Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 28 - Hết)

Âm nhạc là chiếc cầu nối êm ái giữa con người và con người. Âm nhạc vượt qua mọi giới hạn về địa lý, ngôn ngữ, quốc gia... để đem đến tình hữu nghị giữa các dân tộc. Âm nhạc Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc thiết lập và tăng cường ngoại giao của Việt Nam với các nước.

bia-ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-1660572196.jpg
 

Tôi đã có may mắn được tham gia đoàn Văn hóa Việt Nam tham dự “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô” và “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ” vào năm 1985.

Tôi không thể kể hết ra đây diễn biến đầy thú vị của hai sự kiện nghệ thuật – ngoại giao ấy, mà chỉ điểm lại mấy nét hoạt động về âm nhạc gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi.

Nước bạn Liên Xô đã dành cho chúng ta sự tôn trọng, bố trí cho đoàn nghệ thuật Việt Nam biểu diễn tại Nhà hát Bolshoi (tiếng Nga: Большой театр, Bol'shoy Teatr, có nghĩa là Nhà hát lớn), một nhà hát lịch sử, một công trình nổi bật của thủ đô Moskva và Nga. Ngồi trong một nhà hát sang trọng của nước bạn, lắng nghe âm thanh của nhạc cụ, của giọng hát Việt Nam vang lên, thấy cảm động và tự hào biết mấy! Tiếng đàn t’rưng, klong pút, tiếng sáo trúc của các nghệ sĩ Đỗ Lộc, Mai Liên, Đinh Thìn nghe mộc mạc nhưng đầy sức truyền cảm, đem lại cái mới lạ cho khán giả nước bạn. Giọng hát Lê Dung với kỹ thuật Opera vững vàng thể hiện bài hát “Bài ca hy vọng” và một khúc aria trong vở nhạc kịch “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của khán giả. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Nga trình diễn bản Rhapsodie Việt Nam do chính anh sáng tác, cho thấy trình độ âm nhạc của chúng ta có thể vươn ra tầm quốc tế.

Nước bạn Mông Cổ cũng dành cho Việt Nam sự trọng thị, khi bố trí cho đoàn biểu diễn tại Nhà hát lớn nhất thủ đô U Lan Ba to, đồng thời thể hiện sự thân tình, giản dị khi đưa đoàn tới thăm những ngôi lều của dân du mục, biểu diễn ở những vùng hẻo lánh trên thảo nguyên mênh mông. Tôi đã thấy những giọt nước mắt trên gương mặt những cô gái Mông Cổ khi tiễn biệt chúng tôi sau những giờ phút giao lưu nghệ thuật ngất ngây trên thảo nguyên lộng gió. Nghệ sĩ Quang Thọ được bao nhiêu cô gái vây quanh, níu kéo không muốn rời. Nhạc sĩ Thanh Trúc xúc động, viết trong chốc lát bài hát “Màu tím hoa Iarkhoi”, lấy hình ảnh loài hoa dại khiêm nhường có mầu tím thủy chung trên thảo nguyên nước bạn làm biểu tượng cho mối thân tình Việt Nam – Mông cổ.

Hai chuyến đi ấy cho tôi thấy rõ âm nhạc có khả năng vô tận kết nối con người với con người, dù họ ở đâu, thuộc dân tộc nào. Âm nhạc khiến cho tất cả trở nên gần gũi, thân thiết, hòa đồng. Nếu đứng trên phương diện ngoại giao, thì âm nhạc chính là phương tiện để thực hiện ngoại giao nhân dân vô cùng hiệu quả.

***

Tôi xin trở lại với ca sĩ Hiền Anh và việc cô gợi ý cho tôi viết một số ca khúc. Tôi có một cô cháu bên vợ đưa một bài thơ của bạn thân, nhờ tôi phổ nhạc. Cháu nằng nặc đòi phổ nhạc kiểu Bolero. Chiều cháu, tôi thử viết ca khúc theo dòng nhạc mà tôi không quen viết ấy. Và rồi, ca khúc “Lạc mất nhau rồi”, thơ của Quảng Xuân, ra đời. Hiền Anh khen bài hát này hay và giới thiệu cho Yến Ngọc, một ca sĩ đã theo đuổi dòng nhạc Bolero cả chục năm rồi. Không ngờ, Yến Ngọc rất yêu thích bài hát này. Sau khi thu thanh lần đầu, cô bảo tôi cần viết thêm phần lời cho đoạn A, vì đoạn này hát hai lần, nếu chỉ có một lời, nghe sẽ bị trùng lặp. Thế là tôi viết thêm một khổ thơ cho đoạn A ấy. Yến Ngọc vui lắm, tự đưa làm nhạc, thu thanh, sau đó thu hình làm tới hai phiên bản MV. Từ đó, Yến Ngọc sử dụng “Lạc mất nhau rồi” làm bài hát “tủ” của mình, biểu diễn khắp các sàn ca nhạc mà cô được mời diễn định kỳ hoặc theo sự kiện. Vậy mà cũng có Fan cuồng nhiệt, theo cô rất nhiều buổi biểu diễn, chỉ để được nghe “Lạc mất nhau rồi”: Lạc mất nhau rồi

 

“Ta đã hẹn nhau từ bao giờ

Yêu anh đời em ngỡ trong mơ

Bao năm tình đẹp như là mộng

Say đắm cùng nhau viết nên thơ.

