Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 9)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 9.

Một mùa đông u ám, gió rét thổi căm căm, 30 vạn bộ binh và kỵ binh do Thoát Hoan chỉ huy qua Ải Nam Quan tràn xuống miền Lạng-Giang và tràn xuống Thăng Long. Đạo Thứ hai khoảng 15 vạn bộ binh và kỵ binh đột nhập vào Lào Cai, theo hướng tây bắc tiến xuống. Đạo thủy binh khỏang 5 vạn lính, 500 chiến thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy từ châu Khâm, châu Liêm đột nhập vào miền biển Đông Bắc của Đại Việt vào sông Bạch Đằng. Theo sau chiến thuyền là đoàn thuyền lương 70 vạn thạch (khoảng 2,5 triệu tấn) do Trương Văn Hổ, một tướng cướp biển ở đảo Hải Nam đã qui thuận nhà Nguyên chỉ huy.

ch1-yet-kieu3q-1663335038.jpg
Tranh minh hoa: Yết Kiêu bơi dưới bụng những con thủy quái đục thủng thuyền gỗ quân Nguyên Mông  chìm dưới sông. Nguồn: Internet.

Tại mặt trận phía Bắc sau những lần giao chiến tiêu hao quân địch, 20 vạn quân của Quốc Công Tiết Chế rút khỏi biên giới, sau đó rút khỏi Vạn Kiếp. Triều đình cũng rút khỏi Thăng Long. Cánh quân Trần ở mạn Tây Bắc cũng rút lui. Ở mặt trận Đông Bắc, thủy quân Nguyên-Mông đã đánh bại cánh thủy quân Trần do tướng Trần Khánh Dư chỉ huy. Do đó Ô Mã Nhi ngạo mạn tiến nhanh vào sông Bạch Đằng, bỏ lại đoàn thuyền lương, cái dạ dày của quân viễn chinh không ai bảo vệ nên đã bị Trần Khánh Dư tiêu diệt ở Vân Đồn, 70 vạn thạch lương mà Nguyên Thế Tổ dày công chuẩn bị đã chìm xuống nuôi cá ở Bái Tử Long. Thủy quân Nguyên –Mông vào đậu san sát ở Lục Đầu Giang.

Thoát Hoan chiếm kinh thành Thăng Long. Quân Nguyên –Mông tràn khắp châu thổ sông Hồng, chúng đi đến đâu lửa đốt nhà ngút trời, dân Đại Việt hiền lành có làm gì chúng đâu mà đầu rơi máu chảy. Chúng bỗng nhiên vô cớ từ xa đến gây tội ác trời không dung đất không tha, quỉ thần đều rên xiết căm giận. Lòng căm thù quân xâm lược của người dân Đại Việt cháy ngùn ngụt đất trời.

Lục Đầu Giang là con sông đầu mối đi vào những con sông lớn ở miền Bắc Đại Việt. Từ Lục Đầu Giang theo sông Lục Nam, sông Đáp Cầu, sông Thương có thể du hành lên mạn Lạng Giang đầy huyền bí, về đất Vũ Ninh xưa. Từ Lục Đầu Giang có thể theo sông Kinh Thầy, Kim Môn xuôi theo sông Giá hoặc sông Bạch Đằng ra vùng biển miền Đông Bắc. Lục Đầu Giang trong xanh, in bóng những lũy tre xanh của miền quê lung linh đáy nước. Những con thuyền của ngư dân chài lưới trên sông trôi mình thong thả, những con bò với những mục đồng trên lưng gặm cỏ ven bờ sông ngon lành, tiếng sáo diều du dương lả lướt trên thinh không minh chứng thời thanh bình êm ấm của làng quê.

Nhưng rồi bọn giặc phương Bắc mơ giấc mơ bành trướng điên rồ, đã không biết bao lần chúng đem bão lửa chiến tranh, chết chóc xuống đất nước nhỏ bé yên lành. Trong cuộc chiến tranh xâm lược lần ba này, ngoài hàng chục vạn bộ binh và kỵ binh, 500 thuyền chiến dáng dữ tợn là 500 con quái vật vào đậu san sát ở Lục Đầu Giang với 5 vạn thủy binh ngày ngày góp phần gây tội ác.

