Cách đây vừa tròn 50 mùa xuân, cả nước sục sôi chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Người và xe rầm rập ra mặt trận. Trên các ngả đường chiến dịch, không quân Mỹ, Ngụy điên cuồng đánh phá hòng ngăn chặn bước tiến của quân ta. Biết bao nhiêu người con đã quyết tử vì mùa xuân thắng lợi ấy, trong đó có “Tiểu đội xe không kính” của tôi trên đường Trường Sơn huyền thoại.
Chiều nay gặp lại mà gương mặt ông thấy chẳng “cũ” hơn cách đây 50 năm. Nói không quá có phần còn sáng láng nữa kia. Đó là ông Phan Huy Quân, tiểu đội trưởng “Tiểu đội xe không kính” của tôi trong những ngày xuân hè đỏ lửa năm 1972. Anh em gặp nhau ký ức dồn dập đổ về với những câu chuyện không đầu, không cuối. Anh bạn đi cùng ngồi nghe nét mặt cứ ngỡ ngàng.
“Tiểu đội xe không kính” trong thơ Phạm Tiến Duật là Tiểu đội không rõ phiên hiệu. Còn Tiểu đội tôi có phiên hiệu là a3 b3 c2 d58, binh trạm 37 đoàn 559 thường gọi là Bộ đội Trường Sơn.
“Những con Tuấn mã” của Tiểu đội.
Tuấn mã là ngựa đẹp chạy khoẻ “Tuấn mã của Tiểu đội”!, chúng tôi gọi vui thế thôi chứ nó chẳng đẹp chút nào, nhưng được cái chạy rất khoẻ. Đẹp làm sao được, khi đội hình xe thường xuyên vùi mình trong đạn bom.
“Giàn” Tuấn mã của Tiểu đội tôi có năm xe ba cầu Din157. Cả năm xe đều không gương, không kính. Không phải vì “bom giật, bom rung, kính vỡ…”. Khi xe “lâm trận” chúng tôi phải tháo cả gương và kính giấu kỹ dưới hầm. Đó là cách tốt nhất đề phòng lũ máy bay OV-10 suốt ngày vè vè trên đầu soi mói. Hễ thấy gì lạ trên mặt đất là bổ nhào, bắn pháo khói chỉ điểm cho lũ máy bay ném bom đến “oanh kích” mục tiêu. Cả năm xe của Tiểu đội chẳng cái nào còn nguyên vẹn, vì “đổ kéo, méo gò” là chuyện thường ngày. Cái xe nào “thọ” nhất cũng chỉ ở với chúng tôi được một mùa khô. Máy bay AC130 quần đảo suốt đêm, bám mục tiêu dai như đỉa đói. Nó mà phát hiện được đoàn xe thì không để cho một xe nào sống sót. Thời gian đầu, có hôm cả Tiểu đội về “tay trắng” với nó, vì nó “giã” bằng khí tài có điều khiển chính xác đến kinh ngạc. Chẳng lẽ cứ chịu thế chăng? “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Nhiều đêm về sau nó cũng bị ăn “quả lừa” của lính Công binh và lính Xế chúng tôi (vào dịp khác tôi sẽ kể chuyện nghi binh đánh lừa máy bay AC130).
“Gia đình” thân thương của Tiểu đội.
Tính đến tháng 3 năm 1972 “gia đình” của chúng tôi có năm anh em (đủ phải là mười). Người cao tuổi nhất là tiểu đội trưởng Quân cũng chỉ mới hai mươi ba. Còn tôi là người ít tuổi nhất chưa đầy mười tám. Người lạ không thể nào đoán được tuổi của chúng tôi. Không phải chỉ có “bụi phun tóc trắng…” mà cả năm anh em tóc bạc nham nhở thực sự, vì cả ngày đêm căng thẳng tột độ. Mặt đen xạm, da nhăn nheo ám khói bom đạn. Chỉ còn mỗi ánh mắt là khá tinh nhanh. Những ngày mùa mưa tầm tã, năm anh em ở trong một cái hầm năm góc. Mỗi góc là một cái hầm kèo (kiểu chữ A). Chúng tôi thường gọi là “ngũ giác đài tiểu đội”. Lúc nào trong “ngũ giác đài” đủ mặt cả gia đình là lúc thư giãn và hạnh phúc nhất. Có lần cả Tiểu đội bắt tôi đưa ảnh người yêu ra để ngắm và bình phẩm, tôi lúng túng chưa biết làm thế nào thì anh Huy người Vĩnh Bảo Hải Phòng (Anh hy sinh tháng 6 năm 1972) nghiêm giọng: “hôm mới về Tiểu đội nó đã “khai” rằng chưa có người yêu, thế mà hôm trước tôi thấy nó cứ thậm thụt với một bức ảnh giấu nửa kín, nửa hở trong ba lô để ngắm nghía. Chỉ có ảnh của người yêu mới thế”. Anh Huy khẳng định. Tôi cãi nhưng không được đành phải trình bày sự thật trước cả Tiểu đội. Bức ảnh này tôi nhặt trong cứ điểm phòng ngự Đắc Tô hôm vừa giải phóng, nhìn khá giống bạn gái thuở học lớp mười với tôi. Đây là bức ảnh của một tờ báo ảnh được cắt ra và có ghi tên phóng viên nhiếp ảnh. Chi tiết này chứng minh giúp tôi là không phải ảnh bạn gái của tôi thật. Có lẽ do một anh lính bộ binh nào đó mang theo, lúc xung trận để rơi. Anh Quân “ra lệnh”: thôi kể về bạn gái thân cũng được. Câu chuyện về bạn gái của tôi chẳng có chút nào ly kỳ, ướt át thế mà làm cả Tiểu đội ai cũng phấn chấn rồi nhào lại ôm chặt lấy tôi. Lúc đó chắc các anh cũng đang khao khát có một chút tình cảm trong trẻo như thế.
