Một trong “Tứ trấn Thăng Long”
Đền Kim Liên toạ lạc tại số 148 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Sử sách tại đền Kim Liên viết, đền Kim Liên được coi là “Tứ trấn Thăng Long”, bởi tại đây có thờ vị thần được người dân tin rằng, đã che chở bảo vệ kinh thành Thăng Long (Hà Nội) yên bình, thịnh vượng từ xa xưa. Tứ trấn đó gồm: Đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ, trấn phía Đông; Đền Voi Phục, thờ thần Linh Lang Đại Vương, trấn phía Tây; Đền Kim Liên, thờ thần Cao Sơn Đại Vương, trấn phía Nam; Đền Quán Thánh, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn phía Bắc.
Ở các ngôi đền linh thiêng này, hàng năm đều được cử hành nghi lễ và mở hội. Đền Kim Liên thờ Thần Cao Sơn Đại Vương, nằm ở làng Đồng Lầm. Thời xưa, Đồng Lầm là vùng có tên Kim Hoa (Hoa Vàng), tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Đến đời vua Thiệu Trị vì kiêng tên huý của bà mẹ vua là Hồ Thị Hoa nên đổi tên Kim Hoa sang Kim Liên (Sen Vàng).
Đền nằm trên gò đất cao quay mặt về phía nam, kiến trúc kết cấu chữ “Đinh” (T) gồm bái đường 5 gian và hậu cung. Toà bái đường phần khung, cột sơn son thếp vàng, có nhiều bức chạm với kỹ thuật tinh xảo, phong phú. Hậu cung là nơi thờ Thần Cao Sơn Đại Vương, hai bên cạnh thần có hai nữ thần thờ phối, đó là Thuỷ Tinh đệ tam – Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh công chúa.
Trong các di sản quý báu của đền , nổi bật có tấm bia đá đồ sộ mang tên “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh” cao 2,43m – rộng 1,57m – dày 0,22m. Trán bia là rồng bờm lửa, trông như ánh lửa, uốn khúc yên ngựa. Tấm bia ghi về thần tích và bài minh ca ngợi thần, do sử thần Lê Tung soạn năm Canh Ngọ - Hồng Nhuận thứ 3 (1510). Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, mà đến ngày 1 tháng Trọng Thu năm Nhâm thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772), tấm bia mới được dựng. Tại Đền Kim Liên hiện còn 39 đạo sắc phong về thần. Hàng năm, nhằm vào ngày 16/3 Âm lịch, nhân dân Kim Liên mở hội truyền thống, nghi thức tế lễ báo đáp ơn thần.
Đến đền Kim Liên, chúng ta còn bắt gặp bức tường ở phía trước sân nối gian thờ Cao Sơn Đại Vương. Tấm bia có đường chỉ long vân, tức rồng mây, và có khắc hoa sen, hiện diện từ hàng nghìn năm trước còn lưu dấu lại. Phía trên bức tường là biểu tượng hổ phù ngậm thọ (chữ thọ). Những đường nét này đều có ở sập, và ở dưới chân ban thờ của đền Kim Liên.
Huyền tích về tấm bia lâu đời
Đền Kim Liên nằm ở con phố hướng ra phố Xã Đàn sầm uất, ngay gần bên UBND phường Phương Liên (quận Đống Đa). Phía trước đền có hồ bán nguyệt, ngày xưa, quanh đền còn có hai chiếc ao, trông như hai mắt rồng.Ông Phạm Gia Ngọc – Trưởng ban văn hoá xã hội, Phó trưởng bản quản lý di tích phường Phương Liên cho biết, đền Kim Liên được xây dựng và nằm trên mảnh đất được nhìn nhận như đầu rồng. Còn thần Cao Sơn vốn là một vị thần được nhắc đến từ nhiều trăm năm trước đó. Thần là vị thần quan trọng trong Điện Thần Việt Cổ.
Tại sao tại Đền Kim Liên lại thờ Thần Cao Sơn? Theo truyền thuyết kể lại, bởi thần Cao Sơn có công lao to lớn đã ngầm giúp vua Lê Tương Dực giữ vững nhà Lê. Để báo đáp, vua Lê Tương Dực đã giao cho học sĩ Bộ Lễ Thượng Thư – Tiến sĩ Lê Tung – Tế tửu Quốc Sử Giám vào kho sách nhà vua soạn thảo viết về công lao của thần Cao Sơn để là bia cho đền. Bia hai mặt chữ gồm 47 dòng, 1000 chữ (45 dòng mặt trước ghi công đức của Thánh Cao Sơn), 2 dòng mặt sau ghi tên của người khắc bia và viết bia). Bia chạm rồng. Có tài liệu viết, mặc dù bài soạn được soạn từ năm 1510, nhưng mãi đến năm 1772, thì bia mới được khắc.