 

Ta đã lạc nhau từ bao giờ

Yêu anh đời em mãi bơ vơ

Anh đi biền biệt phương trời lạ

Em ở lại đây khóc trong mơ.

 

Giờ anh phiêu bạt nơi nao

Thân gái nơi này phải trao

Hai sắc Ti gôn phai nhạt

Phó mặc cho đời đảo chao

Tình nghĩa cho dù chia hai

Lòng em vẫn không hề phai

Nợ duyên nay không còn nữa

Vẫn còn đây giấc mơ dài.

 

Gặp gỡ làm chi anh hỡi anh

Để nay tan giấc mộng ngày xanh

Bán mất bao năm tình dang dở

Mua cuộc sống buồn phải không anh

Bán mất bao năm tình dang dở

Mua nỗi buồn...”

Một hôm, Hiền Anh bảo tôi: “Bác ơi, bác viết cho cháu một ca khúc theo phong cách nhạc Phật đi. Bây giờ, mọi người thích giáo lý nhà Phật, sống theo lời Phật – bao dung, buông bỏ...”

Tôi tìm hiểu, thì thấy quả thật, ca khúc viết theo tinh thần và phong cách đạo Phật ngày càng phong phú, lan tỏa rộng trong đời sống xã hội. Tôi cũng may mắn được làm việc cùng Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc với Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong. Ông là một chuyên gia bậc thầy về âm nhạc dân tộc học. Trong một buổi thuyết trình tại đại học Harvard Hoa Kỳ, ông khẳng định đạo Phật có một nền âm nhạc thâm thúy, đóng góp rất lớn cho thế giới. Nền âm nhạc ấy nhắm đến mục đích là sự giải thoát, trí tuệ. Nền âm nhạc ấy hết sức phong phú và mang bản sắc độc đáo của mỗi dân tộc và địa phương. Âm nhạc Phật giáo hướng đến sự vô thường, vô ngã, từ bi, hỉ xả, hướng thiện. Bởi vậy, âm nhạc Phật giáo có tác dụng thức tỉnh con người.

Sau một thời gian tìm hiểu, nghiền ngẫm, tôi hướng đến nội dung bình an để viết ca khúc. Tại sao vậy? Tại vì, cuộc sống ngày nay tuy phát triển tốt đẹp, nhưng cũng xảy ra muôn vàn bất trắc, bất ổn. Con người cần sự bình an. Theo giacngo.vn, thì “Thông thường, bình an được hiểu là không gặp những biến cố trở ngại cho đời sống, không bệnh tật, không tai nạn. Trong đạo Phật, khái niệm bình an được hiểu sâu sắc hơn, đó là tâm an ổn, trong không bị các phiền não tham lam, ganh ghét, đố kỵ, kiêu mạn, sân hận v.v… chi phối; ngoài không bị các duyên tác động (tâm an nhiên, tự tại không bị dao động bởi hoàn cảnh bên ngoài). Thế rồi tôi viết rất nhanh ca khúc “Niệm Bình an”. Mới tiếp cận văn bản, Hiền Anh đã lộ rõ niềm hoan hỉ. Cô cho làm nhạc, tập tành, thu thanh. Sau đó, Hiền Anh tổ chức hẳn chuyến đi về chùa Keo, Thái Bình, để ghi hình, làm một MV với chất lượng cao cả về nghệ thuật và kỹ thuật. Từ đó, “Niệm Bình an” được Hiền Anh đưa đi biểu diễn ở khắp nơi, đặc biệt là các chùa hoặc trong các sự kiện liên quan đến Phật giáo. Nhiều nơi, khi mời Hiền Anh tới biểu diễn, bao giờ cũng kèm theo “điều kiện”, đó là hát Niệm bình an  

“Nam mô a di đà Phật

Nam mô a di đà Phật…

 

Niệm bình an, xin niệm bình an

Nguyện cầu cho Quốc thái dân an

Non nước Việt Nam ta mãi mãi trong thanh bình

Thế giới cùng hoan ca, không chiến tranh tàn phá…

 