“Quyết tử” để giải cứu đồng đội, giải cứu cung đường
Cuối tháng ba, đầu tháng tư năm 1972 ta mở chiến dịch tiến công quy mô lớn vào bắc Tây Nguyên. Từng đoàn ô tô “chạy thẳng” đầy ắp đạn dược, lương thực ùn ùn tới mặt trận. Cả bắc Tây Nguyên và vùng lân cận rực đỏ lửa đạn bom. Không quân địch lồng lộn ngày đêm đánh phá ngăn chặn các ngả đường tới mặt trận. Khoảng ba giờ sáng hôm ấy, “đánh xe” ngược từ hướng Tân Cảnh tới chân đèo Ăng Bun tôi hơi chột dạ vì không thấy một bóng xe nào “đi vào”. Một tổ Công binh ra chặn và nổ ba phát súng AK báo tắc đường. Họ ra hiệu cho chúng tôi giấu kín các xe. Chính trị viên Đại đội Nguyễn Công Định từ trên đỉnh đèo đi xuống, yêu cầu cả Tiểu đội vào tạm căn hầm của Công binh gần đó để phổ biến gấp nhiệm vụ. Ông nêu gắn gọn: “Cuối giờ chiều qua máy bay địch đã “găm” bom từ trường ở đoạn đường trên đỉnh đèo. Xe phá bom từ trường của binh trạm đã bị AC130 thiêu cháy từ đêm hôm trước. Từ chiều tối qua có hơn ba trăm ôtô của Trung đoàn xe “chạy thẳng” đang bị “giam” ở chân đèo bên kia, nếu không giải cứu nhanh, sáng ra máy bay địch phát hiện được sẽ không thoát được xe nào. Trong khi bộ binh và các trận địa pháo binh đang cần từng viên đạn, xe tăng hết nhiên liệu đang nằm chờ. Chi uỷ vừa hội ý và quyết định dùng hai xe và lái quyết tử chạy qua bãi bom từ trường mà Công binh đã đánh dấu sẵn để gây nổ giải cứu đường, giải cứu xe. Người và xe cụ thể đề nghị a3 xung phong”. Năm anh em chúng tôi đều giơ tay. Chính trị viên Đại đội chỉ vào tiểu đội trưởng Quân và tiểu đội phó Huy rồi nói tiếp: “ba xe còn lại dưới chân đèo làm lực lượng dự bị”. Cả tiểu đội xếp hàng ngang trước chính trị viên, giơ tay đồng thanh hô “Quyết tử”, rồi nhanh chóng khoác lại áo giáp, mũ sắt, nai nịt gọn gàng lên xe của mình. Xe anh Quân và anh Huy bò nhanh lên đỉnh đèo, gần đến nơi các anh dừng xe và “ga” lớn. Rồi đột ngột tăng ga vượt qua bãi bom. Chúng tôi nhắm mắt, một giây, hai giây,…rồi năm giây bỗng hàng loạt tiếng nổ rền. Trong đầu lóe nhanh “thế là các anh đã trở thành cát bụi!”. Định thần, thấy hai xe quay lại vượt hố bom một lần nữa vẫn trong tiếng nổ vang rền. Lúc này chúng tôi mới hiểu ra, ở một nhánh đường khác cách hơn một Km bộ đội Công binh đã nghi binh làm cho lũ máy bay địch cứ chúi đầu ném bom xuống khu vực đó. Xe các anh quay lại lần ba vượt bãi bom, nhưng bom vẫn không nổ. Chúng tôi ùa lên ôm nhau nước mắt chảy dài. Tiếng súng AK nổ đanh từng tiếng một báo hiệu đã thông đường. Cả đoàn xe dưới chân đèo bên kia rùng rùng đi về phía Đắc Tô-Tân Cảnh. Ba ngày sau hai cứ điểm phòng ngự của địch bị đập tan.
… Hai anh em đang say sưa câu chuyện, bỗng anh Quân lặng đi rồi nói nhỏ: “một tuần sau tại bãi bom ấy gần như cả Ban chỉ huy binh trạm đã hy sinh khi cùng đi trên một chiếc ôtô con, đến giữa bãi thì bom phát nổ. Hóa ra là loại bom mới , “bom từ trường định lần” ác hiểm.
Năm mươi mùa xuân đã đi qua, những tấm Huân chương tiểu đội được tặng vì chiến công ngày ấy đã ố vàng, nhưng ký ức về “Tiểu đội xe không kính” của chúng tôi vẫn còn tươi rói.
Trái tim người lính
Nguyễn Văn Mỗi
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tieu-doi-xe-khong-kinh-cua-toi-a15144.html