Những thằng oắt con (Ký ức tuổi thơ)

Mùa hè năm 1962 tôi và anh Hai vừa đi thăm anh Cả ở Hà Nội về, chiều lại được đi chăn trâu. Con trâu đã quen với chủ, tôi đã một mình đi chăn.

Sáu tháng trước đó, con trâu mới được Hợp Tác Xã phân cho gia đình tôi. Lúc đó nó hung hăng dữ tợn, vì mua nó ở tận đồng rừng mang về. Những ngày đầu mẹ tôi phải để chị Tư tôi đi chăn, vì sợ tôi còn bé khó điều khiển chăn dắt nó, tôi được đi theo để làm quen.

Hôm nay nó đã quen tôi. Tôi chỉ co chân trái lên kề vào chân trước nó, là nó đẩy người tôi lên ngon lành. Ngồi trên lưng trâu, tôi gõ nhẹ chiếc thừng lên vai nó và bảo: "Đi". Vậy là hòa vào cùng lũ trẻ ngồi trên lưng trâu hướng ra bờ sông Nhuệ.

dvh1e1a-1664334726.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Tôi đội cái mũ tây màu trắng ngà, mua ở Bách Hóa Tổng Hợp Bờ Hồ Hà Nội hôm qua, để khoe với lũ trẻ trâu, đứa nào cũng thích và thi nhau đội thử.

Đám trẻ chúng tôi hơn mười đứa. Đứa nhỏ nhất sáu tuổi, đứa lớn nhất mười bốn tuổi, đó là anh họ tôi. Ngoài chúng tôi ra còn có ông lão hơn sáu mươi tuổi, con trai đi cày về là chiều ông lại dẫn trâu đi chăn. Ông có một cháu gái, nhưng chiều cháu, không cho đi chăn trâu mà để cháu ở nhà phụ việc bố mẹ và học hành.

Ông hòa vào hội chăn trâu chúng tôi, tính ông rất vui, nhưng cũng rất nghiêm khắc. Khi cần xử lý những tình huống bất ngờ: Ví dụ như trâu ăn lúa, ông quát đứa nào ở gần đó, là đứa ấy phải ra đuổi trâu khỏi ruộng. Ông cứ gọi chúng tôi là "những thằng Oắt con", nghe vừa hài hước vừa có tính răn đe.

Chúng tôi thả trâu, từ phía Miếu Bơi đi ngược Thùng lò gạch. Đã đến lúc con nào con lấy đều no bụng, chúng thủng thẳng nhào xuống sông tắm mát. Lũ chúng tôi cũng lột bỏ quần áo chất vào một đống, rồi nhảy xuống sông bơi lội. Anh họ tôi lớn nhất dẫn đầu, tất cả bơi sang phía cầu cống thôn Triều Đông bờ bên kia, cách bên này khoảng hơn một trăm mét. Bên này chỉ còn lại ông lão và em bé sáu tuổi.

Chúng tôi lần lượt trèo lên cầu cống, và nhảy xuống sông thích thú. Trông những đứa bé, từ trên cầu lao chúi xuống sông thật vui mắt. Trời về chiều, gió nồm nam mát rượi càng thôi thúc khí thế bọn trẻ hăng say.

Bỗng có tiếng ông già kêu thất thanh từ phía bờ bên kia, nghe rõ mồn một: "Những thằng Oắt con ơi... Về nhanh cứu thằng em bé... nó chết đuối rồi"... Hơn mười đứa chúng tôi đều hô: "Về nhanh"! Những cánh tay nhỏ vươn hết tầm quạt nước. Ông già hết kêu chúng tôi, lại quay hướng về làng: "Ới làng nước bà con ơi... ra sông cứu người chết đuối..."

