Kiên Giang: Thực hiện chỉ đạo về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đạt nhiều kết quả

Việc triển khai, quán triệt các chủ trương, nghị quyết nói chung, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ được quan tâm tổ chức thực hiện tốt,… Từ đó, nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của xây dựng, phát triển văn hóa, con người được nâng lên, đạt nhiều kết quả...

1-kien-giang-trien-khai-1662784877.jpg

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ và kết luận tại buổi làm việc.

Để đánh giá thực chất công tác triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, ngày 09/9/2012 Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Đoàn kiểm tra, khảo sát tại Kiên Giang; theo kế hoạch Đoàn đã khảo sát tại xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nội dung trên.

Theo đó, thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã triển khai, quán triệt các chủ trương, nghị quyết nói chung, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ được quan tâm tổ chức thực hiện tốt. Bình quân có trên 97,5% đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; trên 70% đoàn viên, hội viên và Nhân dân được tiếp thu; nhiều cán bộ, đảng viên và Nhân dân rất tâm đắc bài phát biểu rất sâu sắc của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu, biên tập, phát hành 20.200 cuốn tài liệu, 12.500 tờ gấp tuyên truyền và tài liệu hỏi- đáp, nhất là tổ chức thành công Cuộc thi viết tìm hiểu Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, với 12.042 bài dự thi, tăng gần 100% so nhiệm kỳ trước.

Nhiều hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng,.. Tỉnh đã đề ra các chương trình hành động, kế hoạch, đề án để tổ chức thực hiện từng chủ trương, nghị quyết của Đảng. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả: Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 385.250/420.003 gia đình văn hóa, chiếm 91,73% (tăng 292.409 GĐVH so năm 2000); có 877/950 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa; 91/116 xã đạt chuẩn văn hóa; 11/28 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 1.603/1.658 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 101/116 xã, 04 huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận nông thôn mới, và thành phố Hà Tiên hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh có 13/15 huyện, thành phố có Trung tâm VH,TT&TrT; 100% xã, thị trấn có quỹ đất và có 103/116 trung tâm văn hóa cấp xã; 100% nhà văn hóa gắn với trụ sở làm việc các ấp, khu phố. Hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả nhiều thiết chế văn hóa, như: Thư viện tỉnh, Nhà thi đấu đa năng tỉnh; tăng cường khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư, như Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại Phú Quốc xã hội hóa 100% (gần 44 tỷ đồng),…

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm. Đến nay, có 56 di tích được xếp hạng; nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh phê duyệt nhiều Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở;... Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều lễ hội, như Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Chi bộ Ranh Hạt (Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang); Lễ khánh thành Đền thờ liệt sĩ trên địa bàn thành phố Phú Quốc,…

Giáo dục thể chất và phong trào thể thao quần chúng được quan tâm, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 32%. Nhận thức của nhân dân về nâng cao sức khỏe, thể lực được nâng lên; đến tháng 6-2022 tỉnh hoàn thành Đại hội Thể dục Thể thao cấp cơ sở và huyện, đã huy động xã hội hóa trên 52% so tổng kinh phí tổ chức Đại hội TDTT cấp cơ sở, nhiều nơi huy động từ 87%-100%.

Tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch. Từ 2018-2020, đã thu hút được 53 dự án đầu tư du lịch với tổng vốn là 48.220 tỷ đồng (Lũy kế đến nay thu hút 323 dự án với 355.677 tỷ đồng); đón và phục vụ khoảng 21,8 triệu lượt du khách (khách quốc tế khoảng 1,48 triệu lượt). Hoàn thành nhiều đề tài, đề án nhằm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn... Từ đầu năm đến tháng 7/2022, du khách đến Kiên Giang trên 4,59 triệu lượt (tăng 98,2% so cùng kỳ), trong đó khách quốc tế trên 78.330 lượt, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 5.946 tỷ đồng.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn học nghệ thuật được nâng lên, đội ngũ văn nghệ sĩ đã phát huy tinh thần sáng tạo, tích cực trong các hoạt động sáng tác và có nhiều tác phẩm chất lượng đã góp phần tích cực vào công tác quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Kiên Giang. Trong 5 năm qua, đã tổ chức trên 35 cuộc triển lãm, với trên 4.000 tác phẩm; trên 25 Chương trình giới thiệu tác giả- tác phẩm; trên 35 cuộc thi cấp tỉnh; 20 cuộc thi Liên kết các Hội Văn học Nghệ thuật khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long,…

Tuy nhiên, cũng có mặt còn hạn chế, như việc lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu vận dụng, cụ thể hóa còn chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác quản lý nhà nước, việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư trên lĩnh vực văn hóa còn hạn chế. Sự phát triển giữa các vùng du lịch trọng điểm chưa đồng bộ. Hoạt động văn học nghệ thuật chuyên nghiệp giữa các chuyên ngành phát triển chưa đồng đều,...

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ và phát biểu chỉ đạo: “Thống nhất và đánh giá cao việc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, cũng như những kết quả mà tỉnh Kiên Giang đã đạt được từ việc triển khai thực hiện các văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Tuy nhiên, ngoài những hạn chế đã được tỉnh chỉ ra, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước mà nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Kiên Giang cũng cần quan tâm chỉ đạo phát triển mạnh mẽ hơn lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật sao cho xứng tầm với tiềm năng của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cần chú ý việc thực hiện tốt vai trò của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; từng bước xây dựng, tạo đặc trưng về văn hóa, văn học nghệ thuật mang thương hiệu Kiên Giang...”.

2-kien-giang-trien-khai-1662784955.jpg

Đồng chí Mai Văn Huỳnh- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận kết luận của đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận kết luận đó, đồng chí Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu: Thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng lên nhận thức, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc chủ động tích cực tham gia, cổ vũ các phong trào, hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người luôn gắn với các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội; đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Kịp thời đánh giá, tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác văn hóa, văn học nghệ thuật. Phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc xây dựng và thực hiện các văn bản của Đảng về văn hóa, văn nghệ đạt nhiều kết quả tốt hơn.

Trần Quốc Giang - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-trien-khai-thuc-hien-su-chi-dao-cua-dang-tren-linh-vuc-van-hoa-van-nghe-dat-nhieu-ket-qua-a15130.html