Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt gọn một bộ phận sinh lực địch đang lấn chiếm Cánh đồng Chum; phá vỡ tuyến phòng thủ của địch, giành và giữ dân, giải phóng Cánh đồng Chum.
Tháng 7/1971, lợi dụng mùa mưa, Mỹ và Chính phủ Lào thân Mỹ mở cuộc hành quân lấn chiếm Cánh đồng Chum. Mưu đồ của Mỹ và đồng minh vẫn là muốn chiếm đóng lâu dài địa bàn chiến lược này, dự định đánh chiếm lại sân bay, từ đó bung ra chiếm lại Cánh đồng Chum, rồi tiến theo đường 7 đánh ra biên giới Việt – Lào. Khác với lần trước, lần này Mỹ tăng cường thêm lực lượng quân đội đánh thuê Thái Lan.
Lực lượng địch gồm: 30 tiểu đoàn bộ binh (18 tiểu đoàn Vàng Pao, 4 tiểu đoàn quân đội Hoàng gia Lào, 8 tiểu đoàn Thái Lan), 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội máy bay T-28, 1 trung đội xe bọc thép… dưới sự chi viện tối đa của không quân Mỹ, kể cả B-52 và F-111.
Tại chỉ huy sở chiến dịch, ngoài các cán bộ chủ chốt BTL 959 (Đại tá Vũ Lập làm Tư lệnh, Đại tá Huỳnh Đắc Hương làm Chính ủy), Bộ Quốc phòng tăng cường một Đại tá xuất sắc của quân đội là đồng chí Nguyễn Hữu An làm Phó Tư lệnh. Chiến dịch sắp mở màn, Bộ cử Thiếu tướng Tổng tham mưu phó Lê Trọng Tấn sang làm phái viên trực tiếp chỉ đạo chiến dịch (vị Tướng này được cấp dưới đặt cho biệt danh “Tướng Chiến Thắng” hay “Giucốp Việt Nam”, thường chỉ huy các chiến dịch lớn). Ông có đặc điểm là rất nghiêm khắc, nóng tính và quyết đoán. Về trận chiến trên Cánh đồng Chum năm 1971, báo Bangkok sau này đưa tin: “Tướng Tấn đột ngột xuất hiện trực tiếp chỉ huy chiến dịch sau những loạt đại pháo 130 ly khiếp đảm cùng những “con báo khạc lửa” (xe tăng) thẳng tiến như không có gì cản trở”.
Lực lượng Quân Giải phóng: Trước chiến dịch “Z”, địa bàn Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng có các đơn vị quân tình nguyện: f316, e866 và d42, d25, d26 …Vào chiến dịch, trên tăng cường thêm f312, Lữ 335, một tiểu đoàn pháo mặt đất, một tiểu đoàn pháo cao xạ, một tiểu đoàn tank-thiết giáp, 2 tiểu đoàn đặc công và một số đơn vị kỹ thuật. Lực lượng vũ trang Cách mạng Lào có 9 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội pháo binh và 3 đại đội vũ trang địa phương. Chiến dịch được ấn định vào giáp tết năm Nhâm Tý (1972). Sau khi nghe báo cáo tình hình địch – ta, Tướng Lê Trọng Tấn phán một câu xanh rờn: “Đánh trận này, ba đời sau Thái Lan còn sợ!”.
Quả nhiên, sự thật diễn ra đúng như ông Lê Trọng Tấn nói. Đúng giờ G, các trận địa pháo lớn đồng loạt gầm vang, hỏa tiễn H72, cối 82, 120 ly, pháo 130 ly sau đó là ĐKZ, B40, B41 diệt hỏa điểm còn lại rồi ĐH10 mở cửa, xe tăng gầm rú, dẫn bộ binh tràn lên. Nhưng quá trình chiến dịch, không phải mọi chuyện đều suôn sẻ. Sự cố ở Phu Tôn xảy ra ngay lúc quân ta tấn công, mới thấy vị tướng Tổng tham mưu phó không hổ danh “Tướng Chiến thắng”…
Trung đoàn 165 (f312) do trung tá Nguyễn Chuông chỉ huy dứt điểm Phu Thanêng (Phu Tâng) do một tiểu đoàn quân Thái Lan đóng giữ. Trung đoàn 141 đánh trung tâm chỉ huy của quân Thái Lan ở Phu Tôn. Ông Trung tá trung đoàn trưởng bị địch lừa, nằng nặc đòi xe tăng trong lúc xe đang bị sa lầy. Trên trời, OV-10 thả đèn và bắn trọng liên như mưa quanh điểm cao. Hỏa lực địch trong căn cứ vẫn bắn ra….nhưng trước sức tấn công dũng mãnh, quả cảm của Quân Giải phóng chỉ sau 5 ngày giao chiến, quân Thái, quân Mẹo bị các lực lượng của ta đánh cho tơi tả, chạy dài!
