Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 17)

Thế hệ chúng tôi được tiếp nhận nhiều tinh hoa văn hóa Liên Xô (chủ yếu là Nga), trong đó có văn học và âm nhạc. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thế giới đã khác xưa, tôi vẫn khẳng định rằng văn hóa Liên Xô là một nền văn hóa nhân văn, giúp con người thực hiện sứ mệnh cao cả làm người.

bia-ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-1660572196.jpg
 

CHƯƠNG BA: BÀI CA XÂY DỰNG

           Hồi học cấp ba, tôi có cậu bạn cùng lớp là Bùi Quang Độ. Bố cậu Độ làm ở Bộ Ngoại thương, đi nước ngoài nhiều, nên kinh tế khá giả. Nhà Độ có chiếc đài quay đĩa của Liên Xô với nhiều đĩa hát hay. Tôi thường đến chơi với Độ, nghe nhạc trong tâm thế đầy hoan hỉ. Hồi đó, đĩa hát chạy bằng kim sắt, hay mòn, cho nên nghe vài đĩa là tôi lại phải lấy kim ra mài cho sắc mới nghe được đĩa khác, vậy mà thú vị vô cùng. Có bốn bài hát đã ăn sâu vào ký ức tôi, góp phần ảnh hưởng đến nhân cách của tôi, là: “Thời thanh niên sôi nổi”, “Cuộc sống ơi, ta mến yêu người”, “Bài ca người địa chất” và “Cây thùy dương”. Cả bốn bài hát này, cũng như nhiều bài hát Liên Xô khác, đã được các nhạc sĩ của ta dịch sang lời Việt, cho nên giúp chúng tôi nghe và hiểu nội dung bài hát được sâu sắc hơn.

Bài hát  Thời thanh niên sôi nổi của Aleksandra Pakhmutova do Trung Kiên dịch sang lời Việt như sau:

“Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ

Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ

Để ngàn đời bền vững Tổ quốc ta

Trời cao muôn vì sao chói loà

Dù sương gió tuyết rơi

Dù vắng ngôi sao giữa trời

Hoà trái tim với tiếng ca

Chúng ta dồn chân lên đường xa!”

Bài hát Cuộc sống ơi, ta mến yêu người của Edward Kolmanovsky và Konstantin Vanshenkin, sau này nhiều ca sĩ hát với phần lời có những chỗ khác nhau, nhưng tôi ghi ra đây phần lời mà chúng tôi đã thuộc, đã hát suốt thời thanh niên sôi nổi của mình như sau:

“Cả tình yêu trao cuộc sống

Có thấy chăng ơi cuộc đời tình ta thắm nồng

Cả tình yêu trao cuộc sống

Mãi mãi ta mến yêu người dù năm tháng qua

Đèn rực sáng trên cửa cao

Là khi ta chân khẽ đưa thong thả bước về

Ta càng thấy yêu cuộc đời

Mong cuộc sống ta mỗi ngày sẽ tươi thắm hơn

 

Kìa trời khuya chim rộn hót

Những bóng đêm đang tan dần, bình minh thức dậy

Và tình yêu đang bừng cháy

Hãy lắng nghe tiếng trái tim rộn lên thiết tha

Cuộc đời hỡi người hiểu chăng

Tình yêu đang xao xuyến dâng xui lòng xáo động

Ôi hạnh phúc biết bao nhiêu

Khi được sống trong lao động kiến thiết nước nhà

 

Kìa trời khuya chim rộn hót

Những bóng đêm đang tan dần, bình minh thức dậy

Cuộc đời ơi người còn nhớ

Có biết bao gương hy sinh của những chiến binh

Đời nồng thắm qua tuổi thơ

Tuổi thanh xuân qua bến ga qua nhiều bến tàu

Ta thầm ước mai sau này

Thế hệ mới xây cuộc đời nối theo chúng ta”.

Còn bài hát Bài ca người địa chất Cũng có tên là Những nhà địa chất) của Pakhmutova và X. Grebennhicov - N. Đabronravov như sau:

“1. Anh đi trên miền thảo nguyên nóng bức xa xôi

Em đi trên rừng tai ga tuyết buông rơi

Phủ mình anh ngàn tia nắng

Phủ mình em ngàn bông tuyết trắng bay trên cành,

xanh rờn lá bạch dương này.

