Lúc còn đi nhà trẻ mẹ Hắc bảo: Con nhìn bạn Bạch kìa, nó sạch sẽ thế, nó có khóc đâu, có đòi mẹ đâu?
Đầu óc trẻ thơ của Hắc không lý giải được vì sao mình bị cô giáo hắt hủi, còn Bạch thì được thương hơn. Mãi sau Hắc mới hiểu, các bạn ngoan là những bạn bố mẹ thương đến thăm, có quan hệ với cô, những bạn chưa ngoan là do bố mẹ là công nhân, hay đón muộn, không thể đến thăm cô được.
Ấy là vì mẹ Bạch là mậu dịch viên bán ở cửa hàng thực phẩm mậu dịch quốc doanh, bà luôn ưu tiên cho cô miếng thịt nhiều nạc hơn, cân tươi hơn và nhất là không cần xếp hàng cả buổi mới mua được 0,25 kilogam thịt. Điều này Hắc biết là do nghe lỏm được mẹ bạn Hồng nói với mẹ bạn Tính.
Bạch sạch là do được cô lau rửa, vừa đến lớp đã được đón, cô vừa hôn lên má vừa bồng Bạch vào lớp. Còn Hắc được mẹ đưa đến, phải tự đi vào, đi chậm còn bị cô cầm tay lôi xềnh xệch, thế thì không khóc mới lạ. Lúc về cũng thế, Bạch được cô rửa tay, chải tóc, cưng nựng. Còn Hắc phải tự rửa tay, lỡ làm rơi nước ra sàn thì bị phạt úp mặt vào tường, để cô chăm bạn Bạch. Khi lớp không còn ai thì mẹ mới đến đón, như thế, Hắc không khóc mới lạ chứ?
Bởi vì mẹ Hắc là công nhân dệt, đã không có quà lại gửi nó rất sớm rồi đón muộn nhất lớp. Bé tí, nhưng nó hiểu thái độ khinh thường mẹ nó, của cô giáo khi cô bĩu môi nói:
- Con giai cấp lãnh đạo có khác, ngày nào cũng gương mẫu đến lớp sớm nhất, về muộn nhất. Chẳng như các thành phần tiểu tư sản, toàn đi muộn về sớm.
Khi hai đứa học cấp 1, cấp 2 cũng thế, mẹ Bạch cho con học thêm ở nhà cô, có quà nên nó toàn đạt điểm 9, 10 còn Hắc do bố dạy thêm nên dù bài tập làm đúng hết vẫn chỉ 6, 7 điểm với những lời phê thật khó hiểu như “Trình bày không đúng quy cách”, “Làm tắt”, “Dài dòng văn tự”... Cậu thương rưng rưng mắt, tự ngẫm:
“Thế mà mẹ cứ so sánh, sao không so việc nó toàn được ăn giò, chả trong khi Hắc chỉ được ăn khoai mà vẫn không đủ no”.
Có hôm Hắc ngửi thấy mùi giò nhà Bạch thơm quá, ra đầu gió hít ngửi bị mẹ bắt được tát cho mấy cái. Bạch cũng thương bạn, có hôm nó trộm một bọc tóp mỡ (đáng ra để cho con chó nhà nó ăn) mang cho Hắc để nhờ Hắc làm giúp cho mấy bài tập môn toán.
Đến khi học cấp 3, thằng Bạch đua việc hút thuốc và chơi bời nên học kém hẳn trong khi Hắc vươn lên. Cũng vì khi hai đứa học cấp ba, thời hoàng kim của Mậu dịch Quốc doanh đã hạ màn, mẹ Bạch không thể mua điểm hàng chục thầy cô giáo bằng cân điêu thịt lợn được nữa. Từ đấy mẹ Hắc không so sánh nó với Bạch nữa, vì bảng điểm của Hắc, dù toàn tự học nhưng long lanh hơn của Bạch nhiều. Cậu còn trêu mẹ:
- Mẹ ơi, thằng Bạch nó hút thuốc lá đấy, con phấn đấu học tập theo, mẹ nhé?
Mẹ lườm nó, bẹo tai cậu rồi thơm lên trán Hắc, bảo:
- Hì, mẹ biết chắc chắn con trai mẹ không hư hỏng như vậy đâu!
Dù vậy, cả hai đứa đều đỗ đại học do Bạch được cho học thêm, có 3 thầy dạy kèm riêng 3 môn, còn Hắc được xem ké sách của Bạch. Tuy nhiên Hắc đạt thủ khoa, làm lớp trưởng và có học bổng, còn Bạch chỉ vừa đủ vào trường học theo hệ mở rộng, phải nộp học phí cao.
