Mù Cang Chải mùa lễ hội

Vừa xuất viện thì đội bóng JAVADA có chương trình đi Mù Cang Chải (Yên Bái). Ngày đi là 20-21-22/9 nhưng ngày hẹn khám bệnh của mình lại cũng là ngày 21/9. Vậy là phải yêu cầu bác sỹ điều trị đổi sang ngày 26 mới đến khám lại tổng thể.

anh-tac-gia-1664006948.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Rất cẩn thận, mình đã thử sức bằng cách đi Suối khoáng Kim Bôi (Hòa Bình) – Nơi chỉ cách Hà Nội có 70 km. Kết quả: Sức khỏe ổn định và tâm trạng phấn chấn.

Vậy là quyết đi. Mama Tổng quản lo đủ cơ số thực phẩm dinh dưỡng cho 3 ngày, phòng khi thức ăn dọc đường và trên Mù Cang Chải không hợp.

Đoàn đi 2 xe 15 chỗ và 24 chỗ. Mình ngồi xe to do giám đốc nhà xe kiêm cầu thủ JAVADA Nguyễn Đình Hà cầm lái.

Tay lái lụa đầy kinh nghiệm nên cả quãng đường quanh co đèo dốc hơn 300 cây số, mọi người trên xe và kể cả mình vẫn khỏe re, không ai mệt mỏi hoặc say ô tô.

Phần nữa, là chuyến giao lưu nên lãnh đạo đoàn cho xe dừng đỗ ở các điểm du lịch nổi tiếng ven đường để cầu thủ - du khách thỏa cơn ghiền xê dịch sau mấy năm ngồi bó gối vì dịch Covid-19.

Đường 32 lên Mù Cang Chải vừa trải lớp nhựa mới nên xe chạy êm ru. Trời vào Thu, những thửa ruộng bậc thang trên những sườn núi trải một màu vàng tươi sáng rực trên nền xanh lam của dãy núi.

Gần đến đèo Khau Phạ mây mù tràn ngập cung đường. Mây như đặc quánh khiến lái xe phải bật đèn vàng nhưng chỉ phát hiện xe đi ngược chiều ở hai đốm đèn pha. Xe đi trong mây đến gần chục cây số. Mọi thành viên trên xe như cùng lái xe, nín thở leo đèo trong mây mù.

Lên đúng đỉnh đèo Khau Phạ, trời bừng sáng. Mây mù đã ở lại phía sau, bên phía xuôi về Nam. Tại điểm bay dù lượn Khau Phạ, khách du lịch xúm xít chụp ảnh, lưu lại kỷ niệm với đỉnh đèo nổi tiếng ở cung đường phía Bắc. Ai cũng rạng rỡ khi được thưởng thức bầu không khí trong trẻo của gió núi, khác hẳn cảm giác nặng nề khi cùng xe ô tô trôi trong mây mù khi leo đèo.

Tại đồi Mâm Xôi, nằm lọt thỏm bên các sườn núi cao, ánh lên màu vàng tươi của lúa đến kỳ thu hoạch. Ban quản lý danh thắng đã kịp trồng hoa, phủ kín ngọn đồi bên cạnh để du khách yêu hoa tạo dáng khi chụp ảnh cúng phây.

Ngay từ khi đến địa giới Yên Bái, du khách đã thấy hai bên đường là những hàng cờ phướn đỏ tươi. Mọi nhà đều treo cờ đỏ sao vàng. Qua Tú Lệ và đặc biệt là Làng văn hóa Mù Cang Chải (nơi đoàn sẽ ở lại), cờ hoa giăng kín hai bên đường. Các thành viên nữ trong Đoàn ngạc nhiên và hỏi trưởng đoàn Phạm Trọng Phương có phải họ giăng cờ hoa để đón Đoàn mình lên thăm ?

Đoàn nghỉ tại Home Stay Suối Kim. Đây là 1 trong 3 Home Stay ở trung tâm Làng văn hóa dựng quanh khoảng sân chung, làm nơi tối tối tổ chức Lễ đốt lửa trại, múa xòe, ca nhạc phục vụ các du khách của cả 3 Home Stay.