 

Trời mưa và nổi gió rét phũ phàng

Mặc đường xa, xa tít chân trời.

Cùng ca vang câu hát, vút lên về phía xa vời

Gian khó càng tô thắm cuộc đời.

 

Anh đi thăm dò miền Bắc núi biếc xanh

Em đi thăm dò miền Nam nắng cháy vai.

Mặc đèo cao và dốc đứng

Mặc đường trơn và giá rét ta lên đường

Bao gian khó ta coi thường.

 

Trời mưa và nổi gió rét phũ phàng

Mặc đường xa, xa tít chân trời.

Cùng ca vang câu hát, vút lên về phía xa vời

Gian khó càng tô thắm cuộc đời.!”

Bài Cây thùy dương, của Epghênhi Rôđưghin và Mikhain Pilipenko mang đậm tính dân gian, viết ở cung Rê thứ, theo điệu Valse nhẹ nhàng chứ không hùng dũng như ba bài trên, đem lại hình ảnh một vùng quê thanh bình, một nỗi buồn phảng phất và dịu ngọt, khiến tôi thấy yêu quê hương mình hơn:

“Chiều dần buông màu tím, vẳng bên sông lời hát êm đềm

Hòa với tiếng đàn đêm chập chùng bay về xa phía chân trời

Cất tiếng hát bước chân đi, cùng ngồi bên hàng thùy dương mờ in bóng

Nhìn bầu trời sao lấp lánh nói với nhau lời nói tâm tình.

Nhìn mấy cánh hoa trắng rơi, lòng ngập ngừng nghe trái tim bồi hồi

Này cành thùy dương yêu mến, biết chăng em vì cớ sao buồn.”

Bốn bài hát trên đều viết ở giọng thứ, với giai điệu phảng phất chất bi hùng, nhịp điệu mạnh mẽ, sôi nổi (trừ bài cuối), chuyển tải ca từ đi sâu vào lòng người, tạo ra xúc cảm mãnh liệt, định hướng nhận thức và hành động của người nghe. Hòa với giai điệu của đất nước ta, giai điệu Nga trở thành một bộ phận tốt đẹp trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Nếu nói rằng chúng ta cần tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới để làm giầu cho văn hóa mình, thì đây là một kinh nghiệm quý báu. Những giá trị âm nhạc như thế này là món quà vô giá của cuộc đời đã trao tặng cho lớp thanh niên chúng tôi, trước hết, cho chúng tôi khoái cảm thưởng thức nghệ thuật, từ đó giúp chúng tôi tự nhận thức những giá trị của cuộc sống, thêm yêu cuộc đời, biết ơn lớp cha anh đã chiến đấu và lao động xây dựng nên nước nhà, và dám lao vào nơi gian khổ, ác liệt, dám hi sinh cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Bản thân tôi thuộc rất nhiều bài hát Nga như thế, yêu thích nó, và tôi sống với tuổi trẻ đầy lý tưởng tốt đẹp, luôn luôn xung phong tới tuyến đầu của Tổ quốc để cống hiến một cách tự giác, vô tư. Âm nhạc cũng như văn học là thế, không hô khẩu hiệu, không thuyết giảng, nhưng cứ làm cho những giá trị nhân văn thấm dần, thấm dần vào cơ thể, trở thành máu thịt, khiến con người thực hành chức năng NGƯỜI một cách tự nhiên, như là bản năng.

***

Thời học sinh, tôi và nhiều bạn bè thường đi lao động trong dịp nghỉ hè, vừa để rèn luyện bản thân, vừa kiếm thêm tiền giúp gia đình mua sách vở, áo quần. Lao động thật sự cùng những công nhân công trường, tôi có tình cảm của một công nhân thực sự. Hồi đó, trên các công trường xây dựng thường bắc những loa phóng thanh công suất khá lớn, phát tin tức cùng những chương trình ca nhạc rất hấp dẫn. Những bài hát viết về người công nhân công trường luôn luôn thu hút tôi. Bài hát Cô thợ nề Thủ đô của nhạc sĩ Lưu Bách Thụ đã nghệ thuật hóa việc làm bình thường của cô thợ quét vôi, qua nét nhạc vui tươi, nhí nhảnh khắc họa nên chân dung người thợ yêu nghề, có ý thức cống hiến cho đất nước:

