngày của bà dắt chó.
Một đêm tôi đi làm về nhìn thấy cửa nhà người đồng hương nham nhở vết băm bổ. Chắc chắn nhà này bị trộm cạy cửa. Tôi bấm chuông gọi. Người đồng hương mở cửa. Câu đầu tiên anh ta nói:
-May quá anh ạ.
Rồi hào hứng kể:
-Hôm nay mà không có bà dắt chó phát hiện thì nhà em mất hết. Mà bà cụ cũng liều. Thấy chúng nó đang dùng xà beng phá cửa mà dám hô hoán, ngăn cản. Lại được con chó bé thế mà cứ lao vào cắn thành ra chúng nó bỏ chạy. Bà cụ sau đó còn gọi cho cảnh sát. Cảnh sát gọi cho em, em mới biết mà về.
Mấy hôm sau gặp, lại nghe cậu em hàng xóm tâm sự. Hôm vừa rồi, em bảo vợ em làm nem thật ngon, rán thật giòn. Người Đức ai chẳng thích món ăn Việt này. Cả bún, cả nem còn đang nóng hôi hổi em bảo vợ em mang lên biếu bà, cũng là để thay lời cảm ơn. Bà nhìn những cái nem vàng ươm, thơm phức, hít hà ra điều thích thú rồi vui vẻ bảo vợ em. Ngài mang xuống nhà cho bọn trẻ ăn đi. Tôi biết là ngài làm rất ngon nhưng tôi không thể ăn vì tôi là người ăn kiêng. Thịt thà, dầu mỡ đều không ăn được. Với lại tuổi này cũng chẳng ăn được là bao. Từ lần sau ngài không phải mang gì lên nữa. Rồi bà ôm vai vợ em dịu giọng bảo. Là hàng xóm bảo vệ nhau là lẽ thường. Ai gặp chuyện đó cũng làm như tôi thôi.
Sau vụ đó tôi nhìn bà dắt chó với con mắt thiện cảm hơn hẳn.
Dịch Covid bùng phát nước Đức hùng mạnh nhưng chủ quan nên những ngày đầu luống cuống như gà mắc tóc. Mọi người đổ xô đi mua tích trữ hàng hoá, lương thực, thực phẩm. Trong các siêu thị khay kệ trống hoác. Không khí căng thẳng như có chiến tranh. Hai mặt hàng thiếu thốn nhất là khẩu trang và giấy Tollette. Người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường nhất là người già. Quán xá, tiệm tùng đóng cửa. Bàn ghế chổng ngược. Đèn đóm tắt ngóm. Mới chập tối mà đường xá vắng tanh. Tối om. Trời đang tiết xuân ấm áp mà cảm giác lạnh đến rợn người như đi trong thành phố chết.
Mấy ngày liền không thấy bà dắt chó xuất hiện. Tôi liền bảo thằng con trai:
-Quân lên nhà bà dắt chó xem bà có cần giúp đỡ gì không, tiện mang tặng bà mấy cái khẩu trang vải mẹ vừa may.
Mươi phút sau thằng bé hớn hở trở về:
-Bà vui lắm. Bà bảo bà không biết nhà mình còn có con. Bà hỏi tên con và giới thiệu tên bà là Karin. Bà gửi lời cảm ơn bố mẹ. Nhưng khẩu trang bà không nhận vì bà có cái này rồi. Nó móc trong túi ra cái khẩu trang bằng vải hoa. Bà bảo cái này của bà bị rộng quai. Mẹ cắt ngắn bớt cho bà được không?
Vợ tôi cắt và may ngắn lại cái dây khẩu trang của bà. Cầm thêm một cái mới mang lên cho bà. Bà chỉ nhận lại cái cũ của mình, bảo:
-Tôi cần một cái này là đủ. Những cái khác nếu thừa, cô mang cho người khác. Dịch bệnh này nhiều người cần lắm. Cầm mà không dùng phí đi.
Từ đó thi thoảng có chuông cửa, tôi ra mở. Lại vẫn bà dắt chó. Thay vì bị nhắc nhở, bà dúi cho tôi một túi nhỏ. Cặp mắt xanh không xói vào mặt tôi như mọi khi. Con chó nhỏ cũng im re, chả ho hắng lấy một tiếng. Bà nói giọng nhỏ nhẹ:
-Tôi gửi cái này cho Quân.