Đoàn đi 3 ngày, vậy là có 2 đêm ở Home Stay Suối Kim đều được thưởng thức văn hóa vùng cao. Diễn viên là những cô gái, sau buổi làm việc hoặc lao động ban ngày, lại khoác y phục các dân tộc, biến thành những tiên nữ rộn ràng mê say trong điệu Xòe, trong hát múa Then, trong điệu nhảy Sạp…

Đêm về khuya, Ban tổ chức mời các cầu thủ JAVADA lên giao lưu. Những bài hát chủ yếu về Hà Nội lại ngân vang núi rừng Tây Bắc. Tiết mục vừa đệm đàn vừa hát của hai “ca sỹ” Trọng Tuấn và Trọng Toàn của Đoàn JAVADA khiến Ban tổ chức và du khách các đoàn bạn ngạc nhiên. Họ ngỡ đang chứng kiến ca sỹ thứ thiệt lên từ Hà Nội hát phục vụ bà con vùng cao.

Tại Home Stay mọi sinh hoạt đều khép kín trong khối nhà sàn. Các đệm ngủ được trải hai bên cùng chiếc chăn bông to sụ. Ban ngày Mù Cang Chải khoảng 20 độ, nhưng đêm xuống, nhiệt độ xuống tới 12, 13 độ. Đêm khuya Home Stay phục vụ những du khách thức đêm cháo gà hoặc mỳ gà. Sáng dậy, lại tiếp tục mỳ trứng hoặc cháo gà. Muốn đổi món phải ra phố huyện cách đó hơn km. Ngoài đấy có đủ bánh mỳ pa tê, xôi, phở… và hàng loạt những hàng cà phê có thể phục vụ cùng lúc hàng chục du khách ghé thăm. Bài trí các quán cà phê bắt mắt với những bộ bàn ghế làm từ gốc cây và rất nhiều cây cảnh, hoa phong lan. FC JAVADA chọn quán Cà phê Mù. Cái tên “mù” lấy từ nguyên gốc nghĩa “rừng gỗ” của tiếng HMong. Các loại nước sinh tố, kem và đặc biệt là cà phê rất thơm và dịu, như lẫn trong hương hoa đang lẩn quất trong quán.

Đi chơi phố huyện du khách tự do ngắm nghía hàng hóa. Mua cũng được mà không mua cũng chẳng sao vì người miền núi không chèo kéo du khách. Họ như không để ý du khách. Họ quen đi đường núi, phải ngẩng cao đầu và mắt phải nhìn xa.

Chợ huyện Mù Cang Chải lại rất nghèo nàn, ít hàng hóa. Nó phục vụ cư dân trong huyện là chính. Du khách mua sắm thường dừng mua tại các trạm nghỉ ở Mù Cang Chải. Nơi đó có các sản vật đặc sản của Mù Cang Chải như gạo Séng Cù, nếp hoặc cốm Tú Lệ, thịt gác bếp… Từ những bản làng trên núi, các bà các chị gùi những bao tải căng phồng, nặng trịch hàng hóa xuống núi.  Táo Mèo đựng trong bao tải, bán rẻ như cho vì mấy du khách đủ sức vác bao tải lên xe chở về Hà Nội. Có lẽ chỉ dân buôn mới mua những bao tải sản vật này.

Từ phố huyện vào Làng văn hóa phải qua cầu Hạnh Phúc. Hai bên thành cầu được căng pano và cờ phướn. Dưới cầu, nước phân rõ rệt hai phần đục trong. Tại nhánh chính nước đỏ hồng phù sa. Từ các nhánh nước trong núi chảy ra, nước trong xanh. Sông chảy qua Mù Cang Chải vẫn giữ hai màu nước như kiểu “nước sông không đụng đến nước giếng”, như con người Mù Cang Chải, hòa nhập với cộng đồng các dân tộc Việt Nam nhưng không hòa tan.

Thiết Hồ Công

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mu-cang-chai-mua-le-hoi-a15408.html