Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Sinh Vật Cảnh một ngành kinh tế sinh thái nhiều triển vọng

Phát huy phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động những năm 60 của thế kỷ trước, trải qua hơn 30 năm các cấp Hội Sinh Vật Cảnh góp phần đưa Sinh Vật Cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái, khẳng định Sinh Vật Cảnh là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái. Để rõ hơn vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà báo Vương Xuân Nguyên, một người có trên 20 năm hoạt động và viết về đề tài này.

PV: Xin anh có thể giới thiệu Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào Tết Trồng cây do Người phát động những năm 60 của thế kỷ XX?

Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Người Việt tự ngàn đời đã gắn bó máu thịt với thiên nhiên. Thiên nhiên vừa là nguồn sống nuôi dưỡng con người cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tạo của con người. Thiên nhiên, môi trường sống quanh ta chính là quê hương gần gũi, là tâm hồn của mỗi con người, là bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền.

60 năm qua, từ phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động ngày 28/11/1959, thật đáng tự hào đông đảo các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn, những người sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ Sinh Vật Cảnh trong cả nước đã kiến tạo những không gian văn hóa mới trên mọi miền đất nước, góp phần "làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp", "làm cho cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện" như sinh thời Bác Hồ vẫn hằng mong.

Sinh thời Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta luôn coi trọng nếp sống giản dị, hòa đồng với thiên nhiên, gần gũi với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, đó như lẽ sống tự nhiên. Những ai đã từng được nghe, được đọc những mẩu chuyện do Bác kể, những tài liệu do Bác viết, thì ngay từ thuở ấu thơ đến thời trai trẻ ở trong nước đến khi bôn ba khắp các châu lục, cảnh quan thiên nhiên nơi Bác từng sống vẫn ẩn sâu trong tâm trí Bác gắn liền với đời sống con người nơi đó. Về nước sau 30 năm xa cách, ta đã biết Bác xúc động thế nào khi đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất quê hương, đất nước. Và rất dễ hiểu khi Pắc Bó hiện lên núi Các Mác, suối Lê-nin. Cảnh sắc thiên nhiên đã được Bác gửi gắm hoài bão, ý tưởng cách mạng của mình. Trong thời gian hoạt động bí mật cũng như trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đều yêu cầu các đồng chí chọn cho Bác nơi ở và làm việc gần rừng, gần suối và cũng không được xa cách với đồng bào. Khi ở chiến khu Việt Bắc, lán Bác ở, nhà họp của Bác đều gắn với khung cảnh thiên nhiên nơi đó. Có đất trống để trồng cây, trồng rau. Ngay bãi bóng chuyền, nơi tập thể dục cũng không ngoại lệ. Khi về Hà Nội, ta đã biết Bác sống tại đó mà hôm nay chúng ta có khu di tích nơi ở và làm việc của Bác trong Phủ Chủ tịch. Khu di tích đó không bao gồm các toà nhà lớn mà chỉ tính từ đường xoài đến vườn cây, ao cá và Nhà sàn Bác Hồ.

Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến lối sống hòa đồng với thiên nhiên

Chủ tịch Hồ Chí Minh và di sản của người còn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế, nhiều nhà nghiên cứu về Việt Nam, về Hồ Chí Minh đã viết và diễn giảng về Bác Hồ của chúng ta là một vị lãnh tụ, nhưng Hồ Chí Minh sống hết sức giản dị, giàu lòng nhân ái, Người mang tư duy của tương lai, luôn đi trước thời đại, không phải chỉ có về triết học, kinh tế, chính trị học mà trước hết là về thiên nhiên. Mấy năm gần đây trước nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu, các nước trên thế giới và Liên hiệp quốc đã đặt ra chương trình mục tiêu trồng hàng tỉ cây xanh, các bạn đã viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra Tết trồng cây từ nửa thế kỷ trước cho nhân dân mình”.