Trong chiến thuật đánh lâu dài để tiêu hao bộ binh và kỵ binh địch, Yết Kiêu nung nấu ý nghĩ phải tiêu hao chiến thuyền của thủy binh Nguyên-Mông. Yết Kiêu trình bày ý tưởng đó với Quốc Công Tiết Chế. Hưng Đạo Vương hỏi:

-Tiêu hao bộ binh, kỵ binh địch bằng chiến tranh du kích, còn tiêu hao thủy binh thì bằng cách nào?

Yết Kiêu đáp:

-Tiểu tướng sẽ lặn xuống nước, đục thuyền quân Nguyên-Mông cho nước tràn vào.

Quốc Công Tiết Chế nói:

-Ta tin tài bơi lặn của tướng quân có thể làm được. Hốt Tất Liệt lần này đem thủy binh tới là cho tướng quân lập chiến công đó.

Quốc Công Tiết Chế, chư tướng và cả Yết Kiêu đều cười vang, sảng khoái.

Hưng Đạo Vương lại nói:

-Tướng quân cứ thử làm xem. Nhưng nhớ thuyền địch canh phòng, bảo vệ rất cẩn mật, đừng để chúng bắt được, ta sẽ mất một tài năng về sông nước. Sau này tướng quân còn phải huấn luyện một đội quân chuyên lặn đục chìm thuyền địch nữa đó.

-Dạ, tiểu tướng sẽ thận trọng.

Đêm đó từ căn cứ, Yết Kiêu dùng cành cây phủ lên chiếc thuyền nhỏ và tiến về sông Lục Đầu Giang. Thuyền chiến địch  to lớn, mui khòm xuống hung dữ lừng lững như những trái núi đậu kín cả hai bên bờ sông dài đến 10 dặm. Đêm mùa đông gió lạnh mịt mù. Trên những con thuyền ánh sáng của những ngọn đèn dầu vàng vọt, những mái chèo thò xuống sông dài ngoẳng như những cánh tay của con quái vật. Những tên lính gác áo mũ kín người, gươm lủng lẳng bên hông đi đi lại lại. Tiếng gió chạm vào thuyền kêu vo vo rùng rợn. Có tiếng chó lạc chủ sủa xa xa từ nhưng ngôi làng hoang vắng vì dân cư đã sơ tán khỏi những làng tạm thời giặc chiếm đóng.

Còn cách thuyền địch chừng 5 dặm, Yết Kiêu dấu thuyền vào một nhánh sông nhỏ. Chàng bước xuống dòng sông, nước sông mùa đông lạnh như dao cứa vào thịt. Vòng quanh bụng chàng buộc một dây thừng mềm lủng liểng dao ngắn, đục, dùi đục, những dây thừng và những búi giẻ rách. Yết Kiêu lặn mất hút dưới dòng sông. Chàng gần như đi bộ dưới đáy sông. Lòng sông nước tối mịt mù. Cá tôm bị khua giấc ngủ choàng tỉnh chạy dáo dác, lọan xạ. Chàng tiến lại gần và bơi dưới bụng những chiếc thuyền chiến to lớn của quân Nguyên-Mông. Đây rồi, bụng những con quái vật hung ác từ phương Bắc vô cớ sang đây gây tội ác. Gieo gió gặt bão, chúng đã sang đất nước này thì không có đường về, chỉ còn có một con đường là đền tội và xuống địa ngục.

