Gỏi sầu đâu

Cây sầu đâu còn gọi là cây sầu đông hay cây xoan, nhưng cây xoan ở miền tây (nhất là vùng An giang) là loại cây xoan lá xanh hoa trắng vị đắng có chứa nhiều vị thuốc như giúp thông tiểu, ngủ ngon, đau nhức khớp, cao huyết áp kể cả bệnh da liễu, có nguồn gốc từ Ấn Độ khác với cây xoan Việt Nam có nhiều ở miền ngoài lá xanh hoa tím, lá rất độc không ăn được.

sau-sau-1662505071.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Ở An Giang cây sầu đâu được trồng nhiều ở Tri Tôn, Châu Giang... Theo các người sành ăn cho biết cây sầu đâu ở Châu giang có hương vị đắng ngọt đậm đà hơn cây ở các vùng khác. An Giang cũng là xứ làm nhiều loại khô ngon từ các loại cá đồng nhất là con khô cá lóc hay khô cá sặc bổi.  Bắt đầu từ những gia đình người Khơmer ở An Giang kết hợp giữa lá sầu đâu trộn với khô nướng chế biến thành món gỏi trộn với nước mắm me để ăn trong các bữa ăn gia đình. Từ từ thành món nhậu đặc trưng của người An Giang dùng để đãi khách. Trong vườn nhà ở An Giang người dân hay trồng vài cây sầu đâu để làm thuốc hoặc là hái lá non để trộn gỏi sầu đâu với khô cá lóc hay khô cá sặc nướng để nhâm nhi khi có bạn nhậu đến nhà chơi. Muốn bớt vị đắng của sầu đâu người ta trụng lá vào nước sôi rồi vớt ra bỏ ngay vào nước lạnh. Thịt ba rọi luộc xong thái nhỏ trộn chung với khô xé nhỏ và cái đặc biệt của món gỏi là phải trộn với nước mắm me chứ không sử dụng chanh hay giấm sẽ làm hư hương vị của món gỏi nhé các bạn. 
Miền Tây thì khô cũng là một loại thức ăn trong các bữa ăn trong mâm cơm của các gia đình, gỏi sầu đâu cũng là một món nhậu khoái khẩu dạng mồi cơm nhưng không phải ai cũng ăn sầu đâu được đâu nhé  vì nó rất đắng. Nhưng khi nhai được rồi thì sẽ thấy nó có vị ngọt mà khi ăn biết ngon thì sẽ đâm ghiền cái món nhậu dân dã bình dân này. Hiện tại giá một lọn lá sầu đâu to hơn ngón chân cái một chút thôi được người bán hét giá 10 ngàn đồng. Chỉ cần mua hai lọn lặt lấy lá non (có cả bông ăn mới đã miệng) khi làm món gỏi nên trộn thêm dưa leo thái mỏng hay xoài sống bào sợi, một ít rau thơm và đậu phọng... Nhưng món gỏi sầu đâu này các đệ tử lưu linh nên nhớ là đừng ăn quá nhiều và nhất là ăn vào buổi chiều nhé vì độc tính trong lá sầu đâu cũng rất cao, yếu trong mình thì có thể bị ngộ độc và nguy hiểm đến tính mạng đấy các bạn ạ.(các bà bầu cũng không nên ăn món gỏi này) 
Nên lưu ý là sầu đâu có rất nhiều loại và có nhiều dược tính, tuy đem lại lợi ích trị bệnh nhưng độc tính cũng không phải là ít. Lá làm món gỏi là loại cây sầu đâu miền nam có hoa màu trắng nhé các bạn, loại sầu đâu có hoa màu tím và loại sầu đâu rừng không ăn được vì độc tố rất cao.
Món gỏi sầu đâu của miền tây tuy thấy đơn giản nhưng rất nhiều hương vị dân dã miền quê  hơi khó ăn vì vị đắng nhưng ăn được rồi sẽ ghiền và nhất là những người  An Giang xa quê hương bất chợt nhớ đến món gỏi sầu đâu nhâm nhi bên ly rượu đế là "chảy nước miếng" không chịu nổi với cái món đầy đủ "Cay, đắng, ngọt, bùi" phải không các bạn.

Chuyện quê
 

Bùi Trung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/goi-sau-dau-a15068.html