Từ những năm 1960 của thế kỷ trước, Bác Hồ đã thường xuyên khuyến khích các địa phương và nhân dân phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và tự mình tham gia trồng cây. Dặn dò mọi người biết giữ gìn và tu bổ vườn Bách Thảo, xây dựng công viên Thống Nhất, đường Thanh Niên. Bác còn dặn các tổ công tác, phái viên của Trung ương khi phát động chiến dịch 4 triệu tấn than, xây dựng các khu công nghiệp Thái Nguyên, Việt Trì, Hà Bắc - không chỉ coi trọng chất lượng, tiến độ của công trình, mà phải coi trọng an toàn lao động, điều kiện lao động và đặc biệt môi trường trong lành, dành nhiều diện tích trồng cây xanh, khai thác than xong phải phủ đất, trồng cây. Đối với tổ công tác được giao nhiệm vụ “chuẩn bị chống chiến tranh phá hoại của địch” từ Nghệ An đến Vĩnh Linh, Bác vẫn nhắc các địa phương chăm sóc rừng, trồng nhiều cây trên đồi, đất hoang cũng là tích cực chuẩn bị chống chiến tranh phá hoại của địch.

Bác Hồ với thiên nhiên là như vậy. Hòa đồng với thiên nhiên không chỉ vì cảnh sắc thiên nhiên đẹp mà chính vì cần môi trường sống trong lành. Có nhiều cây xanh, rừng rậm, bãi sú vẹt, rừng ngập mặn sẽ giảm bớt tai họa của bão lũ, khô hạn, sóng biển, triều cường. Nhất là ngày nay với nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu, tư duy của Bác Hồ về thiên nhiên, quan niệm về trồng cây xanh, về cách ứng xử với thiên nhiên của Bác càng gần gũi và thời sự hơn bao giờ hết đối với chúng ta.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên (bên phải) trao đổi về vài trò của Sinh Vật Cảnh trong phát triển Nông thôn

PV: Được biết tiếp nối phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động, sau năm 1989 có nhiều vị lão thành cách mạng quan tâm đến việt phát triển phong trào này thành một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái. Vậy anh có thể chia sẻ một vài quan điểm như vậy được không ạ?

Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Mùa xuân năm 1989, hơn 20 vị lão thành cách mạng viết đơn đề nghị với Đảng và Nhà nước về việc thành lập một tổ chức xã hội nghề nghiệp lấy tên là Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam với tôn chỉ và mục đích là tập hợp người hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ về sinh vật cảnh, góp phần xây dựng văn hóa, cảnh quan, sinh thái, môi trường. Tôn chỉ mục đích của Hội là tập hợp rộng rãi công dân và tổ chức Việt Nam tham gia các hoạt động nhằm giữ gìn, phát triển, nâng cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân trong lĩnh vực sinh vật cảnh, kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài, góp phần tích cực vào việc: Bảo vệ và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, văn minh.

Trong các văn bản trình cơ quan có thẩm quyền cho phép và nhiều cuộc hội thảo chuyên ngành sau đó, nhiều vị lão thành cách mạng đã có ý kiến làm rõ những nội hàm và ý nghĩa của hoạt động Sinh Vật Cảnh.

xua-1631294128.jpg
Nhà báo Vương Xuân Nguyên 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới biết đến một thiên tài quân sự, người anh hùng của một dân tộc anh hùng nhưng họ còn ngạc nhiên hơn khi biết ông noi gương Bác Hồ và các vị cách mạng tiền bối luôn coi trọng lối sống hòa đồng với thiên nhiên và yêu Sinh Vật Cảnh. Đại tướng cho rằng, con người là một bộ phận của thiên nhiên, phải sống hài hòa với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, biết làm chủ thiên nhiên để làm cho thiên nhiên là một nguồn sống của mình. Nếu con người tự tách mình ra khỏi thiên nhiên, nói cải tạo thiên nhiên mà lại đi với hủy hoại thiên nhiên thì đó là hành động trái với quy luật dẫn tới tai họa không thể lường hết được. Đại tướng khuyên chúng ta nên có kế hoạch vừa phát triển kinh tế gia đình vừa đi tới sản xuất lớn, tận dụng đặc điểm của của nước ta là nơi hội tụ nhiều nguồn động vật, thực vật, có nhiều loại cây, loại hoa,loại quả, có nhiều vùng đặc sản nổi tiếng, tận dụng những vùng có điều kiện thuận lợi như Đà Lạt, Ba Vì, Cúc Phương và nhiều nơi khác vốn có truyền thống trồng hoa, cây cảnh, nuôi chim, cá cảnh. Làm được như vậy thì ta vừa được kinh tế vừa được văn hóa. Muốn vậy thì ta phải có sự đầu tư vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, có sự tham gia của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và trước hết là làm sao để mọi người nhận thức được sâu sắc những giá trị về nhiều mặt của Sinh vật cảnh Việt Nam.