“1. Có ai hỏi em hiện nay cô làm gì

Em trả lời em cô thợ nề

Xây dựng Thủ đô ngày càng tươi sáng

Xây những nhà máy ống khói ngút trời mây

Vui sao giàn giáo lên cao

Tay bay em dẻo, tầng cao cứ lên dần

Trông ra dòng nước sông Hồng

Phù sa đỏ ngọt, ngoại thành lúa lên

2. Những căn buồng xinh kìa ai đang dọn về

Bao tự hào em cô thợ nề

Mang lại niềm vui đẹp tình xuân mới

Vui những tổ ấm sáng chói ánh đèn sao

Vâng theo lời Bác năm nao

Em đi xây dựng Thủ đô đất anh hùng

Tương lai đẹp gấp mười lần

Thủ đô càng đẹp càng hồng má em.”

Giọng hát của cô công nhân Ngọc Bé, một ca sĩ không chuyên, nhưng đã thân quen với thính giả của Đài TNVN, vang vang trên công trường xây dựng, nghe cứ thánh thót, mát ngọt, khiến người ta quên cả nỗi mệt nhọc.

Ngọc Bé và Bích Liên còn hát một bài hát khác cũng rất hấp dẫn, đó là Em là thợ quét vôi của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Nhưng, để lại ấn tượng sâu sắc về bài hát này trong tôi, lại là một giọng ca công nhân khác – chị Hoa, công nhân nề cùng công trường với tôi. Dạo ấy, công trường tổ chức đại hội thi đua. Tôi cùng Đức, Văn là những học sinh làm “phụ động” trong dịp hè, do tích cực lao động, cũng được mời dự đại hội. Trong chương trình ca nhạc, chúng tôi ngạc nhiên nghe giới thiệu chị Ngọc Hoa, công nhân nề, lên biểu diễn bài hát “Em là thợ quét vôi”. Ôi, chị Hoa, người mà hàng ngày vẫn cùng chúng tôi đổ mồ hôi kéo xe cút kít, kéo ròng rọc chuyển vật liệu lên giàn giáo để xây dựng những ngôi nhà cao tầng, đang ở trên sân khấu kia, trong bộ quần áo công nhân gọn gàng. Qua chút bẽn lẽn ban đầu, được cây đàn phong cầm của anh thợ mộc Trần Huy hỗ trợ, chị bắt vào bài hát với chất giọng khỏe và sáng, hay lạ kỳ:

“Ơ… tường trắng (ơ) tường xanh (ơ) tường vàng

Em là thợ quét vôi.

Quét nên tường trắng (ơ) tường xanh (ơ) tường vàng

Xanh vàng xanh trắng xanh xanh

Xanh vàng xanh trắng xanh xanh

Tay đưa chổi nhanh nhanh (ơ)

Bên những tầng nhà mới, trong những căn buồng cưới

Em thích màu da trời.

Tay người thợ quét vôi tô thêm màu hạnh phúc

Đây người thợ kiến trúc (ơ), đi xây đẹp cuộc đời

 Em là thợ quét vôi!”

Cả hội trường im phăng phắc lắng nghe giọng hát của chính người công nhân công trường “nhà mình”, hát bài hát ca ngợi nghề minh đang làm. Không khí đó làm cho chị Hoa tự tin hơn, trình diễn một cách tự nhiên, truyền cảm. Giọng hát của chị đưa tôi trở lại công trường với những bức tường đang được những bàn tay thợ khéo léo tô điểm. Đầu tiên là lớp vôi lót mầu trắng. Rồi đến lớp vôi mầu vàng phủ lên trên. Tiếp đó, những mảng, đường nét vôi xanh trang trí. Riêng bên trong các căn phòng, thời ấy thường quét vôi mầu xanh da trời. Tôi càng thấy thêm yêu công việc mình đang làm, thêm quý người chị lao động giỏi giang và hát rất hay kia.

