Câu thơ của trò

Nghe chuông điện thoại reo vang...  A chị Ti, lâu lắm rồi chị mới gọi cho tôi. Tôi và chị khi còn trẻ chơi với nhau rất thân. Chúng tôi có một câu chuyện "bí mật" riêng chưa bao giờ nói ra, không ai biết được. Bây giờ chị to béo ra rồi và đổi tên khác. Tôi phải xin phép nhân vật để viết hôm nay.

242628160-1923312461163038-703588509755141942-n-1664338492.jpg
Ảnh minh họa

Ngày đó vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Trường của chúng tôi còn lợp ngói đơn sơ. Các lớp học xếp theo hình chữ u, đứng ở văn phòng có thể nhìn thấy tất cả những hoạt động ở ngoài mặc dù khoảng sân rất rộng. Tôi có đặc điểm mỗi khi trống ra lại đánh mắt về phía lớp mình chủ nhiệm. Hôm đó... Quái, trống ra năm phút mà sao cô trò chưa ra nhỉ? Tôi bước chậm lại cố ý chờ... À kia rồi! Chị Ti dạy địa đã ra, một tay cắp cặp một tay cầm tấm bản đồ đã cuộn. Chị giơ đầu tấm bản đồ về phía tôi có ý: Đứng đó chờ chị!

Chị hơn tôi năm tuổi, chị coi tôi như em gái nên rất hay xưng hô mày tao, tôi rất quý chị. Mọi người cho rằng chị khó tính nhưng riêng tôi thấy chị là một cô giáo chuẩn mực, nghiêm khắc mà tôi không có được. Chị nhỏ người nhưng cao vì vậy nhìn có vẻ khẳng khiu, khắc khổ. Bù lại mái tóc chị dài và óng ả, lúc nào cũng cặp gọn gàng thả gần đến kheo chân, tính tình rất cẩn thận. Chúng tôi đều chưa có gia đình. Nhìn mặt chị đỏ bừng có vẻ bực bội... Tôi nghĩ: Chết rồi lớp tôi lại gây ra chuyện gì đắc tội mới chị đây? Chị nhìn quanh không có ai, tôi càng hồi hộp chờ.

- Cô phải tìm ra nét chữ của đứa nào, bắt nó đến gặp tôi nếu cô không muốn trò của mình bị kỷ luật!

Tôi nghĩ sao mà nghiêm trọng thế? Chưa bao giờ chị xưng hô với tôi như này, tôi vẫn chờ... Chị rút trong cặp ra một tờ giấy, tôi mở ra nét chữ viết vội có một câu thơ lục bát thế này:

"Cô Ti mà chẳng có ti

Chúng con ở dưới lấy gì để tin".

Tôi cũng đỏ mặt và buồn cười lắm cố nhịn, sợ chị mắng nhưng tôi có bao giờ nhịn được đâu. Tôi đã nhận ra chữ của Tấn rồi, cái cậu này hay nghịch ngầm nhưng học vẫn tốt. Nhưng tôi giả vờ nói:

- Nó nghệch ngoạc thế này thì em cũng bó tay. Thế đã đứa nào đọc được chưa, mà sao lại lọt vào tay chị?

- Bắt đầu trống ra tao nhìn thấy nó bay đến mặt thằng Tú, tao bắt Tú đưa.

Tôi thở phào nhẹ nhõm tưởng gì. Nếu tôi là chị, tôi nhìn vào đám con trai là bắt bài được ngay đứa nào. Tôi nói với chị:

- Em xin chị việc này cho em toàn quyền xử chị nhé!

Chị vẫn bực

- Bắt nó viết kiểm đưa bố mẹ ký.

Tôi bảo chị:

- Thôi mà, em có cách của em.

- Mày phải nghiêm khắc cho trò nó sợ chứ . Suốt ngày để học trò nhờn!

Trống vào. Tôi chào chị và chúng tôi lại vào lớp. Tối hôm đó tôi xuống nhà chị chơi. May quá chị đang vui, chuyện trò tầm phào một lúc tôi bắt đầu vào chuyện chính sáng đó. Tôi hỏi chị đã hạ hỏa chưa thì em mới nói. Chị cũng cười. Tôi bảo chị: Cô giáo hay thầy giáo thì cũng là người mà học trò cùng là người, họ có quyền nhận xét về mình, có thể đúng có thể sai. Tờ giấy đó nó viết cho nhau cũng như nó nói chuyện với nhau. Nếu trong giờ học thì bắt nó tội làm việc riêng... Còn trống ra là giờ của chúng nó. Chị thu tờ giấy của nó khác nào mình nghe lỏm chuyện... Đừng bắt nó viết lại vào kiểm điểm cái "câu ấy" nữa (cười). Bọn con trai đang lớn, nó đang vỡ tiếng bắt đầu dậy thì, nó sẽ rất xấu hổ...vv...

Chị nghe nhưng vẫn mắng tôi để học sinh không sợ. Rồi truyền cho tôi một vài kinh nghiệm cách trị các trò cá biệt trong những năm qua của chị. Tôi bảo chị "Lớp em chẳng có trò nào cá biệt". Chị bảo "Ừ! chỉ có mày là cô giáo cá biệt thôi!". Chào chị tôi ra về mà lòng vui phơi phới.

Cuối năm đó chị lấy chồng và theo anh chuyển công tác vào Đồng Nai quê anh. Từ ngày công nghệ phát triển chúng tôi vẫn "gặp nhau". Hôm qua tôi đã xin phép chị để viết câu chuyện bí mật của chúng tôi như kỷ niệm nghề giáo.

 

Chuyện làng quê

Nguyễn Thị Kim Chi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cau-tho-cua-tro-a15472.html