Kỳ 25.
XII. VAI TRÒ CỦA THỦY QUÂN VIỆT NAMTRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC
Thủy quân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của phong kiến phương Bắc
Sau nhiều lần bị quân dân Âu Lạc đánh bại, khoảng năm 179 trước công nguyên, Triệu Đà dùng mưu mô xảo quyệt kết hợp với quân sự mới thôn tính được. Đến năm 111 trước công nguyên, nhà Hán chinh phục được Nam Việt và Âu Lạc, tiếp theo là các triều đại Ngô, Tấn, Lương, Tùy, Đường kế tiếp thống trị nước ta 1000 năm. 1000 năm mất nước, mất độc lập tự chủ là 1000 năm nhân dân ta bị giết hại, bị áp bức, bóc lột đến tận xương tủy. Nền kinh tế bị kìm hãm và bị phá hoại nghiêm trọng. Bọn thống trị ngoại tộc lại ra sức thi hành chính sách đồng hoá văn hoá để hòng tiêu diệt văn hoá của dân tộc ta. Bị bóc lột tàn bạo về kinh tế, bị áp bức nặng nề về tinh thần là hậu quả của một dân tộc mất nước. Đánh đuổi bọn phong kiến ngoại tộc, giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết nhất của lịch sử Việt Nam trong thời kỳ đó. Giai cấp phong kiến Việt Nam là giai cấp tiên tiến thời kỳ ấy lĩnh trách nhiệm đứng ra tổ chức lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng tổ quốc.
Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử đó, những nhà lãnh đạo phong trào bấy giờ hiểu rằng phải có lực lượng vũ trang mới có thể tiến hành chiến tranh đập tan bộ máy bạo lực, ách thống trị của kẻ thù. Kinh nghiệm thất bại của Hai Bà Trưng vào những năm 40 đã chỉ rõ rằng trong khi xây dựng lực lượng vũ trang cần chú ý xây dựng cả lực lượng bộ binh và lực lượng thuỷ binh do điều kiện địa lý của nước ta qui định.
Trong cuộc kháng chiến giữ nước, chống quân Lương xâm lược, tháng 10 năm 546, sau khi bị thất bại ở thành Tô Lịch và thành Gia Ninh, được nhân dân ủng hộ, Lý Nam Đế kéo quân ra vùng hồ Điển Triệt (Đầm Vạc, Vĩnh Phúc) và đã ra sức xây dựng lực lượng thuỷ binh để mong phản công giành lại độc lập cho đất nước. Lý Nam Đế đã ra lệnh đóng rất nhiều chiến thuyền đậu đầy mặt hồ Điển Triệt làm cho quân Lương rất sợ hãi dao động.
Sau khi Lý Nam Đế mất, giao binh quyền cho Triệu Quang Phục. Ông cầm đầu một cánh quân rút về lập căn cứ ở Dạ Trạch (Khoái Châu, Hải Hưng) chờ thời cơ chống giặc. Đầm Dạ Trạch là một vùng đồng lầy rất rộng, cây cỏ um tùm, ở giữa là bãi đất nổi có thể ở được, đường đi vào bãi rất kín đáo, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc lướt trên đám cỏ nước thì mới tới được. Triệu Quang Phục đã dùng thuỷ quân hoạt động du kích, tiêu hao lực lượng địch, bồi dưỡng lực lượng nghĩa quân ngày càng mạnh, tích luỹ nhiều lương thực, bảo đảm chiến đấu lâu dài. Đến năm 550 nhà Lương có loạn to, tướng giặc Trần Bá Tiêu kéo quân về nước, chỉ để tứơng Dương Sàn ở lại. Chớp thời cơ đó, Triệu Quang Phục phản công, giết tướng Dương Sàn, chiếm Long Biên, giành độc lập.
Tiếp theo năm 772, Mai Thúc Loan khởi nghĩa chống ách thống trị của nhà Đường ở Hà Tĩnh. Ông lợi dụng địa thế vùng Sa Nam xây dựng căn cứ chống giặc. Cũng giống như căn cứ của Triệu Quang Phục, căn cứ của Mai Thúc Loan mà trung tâm là thành Vạn An nổi tiếng cũng vừa là căn cứ bộ binh và căn cứ thuỷ quân do việc lợi dụng địa hình sông núi để xây dựng. Dọc bờ sông Lam ở khúc hiểm sâu, nghĩa quân đắp một chiến luỹ dài 1000m, đó là thành Vạn An có rú đụn Huỳnh Sơn làm chỗ dựa, phía trong núi là dải thung lũng rất rộng làm nơi chứa lương thực vũ khí, phía ngoài ở sườn núi là đồn trại của bộ binh. Chung quanh căn cứ là sông Lam, bức hào thiên nhiên bảo vệ thành đồng thời cũng là khu vực của thuỷ quân hoạt động. Trong lực lượng vũ trang Mai Thúc Loan đã xây dựng bộ binh và đồng thời ra sức xây dựng lực lượng thuỷ quân để bước vào chiến đấu.