Có những đêm đứng trên sân thượng nhìn thành phố với những ánh đèn lấp lánh, nghe bài hát Khi thành phố lên đèn của nhạc sĩ Thái Cơ, qua giọng hát của nghệ sĩ Thanh Huyền, tuy chưa phải là một công nhân xây dựng thực sự, tôi vẫn thấy tự hào, xúc động khi nghe tới câu “Kìa là những công trường thắm tươi màu ngói đỏ/Điện giăng như hoa nở trên giàn giáo cao cao/Tiếng máy át tiếng bom gào/Đồng giục giã xôn xao từ ngoại ô vang vọng tới”. Xúc động bởi bài hát đã nhắc tới những công trường xây dựng mà chính tôi đang góp công làm cho mọc lên những mái ngói đỏ tươi, và xúc động bởi hình ảnh lao động dựng xây của nhân dân ta át đi sự tàn phá của chiến tranh, đã được bài hát phản ánh một cách giản dị mà sâu sắc:

“Khi màn đêm về là phố phường Thủ đô ta rực sáng (ớ ơ)

Rực sáng Hồ Gươm in sóng nước lung linh

Đèn sáng Ba Đình phơi thảm cỏ xanh xanh

Sương ngọc dát long lanh soi tỏ bước quân hành.

 

Đèn thức thâu canh với cây chì đỏ

Trong căn phòng nhỏ nhà Bác Hồ ta đó (ớ ơ)

Kìa là những công trường thắm tươi màu (mà) ngói đỏ

Điện giăng như hoa nở trên giàn giáo cao cao

Tiếng máy át tiếng bom gào

Đồng giục giã xôn xao từ ngoại ô vang vọng tới.

 

Ơ... xóa đời tăm tối, kiếp sống khi xưa

Đêm đứng ngẩn ngơ trông Hà Nội lên đèn, đời ta chịu bao tối đen

Ơ... đây niềm vui mới

Có phải không anh, anh tô đẹp tờ tranh cho trái tim Tổ quốc (ớ ơ)

Có phải không anh, anh tô đẹp tờ tranh khi thành phố lên đèn... (ơ...)

Cũng có những buổi tối, chúng tôi lên tầng thượng của ngôi nhà đang xây – hồi đó nhà 5 tầng đã được coi là cao lắm rồi. Gió mát, trăng thanh, chúng tôi ngắm nhìn thành phố, say đắm trong tiếng hát cao vút của nghệ sĩ Quốc Hương thể hiện bài hát Những ánh sao đêm  phát qua chiếc đài Ga len do chúng tôi tự tạo:

“1. Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua

Tôi đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa

Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời

Bầu trời thêm vào muôn ngàn sao sáng.

Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu

Nghe máu trong tim hòa niềm vui lâng lâng lời ca... Em ơi!

Anh còn đi xây nhiều nhà khắp nơi, nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi

Lòng anh những thấy càng thương nhớ em.

Dù xa nhau trọn ngày đêm,

Anh càng yêu em càng hăng say xây cho nhà cao cao mãi...

Ôi xinh đẹp Tổ quốc của ta,

Anh lắng nghe bao lời ân ái những bài tình ca...

2. Lòng nhớ thương quê hương miền Nam anh hằng tha thiết ước mong ngày mai

Anh sẽ đi về khắp làng quê xây những ngôi nhà tương lai

Dòng sông mát xanh vòng quanh phố phường

Và nhiều công trường xây niềm vui mới.

Khi bóng đêm lan về rực ánh đèn lên

Em thấy như muôn ngàn vì sao thêu trong đêm tối... Em ơi!

Tuy giờ đây hai miền còn cách xa

Niềm chia cắt thắt đau lòng chúng ta

Nhưng không thể xóa được hình bóng em

Dù xa nhau trọn ngày đêm

Anh càng yêu em càng hăng say xây thêm nhà cao cao mãi...

Ôi xinh đẹp Tổ quốc của ta,

Anh lắng nghe bao lời ân ái những bài tình ca...”