Niệm bình an, xin nguyện cầu cho

Người người vui, xóa hết âu lo

Xa hết mọi sân si, biết thứ tha, buông bỏ

Nhân ái và anh minh vững bước trong cuộc sống

Đem hết tình yêu thương cống hiến theo Phật pháp

 

Nam mô a di đà Phật

Nam mô a di đà Phật

Nam mô a di đà Phật

Nam mô a di đà Phật…”

Nhiều người nhận xét rằng, nghe ca khúc “Niệm bình an” thấy tâm hồn thanh thoát, bình an vô cùng. Bản thân tôi, từ sau khi viết ca khúc này, cũng cảm thấy tĩnh tâm hơn, tin ở tính thiện trong con người nhiều hơn.

 

VĨ THANH: NGÀY ÂM NHẠC VIỆT NAM

 

Ngày 3/9/1960, Bác Hồ đã bắt nhịp cho hợp xướng và dàn nhạc hát vang Bài ca kết đoàn trong Liên hoan nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng lần thứ III và 15 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại công viên Bách thảo Hà Nội. Hình ảnh của Bác lúc đó đã trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam, âm nhạc Việt Nam, tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc. Với ý nghĩa đó, từ năm 2010, ngày 3/9 chính thức trở thành Ngày Âm nhạc Việt Nam.

Tới nay, Ngày Âm nhạc Việt Nam đã được tổ chức sôi nổi 9 lần trong cả nước. Ở Trung ương, lần nào cũng diễn ra lễ khai mạc với một chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Tôi đã dự lễ khai mạc Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ nhất, diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô Hà Nội vào chiều 3 tháng 9 năm 2010. Rất thú vị, chỉ trong vòng chưa đầy 3 giờ đồng hồ, tôi được chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh nền âm nhạc Việt Nam với nhiều tiết mục đặc sắc: hòa tấu "Trống hội ngày Xuân", độc tấu đàn bầu "Niềm tin tất thắng", hát văn "Hà Nội nghìn năm" và các ca khúc đã đi cùng năm tháng, do Dàn nhạc dân tộc, Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia, các nghệ sĩ Ánh Tuyết, Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn... thể hiện. Không chỉ có vậy, từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 9, đi tới nhiều nơi như sân khấu 16 Lê Thái Tổ, Vườn hoa Lý Thái Tổ, Nhà kèn, Phố đi bộ chợ Đồng Xuân, tôi đều thấy đông đảo công chúng tập trung dự các chương trình âm nhạc với các chủ đề riêng: ca nhạc thiếu nhi, nhạc trẻ, nhạc cụ kèn, âm nhạc dân gian… Trên khắp cả nước, các địa phương cũng có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Âm nhạc Việt Nam.

Từ đó, năm nào cũng vậy, Ngày Âm nhạc Việt Nam được tổ chức với nhiều hình thức sinh động trong cả nước, không khí âm nhạc ngập tràn không gian, từ thành thị tới nông thôn. Gần đây nhất, tối 3 tháng 9 năm 2018, tôi được dự chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 9 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, một chương trình hấp dẫn, ấm cúng diễn ra tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chương trình nghệ thuật gồm 2 phần, với nhiều tác phẩm kinh điển của các nhạc sĩ, nhà soạn nhạc tên tuổi, ca sĩ, nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng. Chỉ huy dàn nhạc là NSND Phạm Ngọc Khôi và PGS-TS-NSND Thiếu Hoa. Tôi lại đắm mình trong những tác phẩm âm nhạc mà mình hằng nâng niu, trân trọng, như “Khúc hát ra khơi”, “Bài ca hy vọng”, “Người Hà Nội”, “Bài ca Hà Nội”, “Tình em”, “Trường ca Sông Lô”, “Lời của đá”, “Cám ơn mẹ”… Những âm điệu du dương, thánh thót của piano, đàn nhị, đàn bầu, đàn tì bà, sáo trúc… qua các tác phẩm “Romance Vocalise cho Soprano”, “Tứ quý”, “Dòng kênh trong”, “Duyên gặp gỡ”, “Khói hương lan tỏa”, “Tình mẹ”, “Chung một niềm vui”… tạo nên bản hòa thanh muôn màu muôn vẻ về cuộc sống dẫn tôi đi mê mải suốt hai chiều thời gian quá khứ và tương lai... để bồi hồi xúc động và để lạc quan hi vọng...

