Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Tiểu thuyết lịch sử) - Tập  (Kỳ 15- Hết)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử  “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 15.

Các chiến sĩ xông qua lửa đạn, xuống đến Mường Thanh chỉ còn 5 người. Đó là Tạ Quốc Luật (quê tỉnh Thái Bình), Nguyễn Nghĩa Lam ( quê Nghệ An), Hoàng Đăng Vinh (quê Hải Hưng), Bùi Văn Nhỏ (quê Nghệ An) và Đào Văn Hiếu (quê Bắc Ninh). Khi đó các Đại đoàn từ ba hướng cũng đang đánh xuống Mường Thanh. Đại đoàn 312 từ phía đông, Đại đoàn 308 từ phía tây đang tiến vào sân bay. Quân Pháp nhiều nơi đã kéo cờ trắng ra hàng, các cứ điểm và khu Trung tâm nhấp nhô cờ trắng. Thấy quân dịch hầu như không chống cự, Tạ Quốc Luật ra lệnh:

-Lên khỏi chiến hào băng qua cầu nhanh.

-Tuân lệnh.

chien-dich-dbp-15-38-14-403-1661774473.jpg

Sau 55 ngày đêm chiến đấu, ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. (Ảnh: hochiminh.vn)

 

5 người nhảy lên khỏi chiến hào và băng qua cầu Mường Thanh, gọi một tên lính ngụy đến, Tạ Quốc Luật hỏi:

-Hầm De Castories ở đâu, dẫn đường thì tha chết.

Người lính ngụy run rẩy:

-Xin tha mạng, em dẫn đường.

Đến nơi, người lính ngụy chỉ và nói:

-Cái hầm mà trên nóc có nhiều ăng ten là hầm của De Castories.

5 Người áp sát hầm, Tạ Quốc Luật ra lệnh:

-Đồng chí Nhỏ ném thủ pháo vào cửa hầm tiêu diệt lính bảo vệ.

-Tuân lệnh.

  Tiếng nổ chát chúa vang lên. Tạ Quốc Luật nói:

-Đồng chí Hiếu, Đồng chí Vinh vào hầm cùng tôi. Đồng chí Nhỏ, đồng chí Lam canh phòng bên ngoài.

-Tuân lệnh.

  Tạ Quốc Luật cùng hai chiến sĩ tiến vào trong hầm, ánh sáng đủ để thấy nóc hầm có che chiếc dù trắng. Các sĩ quan của Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm đang ngồi lo lắng, sợ hãi. Riêng De Castories vẫn đội mũ ca lô, hơi  cúi xuống bàn. Tạ Quốc Luật nói to bằng tiếng Pháp:

-Giơ tay lên, bỏ súng xuống.

Các sĩ quan đều giơ tay. Tạ Quốc Luật nói:

-Đồng chí Hiếu thu súng của họ đi.

-Tuân lệnh.

Chiến sĩ Hiếu thu hết súng ngắn của các sĩ quan Pháp. Tạ Quốc Luật hạ lệnh:

-Ngài De Castories hãy hạ lệnh cho tất cả binh lính Pháp ở Điện Biên Phủ hạ vũ khí đầu hàng đi.

  De Castories khuôn mặt phờ phạc, tay run run cầm bộ đàm nói:

-Điện Biên Phủ đã thất thủ, tôi Thiếu tướng De Castories ra lệnh cho binh lính Pháp ở tất cả các cứ điểm ngừng chống cự, buông súng đầu hàng.

Tạ Quốc Luật lại ra lệnh:

-Ngài hãy nói với Tướng H.Navarre Điện Biên Phủ đã thất thủ, ngừng tất cả các cuộc ném bom đi.

De Castories nói:

-Thưa ngài, tôi đã làm điều đó cách đây 10 phút rồi.

Đó là ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” đã cắm trên nóc hầm Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm, lá cờ tung bay theo gió mùa hè phần phật mang niềm vui chiến thắng.