Bài hát này được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sáng tác vào năm 1962, khi ông đứng trên một tòa nhà cao tầng nhìn cảnh lao động nhộn nhịp ở công trường xây dựng khu nhà ở Kim Liên, Hà Nội. Nhạc sĩ miêu tả những ngôi nhà hạnh phúc trong đêm, cũng là nói tới thành quả lao động của những công nhân xây dựng, đồng thời lồng vào đó niềm thương nhớ người yêu ở xa do Nam – Bắc cách chia, rồi khao khát tiếp tục lao động, cống hiến để đất nước có thêm nhiều ngôi nhà, thêm niềm vui. Một bài hát trữ tình, nhưng lại có tính định hướng tư tưởng: biến niềm thương nỗi nhớ, nỗi buồn thành hành động, đó là lao động xây dựng đất nước. Nghệ sĩ Quốc Hương đã truyền được cái thần của bài hát tới người nghe. Ông xử lý tiết tấu một cách chuẩn mực: Khoan thai, từ tốn, trầm tĩnh ở đoạn A, rồi trào lên, dào dạt ở đoạn B, đẩy lên cao trào với giọng hát trong veo, cao vút mà lại nhẹ như gió thoảng. Nghe tới đoạn ấy, tôi cảm thấy bầu trời sao xoay tròn quanh mình, rồi cuốn mình bay vút vào vũ trụ trong niềm khao khát được cống hiến! Ngày nay, một số nghệ sĩ xử lý tùy tiện tiết tấu, tự tiện tạo ra một số đảo phách ở một số đoạn, khiến cho ca khúc bị giật khục, mất tính khoan thai, từ tốn của người từng trải, trước những nỗi buồn hay niềm vui đều chừng mực.

Hồi ấy, học sinh chúng tôi thích bài hát “Những ánh sao đêm” lắm và thường hát với nhau, hát trong các chương trình văn nghệ do nhà trường tổ chức. Khổ nỗi, bài hát này âm vực rộng, tới gần hai quãng tám, nốt cao nhất lên tới LÁ, cho nên rất ít bạn hát được trọn vẹn. Xá gì đâu, vẫn cứ hát, mà còn lên biểu diễn nữa. Tới câu “Xây cho nhà cao cao cao mãi”, chữ “Mãi” ở nốt LÁ ngân dài, không hát được thì vận dụng kiểu nói lối dân gian “Xây cho nhà cao... cao... cao lắm các bạn ạ!” rồi tỉnh bơ hát tiếp.

Viết đến đây, tôi nhớ lại rằng, thời bao cấp, phong trào văn nghệ vui lắm. Công nhân hát. Học sinh hát. Cán bộ công nhân viên hát. Không những vậy, Đài TNVN còn có những buổi dạy nhạc, thậm chí đọc cho độc giả chép từng bản nhạc, khiến cho đời sống âm nhạc càng thêm sôi động. Ở đâu cũng có tiếng hát, giúp con người có sức vượt qua gian khổ, thiếu thốn, thêm niềm vui. Khi viết những dòng chữ này, tôi bồi hồi nhớ lại tiếng phát thanh viên đọc trên đài: “Rê đen. Mi, són mi rê móc kép. Gạch nhịp. Rê trắng, gạch nhip, nối sang rê móc đơn. Re mi son móc đơn...” đó là khi nhà đài đọc cho độc giả chép bài hát “Ba Đình nắng” của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ. Hồi đó nhiều ca sĩ nghiệp dư hát hay hơn cả ca sĩ chuyên nghiệp, mà tên tuổi của họ, giọng hát của họ còn đọng lại tới ngày nay, như Huy Túc, Ngọc Bé, Bích Việt, Tốp ca nam nhà máy Toa xe Hải phòng... Tôi cũng tham gia đội hợp xướng của trường Phổ thông Trưng Vương 3A Hà Nội, hát bài Ca ngợi Tổ quốc  của nhạc sĩ Hồ Bắc.

Bản hợp xướng này được nghệ sĩ Trần Khánh cùng dàn hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày, đã vang lên khắp mọi miền đất nước qua hệ thống loa, đài rất nhiều thời đó. Hồi ấy, trường chúng tôi kết nghĩa với Dàn Quân nhạc nên được cả dàn nhạc oai phong ấy đệm cho hát. Hôm tập ở trường, dàn nhạc đang tấu lên đoạn mở đầu, thì cô bạn học của tôi – Minh Cầm – chỉ huy dàn nhạc, bỗng dang tay dừng diễn tấu và chỉ vào một chiến sĩ thổi kèn đồng. Xem lại, hóa ra bản nhạc của chiến sĩ này bị chép sai một hợp âm! Sau này, Minh Cầm trở thành một nhạc trưởng nổi tiếng của đất nước ta. Nói như vậy, để thấy rằng, dù hát nghiệp dư, nhưng khi đi dự hội diễn, chúng tôi vẫn rất nghiêm túc, tôn trọng từng nốt nhạc chứ không hát tùy tiện. Rồi chúng tôi dự Hội diễn nghệ thuật quần chúng các Trường phổ thông toàn miền Bắc. Vô cùng háo hức và nghiêm túc. Không nghĩ gì đến giải này, giải nọ, mà chỉ mong được cất cao tiếng hát ca ngợi đất nước mình, nhân dân mình trước đông đảo công chúng:

