Trước đó, những việc nhóm tù lưu đày ở đảo Nossilava tổ chức trồng rau, nuôi gia súc gia cầm và cải thiện đời sống trong cảnh tù đày đã được một số dân Madagascar biết và lan truyền.
Nhóm tù cộng sản đăng ký giúp dân Vondrouzou việc trồng lúa nước và dệt vải.
Hai ông Thơm và ông Nữ yêu cầu Tỉnh trưởng và Ty nông nghiệp cấp người để đào tạo và hướng dẫn đắp đập ngăn nước làm ruộng lúa. Họ vẽ các kiểu cày, kiểu bừa để thợ mộc làm rồi mang ra ruộng thao tác cho số học viên người Madagascar học theo. Các quy trình gieo mạ, cấy lúa rồi chăm bón được họ hướng dẫn nhiệt tình. Duy nhất khâu bón phân, chủ yếu là phân bò thu gom là bị dân Madagascar nghi ngại. Họ cho rằng gạo nhờ phân bò mà có thì ai dám ăn. Về sau thực tiễn khi thu hoạch đã thúc đẩy tập quán canh tác lúa nước của người dân Madagascar. Sau đấy có nhà khoa học người Pháp cho biết, Chính phủ bảo hộ Pháp biết ích lợi của kỹ thuật canh tác này nhưng họ không muốn truyền thụ vì sợ ảnh hưởng tới chính trị xã hội ở địa phương nên không muốn áp dụng. Họ nói tránh như vậy chứ thực ra đây là chính sách “ Ngu để trị” mà nhà cầm quyền Pháp hay dùng với các sắc dân thuộc địa.
Vondrouzou cũng như cả đảo Madagascar có nhiều ruộng trồng bông. Đến kỳ thu hoạch, Chính quyền bảo hộ thu bông đóng thành kiện rồi dùng tàu biển chở về Pháp. Người giàu ở Madagascar mua vải từ nước ngoài để may quần áo còn dân nghèo đa phần vẫn chỉ dùng những tấm sup-bic đan bằng lá raphia quấn vào người thay quần áo. Ở Vondrouzou, họ hoàn toàn không biết từ bông có thể kéo thành sợi để dệt quần áo như người Việt Nam.
Ông Phan Bôi vốn xuất thân trong một gia đình chuyên nghề dệt vải ở miền Trung nhận lời giúp dân ở huyện Karianga. Ông Huỳnh Văn Thơm giúp dân ở quanh tỉnh lỵ Vondrouzou và cùng ông Nguyễn Văn Cảnh hướng dẫn thợ mộc Madagascar đóng khung cửi máy dệt. Riêng gơ các ông vót bằng tre và làm trước cho thợ làm theo. Các ông được Tỉnh trưởng Ravel và bà vợ đích thân tuyển chọn thợ dệt từ các nữ sinh khéo tay để học cách kéo sợi từ quả bông. Từ sợi, các ông lại hướng dẫn các thiếu nữ Madagascar mắc sợi vào khung, rồi chân dậm máy, tay đưa thoi dệt lên những thước vải đầu tiên trong lịch sử Vondrouzou. Tỉnh trưởng Vondrouzou và các quan chức được chứng kiến, nhìn tận mắt, sờ tận tay thước vải đầu tiên đã phải thốt lên : “Đây là niềm vui mừng to lớn của dân tộc. Chúc mừng huyện Karianga có vinh dự là nơi đầu tiên dệt được vải ở Madagascar”.
Những người tù lưu đày tại Madagascar còn truyền thụ trong khả năng của mình các kỹ thuật đan mây tre, làm thợ bạc chế đồ trang sức, sửa chữa đồng hồ hoặc gò rèn các dụng cụ làm bếp, dụng cụ lao động.
Nhân ngày Quốc khánh Pháp 14/7 năm đấy, trưởng đồn sen đầm Surgis tâm sự với ông Phan Bôi là tỉnh đang thiếu 50 vạn Franc cho ngân sách và nhờ ông Phan Bôi bày cách. Trong nhóm tù có ông Phến trước làm xiếc và ảo thuật để bán thuốc rong nên nhóm tù cộng sản đề nghị chính quyền cho tổ chức hội chợ. Tại Karianga, tiết mục xiếc và ảo thuật của Việt Nam được dân địa phương đổ xô đi xem. Tỉnh trưởng Ravel liền quyết định mang cả nhóm này đi diễn ở thủ phủ Vondrouzou và Tananarive. Số tiền thu cho ngân sách nuôi bộ máy của tỉnh đã được bảo đảm.
Chỉ một thời gian ngắn những việc các tù nhân bị lưu đày làm cho dân Vondrouzou khiến người dân và các quan chức Madagascar nể phục. Khi ông Hiển là thư ký riêng của Hộ pháp Phạm Công Tăc bị ốm nặng, các vị chức sắc Cao Đài không biết làm gì thì nhóm tù cộng sản đã đề nghị chính quyền Madagascar cử người chăm sóc chu đáo. Khi ông Hiển bị mất, chính quyền địa phương đã cho lính bồng súng đứng chào và dân địa phương ăn mặc chỉnh tề đến tiễn đưa rất đông. Hộ pháp Phạm Công Tắc cảm khái : Ông Hiển mà chết ở nhà mình cũng không tổ chức được trọng thể như vậy !
Trái tim người lính
Hồ Công Thiết
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-tu-nhan-luu-day-tai-hoa-a14965.html