Đó cũng là niềm trăn trở của thế hệ các vị tiền bối cách mạng, nhân sĩ trí thức, nhà văn hóa, khoa học tiêu biểu của thế kỷ trước luôn trăn trở về việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng cuộc đổi mới, hội nhập phát triển nhanh, mạnh và bền vững mọi mặt của Đất nước. Sự ra đời của tổ chức Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam năm 1989, chính là kết quả của cả một quá trình nỗ lực ấy.

Đồng chí Trần Độ đã mô tả ban đầu về những khái niệm nội hàm của Sinh - Vật - Cảnh. SINH: là trồng cây, uốn cây, tạo thế, là phát triển các loài hoa đẹp, là nuôi chim hay, thú đẹp...VẬT: là những vật phẩm được sản sinh từ bày tay khéo léo tuyệt với, mang lại những tiện nghi và đặc biệt những cái đẹp phong phú và độc đáo cho cuộc sống con người. CẢNH: là cảnh quan thiên nhiên đẹp và lành, con người tìm đến để thưởng thức, hưởng thụ. Cảnh cũng là cảnh quan thiên nhiên thu nhỏ, do con người tạo ra để được gắn mình trong thiên nhiên. Cảnh có khi được tạo ra ở quy mô nhỏ như trong phòng, ngoài sân, lớn lớn hơn là những vườn hoa, những công viên, những công trình công cộng gắn với những công trình kiến trúc đồ sộ và nguy nga. Sống hài hòa với thiên nhiên là một lối sống làm cho con người được nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, có tâm hồn thanh cao và nhạy cảm, có lòng nhân ái, lòng yêu quê hương đất nước sâu sắc, thương mọi thứ và thương người, như vậy làm cho con người sống hạnh phúc và bản thân con người cũng phát triển tốt đẹp hơn".

Nhà báo Vương Xuân Nguyên (thứ hai từ trái sang phải) đang trao đổi với về thú chơi Sinh Vật Cảnh của người Việt

Nhà báo Trần Bạch Đằng lại viết: "Việt Nam là một đất nước đẹp. Phong cảnh đẹp. Nhiều hoa. Nhiều chim. Nhiều thú. Cái đẹp được chia đều từ Bắc vào Nam: miền cao, trung du, đồng bằng, ven biển và hải đảo. Núi và sông suối. Rừng và thác. Ruộng nương và bãi bồi... Cái đẹp Việt Nam là cái đẹp "thiên phú". Thật vậy, những công trình do con người tạo ra thưa thớt. Song cảnh sắc trời sinh lại vô cùng phong phú. Điều cần nói là nhiều chục năm qua, cảnh sắc ây chưa đi vào nội dung các giáo trình, ngay từ lớp mẫu giáo. Lòng yêu nước trước hết bắt nguồn từ tình cảm với núi sông cỏ cây, quê hương làng mạc, mái nhà, tình cha mẹ, anh em, láng giềng...".

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo lại nói về vai trò của người dân, người lính giữ gìn cảnh sắc của ông cha trong thời bình: "Giờ đây những người lính nơi đảo xa, rừng sâu núi thẳm, ngoài nhiệm vụ bảo vệ chế độ, đất nước còn có một nhiệm vụ không kém nặng nề, đó là bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ sinh vật, bảo vệ môi sinh...Nhận thức được điều ấy, sự ra đời của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam như một tất yếu".