Nội dung bia ca ngợi tài năng đức độ, sự linh thiêng của Cao Sơn Đại Vương, người có công lúc sinh thời và đã hiển thánh để giúp nước cứu dân, giúp Lê Lợi khởi nghĩa, giúp Lê Tương Dực lên ngôi vua. Kể về nguồn gốc tấm bia, có tích kể lại rằng, có một tảng đá lớn trôi ở bến Bồ Đề, dân vùng này thấy lạ, ra vớt nhưng không được, đến khi trôi về làng Kim Liên (Kim Hoa) thì có 4 cụ già mang 4 dải khăn điều ra vớt được một cách nhẹ nhàng. Và đây được coi là tấm bia được dựng ở đền Kim Liên.
Cao Sơn Đại Vương là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Cao Sơn Đại Vương theo Mẹ Âu Cơ lên núi ở. Thần đã cùng Sơn Tinh (tức thánh Tản Viên) chống lại Thuỷ Tinh mang lại sự bình yên cho muôn dân trăm họ và sau được thờ là vị thần thứ hai trong Đền Và (Sơn Tây). Theo bài minh và bài trần thuật trên bia, cũng như các tài liệu cho rằng, thời triều Lê, Lê Uy Mẫn (Uy Mục Đế) thất đức, hung bạo càn rỡ mưu đồ lật đổ vua Lê Tương Dực. Tháng 11 năm kỷ tỵ (1509), vua lánh nạn vào Tây Đô dấy nghĩa binh.
Bấy giờ các ngài Tước uy Quốc Công Nguyễn Bá Lân, Tước An Hoa Hầu Nguyễn Hoằng Dụ, Tứ Vệ Quân Vụ Sự Nguyễn Văn Lữ phụng mệnh mang quân đi chinh phạt, cầm cờ tiết mao trắng, vác búa hoàng kim. Khi đến địa phận huyện Phụng Hoá (nay là di tích đền Cầu Lão, xã Văn Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), liền thấy núi rừng rậm rạp, một dải mênh mông, sâu thẳm vô cùng, phía trên có ngôi đền, mái lợp tranh.
Trong đền dựng tảng đá có đề chữ “Cao Sơn đại vương”. Bọn Văn Lữ trông thấy lấy làm kinh dị bèn khấn cầu: “Đoan Khánh tàn ngược, dân không sống nổi. Mệnh trời và lòng người đều hướng về kẻ có đức, Thánh thượng hiện nay là cháu Thánh Tông, con Kiến Hoàng, nghĩ tới gian lao của tổ tiên dựng nghiệp, thương triệu dân bị khốn cực nên phải mưu việc xã tắc, dấy đạo quân trừ khử bạo tàn.
Bọn Văn Lữ chúng tôi, cùng giúp vua thánh minh, đem lại an ninh cho thiên hạ. Nếu thần linh thiêng, xin phù hộ từ cõi âm ngầm giúp hoàn thành nghiệp lớn. Đến ngày thành công, bọn Văn Lữ chúng tôi sẽ xin lệnh triều đình suy tôn rạng rỡ để tỏ rõ công ơn của thần”. Khấn xong ổn định đội ngũ, tề chỉnh kéo đi. Bề tôi và dân chúng bốn phương không hẹn nhau mà tụ hội lại, đem thức ăn tới khao đón quân vua.
Quân sĩ không phải gian lao máu dấy mũi đao, dân chúng được thoả lòng mong ước như nắng hạn được gặp mưa rào. Quét sạch bọn hung đồ, xua tan bóng giặc nơi cung cấm. Chuông đình muôn thủa càng dài lâu, uy linh miếu vững bền mãi mãi. Ba mối giềng, chín phép lớn trị thiên hạ, nhờ đó mà được chỉnh đốn. Nghiệp vua vận nước nhờ đó mà trở lại bình yên. Không đầy một tuần đã thành công nhanh chóng vậy, có lẽ do đạo đức của bậc vua thánh vốn gây được niềm tin, trời và người đều hưởng ứng mà quỷ thần cũng có phần giúp sức đó chăng?
Nhờ sự linh ứng này, mà sau thần Cao Sơn được thờ tại đền Kim Liên. Trải qua lịch sử thăng trầm của đất nước, đền Kim Liên vẫn giữ được cho mình nét cổ kính, rêu phong trong lòng thủ đô Hà Nội hiện đại. Năm 2018, đền Kim Liên được UBND thành phố Hà Nội công nhận là nơi lưu trữ tài liệu quý, hiếm. Đền cũng được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
(Bài đã đăng trên báo in báo Pháp luật Việt Nam)
Vũ Đoàn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/huyen-tich-tam-bia-lau-doi-tai-den-kim-lien-a15461.html