Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 28)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ28.                                                                                               

XII-VAI TRÒ CỦA THỦY QUÂN VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC

Vai trò của thủy quân trong công cuộc bảo vệ tổ quốc, đấu tranh thống nhất đất nước

I.Thủy quân trong cuộc kháng chiến chống Tống.

Trận thủy chiến Bạch Đằng cuối năm 938 mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam đưa đến sự ra đời của quốc gia phong kiến tập quyền độc lập. Cũng từ đó, cùng với bộ binh, thủy quân là một trong hai cánh tay vững chắc, là một lực lượng hùng mạnh để bảo vệ đất nước. Cách 40 năm sau chiến thắng Bạch Đằng, thủy quân ta lại lập công rực rỡ trong cuộc chiến tranh chống quân Tống xâm lược.

Vào những năm 960 nhà Tống được thành lập và hoàn thành việc thống nhất Trung Quốc. Đó là một triều đại cường thịnh của một quốc gia phong kiến lớn nhất Châu Á đương thời. Do đó nhà Tống tự coi triều đại của mình là thiên triều, có quyền cai trị các nước xung quanh.

dt1a-kcchong-tong-1664971244.png

Bãi cọc trên sông Bạch Đằng, nơi diễn ra trận thủy chiến giữa quân và dân Đại Cồ Việt với quân Tống năm 981. Ảnh: baotanglichsu.vn

 

Trong khi đó, tình hình chính trị nước ta lại không ổn định. Đinh Tiên Hoàng sau khi đánh bại 11 sứ quân thống nhất đất nước và đang tiến hành công cuộc xây dựng đất nước thì bị ám hại năm 979. Con trai thứ của Đinh Tiên Hoàng mới 6 tuổi lên làm vua. Nội bộ triều đình xảy ra nhiều cuộc xung đột. Các thế lực phong kiến thù địch ra sức tiến hành âm mưu lật đổ triều đình. Nhân cơ hội đó nhà Tống phát động chiến tranh xâm lược nước ta. Kế hoạch xâm lược của nhà Tống là dùng hai đạo quân thủy bộ cùng tiến sang phối hợp với nhau, tạo thành gọng kìm tiến đánh kinh đô Hoa Lư, đánh tan quân đội nhà Đinh và thống trị nước ta. Thực hiện âm thâm độc đó, đầu năm 981 lục quân và thủy quân Tống ào ạt tràn sang đánh phá nước ta. Lục quân từ Ung Châu (Quảng Tây) theo đường Lạng Sơn tiến vào. Thủy quân từ Quảng Châu (Quảng Đông) rầm rộ vượt biển tiến sang. Đội quân viễn chinh xâm lược đặt dưới quyền chỉ huy của viên danh tướng vương triều Tống là Hầu Nhân Bảo. Như vậy mấu chốt cơ bản của kế hoạch xâm lược là làm sao phối hợp được hai đạo quân bộ binh và thủy binh cùng tiến vào vây hãm kinh đô Hoa Lư. Sở dĩ nhà Tống phải huy động một lực lượng quân sự lớn và chia làm hai đạo phối hợp tiến công kinh thành Hoa Lư vì kinh thành Hoa Lư ở vào nơi núi non hiểm trở, rất lợi hại về mặt phòng ngự.

Vận mệnh của dân tộc bị đe dọa hết sức nghiêm trọng. Vua Đinh còn ít tuổi, không đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo kháng chiến. Trước tình hình đó, quan lại và quân sĩ suy tôn Lê Hoàn là một người có uy tín đang giữ chức Thập đạo tướng quân, tổng chỉ huy quân đội lên làm vua lập ra triều Tiền Lê để lãnh đạo tổ chức quân dân kháng chiến chống xâm lược.

Nắm chắc kế hoạch và đường tiến quân của hai đạo quân thủy bộ của quân Tống, Lê Hoàn biết rằng ông không thể ngồi đợi quân giặc ngay tại kinh thành Hoa Lư, chờ cho hai đạo quân Tống tiến đánh, quân ta tổ chức phòng thủ và khi quân địch đã mỏi mệt thì sẽ phản công chiến lược tiêu diệt địch. Lê Hoàn biết nếu theo kế hoạch này thì vận mệnh của dân tộc, của quân đội sẽ vô cùng nguy hiểm. Chắc gì kinh thành Hoa Lư sẽ phòng thủ được dù ở vào địa thế hiểm trở, ai dám loại trừ khả năng quân thù có thể hạ được kinh đô và một khi như thế thì kháng chiến có thể thất bại. Thứ hai, nếu ta tổ chức phòng thủ tại Hoa Lư thì quân ta hoàn toàn mất quyền chủ động, lâm vào tình trạng bị động, phòng ngự đơn thuần. Một đội quân mất quyền chủ động, phòng ngự đơn thuần thì sẽ thất bại và nguy cơ bị tiêu diệt. Hơn nữa ngồi phòng thủ tại Hoa Lư tức là để cho quân địch hoàn thành cơ bản về kế hoạch chiến dịch và qua đó mà hoàn thành chiến lược của chúng.

