Kỳ 27.
Đánh giá lực lượng quân ta, Ngô Quyền nhìn thấy chỗ mạnh cơ bản của quân ta là tiến hành một cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ngay trên đất nước mình, có một hậu phương vững chắc, có ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập của đất nước. Do đó, sức mạnh tinh thần của quân ta là tuyệt đối. Nhưng chỗ yếu của quân ta là kém địch về số lượng. Trong cuộc chiến tranh này rõ ràng quân ta phải lấy ít đánh nhiều, lấy một quân đội đông gấp bội về số lượng nhưng bạc nhược sa sút về tinh thần. Chỗ yếu của quân ta là không cơ bản, có thể khắc phục được.
Sau khi đã đánh giá toàn diện chính xác so sánh tương quan lực lượng ta và địch, Ngô Quyền định ra đường lối tiến hành chiến tranh. Có hai vấn đề đặt ra, một là quân ta tạm thời rút lui, tránh thế mạnh ban đầu của địch, sau đó nhờ thời gian quân ta tạo nên sự chuyển hóa tương quan lực lượng có lợi cho mình và phản công giải phóng đất nước. Hai là: tập trung lực lượng đánh tan đạo quân chủ lực xâm lược của quân Nam Hán là đạo thủy quân đang tiến vào sông Bạch Đằng. Ngô Quyền đã chọn cách thứ hai vì ông xét thấy quân ta dù ít về số lượng nhưng có thể khắc phục được bằng cách huy động sức mạnh của toàn dân vào cuộc chiến tranh, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, đồng thời hạn chế chỗ mạnh tạm thời của quân địch bằng cách triệt để lợi dụng vào địa thế, vào thiên nhiên xây dựng trận địa ngầm, dụ địch vào trận địa do mình chọn để tiêu diệt. Có như vậy mới chớp được thời cơ, giành được quyền chủ động. Khi đạo thủy quân chủ lực của Lưu Hoàng Thao đã bị tiêu diệt thì đạo bộ binh của vua Nam Hán tự khắc phải tan vỡ. Nếu lúc này mà lui quân thì hai đạo quân thủy bộ của địch sẽ hội được với nhau, lực lượng của địch càng mạnh lên, quân ta hoàn toàn mất quyền chủ động, bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt địch và có nguy cơ bị quân địch tiêu diệt. Do đó Ngô Quyền đã hạ quyết tâm chọn Bạch Đằng làm trận quyết chiến chiến lược và thủy quân là lực lượng nòng cốt để hoàn thành nhiệm vụ của chiến dịch: tiêu diệt hoàn toàn đạo thủy quân chủ lực của địch.
Diễn biến của trận thủy chiến hoàn toàn chứng minh sự phân tích và lãnh đạo đúng đắn của Ngô Quyền. Toàn dân đã tham gia lấy gỗ làm cọc bịt sắt xây dựng trận địa ngầm. Huy động toàn dân vào cuộc kháng chiến là một thành công lớn trong chỉ đạo chiến dịch của Ngô Quyền. Thủy quân ta đã triệt để lợi dụng thủy triều, địa thế, dụ địch vào trận địa do quân ta bố trí sẵn, phát huy cao độ yếu tố bất ngờ để tấn công. Tất cả những điều đó đã hạn chế ưu thế của địch về số lượng, làm cho địch đông chiến thuyền, binh sĩ mà bó tay bị tiêu diệt, làm cho quân ta số lượng và chiến thuyền tuy ít mà phát huy được cao độ sức mạnh, mãnh liệt tiến công tiêu diệt địch. Đó cũng là thành công lớn trong sự chỉ đạo chiến dịch của nhà quân sự kiệt xuất Ngô Quyền. Có thể nói Ngô Quyền với chiến dịch Bạch Đằng của thủy quân ta đã đặt nền móng vững chắc cho nghệ thuật quân sự lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít dánh nhiều. Kinh nghiệm đó đã được các tướng lĩnh lỗi lạc của dân tộc ta về sau kế thừa và phát huy một cách xuất sắc.