“Kìa dải Trường Sơn uốn mình quanh ven bờ biển xanh

Tiếng sóng ngoài khơi dồn xa xa những thuyền xuôi dòng,

Kìa từng vạt lúa đùa trong nắng phất phơ nhẹ rung,

Kìa lấp lánh than trên tầng, dưới trời trong.

 

Hồng Hà, Cửu long nước hoà chung vào biển Đông,

Tiếng hát mẹ ru hời, êm êm những chiều thôn làng,

Kìa rừng nhà máy đỏ tươi ngói khắp Tổ quốc tôi,

Ấm no về khắp nơi.

 

Ngàn bài hát, ngàn lời ca ngợi đất nước ta,

Biển rộng sông dài, bàn tay chúng ta dựng xây

Tình quê hương tha thiết, dừa xanh bên bóng cau.

Đất nước ta ngàn năm lịch sử, dài lâu.

 

Non sông yêu dấu có những người dân cần lao yêu thương,

Đã bao máu xương đổ xuống quê hương cho đồng lúa tốt.

Từ một mùa thu năm xưa đứng lên phất cao cờ bay,

Xưa nghèo tăm tối, nay đổi mới, ánh sao rực chiếu

Mái tranh ấm no từ lâu nhớ công ơn Đảng muôn đời

 

Quê hương yêu dấu có những đàn em đùa trong đêm trăng,

Lũy tre võng ru vẳng tiếng ai ca như mùa xuân tới,

Kìa nhà sàn chênh vênh trên núi cao, ánh sáng điện soi.

Xưa nghèo tăm tối, nay đổi mới, tiếng cười ròn rã,

Bước chân thoắt về chợ xa, áo hoa, noọng cười, với ta.

 

Hồng Hà Cửu Long nước hoà chung vào biển Đông,

Ánh sáng mùa thu còn sáng chiếu khắp non sông

Ta mang bầu máu nóng, tay ta xây cuộc sống.

Việt Nam yêu dấu là đất nước bốn mùa kết hoa

Mang nặng tình thiết tha, xuân về tươi sáng.

Tiếng hát hoà không gian, mây đen rồi dần tan,

Ánh mắt tràn tươi vui say sưa ca muôn lời.

Mối tình Tổ quốc tôi. (Ha há ha ha ha...)”

Hợp xướng, với giai điệu khi thì êm dịu, tha thiết, khi thì hào hùng, mãnh liệt, khái quát cả lịch sử đất nước: “Non sông yêu dấu có những người dân cần lao yêu thương/Đã bao máu xương đổ xuống quê hương cho đồng lúa tốt”. Như phù sa của một dòng sông cuộn sóng bồi đắp cho đôi bờ yêu thương, bài hát bồi đắp cho chúng tôi “mối tình Tổ quốc”, khao khát muốn lao động, hiến dâng để cho đất nước lúc nào cũng kết hoa, tươi sáng, ngập tràn niềm vui.

Không khí xây dựng đất nước sôi nổi từ trước đó cũng được phản ánh qua nhiều ca khúc và vang lên trong thời điểm này, trong đó bài hát Ánh đèn trên cầu Việt trì của nhạc sĩ Hoàng Hà là khúc ca lao động xây dựng đầy hưng phấn, cổ vũ chúng tôi rất nhiều:

“1. Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì trong đêm khuya vẫn còn rọi về

Nghe tưng bừng ngày đêm tiếng ca (à a á a...).

Khắp đường phố xuôi ngược rộn ràng

Tay công nhân búa đập nhịp nhàng

Trên công trường ngày đêm hát vang (à a á a...).

Trên ngã ba sông (khoan ấy khoan hò khoan)

Chiếc nan nhẹ nhàng nước trôi bình bồng dìu khách sang ngang.