Mở ra khi thì một cái bánh, gói kẹo. Khi thì một bịch khẩu trang, hộp gang tay. Những thứ mà mùa dịch này thật đáng quý. Kèm theo những món quà là những bức thư viết tay. Màu bút bi tím trên trang giấy trắng với nét chữ nắn nót như nét chữ học trò. Là những lời hỏi thăm ân cần của một người bà gửi thằng cháu nhỏ.
Một hôm tôi đi làm về thì bà vợ hớn hở khoe. Hôm nay em gặp bà dắt chó. Cùng đi với bà cả đoạn đường ra siêu thị. Hoá ra bà sinh cùng tháng 4 với em. Chỉ sau một tuần. Sau khi hỏi tuổi, bà cười bảo. Vậy là tôi bằng tuổi mẹ của cô. Hoá ra bà đã ngoài tám mươi. Bà có đứa con trai đang ở tận bên Tây Đức. Có thằng cháu nội bằng đúng tuổi Quân nhà mình. Nhìn Quân là bà nhớ đến thằng cháu đang ở xa. Lâu rồi vì dịch bệnh bà cháu không gặp nhau.
Hôm sinh nhật vợ tôi. Vừa từ nhà xuống cửa, tôi gặp bà dắt con chó, chắc vừa đi siêu thị về. Tay cầm bó hoa và một túi nhỏ. Bà dúi tất cả vào tay tôi và bảo: Ngài mang về cho vợ ngài. Chúc cô ấy tuổi mới mọi sự tốt lành. Rồi bà dịu giọng hơn: Ngài có cô vợ rất tốt và cậu con trai thật ngoan. Hãy đối xử tốt với họ nhé. Rồi bà nheo mắt cười. Ánh mắt xanh ánh lên niềm vui.
Ngày sinh nhật bà sau đó, vợ tôi cũng chu đáo mua hoa và mấy lọ nước tắm làm từ hoa oải hương mang lên cho bà. Bà vồn vã mời vào nhà. Một căn hộ 2 phòng nhỏ nhắn, xinh xắn. Đồ đạc giản dị. Trên bức tường phòng khách treo 3 bức ảnh. Ảnh bà ở giữa thời còn trẻ, cổ quàng khăn, hai bím tóc thả ngang vai. Hai bên là ảnh 2 chú chó nhỏ. Bà chỉ vào một bức rồi chỉ xuống con chó đang ngồi dưới chân hóng chuyện bảo: Đây là ảnh con này. Nó tên là Lucy. Nó sống với tôi 13 năm rồi. Tuổi chó như vậy là nó cũng già giống tôi. Con kia mất tôi mới nuôi con này, lấy từ một người bạn. Hồi mới mang về nó mới 9 tháng tuổi. Bé như con chuột. Bà lấy tay xoa xoa cái đầu chú chó nhỏ, nói giọng xót xa:”Chó là loài thú vật nhưng sống tình cảm như con người. Vì thế tôi thích nuôi chó”.
-Thế chồng bà đâu? Vợ tôi đột ngột hỏi.
-Ông ấy chết lâu rồi. Ông ấy thích rượu hơn thích tôi. Chết cũng vì rượu. Cho nên tôi chẳng giữ tấm ảnh nào. Giọng bà kể như bâng quơ. Nhưng ánh mắt đượm buồn.
Một buổi tôi bước xuống cửa đi làm. Trời bất chợt nắng. Cái nắng hiếm hoi đầu đông mà vàng xuộm óng ả như nắng thu. Nắng nhuộm vàng cả mấy toà nhà cao tầng trong khu chung cư. Gió nhẹ nhàng đu đưa những quả táo dại như những chiếc chuông nhỏ đỏ chót còn sót lại ở những bụi cây trơ trụi lá ven đường. Chợt nhìn thấy bà dắt chó đang đi về từ phía đối diện. Tôi gật đầu chào bà. Bà gật đầu cười và dừng lại. Con chó nhỏ tiến lại phía tôi quấn quít.
Bà nheo mắt vì nắng, giọng vui vẻ hỏi:
-Quân thế nào, đã đi học trở lại chưa?