Về chiến thuật, thủy quân ta trong chiến dịch Bạch Đằng đã áp dụng chiến thuật phục kích để tiêu diệt địch. Nét độc đáo là ở chỗ lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang nhân dân ta đã thành công trong việc đánh bại kẻ thù không chỉ bằng du kích mà bằng cả đánh chính quy, đã phối hợp được tác chiến giữa bộ binh và thủy binh, đương nhiên do địa điểm của chiến trường mà thủy binh làm nhiệm vụ chủ yếu trong việc tiêu diệt địch. Chiến dịch Bạch Đằng là biểu hiện sự trưởng thành lớn mạnh về mọi mặt nói chung và về quân sự nói riêng của dân tộc ta. Chiến dịch Bạch Đằng với nghệ thuật quân sự tuyệt vời đã chứng minh một thực tế lịch sử: dân tộc ta có thể đánh bại bất cứ kẻ thù xâm lược nào nếu biết nhất trí và có đường lối chỉ đạo chiến tranh đúng đắn.
Trận thủy chiến Bạch Đằng năm 938 thắng lợi thật là rực rỡ mà ý nghĩa cũng thật là lớn lao đối với lịch sử dân tộc. Bàn về Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng, Lê Văn Hưu nhà sử học nổi tiếng đời Trần viết: "Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoàng Thao, mở nước xung vương làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể bảo là một cơn giận mà yên được giận, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương chưa lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu nhưng mà chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được"[1].
Thật vậy, đất nước ta sau hơn 1000 năm bị phong kiến phương Bắc xâm lược vừa mới giành được độc lập, sự tổ chức xây dựng đất nước về mọi mặt, nhất là về quốc phòng chưa được nhiều. Trong tình hình đó, sự xâm lược của quân Nam Hán với một lực lượng quân sự lớn, với kế hoạch tấn công hai đạo thủy bộ là một nguy cơ đe dọa nghiêm trọng vận mệnh của tổ quốc. Chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng cuối 938 là một trận tiêu diệt lớn lực lượng vũ trang của địch, do đó đập tan mưu đồ xâm lược của nhà Nam Hán, đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của chúng. Chiến thắng đó đã kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nước hơn 1000 năm của dân tộc ta, nhân dân ta giành lại được quyền làm chủ đất nước. Trên cơ sở ý thức dân tộc đã trưởng thành mạnh mẽ qua quá trình đấu tranh liên tục, lâu dài và gian khổ, Ngô Quyền và quân dân ta đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt. Với chiến thắng quân sự đó, Ngô Quyền đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử cấp thiết đề ra trong hơn 1000 năm là giải phóng dân tộc. Chiến thắng Bạch Đằng là một cái mốc kết thúc thời kỳ đen tối trong lịch sử dân tộc.
Chiến thắng Bạch Đằng cuối 938 cũng mở ra một thời kỳ mới một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Thời kỳ khẳng định một cách dứt khoát sự tồn tại vững chắc nền độc lập của đất nước, khẳng định dứt khoát sự xác lập của chế độ phong kiến với sự thống trị về chính trị của giai cấp phong kiến Việt Nam. Do đó, đây là thời kỳ phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, sự lớn mạnh của dân tộc Việt Nam, nâng cao ý thức làm chủ của dân tộc, làm chủ đất nước. Ngô Quyền người anh hùng của cuộc kháng chiến đã tiến một bước lớn trên con đường củng cố nền độc lập dân tộc. Với chiến thắng quân sự trên sông Bạch Đằng, mùa xuân năm 939 Ngô Quyền quyết định bỏ chức Tiết độ sứ của phong kiến phương Bắc và tự xưng Vương, thành lập một quốc gia độc lập đường hoàng, lấy Cổ Loa làm kinh đô của vương quốc. Đó là một việc làm có ý nghĩa lớn, khẳng định dứt khoát nền độc lập dân tộc, nêu cao truyền thống dựng nước và giữ nước lâu đời của dân tộc, biểu thị ý chí quyết giữ vững độc lập vừa mới giành được sau hơn 10 thế kỷ bền bỉ đấu tranh.
(Còn nữa)
CVL
[1] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư dẫn theo Lịch sử Việt Nam tập I trang 141.
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-27-a15606.html