Ngày 16/12-/2007, Bảo tàng không gian văn hóa Mường vô cùng vinh dự khi được nguyên Chủ tịch Quốc hội, chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gõ tiếng cồng khai trương chính thức đi vào hoạt động.
Trên quần thể không gian tuyệt đẹp 5ha. Bảo tàng là nơi sưu tầm, trưng bày các hiện vật cũng như tái hiện không gian văn hóa, phản ánh rõ nét đời sống tinh thần, phong tục tập quán của người Mường, với 4 khu nhà sàn đại diện cho 4 tầng lớp trong xã hội Mường xưa, với mục đích lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.
Đến thăm quan bảo tàng, du khách có thể hòa mình vào không gian sống của người Việt cổ với những câu chuyện hồi tưởng về quá khứ, qua không gian sống của các tầng lớp trong xã hội Mường xưa như Lang, Ậu, Noóc, Noóc Troọi với những vật dụng đặc trưng của người Mường.
Toàn bộ cấu tạo của những ngôi nhà này đều là những ngôi nhà được sưu tầm và phục dựng từ chính các ngôi nhà cổ nguyên bản thời xưa của người Mường. Nhìn qua toàn bộ các mẫu nhà đa phần đều được làm từ gỗ, tre, nứa, lá…những nguyên liệu này đều có sẵn từ trong thiên nhiên và cực kỳ thân thiện với người Mường xưa và nay.
Trong toàn bộ khu trưng bày có hơn 3.000 hiện vật có giá trị của người Mường xưa như: Cồng, chiêng, lư, công cụ đánh bắt cá, khung dệt, cọn nước, dụng cụ săn bắn, đồ dùng sinh hoạt gia đình…
Không gian bảo tàng mang đến cho du khách có thêm những cảm nhận sâu sắc về đời sống tinh thần, phong tục tập quán, kinh tế - xã hội, văn hóa đặc trưng của người Mường qua nhiều thế kỷ.
Khi đặt chân đến đây, du khách thập phương không chỉ bị hấp dẫn bởi những câu chuyện văn hóa đặc sắc của người Mường, mà còn bởi nét hấp dẫn của các khu trưng bày nghệ thuật đương đại như: tranh, gốm, các tác phẩm điêu khắc, sắp đặt... được các nghệ sỹ sáng tác lấy cảm hứng từ nền văn hóa bản địa nhằm tôn vinh và giới thiệu văn hóa Mường đến với bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, du khách không chỉ tham quan xung quanh mà còn như được hòa mình vào cuộc sống hiện thực của người Mường với các hoạt động như ý nghĩa: Giã gạo; dệt vải; quay sợi hay hòa mình vào không khí âm nhạc lễ hội cùng một số những trò chơi dân gian đậm chất văn hóa tinh thần của người Mường.
Người Mường luôn coi lịch đoi là bảo bối của dân tộc Mường, bởi nó thể hiện tài chiêm tinh của Thầy Mo xứ Mường- quan sát Sao đoi để dự đoán việc tương lai...
Lịch đoi hay lịch tre của Người Mường gồm 12 thanh tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi thanh lại có 30 khấc ngắn dài tượng trưng cho 30 ngày trong tháng
Khi nhà có việc lớn : ngày xuống đồng cầy cấy, dựng vợ gả chồng hay đưa người mất về với Mường Ma..., người Mường không xem "lịch Tây " mà gia đình phải nhờ thầy Mo xem lịch đoi để chọn ngày lành tháng tốt, có vậy công việc mới thuận lợi may mắn...
Người Mường Hoà Bình coi Tết độc lập 2-9 là Tết đoàn viên. Dịp Tết này dù chỉ được nghỉ một vài ngày nhưng những người con đi xa nhất định sẽ trở về nhà bố mẹ, ăn Tết cùng gia đình. Do vậy cỗ Tết độc lập còn ăn cỗ to hơn cả cỗ Tết Nguyên đán.
Mâm Cỗ cúng tổ tiên có rất nhiều món nhưng không thể thiếu thịt gà luộc, cá nướng, thịt nướng, xôi ngũ sắc, canh măng chua…
Nếu sang hơn sẽ có thêm xôi trứng kiến thêm chút mỡ hành thơm nức, tạo nên hương vị núi rừng mà không đâu có được …
Nhắc đến món ăn đặc sắc nhất phải kể đến cỗ lá với thịt lợn được chế biến thành 4 món chính gồm: Thịt luộc, lòng lợn, chả que, chả lá bưởi. Đây là 4 món ăn Không thể thiếu trong các bữa ăn của người Mường. Bên cạnh đó, ở trong bữa ăn cũng cần có rượu cần. Uống rượu cần là cùng bữa ăn chính là phong tục được giữ gìn đến ngày nay.
Một số món ăn đặc sản của Tây Bắc không thể thiếu trong bữa ăn nữa đó chính là rau rừng đồ, cá suối nướng, xôi nếp nương nóng hổi, rượu Mường cay nồng. Đối với mảng ẩm thực ở Bảo tàng Không gian văn hóa Mường đã khiến những du khách lần đầu đến đây vô cùng ấn tượng và lưu giữ hương vị.
Nếu du khách đến tham quan Bảo tàng không gian văn hóa Mường đúng mùa còn có thể được thưởng thức nhiều đặc sản thú vị khác như kiến, các món ăn được làm từ trứng kiến; Trong các thời điểm như tháng 8, tháng 9 còn có ong, nhộng tằm…Đây đều là những đặc sản của người Mường được thiên nhiên ban tặng.
Bảo tàng “ Không gian văn hóa Mường” là Bảo tàng tư nhân về văn hóa của dân tộc Mường. Sở dĩ dân tộc Mường có riêng bảo tàng của mình bởi vì đây là một dân tộc có bề dày truyền thống văn hoá trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Công trình Bảo tàng đã được chính chủ nhân của nó bỏ vốn, thiết kế và xây dựng được 12 năm.
Du khách đến đây không chỉ tham quan không gian văn hóa mà còn được cảm nhận, được hòa mình vào cuộc sống của người Mường.
Mộc Miên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hoa-binh-kham-pha-bao-tang-khong-gian-van-hoa-noi-luu-giu-ban-sac-dan-toc-muong-a14974.html