Tạ Quốc luật, Hoàng Đăng Vinh, Đào Văn Hiếu, Bùi Văn Nhỏ, Nguyễn Văn Lam giải De Castories và 20 sĩ quan về giao cho Trung đoàn và quay lại trận địa pháo 105 ly. Dọc đường thấy bộ đội Việt Nam tràn ngập trên cánh đồng Mường Thanh, Hồng Cúm để tiếp nhận sự đầu hàng của quân Pháp đang lóp ngóp từ các hầm hố bò ra...

Tại sở chỉ huy của Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 liên tục nhận được điện từ Bộ chỉ huy chiến dịch:

-A lô, tôi Hoàng Văn Thái đây.

-Xin chào Tham mưu trưởng, tôi Hoàng Cầm đây.

-Các đồng chí đã bắt được tướng De Castories chưa?

-Dạ, bắt được rồi, thưa Thiếu tướng.

-Các đồng chí giải nó về Bộ Chỉ huy chiến dịch ngay.

-Tuân lệnh, nhưng chờ đồng chí Tạ Quốc Luật giải về Trung đoàn bộ, chúng tôi sẽ đưa đến ngay.

Vừa khi đó, Tạ Quốc Luật và 5 chiến sĩ dẫn De Castories và 20 sĩ quan Pháp vào:

-Báo cáo đồng chí Trung đoàn trưởng, đây là Thiếu tướng De Castories và toàn bộ sĩ quan tham mưu của tập đoàn cứ điểm.

Hoàng Cầm nói:

-Các đồng chí làm tốt lắm.

Tạ Quốc Luật nói:

-Chúng tôi bàn giao “chiến lợi phẩm” cho đồng chí đây.

-Rồi, cảm ơn các đồng chí.

Trần Quân Lập, chính ủy Trung đoàn hỏi bằng tiếng Pháp:

-Đơn vị của ngài ở Hồng Cúm đã đầu hàng chưa?

-Tôi bị đứt liên lạc nhưng quân báo báo về toàn bộ sĩ quan và binh lính ở Phân khu đó đã bị các ông bắt. Họ định chạy sang Lào nhưng không thành công vì các ngài đã chặn ở cửa Tây Trang rồi.

-Phải, Trung đoàn 9 do Trung đoàn trưởng Trần Thanh Tú chỉ huy và Trung đoàn 57 do Trung Đoàn trưởng Nguyễn Lân chỉ huy. Cả hai Trung đoàn thuộc Đại đoàn 304, Đại đoàn trưởng là Hoàng Minh Thảo, cùng với Đại đoàn 316 của Đại tá Lê Quảng Ba của chúng tôi đã giằng co với các ngài ở Hồng Cúm 45 ngày đêm, từ 23-3 đến 7-5, cuối cùng toàn bộ binh sĩ của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn bộ binh hải ngoại số 3 do Thiếu tá Henri Grand Desnon của ngài đã bị tiêu diệt, bị bắt và đầu hàng. Ngài đã báo cho H.Navarre và Cognu thế nào?

-Thưa ngài tôi đã báo rằng Điện Biên Phủ đã thất thủ rồi, hoàn toàn tuyệt vọng rồi.

Trần Quân Lập gọi:

-Đồng chí cần vụ đâu?

-Dạ, chính ủy.

-Đem một nồi nước đun sôi, 20 cái bát cho các ngài đây uống. Ở hầm hào thiếu nước, họ khát lắm rồi.

Mấy anh nuôi gọi nhau:

-Đem nước sôi lên mà xem Tướng De Castories các đồng chí ơi.

Hai chiến sĩ khênh nước, theo sau là hàng chục anh nuôi bỏ cả nấu cơm chen nhau ở cửa hầm:

-Cho chúng tôi xem De Castories, tướng bại trận chút nha, Chính ủy?

-Xem nhanh rồi về bếp nấu cơm đi.

Xem xong, họ chạy ra reo hò, có người như đã khóc vì vui mừng.

