Suốt thời gian chiến đấu ấy, tôi có thói quen ghi nhật ký. Tranh thủ những giây phút ngừng tiếng súng, có khi trong tiếng bom đạn đang ầm ầm nhưng dưới công sự, tôi vẫn ghi chép lại. Ghi xong mỗi cuốn, tôi lại gửi về cho mẹ để mẹ biết rằng đứa con thân yêu luôn xứng đáng với công lao sinh thành của mẹ. Tôi đã ghi rất thật nhằm tu luyện tâm hồn mình mỗi ngày thêm trong sáng, cầu mong mình luôn tiến bộ... và càng không bao giờ nghĩ sau này nhật ký của mình sẽ được công bố.
Thời gian cứ trôi, hơn 30 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhật ký của nữ anh hùng, liệt sĩ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm và nhật ký “Mãi mãi tuổi 20" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc được công bố, gây ấn tượng mạnh với bạn đọc cả nước. Tôi theo dõi các sự kiện này trong tâm trạng đầy xúc động và đã đọc lại nhật ký của mình mà mẹ tôi cất giữ suốt gần nửa thế kỷ. Tuy bây giờ nhật ký của tôi đã bị mờ nhòe, mục nát vì thời gian và chất liệu của giấy mực, nhưng vẫn thể hiện rõ một phần ý chí của tôi, của đồng đội trong đơn vị năm xưa.
Sau đó, khi biết các cơ quan chức năng kêu gọi: “Ai có nhật ký, thư từ chiến trường thì gửi lại cho tổ chức, bởi đó là tài sản quốc gia", tôi không do dự liền viết một bức thư thông báo rằng tôi có nhật ký viết khi tham gia chiến trường. Cuốn nhật ký của tôi được Nhà xuất bản Công an nhân dân tài trợ, biên soạn, công bố, phát hành... Cuốn sách với tựa đề: “Trời xanh không biên giới" ở tủ sách “Mãi mãi tuổi 20”.
Cuốn “Trời xanh không biên giới" ra đời, nhiều phóng viên báo chí, phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương đã gặp gỡ phỏng vấn, viết bài, xem tôi như một sự kiện và nhân chứng quan trọng của chiến tranh. Các nhà báo, nhà văn còn gợi ý cho tôi viết lại những gương dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì đất nước của những đồng bao, đồng chí mà tôi được chứng kiến, mắt thấy tai nghe. Từ đó tôi bắt đầu tham gia tập viết báo.
Do bản thân là thương binh nặng, không có nghiệp vụ báo chỉ gì, tôi phải tìm hiểu, tham khảo tài liệu và tìm đến các nhà báo quen biết để nhờ họ giúp đỡ. Thật may cho tôi, các nhà báo đều tận tình hướng dẫn, động viên và còn cho tôi mượn xem nhiều tài liệu, sách vở về cách làm báo để nghiên cứu; nhắc tôi những điều cần thiết của người viết bảo (viết cho ai, viết cái gì và viết như thế nào...)
Sau khi viết được một bài báo, tôi sửa đi sửa lại, đọc để mọi người xung quanh tôi cho ý kiến. Đến lúc cảm thấy gọn, tôi mới dám gửi bài tới tòa soạn báo. Mỗi lần có bài được đăng, tôi vui mừng vô cùng, đọc lại cho mọi người cùng nghe và tiếp tục xác định: “Phải thực hiện cẩn trọng; đưa tin phải trung thực, khách quan, luôn nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và đạo đức người làm báo…”
Đã gần 50 năm đất nước thống nhất, cuộc sống quanh ta luôn xuất hiện những tấm gương người tốt - việc tốt. Để kịp thời cảm ơn việc làm tốt của họ, tôi đã tích cực viết báo. Càng viết, càng khiến tôi như vui tươi hơn, trẻ khỏe hơn, quên đi nỗi đau của thương tật trong sự yêu thích nghề báo.
Trái tim người lính
Đặng Sỹ Ngọc
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tu-nhat-ky-chien-tranh-tro-thanh-nha-bao-nghiep-du-a15414.html