(khoan ấy khoan hò khoan)

Cô lái thong dong (khoan ấy khoan hò khoan)

Ngước trông nhịp cầu mến yêu đoàn tàu cô hằng chờ mong (hò hò khoan)

Sông nước mênh mông (khoan ấy khoan hò khoan)

Bến sông dồn về có những đoàn thuyền chở đá sang ngang

(khoan ấy khoan hò khoan)

Tay lái khoan khoan (khoan ấy khoan hò khoan).

Ngước lên thành cầu sướng vui nụ cười nhớ người công nhân (hò hò khoan)

Dô ta này dô ta (thời) dô ta...

Hỡi người khuya sớm bắc cầu (hò hò khoan)

Bắc - Nam một dải sông sâu xá gì (dô ta này dô ta thời dô ta...)

Bắc cầu qua bến Việt Trì (hò hò khoan)

Mở đường kiến thiết đi về thênh thang

Ơ này chị em ơi…

2. Ánh đèn sáng công trường rộn ràng như thi đua với đồng ruộng làng

Vui câu hò cô em cấy chiêm (hò ơ ơ...)

Ánh đèn sáng công trường rọi về như tương lai sáng bừng Việt Trì

Đang xây dựng đời ta ước mơ (hò ơ ơ...).

Bên ngã ba sông (khoan ấy khoan hò khoan)

Sáng trên Việt Trì ngói phô rực hồng thành phố vui đông

(khoan ấy khoan hò khoan).

Qua bến vui trông (khoan ấy khoan hò khoan)

Gỗ trên rừng về nứa xuôi từng bè tấp nập lưu thông (hò hò khoan)

Sông  nước mênh mông (khoan ấy khoan hò khoan)

Lưới vui thuyền chài, khói đen rợp trời nhà máy vui đông

(khoan ấy khoan hò khoan).

Ngô lúa thêm bông (khoan ấy khoan hò khoan)

Đón xuôi tàu bè ghé qua Việt Trì thắm tình công nông (hò hò khoan).

Dô ta này dô ta (thời) dô ta...

(KẾT)

Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì trong đêm khuya vẫn còn rọi về

Trong muôn lòng nhân dân hát ca (à a á a...).

Khắp đường phố xuôi ngược rộn ràng

Tay công nhân búa đập nhịp nhàng

Cho muôn đời còn vui hát vang (à a á a...).’’

Về bài hát “Ánh đèn trên cầu Việt Trì”, tác giả Cao Văn Định viết trên báo điện tử Phú thọ như sau: “Năm 1954 -1955, Hoàng Hà làm trưởng đoàn văn công tỉnh Vĩnh Phúc. Ông đưa quân lên Bạch Hạc biểu diễn. Những ngày ấy, ông tận mắt chứng kiến khí thế lao động hăng say của công trường xây dựng cầu Việt Trì. Rộn ràng quá. Đông vui náo nức quá. Đèn sáng thâu đêm. Lửa hàn lấp lóa. Nam nữ công nhân hăm hở bốc vác, xây lắp. Tàu thuyền chở hàng tấp nập suốt ngày đêm. Những mố cầu vươn ngạo nghễ. Vùng sông nước ngã ba Hạc hối hả nhịp điệu lao động khẩn trương. Tất thảy cuốn hút. Cảm xúc trào dâng. Âm hưởng lao động xây dựng cầu Việt Trì thôi thúc ông. Chỉ trong một đêm, bài “Ánh đèn trên cầu Việt Trì” được hoàn thành. Một đêm tràn đầy ánh sáng thành dấu son tươi rói trong chặng đường âm nhạc của Hoàng Hà.”

Còn nhiều lắm những bài hát ca ngợi công cuộc xây dựng đất nước của chúng ta. Có thể nói rằng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ luôn luôn song hành, thì âm nhạc cũng có hai tuyến chủ đề song hành, là chiến đấu và dựng xây. Suốt từ thời xa xưa, cách đây cả nghìn năm, khi chống giặc ngoại xâm, nhân dân ta đã có thứ vũ khí tinh thần sắc bén là âm nhạc, đồng thời âm nhạc cũng là thứ công cụ lao động quý giá để người dân xây dựng đất nước. Hai giá trị ấy trở thành truyền thống quý báu, được nhân dân ta bảo tồn, phát huy, truyền từ đời này sang đời khác.

 

(Còn nữa)

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-phan-17-a14972.html