Đến bữa cơm, Hoàng Cầm nói với nhà bếp:

-Sắp cơm cho De Castories và 20 sĩ quan ăn no đi. Họ nhịn đói nhiều ngày rồi. Ăn xong còn đưa họ về Bộ chỉ huy chiến dịch.

Tại Tổng hành dinh Mường Phăng, Bộ chỉ huy chiến dịch, De Castories được trả lại chiếc hòm dù đỏ do máy bay thả lạc về phía Việt Nam. De Castories mở ra xem thì bên trong có quân hàm Thiếu tướng của chính phủ Pháp, một lá thư màu hồng còn thơm mùi nước hoa và toàn bộ quà cáp của phu nhân De Castories gửi cho ông ta, và cuối cùng ông ta đã nhận lại được. De Castories vô cùng cảm động. Cuối cùng ông ta nói:

-Cảm ơn Việt Nam đã giữ quà và trao lại cho tôi.

Tối hôm 7 tháng 5, cả Điện Biên Phủ, cả khu rừng Mường Phăng bỗng sôi lên trong những tiếng ầm ầm như trời long đất lở, như biển động và bão táp bởi tiếng reo hò sung sướng của các cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tại mặt trận khi biết quân ta đã chiến thắng. Họ khua chân múa tay, ôm nhau nhảy nhót, có người hét to, có người há to mồm không nói được, có người ôm mặt khóc vì vui mừng, có người chạy vòng quanh, không khí náo nhiệt suốt đêm không ai ngủ được và cũng không muốn ngủ trong giờ phút vui mừng có một không hai của đời người, đời lính.

Sáng hôm sau, De Castories và 20 sĩ quan đi đầu trong gần 12.000 tù binh Pháp về trại tập trung để chuyển về Hà Nội trao cho phía Pháp. Trên con đường của cánh đồng Mường Thanh và rừng núi ngoằn ngoèo, gần 12.000 người lính Pháp bại trận mặc quân phục ka ki vàng rách rưới, bẩn thỉu, đầu có mũ hoặc không có mũ, bước đi thất thểu dài dằng dặc nhưng không còn nổi sợ hãi chết chóc trong chiến trận khốc liệt đe dọa. Thứ hai là khi họ giơ tay kéo cờ trắng, họ lo sợ một băng đạn từ phía người chiến thắng kết liễu đời họ nhưng điều đó đã không xẩy ra. Bây giờ họ đã được Việt Nam cho ăn uống, nghỉ ngơi, được đi dưới bầu trời đầy gió và ánh nắng mặt trời. Họ thoát khỏi địa ngục trần gian trong những lô cốt hầm ngầm Điện Biên Phủ mà bọn hiếu chiến H.Navarre, Ladanien bày đặt ra và đẩy họ bước vào. Họ hy vọng cuộc chiến tranh Đông Dương bẩn thỉu do Chính phủ Pháp gây ra sẽ chấm dứt sau thất bại nhục nhã này. Bao nhiêu sinh mạng của thanh niên Pháp đã nằm lại nơi viễn xứ xa xôi này. Họ mong muốn sớm được về Pháp gặp lại cha mẹ, anh em, vợ con.

  Đêm 8 rạng ngày 9 tháng 5 năm 1954, trong Tổng hành dinh ở Mường Phăng, biết bao nhiêu việc phải làm sau trận đánh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tranh thủ ngồi đọc báo cáo của Bộ Tham mưu chiến dịch. Đại tướng nhìn vào những con số thương vong của Pháp và của ta trong những trận đánh khốc liệt. Tại Điện Biên Phủ, lúc Pháp tăng quân số cao nhất là 16.000 lính, toàn bộ đã bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh, khoảng 2.293 người chết, 6.650 bị thương, 1.729 người mất tích, 11.721 người bị bắt làm tù binh. Tổng số sĩ quan và hạ sĩ quan bị bắt và bị tiêu diệt gồm 1 Thiếu tướng, 16 Đại tá và Trung tá, 353 sĩ quan từ Thiếu úy đến Thiếu tá, 2 phi công Mỹ, 1 chết, 1 bị thương.