Khi đó ở hang chỉ huy Phu Nhu, không khí cực kỳ căng thẳng. Bộ Tư lệnh, cán bộ các cục, các trưởng phòng của Mặt trận 959 và phái viên của Bộ đều có mặt, chăm chú nhìn vị Tướng. Ông Lê Trọng Tấn mặt đỏ phừng phừng, đi quanh bàn, khi thì chăm chú nhìn vào tấm bản đồ treo trên vách đá, lúc quay qua chăm chú ngó sa bàn, rồi nhìn ai đó trong số “bá quan văn võ”. Bất chợt, ông dừng lại, chộp tổ hợp máy điện thoại gọi xuống e141 rồi nói như quát:
- Tài đâu, lệnh cho bộ đội xung phong ngay. Địch chạy hết rồi. Hình như ông Tài nói gì đó làm vị Tướng phật ý. Ông Tấn quát tiếp:
- Mày không lên, tao cách cổ bây giờ!
Bộ đội xông lên. Đúng là chỉ còn mấy thằng bắn súng máy nghi binh!
Nhưng địch chạy đường nào về hang ổ Long Chẹng? Nghe dưới báo cáo, đường phía Bắc vào khu vực Cửa Rừng có nhiều đèn pháo sáng, còn đường phía Nam chỉ có lưa thưa. Tư lệnh Vũ Lập, các Phó tư lệnh: Nam Hà, Hà Thế Hùng, Tham mưu trưởng Dũng Mã, Trưởng phòng tác chiến Huỳnh Lê…đều phân vân. Đa số phán đoán địch chạy hướng Bắc, có người đề nghị chia đôi pháo, bắn đạn chụp cho chắc ăn. Ông Lê Trọng Tấn lừ lừ nhìn mọi người… Bỗng nhiên ra lệnh: Tập trung hỏa lực chần dọc theo con đường phía Nam (nơi ít đèn dù hơn). Không ai dám nói ra nhưng nửa tin nửa ngờ, vì nếu phán đoán sai thì phần lớn quân địch ở Phu Tôn và Cánh đồng Chum sẽ chạy thoát và như vậy không thực hiện được mục tiêu “đánh tiêu diệt” của chiến dịch.
Ngay hôm sau, ông Lê Trọng Tấn cho người đi kiểm tra. Đúng như ông Thiếu tướng dự đoán, dọc con đường phía Nam, quân Thái chết như rạ, người toàn đổ về phía Tây. Bấy giờ tôi mới hiểu vì sao bộ đội ta đặt cho ông nhiều mỹ từ nổi bật như thế. Một lần nữa, câu nói của cổ nhân lại vang lên bên tai tôi: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”!
Sau này, Đại úy Tư Đương, phóng viên báo Quân đội Nhân dân và tôi, Thiếu úy, phóng viên báo CSMT đã phỏng vấn một tù binh, nguyên tiểu đoàn trưởng quê ở A-dút-thai-da, Thái Lan (chỉ huy lá chắn thép Phu Thanêng). Tôi hỏi hắn: “Anh thấy đối thủ của anh thế nào?”. Hắn rùng mình, mắt thất thần, nói lí nhí câu tiếng Lào: “Thạ hản Việt sulốp kềng thi xút!” (Bộ đội Việt đánh quá giỏi!")
Trái tim người lính
Nguyễn Đình Trọng (Tạp chí Lào-Việt)
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tuong-le-trong-tan-va-tran-danh-khien-thai-lan-khiep-so-a15360.html