Lê Hoàn biết rằng muốn phá được quân giặc phải phá tan được kế hoạch cơ bản của chúng là phối hợp hai đạo quân thủy bộ, phải tiêu diệt lực lượng vũ trang của chúng trước khi chúng tiến sâu vào nội địa nước ta. Làm cho hai đạo quân thủy bộ của chúng không thể phối hợp được với nhau cùng tiến vào Hoa Lư. Để thực hiện mục đích đó của chiến dịch, Lê Hoàn đã căn cứ vào điều kiện cụ thể của chiến trường mà trao nhiệm vụ cho bộ binh và thủy quân. Bộ binh có nhiệm vụ phục kích ngăn chặn bước tiến tiêu diệt quân thù trên đường tiến quân của chúng. Thủy binh có nhiệm vụ ngăn chặn tiêu diệt thủy quân của địch không cho chúng tiến sâu vào nội địa phối hợp với bộ binh. Như vậy thủy binh trong chiến dịch này đã giữ vai trò chủ lực ngang với bộ binh để cùng với bộ binh hoàn thành nhiệm vụ của chiến dịch.

Để tăng thêm sức mạnh phòng thủ và sức mạnh của thủy quân ta, tăng thêm ưu thế kiềm chế địch, Lê Hoàn đã phát huy sáng tạo chiến thuật 40 năm trước của Ngô Quyền trong trận thủy chiến oanh liệt Bạch Đằng 938. Ông sai quân sĩ đóng cọc ở sông Bạch Đằng để ngăn chặn chiến thuyền quân địch.

Cuộc chiến tranh Việt- Tống bắt đầu. Cuối mùa xuân 981 trên mặt trận thủy chiến ở sông Bạch Đằng, thủy quân ta đã chiến đấu với thủy quân địch bằng nhiều trận đánh ác liệt. Tuy quân Tống từ ngoài biển ào ạt đánh vào cửa sông Bạch Đằng hòng phá vỡ phòng tuyến phòng ngự, tiêu diệt lực lượng thủy quân ta để tiến sâu vào phối hợp với bộ binh cùng vây hãm kinh thành Hoa Lư. Thủy quân ta dù số lượng chiến thuyền và chiến sĩ có ít hơn địch nhưng chiến đấu với một tinh thần dũng cảm khiến quân địch phải khiếp sợ. Thủy quân ta không những giữ vững phòng tuyến của mình mà bằng tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường đã đánh bại nhiều đợt xung phong của thủy quân địch, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Chớp thời cơ thủy quân ta liền chuyển sang phản công truy kích địch. Thủy quân Tống tan vỡ phải rút lui.

Trong khi thủy quân ta chiến đấu dũng cảm thu được thắng lợi oanh liệt thì ở mặt trận phía Bắc bộ binh địch tiến đến Chi Lăng (Lạng Sơn) bị quân ta đánh cho thiệt hại nặng, lại không phối hợp được với thủy quân nên càng gặp khó khăn. Quân ta tấn công đánh bại địch và chuyển sang truy kích tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Như thế là trên cả hai mặt trận hai đạo quân xâm lược của nhà Tống hoàn toàn thất bại, đại tướng tổng chỉ huy quân đội viễn chinh là Hầu Nhân Bảo bị giết chết, nhiều tướng khác bị bắt sống. Trước tình hình đó, triều đình nhà Tống buộc phải ra lệnh bãi binh thừa nhận sự thất bại nhục nhã của đạo quân viễn chinh.

Chiến thắng quân sự ở mặt trận phía Bắc và trên mặt trận thủy chiến Bạch Đằng đã đánh bại nguy cơ xâm lược của nước ngoài, giữ vững độc lập cho đất nước. Trên cơ sở đó năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua lập ra triều Lý đã ra sức xây dựng chế độ trung ương tập quyền theo lối chính quy, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của quốc gia phong kiến độc lập. Năm 1010 nhà Lý thiên đô từ Hoa Lư ra Thăng Long là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của vương quốc. Đặc biệt nhà Lý đã ra sức xây dựng quân đội. Với chính sách nghĩa vụ binh dịch, với chế độ đăng ký hộ khẩu, đặc biệt là chính sách "ngụ binh ư nông"[1] đã cho phép nhà Lý xây dựng một đội quân hùng hậu bao gồm quân số tại ngũ và thanh niên quân dịch có thể huy động nhanh chóng bất cứ lúc nào. Quân đội nhà Lý đạt đến trình độ tổ chức rất cao bao gồm nhiều binh chủng. Ngoài các loại vũ khí trước kia như giáo, mác cung tên, nhà Lý còn chế ra máy bắn đá đã làm cho quân thù sau  này  phải khiếp sợ. Thủy quân trong thời kỳ này đã là một lực lượng hùng mạnh về chiến thuyền, chiến sĩ và trang bị. Với bước phát triển mới, thủy quân ta đã đánh bại thủy quân Tống trong cuộc đọ sức lần thứ hai.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] Nghĩa là: gửi quân lính ở nhà nông.

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-28-a15624.html