Ngay từ rất sớm, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã ủng hộ việc phát huy mạnh mẽ vai trò to lớn của thiên nhiên, Sinh Vật Cảnh trong đời sống vật chất, tinh thần của con người và hướng tới xuất khẩu. "Trong thế giới ngày nay, Sinh vật cảnh có vai trò rất quan trọng trong việc chống ô nhiễm, nhất là là ở các thành phố và ở các xí nghiệp...Sinh vật cảnh sẽ góp phần đáng kể vào việc đấu tranh chống ô nhiễm môi trường sinh thái, một hiểm họa chung của loài người. Sinh vật cảnh cần phải có mặt một cách xứng đáng trong thành phố, trong các nhà cao tầng, trong cuộc sống của từng gia đình, trong cuộc sống của từng con người. Cần phải tạo ra một tập quán quy định mỗi gia đình phải có bao nhiêu cây cảnh, bao nhiêu thước vuông cây xanh. Sinh vật cảnh đang trờ thành một yêu cầu không thể thiếu được trong cuộc sống của mọi người. Sinh vật cảnh đang trở thành một ngành hoạt động kinh tế, tạo ra một nguồn thu nhập rất quan trọng cho những nghệ nhân và nhiều gia đình nuôi trồng sinh vật cảnh. Trên thế giới có những thành phố sống biệt lập với nông thôn, những thành phố này cần nhiều sinh vật cảnh. Đó là nguồn xuất khẩu có thể đem lại thu nhập quan trọng cho nước ta", đồng chí Nguyễn Cơ Thạch chia sẻ.

Trăn trở về vai trò của thiên nhiên trong đời sống vật chất, tinh thần và không ngừng bồi tụ nền văn hiến Việt Nam, Giáo sư Vũ Khiêu lại kiến giải: Thiên nhiên Việt Nam vừa là người mẹ hiền, vừa rất hào phóng, vừa rất nghiêm khắc. Dải đất bốn mùa xanh tươi của Việt Nam là một nguồn vô tận cho cuộc sống no đủ của mọi người. Nhưng cũng trên mảnh đất này lại diễn ra cảnh tượng bão lụt, hạn hán, luôn luôn hủy hoại mùa màng cướp đi cả tài sản và sinh mạng con người. Những thử thách lớn lao ấy đòi hỏi nhân dân ta phải có một khí phách kiên cường để "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa", duy trì cuộc sống của mình, đem lại sự giàu mạnh cho tổ quốc. Bao nhiêu công sức đã đổ xuống mảnh đất này, khiến một tấc đất không chỉ là tấc vàng mà còn là tấc lòng của nhân dân Việt Nam thắm đượm máu, nước mắt, mồ hôi của thế hệ này đến thế hệ khác. Con người cải tạo thiên nhiên nhưng thiên nhiên cũng cải tạo lại con người. Thiên nhiên trờ thành quê hương thân thiết, tổ quốc thiêng liêng của mỗi con người Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân đạo, khí phách anh hùng của con người Việt Nam đã được hình thành và không ngừng được nâng cao trong sự gắn bó bền chặt lâu đời ấy giữa thiên nhiên Việt Nam và con người Việt Nam. Chỉ trong sự gắn bó ấy mà thiên nhiên mang tính thảm mỹ và chứa đựng những cái đẹp thiên nhiên trong cuộc sống của con người.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên (bên trái) trao đổi về nghệ thuật tạo hình cây cảnh nghệ thuật của người Việt

Nhà báo lão thành cách mạng Đỗ Phượng đã tự nguyện gắn bó gần 30 năm cuối đời của mình cho sự nghiệp Sinh Vật Cảnh và hiện thực những khát vọng của các bậc tiền bối. Đó là đưa Sinh Vật Cảnh từ một thú chơi nhân văn tao nhã của ông cha thành một ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng. Ông luôn nhấn mạnh: Một đất nước bốn mùa cây trái, chim muông đều có thể sinh sôi, nảy nở, có núi cao, rừng rộng, gắn với biển với sông. Một đất nước đậm dấu ấn mấy ngàn năm lịch sử dựng nước, giữ nước. Mỗi gốc cây, hang đá, trảng cá, vườn chim đều gắn với những chiến tích, những danh nhân, truyền thuyết. Chính từ đó, sản sinh ra một nền văn hóa, nhân bản gắn với mỗi con người với môi trường thiên nhiên, tạo sức sống cho sinh vật cảnh Việt Nam. Những trí thức và nghệ nhân được nuôi dưỡng trong môi trường đó lẽ nào không tạo nên những tác phẩm sinh vật cảnh rất riêng, rất đặc trưng của dân tộc Việt Nam...Sinh Vật Cảnh phải là một nhánh cái trong chùm rễ văn hóa giàu bản sắc dân tộc của người Việt.