  Pháp bị tổn thất 59 phi cơ các loại, 186 phi cơ bị hư hại, 1 vận tải cơ hạng nặng C-119 của Mỹ bị bắn rơi. Pháp mất toàn bộ trang bị vũ khí, xe tăng và pháo ở Điện Biên Phủ. Việt Nam thu 2 xe tăng M24 chafu, 28 khẩu đại bác và súng cối các loại, 20.000 lít dầu,  nhiều đạn dược quân trang quân dụng khác.

  Đại tướng đọc đến đó thì có tiếng gọi trong máy bộ đàm:

-A lô, tôi Võ Nguyên Giáp nghe đây.

-Tôi Trường Chinh đây.

-Xin chào đồng chí Tổng Bí thư.

-Xin chúc mừng chiến thắng của quân dân ta ở Điện Biên Phủ, chúc mừng đồng chí Đại tướng.

-Cảm ơn đồng chí, hôm qua 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch đã kết thúc thắng lợi.

Tổng Bí thư Trường Chinh nói:

-Hôm qua, ta kết thúc chiến dịch thắng lợi thì hôm nay, ngày 8 tháng 5, hội nghị Giơ ne vơ về vấn đề Đông Dương khai mạc. Với thất bại trong trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ, Pháp phải ký hiệp định hòa bình, thừa nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương là điều không phải bàn cãi và có thể phải rút quân khỏi Đông Dương.

Đại tướng nói:

-Với thất bại ở Điện Biên Phủ, Pháp đã suy sụp trên toàn cõi Đông Dương. Đem ra Giơ ne vơ họp thì Đông Dương thành vấn đề Quốc tế. Các cường quốc nhiều mưu kế ép chúng ta thì chúng ta sẽ  bị thiệt thòi nhiều so với tầm vóc Điện Biên Phủ.

Trường Chinh nói:

-Bây giờ lại đến lượt đấu tranh ngoại giao. Thôi chào đồng chí. Hẹn gặp nhau tại Hà Nội.

-Cảm ơn Tổng Bí thư, chào đồng chí.

Đại tướng ngồi xuống bê bát nước chè nóng mà người cần vụ vừa đem lên. Đêm đã về khuya. Mường Phăng rừng núi đêm hè gió đưa xạc xào. Đại tướng vẫn không ngủ được, trận chiến khốc liệt đã im tiếng súng. Trong ký ức của Đại tướng hiện ra những trang lịch sử chống Pháp từ năm 1858 đến nay, biết bao liệt sĩ anh hùng đã không tiếc thân mình hy sinh để mong bảo vệ và giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Chỉ nêu tiêu biểu thôi thì sử sách đã không chép hết. Từ Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định, Tôn Thất Thuyết, vua Hàm Nghi, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Minh Thái, Hoàng Văn Thụ. v.v…Tất cả như đang về hội tụ, tạo nên sự thiêng liêng anh hùng của Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ không chỉ là mốc son ghi võ công hiển hách chói lọi của dân tộc mà còn là trả được mối hận 96 năm nay của các bậc tiên liệt anh hùng, là khúc ca khải hoàn lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, cổ vũ các dân tộc Á-Phi đứng dậy lật đổ chế độ thuộc địa bạo tàn, giành độc lập cho dân tộc.

Điện Biên Phủ do đó là khúc ca chiến thắng chung của các dân tộc thuộc địa Châu Á, Châu Phi.

  Đêm đã về khuya, gió vẫn khua lá rừng xào xạc như vui mừng trong chiến thắng. Lại một đêm nữa, Đại tướng lại thức cùng núi rừng Điện Biên Phủ thương yêu.

Hà Nội ngày 5-10-2021

CVL

(Hết)

Đón đọc bài "Đôi điều cảm nhận về bô Tiểu thuyết lịch sử "Việt Nam diễn nghĩa"

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dien-bien-phu-ban-hung-ca-chien-thang-tieu-thuyet-lich-su-tap-ky-15-het-a14938.html