Lòng căm thù đã giúp chàng thêm sức mạnh. Chàng bơi dưới bụng những con thủy quái và bắt đầu đục. Chiếc đục được chế bằng một loại thép bí gia truyền đưa vào gỗ thuyền quân Nguyên- Mông như dao sắc đưa vào giấy. Để đục được nhiều thuyền thì phải làm cho thuyền địch bị thủng mà không chìm ngay, đục thủng được lỗ nào Yết Kiêu dùng dẻ rách nút lại, mỗi nút lại được liên kết với nhau bằng một sợi dây, thuyền này lại nối với sợi dây của thuyền khác. Cứ như vậy Yết Kiêu không cần ngoi lên để thở, cũng không cần dùng ống nhô lên mặt nước. Chàng đục mải mê như người làm trên cạn. Những đàn cá bơi loanh quanh luẩn quẩn bên chàng như động viên cổ vũ. Có lẽ đã được 5 canh giờ, Yết kiêu đã đục thủng khoảng 30 chiến thuyền của địch. Tất cả các dẻ nút được buộc qua những sợi dây và cuối cùng được nối vào một sợi thừng duy nhất trong tay chàng. Chàng lặn ra xa và dùng sức khỏe phi thường lôi thật mạnh sợi dây thừng, tháo tung tất cả cá nut dẻ ở các thuyền chiến đã bị đục. Đêm đâu tiên, 30 thuyền địch từ từ chìm xuống sông. Binh lính trên thuyền đứa nổi được thì bơi, nhiều đứa bị chết chìm vì đang ngủ say. Lính địch trên vài trăm chiến thuyền thức dậy hoảng sợ không hiểu vì sao thuyền chìm.

Đêm hôm sau lại 30 thuyền chiến nữa bị chìm.

Ô Mã Nhi hỏi Phàn Tiếp:

-Sao hằng đêm cứ 30 thuyền chìm như vậy, Nước Nam có ma quỉ hay thần thành phù trợ?

Phàn Tiếp nói:

-Cho vài tên lính giỏi lặn lặn xuống những chiếc thuyền bị đắm xem có dấu vết gì không.

Chưa được nửa canh giờ những tên lính ngoi lên và được kéo lên thuyền, Ô mã Nhi hỏi:

-Có thấy gì không?

-Dạ bẩm tướng quân, các thuyền chúng tôi xem được đều có lỗ thủng.

Ô mã nhi tròn mắt ngạc nhiên:

-Mỗi thuyền có bao nhiêu lỗ:

-Dạ gần chục lỗ.

Phàn Tiếp nói:

-Tôi nghe nói trong hổ trướng của Trần Hưng Đạo có một người tên là Yết Kiêu, tài năng có thể đi trên nước như đi trên đất bằng, lặn dưới nước khoảng 50 dặm. Có lẽ người này chính là thủ phạm đục thủng thuyền của Đại Nguyên ta.

Ô Mã Nhi hỏi:

-Vậy làm thể nào để bắt sống được con người kỳ dị đó?

-Khó, nhưng có một cách là chăng lưới dưới đáy thuyền thì may ra có thể bắt được?

-Cả một con sông rộng như thế này lưới đâu cho đủ.

Phàn Tiếp hiến kế:

-Dồn chiến thuyền sang một phía bờ sông. Chăng lưới ngay từ những chiến thuyền hai đầu. Thường thì từ đầu này bơi đến hạy từ đầu kia bơi lại bao giờ Yết Kiêu cũng sẽ đục chiến thuyền tiếp cận đầu tiên. Tướng quân lưu ý hai đêm đều chìm những chiến thuyền đậu bên ngoài.

Ô Mã Nhi gật đầu, cười the thé, bộ mặt béo tròn tàn ác rung lên:

-Hảo, hảo..

Đêm hôm đó, Yết Kiêu vừa lặn tới bụng một chiến thuyền đầu tiên từ phía bắc Lục Đầu Giang thì bị lưới quấn chặt. Chàng đang định rút dao gắm cắt lưới nhưng không kịp, hai cánh tay đã bị lưới trói chặt lại và chàng bị nhấc bổng lên khỏi mặt nước. Một tên lính dương cung định bắn. Phàn Tiếp quát:

-Không đước bắn! Kéo lên thuyền để xem vì sao nó có tài lặn như vậy. Chúng mày nhớ đó là một dị nhân, có thể chiêu hàng được nó thì tốt cho thủy quân ta.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-9-a15259.html