Gặp lại thầy giáo

Hàng ngày đi về trên đường phố, tôi thường gặp một người đàn ông già yếu trông thật thân quen. Nhiều lần cứ nghĩ mãi không biết là ai?

Rồi một lần, tôi dừng xe kính cẩn hỏi:

- Xin lỗi trông bác vừa quen lại vừa lạ, không rõ đã gặp bác ở đâu?

Bác trả lời nhanh nhẹn, vui vẻ.

- Mình là Thưởng, đã từng làm giáo viên, rồi hiệu trưởng ở xã Đức Ân - Đức Thọ (Hà Tĩnh)…

dvh1abc1-1664675627.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Nghe tên Thưởng tôi đã nhớ ngay và xúc động muốn ôm lấy thầy. Thầy tên là Hoàng Văn Thưởng, đã từng làm giáo viên chủ nhiệm, rồi hiệu trưởng của trường tôi từ những năm 1965 - 1966. Thầy trò xa nhau đã hơn 50 năm, nay mới gặp lại. Tôi tự giới thiệu.

- Em tên là Ngọc, học sinh của thầy và xa thầy từ khi chiến tranh chống Mỹ...

…Những ngày ấy, bom Mỹ đánh vào địa phận gần trường. Mọi người đều lo sợ. Trường lớp phải sơ tán. Chính thầy đã chỉ huy học sinh chúng tôi làm hầm phòng tránh. Bàn ghế của từng lớp học được hạ tầng âm, mái che gần ngang với mặt đất, dưới những hàng cây xanh, mùa đông thì ấm, mùa xuân hè thì mát. Ngày ngày chúng tôi cắp sách đến lớp say sưa, vui nhộn, học. Thầy trò yêu thương nhau vô bờ bến. Hễ có một học sinh nghỉ học không có giấy xin phép của gia đình là thầy đến nhà tìm hiểu lý do. Thầy cô giảng bài, chúng tôi chăm chú lắng nghe. Ít khi học sinh chúng tôi làm thầy cô mất vui bởi tội lười học. Tình cảm của thầy là (tất cả vì học sinh thân yêu). Chúng tôi thật sự kính trong thầy.

Nhà nghèo, tôi phải học muộn. Năm 17 tuổi tôi mới vào lớp 8/10. Nhưng là học sinh ngoan của thầy, giỏi của lớp. Vì vậy thầy rất quý tôi. Đã từng hướng dẫn tôi vào Đoàn TNCS HCM. Sau đó thầy còn chỉ bảo cho tôi hiểu thêm về mục tiêu lý tưởng của Đảng, bởi lúc ấy thầy vừa là hiệu trưởng, vừa là Bí thư chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã. Có lần thầy động viên tôi rằng:

- Em hãy cố gắng học tập, công tác nêu gương tốt hơn nữa. Em đã sẵn có đạo đức tư cách và truyền thống gia đình yêu nước, được bạn bè cùng mọi người quý mến. Chắc chắn em còn tiến bộ hơn. Thầy mong em phát huy...

Tôi biết rõ thầy đang đạt văn để cho tôi được phát triển thành Đảng viên.

Đúng thời kỳ giặc Mỹ càng điên cuồng đánh phá ác liệt cả nước. Bác Hồ đã ra lời kêu gọi “…nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do…” Thanh niên cả nước theo lời Bác rầm rập lên đường chống Mỹ. Quyết tâm thực hiện khát vọng thống nhất nước nhà. Tôi tự làm đơn xin được nhập ngũ. Thầy thương tôi lắm, vì đã mồ côi bố, lại là con trai độc nhất của gia đình. Nhưng thầy cũng động viên tôi:

- Em đi cho chân cứng đá mềm, cố gắng lập công, đến ngày thống nhất Tổ Quốc, về học với thầy… cũng chưa muộn!

Đi bộ đôi xa trường lớp cùng thầy cô, bạn bè và gia đình quê hương. Tôi ngậm ngùi, tiếc xót bâng khoâng. Rồi lại nghe mọi người nói:

- Được đi đánh Mỹ như là được vào trường Đại học Tổng hợp.

Trên chặng đường hành quân (xẻ dọc Trường Sơn) đầy vất vả gian nan, tôi nhớ thầy cô bạn bè vô hạn. Vào những trận đánh đầy căng thắng quyết liệt. Hình ảnh cùng những lời động viên của thầy tôi không quên. Sau khi bị thương, những đêm dài điều trị ở quân y tôi khó ngủ, nhưng khi ăn ngủ được, tôi mơ thấy thầy cô, các bạn ở trường, ở lớp tung tăng mà rạo rực, bồn chồn như trẻ lại...

Thế mà đã trên 50 năm, nay gặp thầy, thấy thầy già yếu, tôi thương thầy như ruột thịt của mình.

Sau lần gặp đó, tôi tìm gặp một số bạn bè cùng lớp. (còn ít thôi vì tuổi chúng tôi đã xấp xỉ 70). Vào những ngày lễ tết như 20 tháng 11, 30 tháng 4. Đến thăm thầy ở xóm 01 xã Hưng Lộc Thành phố Vinh, Nghệ An. Trong ngôi nhà cấp 4 lợp ngói xây tường. Các thứ sinh hoạt được sắp xếp ngăn nắp. Thầy thường vui với các cháu. Vợ thầy cũng là giáo viên. Thầy có 4 người con (2 trai, 2 gái) đều vào các trường đại học. Đã có việc làm và đã có gia đình riêng. Chúng tôi chúc thầy mạnh khỏe. Kể chuyện cho thầy nghe những bạn bè của chúng tôi, học sinh của thầy đã theo lời thầy dạy, phấn đấu vươn lên; người làm cán bộ nhà nước, người cuốc cày mưa nắng. Và không quên những học sinh của thầy đã hy sinh vì Tổ Quốc trong thời kỳ chống Mỹ. Là lớp trưởng năm ấy, tôi kể lại cho thầy và các bạn nhớ. Lớp có 42 học sinh, nhiều người đi bộ đội, TNXP chống Mỹ. Khi kết thúc chiến tranh tại nghĩa trang quê nhà tôi đếm được 13 bạn trên bia tưởng niệm.

Thầy nói: lứa tuổi của lớp em là lứa tuổi tham gia chống Mỹ nhiều nhất, vì vậy thầy biết sự hy sinh của các em không ít. Thầy nhắc tên một vài liệt sỹ rồi rơm rớm nước mắt xúc động, thầy kể tiếp. Sau lần nhập 2 tỉnh Nghệ Tĩnh, thầy được điều về tỉnh uỷ làm công tác kiểm tra Đảng của ngành giáo dục. Nay thầy đã nghỉ hưu. Thầy chúc các em mạnh khoẻ, thầy mừng vì các em thành đạt.

Chúng tôi cảm ơn thầy và sẽ lắng nghe từng hơi thở của thầy… Đồng thời cũng nuôi dạy con cháu chăm ngoan, hiếu thảo và nguyện mãi mãi xứng dáng với thầy yêu thương.

Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/gap-lai-thay-giao-a15566.html