Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 16)

Say trong những lời ca đầy tự hào đó, tôi đã về Đà Nẵng với tư thế hiên ngang và với tình cảm nồng nàn của người chiến sĩ cách mạng tận mắt chứng kiến cảnh quân địch quy hàng, nhân dân mừng reo chào đón!

bia-ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-1660572196.jpg
 

Rồi, ở Đà Nẵng, chúng tôi vỡ òa niềm vui khi nghe tin quân ta đã giải phóng Sài Gòn, toàn miền Nam sạch bóng quân xâm lược. Nhạc sĩ Dân Huyền viết trên vov.vn về thời khắc trọng đại ấy như sau:

“...Khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng Thống chính quyền ngụy, buộc Tổng Thống ngụy quyền Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện thì cũng là lúc quân cách mạng đã làm chủ thành phố. Cả dân tộc trong niềm vui chiến thắng mà trào nước mắt, nhớ lại những ngày máu lửa đã qua, nhớ những người thân, người đồng chí đã ngã xuống không được hưởng niềm vui trọn vẹn này.

... Niềm vui lớn lao và vĩ đại ấy đã thành khúc nhạc lời ca vang khắp miền Tổ quốc như: Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (Cao Việt Bách - Đăng Trung), Ta đã về Sài Gòn ơi (Văn Dung), Hát về Thành phố tên vàng (Cát Vận), Mùa xuân Việt Nam, mùa xuân toàn thắng (Lưu Cầu), Việt Nam ngày đại thắng (Vũ Thanh), Giữa Sài Gòn giải phóng (Hồ Bắc), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Đêm Sài Gòn nghe vọng cổ (Dân Huyền), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng)… Và còn nhiều, rất nhiều những ca khúc khác đã đi vào lòng người trong những ngày tháng 5 không thể nào quên cách đây 38 năm.

Trong số bài hát kể ra trên đây, có thể nói bài  Đất nước trọn niềm vui  của nhạc sĩ Hoàng Hà, qua giọng hát Hữu Nội, tạo ra được không khí sôi động, háo hức, vui tươi nhất:

“Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay!

Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây

Sài Gòn ơi!

Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng.

Ta nghe vang như tiếng Bác Hồ dậy từ non sông

Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân

Thành Đồng ơi! Sắt son đã vang khải hoàn

Ôi! hạnh phúc vô biên!

Hát nữa đi em, những lời yêu thương.

 

Hò ơ...ớ hò...ớ hò...ớ hò....

Hội toàn thắng náo nức đất nước

Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang

Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam

Tổ quốc anh hùng!

Ôi quê hương dẫu bao lần giặc phá điêu tàn

Mà vẫn ngoan cường

Giành một ngày toàn thắng. Đẹp quá!

 

Đời rực sáng những ánh mắt lấp lánh

Ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương

Ta muốn ca vang bước chân

Những người chiến sĩ giải phóng kiên cường!

Đêm hoa đăng, những môi cười là bó hoa đời tươi thắm tuyệt vời,

Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ Quốc muôn đời,

Trọn vẹn cả non sông thống nhất rạng rỡ Việt Nam...”

Nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác bài hát nổi tiếng này chỉ trong một đêm (26-4-1975), trước ngày giải phóng miền Nam 30 tháng 4 bốn ngày. Lại một lần nữa ta thấy sự nhạy cảm chính trị, thời cuộc của nghệ sĩ, người đã dự báo chính xác ngày đại thắng của dân tộc, thu nước non về một giải.

Những ngày tiếp theo, ở tại Đà Nẵng, tôi được sống trong không khí náo nức xây dựng cuộc sống mới. Rạp hát Trương Vương diễn ra những chương trình nghệ thuật cách mạng. Tôi nhớ, hồi ấy nóng vô cùng, tuy rạp chạy máy lạnh nhưng không xuể, cho nên cả khán giả và diễn viên đều toát mồ hôi, vậy mà ai cũng chỉ chăm chú vào các tiết mục nghệ thuật, mặc cho mồ hôi vã ra trên trán, vã ra thân mình khiến lưng áo ướt đẫm.

Bài hát  Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn do nghệ sĩ Bích Liên thể hiện líu lo, hồn nhiên, vui như tiếng chim hót.

“Đà Nẵng quê ta ơi hôm nay giải phóng rồi !

Trên sông Hàn lại vang câu hò

Cờ giải phóng lại bay trên phố cũ

Trời của ta, đất của ta, con chim trên cành lại cất tiếng ca

Bao nhiêu mong ước mới có một ngày vui

Đà Nẵng hôm nay giải phóng rồi !

 

Bao nhiêu năm qua quân giặc xâm chiếm

Trên quê hương ta nhức nhối căm hờn

Nào vùng lên giành thời cơ!

Cả thành phố nhân dân đã vùng lên nổi dậy tiến công

Sức chúng ta mạnh hơn bão tố

Đà Nẵng ơi quê ta giải phóng rồi!”