Nhìn lại quá trình xây dựng lực lượng để tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc, những vị anh hùng cứu nước ngoài xây dựng bộ binh đã chú ý xây dựng lực lượng thuỷ quân. Trong khi xây dựng căn cứ, họ thường dựa vào địa thế núi song kết hợp xây dựng căn cứ lục quân và căn cứ thuỷ quân, kế thừa truyền thống Cổ Loa.
Vai trò và tác dụng của thuỷ quân trong giai đoạn này do tương quan lực lượng không có lợi cho ta nên thường áp dụng lối đánh du kích tập kích để tiêu hao lực lượng địch, góp phần chuyển hoá tương quan lực lượng, đợi cơ hội phản công như thuỷ quân của Triệu Quang Phục và đã thành công. Nhìn chung, đó cũng chỉ là những mầm mống đầu tiên và là sản phẩm của các cuộc khởi nghĩa cho nên khi khởi nghĩa thất bại thì lực lượng vũ trang tan rã. Nhưng dù có tạm thời thất bại thì các cuộc khởi nghĩa càng bồi đắp cho ý chí dân tộc trưởng thành, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng lực lượng vũ trang cho cuộc đấu tranh tiếp theo sau. Thuỷ quân thời kỳ Âu Lạc, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan là tiền đề cơ sở cho thuỷ quân Bạch Đằng năm 399. Thuỷ quân ở hồ Điển Triệt, Đầm Dạ Trạch, căn cứ Vạn An là những cuộc tổng diễn tập để tiến tới trận thuỷ chiến Bạch Đằng nổi tiếng. Không có thuỷ quân thời Văn Lang, Âu Lạc, Hồ Điển Triệt, Dạ Trạch, Vạn An thì không có trận đại thắng Bạch Đằng. Đó là ý nghĩa và tác dụng to lớn trong quá trình phát triển của thuỷ quân ta theo với lịch sử thăng trầm của dân tộc.
Rõ ràng là như vậy, cuộc đấu tranh bền bỉ dẻo dai của nhân dân ta trong 1.000 năm là động lực mạnh mẽ thúc đẩy lịch sử dân tộc tiến lên dù bị ngoại tộc đàn áp, kìm hãm. Đến thế kỷ thứ 10, xã hội ta đã có nhiều biến chuyển lớn lao. Đồ sắt phát triển mạnh làm cho kinh tế phong kiến nội tộc dù bị phong kiến ngoại tộc kìm hãm vẫn phát triển mạnh mẽ. Đó là cơ sở vững chắc cho giai cấp phong kiến Việt Nam trưởng thành về ý thức chính trị và họ đòi hỏi phải lật đổ ách thống trị của phong kiến ngoại tộc, xác lập sự thống trị của phong kiến Việt Nam. Quyền lợi của giai cấp phong kiến khi đó phù hợp với quyền lợi dân tộc và họ sẽ là giai cấp đứng ra đảm nhận sứ mệnh lịch sử đó. Âm mưu đồng hoá của kẻ thù hoàn toàn thất bại, tinh hoa văn hoá của dân tộc được bảo tồn và phát triển. Trong quá trình đấu tranh dân tộc ta trưởng thành về mọi mặt chính trị, văn hoá, quân sự. Sức sống mãnh liệt của dân tộc ta là ở đó. Sức mạnh đó tạo tiền đề vật chất, tinh thần cho công cuộc giành độc lập ở thế kỷ thứ 10.
Trong những năm 907-960, đế quốc Đường suy yếu, nội tình Trung Quốc bị phân liệt thành cục diện năm đời mười nước. Chớp thời cơ khách quan thuận lợi, nhân dân ta lại đứng dậy quyết định vận mệnh của mình. Khúc Thừa Dụ và tiếp theo con là Khúc Hạo đã nổi dậy xây dựng một chính quyền tự chủ, kết thúc cơ bản 1000 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, đặt cơ sở cho độc lập dân tộc. Năm 930, đất nước lại rơi vào tay quân xâm lược Nam Hán. Người tiếp tục sự nghiệp giành độc lập là Dương Đình Nghệ, ông phản công đánh bại quân Nam Hán và một năm sau giành lại quyền tự chủ cho đất nước. Nhưng sáu năm sau, năm 937, Dương Đình Nghệ bị một viên tướng của mình là Kiều Công Tiễn giết chết để đoạt chức Tiết độ sứ. Lo sợ bị trừng trị, Kiều Công Tiễn cho người sang Nam Hán xin cứu viện để bảo vệ quyền lợi ích kỷ của mình.
Chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, cuối năm 938, vua Nam Hán phong con là Vạn Vương Hoàng Thao làm Giao Vương sai đem thuỷ quân sang xâm lược. Mặt khác, vua Nam Hán tự thân cầm quân đóng ở Hải Môn (huyện Bác Bạch, Quảng Đông) sẵn sàng tiếp ứng cho Hoàng Thao. Bên trong thì nội phản, bên ngoài thì giặc sắp vượt biên giới tràn vào, nền độc lập dân tộc vừa mới giành được lại bị đe doạ cực kỳ nghiêm trọng, một mất, một còn.
(Còn nữa)
CVL
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-25-a15574.html