Rồi một ngày, lang thang trên mạng, tình cờ tôi bắt gặp dòng chữ như sau ở trang Nhạc của tui: “Bạn có biết, chúng ta có hẳn một ngày đặc biệt dành cho âm nhạc Việt Nam - Ngày Âm nhạc Việt Nam 03/09. Trong nhiều năm qua, âm nhạc nước ta ngày càng phát triển và hòa mình với thế giới bởi tài năng của các bạn nghệ sỹ trẻ. Nhân ngày Âm nhạc Việt Nam, cùng #Tui nghe lại những ca khúc gây nghiện của âm nhạc Việt Nam”. Thật là tuyệt vời! Ngày Âm nhạc Việt Nam đã tự thân lan tỏa rộng hơn cái không gian mà chúng ta đang mở ra để tổ chức những hoạt động hưởng ứng. Điều này gợi cho tôi suy nghĩ rằng, chúng ta cần linh hoạt hơn nữa để tạo ra nhiều dòng chảy cho Ngày Âm nhạc Việt Nam tràn ngập khắp đất nước, trở thành ngày hội của toàn dân.

Mà, đó không phải là suy nghĩ viển vông. Bởi, trên thực tế, đã có rất nhiều hoạt động âm nhạc tự phát diễn ra trên khắp đất nước ta. Ngay ở quanh Hồ Gươm Hà Nội này thôi, vào ngày nghỉ, đi dạo một vòng, ta có thể bắt gặp nhiều nhóm nhạc biểu diễn vô tư, như các nhóm kéo violon và chơi ghi ta trước cửa Nhà hàng Thủy Tạ, dàn hợp xướng ở ngã tư Tràng Tiền, Hàng Khay, Chương trình hát xẩm định kỳ ở cửa chợ Đồng Xuân... Rồi phong trào văn nghệ quần chúng ở các cơ quan, đoàn thể diễn ra sôi nổi, có thể nói là không ngừng nghỉ theo năm tháng. Rồi các phòng trà ca nhạc. Rồi các quán Karaoke... Tiềm năng âm nhạc của chúng ta có thể nói là vô tận.

Giống như các nốt nhạc và các nhịp điệu đã có sẵn, nằm tự do ở khắp nơi, cần những nhà soạn nhạc tài tình biên soạn thành những tác phẩm âm nhạc, những hoạt động âm nhạc trên khắp nước ta cần được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức lại thành một hoạt động “đồng khởi” trong ngày Âm nhạc Việt Nam 3 tháng 9. Việc tổ chức này mang ý nghĩa hô hào, liên kết – Hội Nhạc sĩ Việt Nam kêu gọi các tổ chức, đoàn thể và toàn dân hưởng ứng Ngày Âm nhạc Việt Nam bằng khả năng, lực lượng của chính mình, còn Hội đứng ra tổ chức những hoạt động lớn, có tính chất tiêu biểu.

Tôi cứ mơ rằng, một năm nào đó, vào ngày 3 tháng 9, đi tới đâu cũng thấy hàng chữ “Hưởng ứng ngày âm nhạc Việt Nam”. Khi ấy, âm nhạc Việt Nam vang lên rộn ràng ở mọi tổ chức, mọi không gian. Các nhà hát sang trọng. Các câu lạc bộ thanh niên. Các nhà văn hóa từ tỉnh đến huyện, xã, thôn. Các sân bãi sinh hoạt công cộng. Các phòng trà ca nhạc. Các quán Karaoke. Các bến tàu, xe. Các trang mạng. Các nghệ nhân hát rong... Tất cả đều đàn hát những bài hát, bản nhạc Việt Nam với ý thức đang làm cho ngày Âm nhạc Việt Nam lan tỏa rộng khắp, len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, đem niềm vui, sự thánh thiện đến với mọi người. Tất cả hợp thành bản đại giao hưởng – hợp xướng tràn đầy sinh lực góp phần làm cho giai điệu của Tổ quốc ta thêm hùng tráng, ngân vang mãi... Tôi mơ và tôi hy vọng. Và lúc này, Bài ca hi vọng   của nhạc sĩ Văn Ký qua giọng hát của nghệ sĩ Khánh Vân vang lên trong tôi, mạnh mẽ chưa từng thấy:

“Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng

Cánh chim xao xuyến gió mùa Xuân

Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương

Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ...

Ước mơ những mùa Xuân bóng dáng tương lai

Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm

Có mùa Xuân nào đẹp bằng.

 

Về tương lai...

Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin

Đường ta đi xanh thắm mộng đời

Về tương lai đàn chim ơi cùng ta cất cánh

Kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương

Gió mưa, buồn thương, mùa Đông và mây mù sẽ tan”.

Chúng ta cùng bay vào tương lai. Tràn trề hy vọng. Chứa chan niềm tin. Ánh sáng đang bừng chiếu bốn phương...

 

Hà Nội, tháng 10 năm 2018 - PVL

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-phan-28-het-a15283.html