Nghệ sĩ Hương Loan, được công chúng đánh giá là hát hay nhất bài “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, vào Đà Nẵng hát rất thành công bài hát “tủ” của mình, đồng thời hát đầy truyền cảm bài hát “Chiếc mũ tai bèo em thương”.

Cũng trong chương trình nghệ thuật mừng ngày giải phóng tại rạp Trưng Vương, tôi bồi hồi xúc động nghe bài hát  Tháng 3 Tây Nguyên của Văn Thắng, phổ thơ Thân Như Thơ, do đôi song ca nam nữ Trọng Hinh, Hoài Thu biểu diễn: 

“Tháng ba mùa con ong đi lấy mật,

Mùa con voi xuống sông hút nước,

Mùa em đi phát rẫy làm nương,

Anh vào rừng đặt bẫy cài chông.

Tháng ba sớm sớm mẹ ra rừng

Theo dấu chân chồn đi tìm nấm mối.

Chiều chiều cha chọn một góc vườn

Dạy con trai phóng lao trừ hổ báo.

Tháng ba mùa hoa vông đang nảy nở

Cho con công múa, cho con cá bơi,

Bông không rụng xuống lòng suối nhỏ,

Tung lên trời vạn cánh sao rơi.

Bông lách bay để lại nụ cười.

 

Tháng ba rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ,

Làng buôn vang tiếng chiêng múa hát,

Bầy chim muông cất cánh rợp trời,

Sông từng đàn con cá lội bơi.

Tháng ba tay em dệt khăn hồng

Theo cánh chim trời cho người em mến.

Chiều chiều anh dựng lại nếp nhà

Phòng khi qua những đêm ngày giông bão.

Tháng ba trờI trong xanh như suối ngàn,

Cho em múa hát cho anh đánh chiêng,

Chiêng anh rộn núi rừng buôn làng,

Em ca giọng vút mây xanh,

Chim hót theo nghe sao ngọt lành.

Tháng ba người Tây Nguyên chan chứa tình,

Con tim xao xuyến đôi môi hé cười,

Tháng ba mùa núi rừng sôi sục,

Tháng ba mùa hạnh phúc Tây Nguyên,

Ôi tháng ba tô thắm cuộc đời”

Bài hát về Tây Nguyên vang lên giữa lòng thành phố Đà Nẵng đưa tôi trở về với những ngày sống đầy ý nghĩa trên căn cứ cách mạng. Ở đó, đồng bào Tây Nguyên đã đùm bọc cán bộ, tham gia công cuộc kháng chiến, biết mấy nghĩa tình!

Cùng người vợ, người đồng đội thân thiết của tôi, đi trong không khí náo nức của thành phố mới được giải phóng, bao suy nghĩ rộn lên trong tôi, để rồi đọng lại thành ca từ, mà sau này tôi viết thành bài hát “Nhớ một thời”, trong đó có đoạn:

“Bao náo nức ta từ rừng về thành phố

Giữa cờ hoa và nước mắt hân hoan

Sông núi kia cũng vui cùng người

Đất trời quê ta, nay đã giải phóng rồi!

 

Ta sánh bước trong dòng đời tràn nhựa sống

Với tình yêu của đôi lứa đang xuân

Anh với em dẫu vui tràn ngập

Không khỏi bùi ngùi nhớ đồng đội đã hi sinh

Trời quê ta trở lại sắc xanh nguyên

Đồng đội ơi, hãy yên lòng êm giấc

Tổ quốc ta bước sang trang sử mới...”

Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, “Khu và Thành phố tổ chức mít tinh mừng chiến thắng. Buổi lễ diễn ra tại sân vận động Chi Lăng, có diễu binh và diễu hành quần chúng. Đứng trên khán đài nhìn xuống những đội quân hùng dũng diễu qua, chợt nhớ da diết những người đồng chí đã hi sinh, trong đó hình ảnh Vượng và Nghị hiện lên rõ mồn một trong tôi. Rồi nước mắt cứ trào ra, nhoè hết mọi hình ảnh hiện tại, đưa tôi về quá khứ...”(Bê trọc). Vang lên trong tâm khảm tôi là những giai điệu thân thương của Tổ quốc, có đau thương, uất hận, có dào dạt yêu thương, có kiên cường chiến đấu, có niềm vui chiến thắng... Tất cả những cung bậc, sắc thái ấy của âm nhạc được hòa quyện thành một khúc hoan ca: Như có Bác trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên:

“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng

Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng

Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông

Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công.

 

Việt Nam Hồ Chí Minh

Việt Nam Hồ Chí Minh

Việt Nam Hồ Chí Minh

Việt Nam Hồ Chí Minh...”

Bài hát mang hơi thở nóng hổi của thời đại, có tính quần chúng, bây giờ vẫn cứ vang lên trên khắp mọi miền, từ thành thị tới nông thôn, đồng bằng lên miền núi, cổ vũ toàn dân hăng say xây dựng cuộc sống mới...

(Còn nữa)

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-phan-16-a14953.html