-Nó đi học lại rồi. Giờ đang ôn thi.
-Cho tôi gửi lời thăm Quân nhé.
Rồi bà nói nhỏ:
-Tôi đang chuẩn bị quà sinh nhật cho Quân.
Nói xong bà đưa ngón tay lên miệng suỵt nhẹ ra điều bí mật. Bây giờ mới giữa tháng 11. Sinh nhật thằng con trai tôi tận ngày cuối cùng của năm. Là bố mà tôi còn chưa hề nghĩ đến ngày sinh nhật con mình. Vậy mà bà đã chuẩn bị quà từ bây giờ. Tôi nhìn bà hàng xóm già nhỏ thó mà lòng rưng rưng cảm động.
Con chó bất chợt giật sợi dây chạy về phía trước. Bà chào tôi và bước nhanh theo con chó nhỏ. Chợt nhớ đến bức ảnh của bà cho bài viết này mà mình chưa có, tôi vội chạy theo:
-Bà hàng xóm, bà hàng xóm! Tôi với gọi.
Nhưng con chó vẫn chạy phăng phăng kéo theo bà lão.
-Lucy! Lucy! Tôi chợt nhớ tên con chó và gọi.
Con chó dừng phắt. Nó nhìn về phía tôi ánh mắt xanh lộ vẻ ngỡ ngàng.
-Bà hàng xóm. tôi có thể chụp ảnh bà được không? Tôi khẩn khoản.
Bà dừng lại ngần ngừ. Tôi nhẹ giọng, lần đầu tiên gọi tên bà:
-Bà Karin. Tôi chụp ảnh này cho Quân.
Bà gật đầu rồi giơ cao tay như vẫy chào, miệng cười tươi. Nụ cười hồn nhiên, thân thiện làm bừng sáng gương mặt đầy nếp nhăn của bà lão ngoài tám mươi.
********
Hậu “Bà dắt chó”
Năm nay mùa đông kéo dài. Tận đầu tháng 5 mà trời vẫn lạnh. Mưa sụt sùi cả ngày, cả đêm. Con đường trong chung cư ướt sũng, đen thẫm. Bình thường tầm này những bãi cỏ xung quang đã vàng rực sắc hoa thủy tiên. Tôi gặp bà dắt chó co ro trong chiếc áo dày màu vang đỏ. Tay cầm ô, miệng đeo khẩu trang dắt theo con chó nhỏ. Con chó cũng được mặc một cái áo dầy để che mưa và chống lạnh. Vì chạm mặt nhau thường xuyên, nó nhìn tôi thờ ơ và giằng dây kéo bà lão về phía trước. Bà lão vừa bước theo con chó vừa kể:
- Con chó này cũng không còn ít tuổi nữa mà chẳng chịu già. Lúc nào cũng bắng nhắng như trẻ con. Ngồi nhà chồn chân là không chịu. Nên mưa gió thế này vẫn phải cho nó xuống đường.
Mưa tầm tã cả tháng, cây cối, đường sá ướt sũng, bầu trời xám xịt, thấp tè. Bỗng “Ngày của Mẹ” (Muttertag) mặt trời ló ra rồi chói chang những tia nắng, bầu trời cao rộng xanh ngắt đúng tiết hè. Buổi trưa, vợ tôi mang quà lên tặng bà. Cũng chẳng nhiều nhặn gì. Chỉ một chậu hoa thu hải đường màu đỏ và cái ảnh tôi chụp bà cùng con chó nhỏ. Cái ảnh được đặt trong khung gỗ do chính thằng con trai bé của tôi tự tay mua, chọn.
Vừa nhìn thấy vợ tôi mang quà vào, bà lão đã ca cẩm:
- Tôi đã nói rồi. Không cần phải quà cáp cầu kỳ. Nhất là đừng mang hoa. Hoa chỉ tổ cho ruồi, muỗi kéo vào nhà. Tôi sợ nhất là côn trùng.
Vợ tôi đon đả:
- Đây là loại hoa mang lại nhiều may mắn. Tôi tin rằng chậu hoa này sẽ đem lại niềm vui cho bà nhân “Ngày của Mẹ”.