Tốt nghiệp loại giỏi, Hắc được đi lao động hợp tác ở Nga, về nước lại được công ty nước ngoài tuyển dụng ngay khi Đất Nước vừa Đổi mới, lương thưởng cũng khá. Bạch được bố mẹ “chạy” cho vào công chức làm ở sở Thương nghiệp.
Điều không thể hiểu nổi là vợ chồng Bách quản lý lương thế nào mà dù thu nhập theo lương bằng 1/5 lương Hắc, nhưng Bạch hết mua ô tô lại làm nhà lầu, còn Hắc thì vẫn lẹt đẹt dù danh nghĩa lương nhận bằng USD rất cao.
Thế nên Hắc cứ bị vợ mang ra so sánh với Bạch:
- Xem bạn anh đấy, anh ấy chỉ tốt nghiệp trung bình mà xe LandCruser 3.5 bánh béo, nhà biệt thự như lâu đài vua chúa, còn anh tốt nghiệp bằng giỏi thì có gì, hả?
- Hì hì… Anh đang định hỏi em đấy. Rõ ràng lương anh gấp 5 lần lương anh Bạch và anh đưa cho em không thiếu một đồng. Chứng tỏ vợ anh ấy ăn tiêu giỏi hơn, em mang tiền đi cho giai, đúng không?
Vợ Hắc đấm thùm thụp vào lưng Hắc để xí xoá cái sự so sánh khập khiễng, vì cả hai vợ chồng đều biết lương thì như vậy, nhưng “lậu” thì Bạch gấp hàng triệu hay hàng tỷ tỷ lần Hắc. Đơn giản là Hắc có “lậu” bằng không, còn Bạch có là bao nhiêu mà chia cho không cũng bằng vô cùng cả.
Chỉ đến khi Bạch dính việc có con với một cô gái rồi sau đó bị kỷ luật vì sai phạm thì Hắc trêu lại vợ:
“Khó gớm, muốn có ô tô đẹp, nhà cao rộng mà phải kiếm thêm một cô nữa. Năng lực có hạn, mà khốn nạn vô cùng”.
Lần ấy, vợ Hắc đấm cho chàng một cái rõ đau, từ đấy anh mới yên và không bị mang ra so sánh với Bạch nữa, nhất là từ khi vợ chồng Bạch ly hôn thì vợ Hắc im như thóc.
Hắc hấp háy mắt hỏi vợ:
- Em không so anh với Bạch nữa à? Nó vừa có thêm đứa con ngoài luồng đấy, sắp tới nó sẽ còn cưới vợ mới nữa. Hí hí.
- Hức.
Giàu có cũng có thời, nghèo hèn cũng có vận. Con nhà Bách sống trong nhung lụa nhưng sau vụ bố mẹ ly hôn rồi bố mất chức thì lao vào cờ bạc, cá độ bóng đá, sau lại thêm ma túy nên thiêu sạch tài sản của bố mẹ, bản thân thì sống vật vờ như con ma đói.
Con nhà Hắc học hành chủ yếu ở trường và bố dạy thêm ở nhà chứ không có tiền đi học thêm, nhưng luôn đứng đầu, có được học bổng và tài trợ của công ty nước ngoài để làm tiến sỹ. Về nước, cả hai đứa con nhà Hắc lại làm thuê cho bọn tư bản giãy chết nên lương cũng khá, một đứa 1.700 USD, một đứa 2.100 USD mỗi tháng. Song chỉ tội năng lực lãnh đạo kém nên, suốt đời con nhà Hắc phải đi làm thuê, bị bóc lột đến tận xương tuỷ thôi.
Tết vừa qua hai đứa con góp tiền xây nhà cho bố “đẹp bằng nhà chú Bạch trước khi bán”. Chỉ có hai vợ chồng và bà nội nên họ cho thuê home-stay được mấy căn hộ, đủ chi tiêu cuộc sống của các bậc sinh thành.
Lão Hắc cùng vợ còn đi du lịch nước ngoài liên tục, để bù lại ngày xưa khổ ải.
Giờ Hắc không bị mẹ (giờ là cụ nội) và vợ (đã là bà nội) mang so sánh một cách nhục nhã với Bạch nữa.
Cuộc đời dâu bể thật.
Chuyện quê
Trương Thành Sơn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cuoc-doi-dau-be-a15526.html