Cung bậc mới trong tiến trình sáng tạo tuổi 80

Là nhà khảo cổ học được nhiều người biết tới, PGS.TS Nguyễn Lân Cường còn là người thành lập, chỉ huy dàn hợp xướng Hanoi Harmony từ hơn 10 năm nay và hiện đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội.

Hai công việc tưởng chừng không hề liên quan với nhau lại được con người có vóc dáng nhỏ bé ấy dung hòa một cách khéo léo, đem đến những bất ngờ thú vị. Mới đây, nhân sinh nhật lần thứ 80, ông đã cho ra mắt tập sách “Nhật ký trên khóa sol” (Nhà xuất bản Thanh niên) như một đúc kết cuộc đời sáng tác hơn 60 năm qua.

lan-cuong-1620609326.jpg
Nhạc sĩ Lân Cường (người ngồi cầm hoa) và những người thân trong buổi ra mắt sách “Nhật ký trên khóa sol”.

1. Có một điều đặc biệt, nhà giáo Nguyễn Lân có đến 3 người con là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong đó ngoài Giáo sư, Nghệ sĩ Công huân Liên bang Nga Nguyễn Lân Tuất, hai người còn lại theo lĩnh vực khác nhưng cũng hoạt động âm nhạc rất sôi nổi. Đó là chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng và nhà khảo cổ học Nguyễn Lân Cường (bút danh Lân Cường). Sinh thời, nhạc sĩ Trần Hoàn thừa nhận, một trong những người ảnh hưởng đến ông trong sáng tác âm nhạc là nhà giáo Nguyễn Lân. “Hồi học ở Huế, thầy Nguyễn Lân tuy dạy môn văn nhưng giờ nghỉ thầy thường hay hát những làn điệu dân ca cho học trò nghe để từ đó, âm nhạc đã ngấm vào tôi từ lúc nào không hay”, nhạc sĩ Trần Hoàn từng kể.

Được truyền tình yêu âm nhạc từ người cha, cậu bé Nguyễn Lân Cường lại được những người thầy ở khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc là nhạc sĩ Túc Nhân Kim (người Trung Quốc), nhạc sĩ Phạm Tuyên và thầy Nguyễn Hữu Hiếu - người chỉ huy đầu tiên của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam dạy nhạc từ khi mới 10 tuổi. Bởi thế, năm 1959 khi đang học tại Trường Phổ thông 3A (nay là Trường THPT Việt Đức - Hà Nội), Nguyễn Lân Cường đã được giao dàn dựng tốp ca và hợp xướng với ban nhạc hơn 20 người. Chính tại ngôi trường này, ông đã cho ra đời ca khúc đầu tay “Tiếng hát bản Mường” rồi bản hợp xướng đầu tay “Tiếng ca trên bè gỗ”.

Khi về làm việc tại Viện Khảo cổ học (trực thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Nguyễn Lân Cường rất “máu” văn nghệ. PGS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học kể: “Thời bao cấp, tuần nào chúng tôi cũng được xem phim do anh Cường tổ chức và thuyết minh luôn vì lúc đó anh là Chủ tịch Công đoàn. Bởi vậy, anh em mới có câu “thành ngữ”: “Ăn cơm Thi Sách, ngủ nách hội trường, xem phim Lân Cường, nghe Mạc Đường nói chuyện”.

2. Nhạc sĩ Lân Cường là người viết nhạc nghiệp dư nhưng tác phẩm của ông lại không hề nghiệp dư chút nào. Tới nay, ông đã sáng tác hơn 60 tác phẩm, sở hữu 14 giải thưởng âm nhạc do Hội Âm nhạc Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Sở Tư pháp Hà Nội, Bộ Tư lệnh Hải quân... trao tặng. Ông luôn quan niệm, âm nhạc phải phản ánh hơi thở của thời đại, phải hướng người nghe đến giá trị chân - thiện - mỹ.

Sau chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam trước đội tuyển Thái Lan ở trận bán kết Tiger Cup 1998 tại Hà Nội, nhạc sĩ Lân Cường đã sáng tác ca khúc “Việt Nam chiến thắng” được coi là “hâm mộ ca” của bóng đá Việt. Hay ngay trong đêm cuối cùng tổ chức Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2013, ông sáng tác ca khúc “Vị tướng của lòng dân” như nói hộ tâm tình, nỗi lòng của hàng triệu người con nước Việt. Năm 2016, khi cử tri cả nước đang hướng đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, ông đã sáng tác ca khúc “Lá phiếu ngày bầu cử” với ca từ, giai điệu đầy hào hứng. Hoặc trong những ngày qua, khi cả nước đang phải căng mình chống dịch Covid-19, ông lại sáng tác ca khúc “Chiều nay nếu anh không về” dựa theo ý thơ của Vũ Tuấn để ca ngợi những "chiến sĩ áo trắng” trong cuộc chiến gian nan này.