PV: Trong quá trình hoạt động của Hội Sinh Vật Cảnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Vậy anh có thể điểm qua một vài hoạt động như vậy?

Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Trong hành trình đó, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc giáo dục, động viên nhân dân giữ gìn, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời chú trọng phát triển sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị. Nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã làm việc và định hướng phát triển Sinh Vật Cảnh với tư cách một lĩnh vực của đời sống vật chất và tinh thần.

Trên cương vị Tổng Bí thư, Cố vấn BCH Trung ương Đảng, đồng chí Đỗ Mười đã có những chỉ đạo định hướng công tác này: "Đây là một lĩnh vực hoạt động có tác dụng tốt đối với đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân. Mong hội tích cực hoạt động mở rộng phong trào sinh vật cảnh ở khắp địa phương trong cả nước, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm ra nhiều sản phẩm sinh vật cảnh có hiệu quả và có giá trị nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của dân tộc".

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì nhấn mạnh: "Sinh vật cảnh mang ý nghĩa văn hóa truyền thống và tính dân gian phong phú ở mọi miền đất nước. Tôi hoan nghênh những người đã sáng lập Hội Sinh vật cảnh Việt Nam. Tôi hi vọng tổ chức Hội ngày càng mở rộng, pháy huy được nhiều tài năng, trí tuệ làm phong phú thêm cho vườn sinh vật cảnh Việt Nam. Tôi mong muốn mỗi cơ quan, đơn vị, các công trình công cộng cũng như mỗi hộ gia đình được trang trí các cây, vật cảnh để tạo cho cuộc sống thêm văn minh, giúp cho tinh thần thêm nhẹ nhàng thư giãn...".

svc12

Cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải lưu niệm với BCH Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam năm 2004

Đến dự kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam vào ngày 09/5/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải khi đó đã đề cập đến vai trò của sinh vật cảnh không chỉ góp phần tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận nhân dân mà còn góp phần giáo dục tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sống trong lành cho cán bộ, hội viên và nhân dân.

Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh: "Chúng tôi rất vui mừng vì chúng ta có hàng chục ngàn trang trại chuyên trồng hoặc trồng xen những vụ hoa, cây cảnh. Có hàng chục trang trại có quy mô từ vài héc ta đến 20 - 25 héc ta sản xuất hoa cây cảnh theo phương thức sản xuất tiên tiến. Hàng trăm ngàn lao động đã được thu hút vào sản xuất và làm dịch vụ sinh vật cảnh. Có nhiều điển hình đạt giá trị thu nhập cao từ sinh vật cảnh. Cũng như đồng chí Nguyễn Văn Trân vừa nói, có những gia đình chơi cây cảnh thu 50 triệu, 100 triệu, vài trăm triệu đến 800 triệu. Riêng ở Đà Lạt có cơ sở hàng năm thu 1 tỷ đồng trên một héc ta. Song điều có ý nghĩa trong hoạt động của Hội lại chính là tuyên truyền giáo dục trong hội viên và đông đảo nhân dân về tình yêu thiên nhiên, đất nước, nếp sống văn hóa trong ứng xử với thiên nhiên, sống hòa đồng với thiên nhiên, coi trọng giữ gìn và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, xây dựng môi trường sống trong lành, bảo vệ và tôn tạo danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đưa sinh vật cảnh vào bệnh viện, trường học, nghĩa trang liệt sĩ, gia đình, chùa, nhà thờ, tu viện, thánh thất...Tôi nghĩ đây là vấn đề quan trọng cho tương lai của chúng ta, thực sự tạo ra nhiều giá trị mới cũng là điều mong muốn của chúng ta hiện nay. Nhưng vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên, vấn đề đưa thành nếp sống văn hóa để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thì về lâu dài là vô giá đối với dân tộc Việt Nam...".

Cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành thời gian nói về tình hình kinh tế xã hội của đất nước và ông đặc biệt trăn trở về hướng thoát nghèo bền vững cho bà con nông dân, cũng như xem phát triển hoa cây cảnh là một hướng cần sớm được ưu tiên chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh: "Như các đồng chí đã biết, trong nông nghiệp đang đặt ra mục tiêu 50 triệu đồng/ha. Chúng tôi vừa làm việc với các đồng chí ở Bộ Nông nghiệp thì đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và nhiều nơi mới chỉ đạt 37 triệu đồng/ha. Nhưng cái khổ của Việt Nam là bình quân đất dai trên đầu người rất thấp như đồng bằng Bắc Bộ chỉ 300m2/đầu người nên nếu có đạt 50 triệu đồng/ha thì thu nhập vẫn thấp. Nên khi Hội Sinh Vật Cảnh mời tôi dự Hội nghị này tôi rất hăng hái. Bởi vì sao, nước mình người thì đông, đất thì hẹp, làm Sinh Vật Cảnh không chiếm diện tích lớn. Biết cách làm và làm giỏi, không cần diện tích nhiều mà thu nhập vẫn cao thì đó là một hướng đi tích cực cho đất nước chúng ta, cho nông nghiệp của chúng ta. Tôi lấy ví dụ người làm phong lan, có thể treo phong lan từ dưới đất lên tới nhiều tầng, phải tận dụng như vậy thì mới có thu nhập cao...".

Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hội, ngày 04/5/2009, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trương Tấm Sang đã làm việc với Thường trực Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Sau Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Thông báo số 485/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng. Thường trực Ban Bí thư xác định: "Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc giáo dục, động viên nhân dân giữ gìn, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời chú trọng phát triển sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị". Từ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Sinh Vật Cảnh đã được đề cập trong các văn kiện của Đại hội Đảng các cấp. Từ đó, chủ trương Sinh Vật Cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái được cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo.

svc100_1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu niệm với Ban Thường vụ Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam năm 2012

Ngày 19/12/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã ký nghị quyết liên tịch về phối hợp nhiệm vụ công tác. Từ văn bản Nghị quyết đã cụ thể hóa tinh thần chỉ thị của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Sinh Vật Cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao. Sinh Vật Cảnh được xác định là một ngành kinh tế quan trọng trong phát triển nông thôn. Từ đó tạo ra tiền đề để ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ Sinh Vật Cảnh phát triển với tư cách một ngành hàng kinh tế nông nghiệp được quan tâm, ưu tiên phát triển. Nghề sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh ngày càng phát triển, hàng trăm làng nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống được khôi phục, hình thành nhiều cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các loại hoa, cây cảnh, chim cảnh, cá cảnh với nhiều loại sản phẩm giá trị cao hàng tỷ đồng hoặc hàng chục tỷ đồng/sản phẩm và có xu hướng phát triển rộng với số lượng và chất lượng ngày càng cao, mang lại thu nhập khá lớn cho nền kinh tế của đất nước.

Ngày 18/5/2010, nhân kỷ niệm 120 năm ngày Sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam phối hợp cùng Tỉnh ủy Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ chủ tịch và một số cơ quan tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia "Bác Hồ với Thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh". Tham dự Hội thảo có Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc Hội Nước Cộng hòa xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, lãnh đạo một số Bộ, Ban ngành và hơn 200 nhà khoa học, nhân sĩ trí thức và lãnh đạo Hội Sinh Vật Cảnh các cấp. 

Hội thảo nhằm hệ thống tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững với định hướng của một cuộc cách mạng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, xây dựng Nông thôn mới qua phong trào Tết Trồng Cây do Bác Hồ phát động ngày 28/11/1959: "Làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp"..."Làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện. Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động thực sự được nhân dân và các thế hệ mai sau nhìn nhận là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái.