Bà lão nhìn chậu hoa gật gù cười bảo:
- Công nhận chậu hoa này xinh. Màu hoa cũng tươi. Nhưng để tôi xem đã. Nếu hoa này mà dụ côn trùng đến nhà thì tôi không nhận đâu.
Bà lão với cái kính để trên bàn đeo vào mắt rồi bật điện thoại tra Google.
- May quá, hoa này bọn côn trùng không thích, lại là loại hoa đem lại nhiều may mắn thật, tôi xin nhận. Cảm ơn cô. Còn cái bọc gì nữa đây?
Bà lão mở gói giấy. Khi nhìn thấy khung ảnh có mình cùng con chó nhỏ, cặp mắt xanh của bà lão sáng bừng lên, rồi chùng xuống rưng rưng. Ấp cái khung ảnh lên bộ ngực gầy nhom nhem của mình, bà lão cảm động nói:
- Thì ra chồng của cô đã chụp cái ảnh này với dụng ý tặng tôi. Ảnh đẹp quá. Cô nhìn xem, trong ảnh này, ai đoán là tôi đã ngoài tám chục tuổi. Cả mày nữa, mày nhìn đi. Cái mặt nhâng nháo chả khác gì bên ngoài.
Bà lão vừa nói vừa chìa cái ảnh vào mặt con chó. Dường như hiểu chủ nói gì, con chó sủa lên mấy tiếng rồi vồ lấy cái khung ảnh. Thè cái lưỡi nhỏ liếm vào đúng mặt nó trong ảnh.
Khoảng một tháng sau “Ngày của Mẹ”, đi làm về tôi nhìn thấy cái khung ảnh tặng bà dắt chó nằm trên nóc tủ giày nhà mình. Tôi ngạc nhiên hỏi bà vợ:
- Sao bà dắt chó trả lại cái ảnh này?
- Không phải. Anh không nhìn mẩu giấy ở góc khung ảnh à? Bà muốn hỏi anh chụp ảnh này ngày nào thôi?
Tôi mở điện thoại xem ngày chụp rồi bảo thằng con viết mấy chữ gửi bà.
Hôm sau đi làm về, thằng con vừa mở cửa đón bố giọng bùi ngùi:
- Con chó của bà Karin chết rồi bố ạ.
- Sao con biết?
- Thì bà viết thư cho con đây.
Nó đưa cho tôi mảnh giấy bé bằng bàn tay. Vẫn nét bút màu tím trên trang giấy trắng học trò. Những dòng chữ run rẩy.
“Chào Quân, cảm ơn cậu và gia đình cậu đã cho tôi biết ngày chụp bức ảnh. Đó cũng là hình ảnh cuối cùng tôi có thể nhìn thấy con chó của mình. Nó đã bỏ tôi mà đi sau 13 năm, 2 tháng cùng chung sống. Từ nay không có ai chờ tôi mỗi khi tôi ra khỏi nhà. Không có ai đón tôi khi tôi bước chân vào cửa. Đây là nỗi buồn vô cùng lớn đối với tôi, chắc phải mất không ít thời gian nữa để tôi quen với điều này”.
Tôi đọc những dòng tâm sự của bà trong nỗi xót xa. Hơn 13 năm sống cùng nhà, chăm chút nó như chăm chút đứa con. Mất nó khác gì mất người thân thiết nhất.
- Thế nào bà cũng nuôi con chó khác. Rồi bà sẽ hết buồn thôi. Tôi quay sang thằng con động viên.
- Không, bà bảo bà sẽ không nuôi chó nữa. Bà không còn nhiều thời gian. Bà không muốn bà chết đi để con chó lại một mình.
Nó nói giọng rưng rưng khiến vợ chồng tôi chạnh lòng buồn. Không có con chó bà sẽ không thường xuyên xuống đường. Tuổi bà Ít vận động sẽ không tốt cho sức khoẻ. Tôi chợt nghĩ.
Những ngày mưa gió cuối thu vặt nốt những chiếc lá vàng còn sót lại trên cành. Hàng cây đen đúa, trơ trụi lá im lìm vào đông. Tôi để ý, nhưng đã lâu không nhìn thấy bà dắt chó. Con đường trong khu chung cư như vắng vẻ hơn.
Chuyện làng quê
Hùng Lý (Berlin, Đức)
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ba-dat-cho-a14923.html