3. Nhạc sĩ Lân Cường là một trong những người mạnh dạn sáng tác ca khúc cho trẻ em. Theo ông, sáng tác ca khúc cho trẻ em là điều không dễ, bởi âm vực không được quá cao hay quá thấp, tiết tấu phải đơn giản, đặc biệt lời ca phải thể hiện được tâm hồn và thế giới sinh động của trẻ thơ. Để có ca khúc được trẻ em đón nhận, người nhạc sĩ phải hóa thân vào thế giới tâm hồn của các em, phải hiểu được suy nghĩ của trẻ em trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Có thể kể đến một số ca khúc rất thành công của ông, như “Con búp bê của em” (giải Nhì cuộc vận động sáng tác ca khúc “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai” do UNICEF và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động), “Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh thì đi” (giải Nhì Cuộc thi sáng tác ca khúc về an toàn giao thông), “Ba điểm 10”, “Chú bộ đội dạy cho em cái chữ”, “Con thích làm nghề gì?”... và đặc biệt là bản hợp xướng “Chào Thăng Long - Hà Nội của em” viết nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Là người có nhiều sáng tác nổi tiếng về đề tài thiếu nhi, nhạc sĩ Hoàng Lân đánh giá: “Nhạc sĩ Lân Cường sáng tác cho trẻ em rất năng nổ, sôi nổi, viết nhiều, viết khỏe. Là người nhạc sĩ tâm huyết với trẻ em, vì vậy anh ấy đã có những ca khúc có lời ca cũng như giai điệu mộc mạc, ngắn gọn, có ý nghĩa giáo dục và đi vào đời sống trẻ thơ”. Còn theo nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha thì có một công việc âm nhạc mà nhạc sĩ Lân Cường làm đậm chất khảo cổ học, đó là phối âm lại những tác phẩm nổi tiếng như “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Lời ru trên nương” của Trần Hoàn (phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm). Ở những tác phẩm này, cả nhà khảo cổ học và nhạc sĩ Lân Cường đều hiện diện để “khảo cổ” lại tác phẩm xưa theo tư duy của riêng mình bằng những chùm âm.

4. Những ngày giữa tháng 4 vừa qua, nhạc sĩ Lân Cường đã tổ chức lễ ra mắt sách ấm áp, chân tình cùng người thân, bè bạn tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (19 Hàng Buồm, Hà Nội). Do bị tai nạn cách buổi ra mắt sách 10 hôm khi nhảy xuống một hố khai quật khảo cổ khiến chân của ông bị thương nặng và phải di chuyển bằng xe lăn, thế nhưng gương mặt ông luôn rạng rỡ, tươi tắn. Rất nhiều câu hỏi được “cánh” nhà báo đặt ra, như ông đã dung hòa thế nào giữa việc nghiên cứu khảo cổ với sáng tác âm nhạc, ông đã trả lời: “Tôi đi công tác nhiều, đến những vùng sâu vùng xa, đã gặp nhiều hoàn cảnh, con người, đã chứng kiến nhiều sự việc, sự kiện. Những điều đó gây cho tôi nhiều xúc động và trở thành nguồn cảm hứng để tôi viết nhạc. Những kỷ niệm công tác đã trở về trong các ca khúc của tôi và đó cũng là lý do tôi chọn đặt tên cho cuốn sách là “Nhật ký trên khóa sol”.

Dường như tuổi tác chưa khi nào là trở ngại với con người tràn đầy năng lượng như Lân Cường. Tại lễ ra mắt sách “Nhật ký trên khóa sol”, ông cho biết mình đang ấp ủ viết 2 cuốn sách về lĩnh vực khảo cổ học và bản hợp xướng “Nguyễn Trãi” (gồm 3 chương: "Dưới cờ khởi nghĩa Lam Sơn", "Nỗi oan Lệ Chi Viên", "Sống mãi với non sông") để tri ân tác giả “Bình Ngô đại cáo”. Cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông thật đúng như chia sẻ của Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân: “Trong âm nhạc có 7 nốt: Đô - rê - mi - fa - sol - la- si và nốt thứ 8 lại quay về nốt đô nhưng đã cao hơn một bát độ. Tôi liên tưởng tới sự nghiệp âm nhạc của anh, từng bước, bước sau cao hơn bước trước và khi bước tới nốt thứ 8 là lúc anh đã đạt tới cung bậc mới trong tiến trình sáng tạo tuổi 80 của mình”.

PGS.TS, nhạc sĩ Lân Cường (tên đầy đủ là Nguyễn Lân Cường) sinh năm 1941, quê gốc huyện Mỹ Hào (nay là thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Hiện nay, ngoài cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, ông còn là Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tác giả phi hư cấu (VANFA)...

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cung-bac-moi-trong-tien-trinh-sang-tao-tuoi-80-a1536.html