Tại Đại hội lần thứ 6 của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam vào năm 2017, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao những đóng góp, thành tích của tổ chức Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và hội viên trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, chú trọng phát triển sinh vật cảnh không chỉ là ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục tình yêu thiên nhiên đất nước của con người Việt Nam; thu hút du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước; duy trì sự đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái, tạo môi trường sống trong lành, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Đồng thời, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đã chỉ đạo trong thời gian tới, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cần phát huy tinh thần chủ động, đoàn kết, sáng tạo và những giá trị truyền thống quý giá của Hội trong 30 năm qua để tiếp tục “kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, đẩy mạnh phong trào, hướng tới tầm cao văn hóa và hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực". 

Nhà báo Vương Xuân Nguyên (bên trái) giới thiệu mọt số thành tựu Sinh Vật Cảnh với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc 

PV: Anh có thể điểm qua một vài kết quả cụ thể của hoạt động Sinh Vật Cảnh để giúp bạn đọc thấy rõ, ngày nay hoạt động này không chỉ là một thú chơi nhân văn tao nhã mà thực sự đã trở thành một ngành kinh tế sinh thái tiềm năng?

Nhà báo Vương Xuân Nguyên:  Từ truyền thống ngàn năm của ông cha, kết tụ qua phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ khởi xướng phát động và thăng hoa phát triển sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển ngành Sinh Vật Cảnh. Đây thực sự là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Một cuộc cách mạng đã thu hút hàng triệu người trên mọi niềm Tổ quốc chung tay nỗ lực góp phần cải thiện môi trường sống trong lành, phủ xanh đất trống đồi trọc, kiến tạo những không gian sinh cảnh và cùng với quá trình Đổi mới, Hội nhập và Phát triển đã mang lại diện mạo mới cho quê hương Đất nước.

Đến nay, Hội Sinh Vật Cảnh của các địa phương và cả nước đã có bước phát triển mạnh mẽ về tổ chức với trên 350.000 hội viên, hơn 6.000 chi hội, trong đó có khoảng 4.600 doanh nghiệp, hợp tác, trang trại, hơn 150.000 gia trại, nhà vườn sinh vật cảnh, hình thành trên 50.000ha vùng tập trung chuyên canh hoa cây cảnh, cá cảnh, nhiều vùng sản xuất hoa cây cảnh hàng hóa ứng dụng công nghệ cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đạt giá trị bình quân khoảng 285 triệu đồng/ha/năm. Hoạt động Sinh Vật Cảnh có đóng góp tích cực trong kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành Rau – Hoa – Quả hàng năm đạt trên 4 tỷ USD. Hoạt động này cũng đã giải quyết việc làm cho gần 4 triệu lao động, đóng góp tích cực cho mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn và vùng nông nghiệp ven các đô thị, là nhân tố mới, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới-đô thị văn minh.

Ngày nay, Sinh Vật Cảnh không chỉ còn là thú chơi nhân văn tao nhã mà thực sự đã trở thành một nét đẹp văn hóa, một mỹ tục mới trong nhân dân và đang trên đà trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân được Chính phủ tạo nhiều điều kiện phát triển theo Nghị định số 52/2018/NĐ - CP ngày 12/4/2018. Sinh Vật Cảnh đang có những đóng góp hết sức cụ thể trong chương trình xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh, trong đề án tái cấu trúc ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn anh!

Chuyên trang Hội nhập của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triểnhttps://vanhoaphattrien.vn/ có nhiệm vụ phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thông tin, giới thiệu những bài viết, công trình nghiên cứu chuyên sâu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Văn hóa gắn với phát triển xã hội. Thông tin chuyên sâu về các chuyên đề: Toàn cảnh hội nhập; Kết nối xanh; Dòng chảy văn hóa; Đồng hành Việt. Chuyên trang do Nhà báo, Thạc sĩ Vương Xuân Nguyên trực tiếp phụ trách.

 

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nha-bao-vuong-xuan-nguyen-sinh-vat-canh-mot-nganh-kinh-te-sinh-thai-nhieu-trien-vong-a1561.html