Chưa đầy một phút chúng tôi đã về đến nơi, bao quanh thùng lò gạch gần trăm mét vuông, đã ngập dưới nước. Thùng sâu nhất gần bốn mét. Anh họ tôi hỏi ông lão: "Em sa chỗ nào ông"? Ông lão: "Ngay chỗ mày đứng đó". Anh tôi lặn xuống vài giây, nhô lên: "Không có". Tôi nghĩ, có thể em bé vùng vầy lạng ra hố sâu. Tôi lặn xuống hố sâu nhất, tay quờ đúng em bé, nhưng hết hơi phải nhào lên, miệng gọi anh họ tôi: "Nó ngay chỗ này". Anh họ tôi chẳng nói chẳng rằng, lao xuống hố tôi vừa phát hiện, lặn mất hút như một chú dái cá. Chưa đầy nửa phút, anh đã nâng được em bé lên mặt nước. Phía trong làng vừa lúc ông chú họ tôi chạy ra đỡ em bé, gọn như một thủ môn bắt bóng. Chú họ tôi về nghỉ phép. Vừa đặt ba lô, nghe tiếng kêu cứu là chạy tắt cánh đồng ra ngay, còn nguyên vẹn chỉnh tề, mũ sao giầy dép. Chú là người trong làng chạy ra đầu tiên. Là bộ đội thời bình, chú đã đủ thời hạn phục viên, nhưng chú tình nguyện ở lại xây dựng quân đội.

Chú đặt em bé trên vạt cỏ, cho hai chân em duỗi thẳng. Tay chú nhanh nhẹn, lau bùn còn dính trên má em bé. Chú quỳ hai chân hai bên em bé, hai tay chú cầm hai tay em bé, nhịp nhàng ấn xuống ngực em. Chừng nửa phút, em ợ lên co mình miệng phun ra dòng nước. Chú cứ tiếp tục như vậy, cho nước trong người em trào ra, bụng em dần co lại.

Trong lúc chú làm động tác cấp cứu, ông lão đã kịp thời thông báo với mọi người, trong làng kéo ra mỗi lúc một đông. Ông bảo mấy chị thanh niên về lấy quần áo cho em bé, và một tấm chiếu ra để che gió cho em. Điều lạ là cấm người nhà em không được đến chỗ em cấp cứu. Mẹ em đến giữa đường, được hai chị thanh niên giữ lại, ngồi bệt xuống đường chu chéo thương con.

Được hai chị căng chiếu chắn gió, chú lại hà hơi thổi ngạt cho em, chú lấy hai ngón tay đưa lên mũi em. Em đã thở nhẹ được, chú bảo hai chị cuốn chiếu đưa cho chú đệm cho em, thay quần áo cho em. Để em trên chiếu chú gấp lại và bảo :"Cháu bé qua khỏi rồi, nhưng còn yếu lắm, tôi đưa về trạm xá, cấp cứu tiếp, bảo bố mẹ cháu yên tâm". Chú hai tay bồng em nằm gọn trong chiếu, đi tắt cánh đồng về trạm xá.

Anh họ bảo tôi: "Sáu cho trâu về hộ anh, anh phải đi theo chú để xem em thế nào". Vài người nữa cũng đi theo, còn tất cả tản về làng. Tôi cùng lũ trẻ trâu đi tìm trâu của mình, tôi đánh con trâu của anh họ tôi đi trước, ngồi trên lưng trâu của mình dong chúng về làng, trời vừa xẩm tối.

Vài hôm sau, em bé đã khỏe bình thường.Bố mẹ em mang lễ vật sang nhà Bác tôi, xin cho em làm "con nuôi" của anh tôi, nể lắm Bác tôi mới nhận, cũng do cái luật đời phải thế.

Thỉnh thoảng sau này, có việc mừng vui, có mặt anh tôi và em bé. Có những câu chúc tụng lúc cụng ly, ngồ ngộ vui vui: "Bố mười bốn có con sáu tuổi, một kỳ tích của làng". Tiếng hô "dô dô" lan tỏa khắp các bàn tiệc.

Chú họ tôi sau này là cán bộ phụ trách đường dây Hậu cần, đường Trường Sơn. Năm 1968 tôi gặp chú ở binh trạm 34 Lào. Anh họ tôi năm 1972 trong đơn vị tên lửa phòng không, đã bắn rơi pháo đài bay B52 trên bầu trời Hà Nội. Em bé năm 1974 cũng trưởng thành trong đội ngũ quân Giải phóng Miền Nam, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày Thống Nhất Đất Nước em đã trở về.

27/9/2022

N.Đ.D

Trái tim người lính

Nguyễn Đăng Dung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-thang-oat-con-ky-uc-tuoi-tho-a15468.html