Ngày hội có sự tham gia của gần 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đến từ 12 tỉnh (gồm Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Yên Bái). Đồng thời, giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch; tạo không gian văn hóa để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Khẩu hiệu và mục tiêu đề ra rất rõ ràng, nhưng thực hiện được đến đâu và kết quả của nó ra sao chúng ta lại phải tiếp tục bàn?
Cách đây 5 năm, khi ngày hội văn hoá Dao lần thứ nhất được tổ chức tại Tuyên Quang, cách ngày tổ chức gần 2 tháng, tôi đã được Bộ Văn hoá, Viện Văn hoá gọi điện nhờ tư vấn và mời những người Dao trí thức có hiểu biết sâu rộng về vốn văn hoá Dao tham dự chương trình và tham góp ý kiến cho chương trình. Tôi nói rõ chúng tôi là thế hệ trẻ, nhiều điều có thể hiểu chưa thấu, chưa tường tận nên dứt khoát phải mời bác Triệu Kim Văn, bác Phuc Luong Dang và một số thầy cúng bậc sư phụ tham vấn cho chương trình. Vậy là Bộ, Viện uỷ quyền luôn cho tôi mời các bậc cao nhân của người Dao tham dự và đóng góp ý kiến cho chương trình. Tôi gọi điện mời từng người một, ai cũng háo hức, hồ hởi tham gia mà không có bất kỳ yêu cầu đòi hỏi gì! Kết quả là thành công ngoài mong đợi, một hội thảo khoa học được tổ chức ngay trong những ngày diễn ra hội, tất cả các ban nghành đều được nghe đóng góp và hiểu sâu về văn hoá tộc người. Màn trình diễn khai mạc ngày hội ngoài việc giới thiệu chương trình, tiết mục bằng tiếng Kinh thì các màn trình diễn được diễn đúng bằng ngôn ngữ Dao.
Quay trở lại ngày hội Văn hoá Dao lần thứ 2 tại Thái Nguyên thì sao?
Thứ nhất: Màn khai mạc được trình diễn hầu hết bằng tiếng Kinh và diễn viên trong màn khai mạc tôi phỏng đoán có lẽ đến 98% là người Kinh trình diễn.
Thứ hai: Các nghệ nhân Dao chuẩn bị tiết mục trình diễn thì không được trình diễn trên sân khấu lớn mà tự thi thố với nhau ở một sân khấu nhỏ chuẩn bị sơ sài trong một góc Bảo tàng Dân tộc Thái Nguyên. Buổi trình diễn đó tự các đoàn trình diễn, tự xem vì không có khán giả đến xem và cổ vũ vì có người Dao nào biết đâu mà đến tham gia cổ vũ?
Thứ ba: Tất cả những người ngồi trong BGK để chấm các tiết mục thể hiện văn hoá Dao đặc sắc không có ai là người Dao, những tiết mục này được BGK chấm thiếu cơ sở thực tế, nên gây ra sự bất bình trong các đoàn nghệ nhân tham gia. Chính điều này đã dẫn đến hệ luỵ của điều thứ 4 mà tôi trình bày sau đây.
Thứ tư: Có nhiều đoàn trình diễn, BGK thấy họ hát hay, múa dẻo nên chấm giải cao, nhưng BGK cũng không hề biết nhiều đoàn hát hay múa dẻo ấy là lấy văn công của tỉnh tập những điệu múa hát na ná của người Dao để đi thi, còn những người Dao thật điệu múa, lời hát của họ thô mộc, không được mượt mà như chính họ thì bị ở nhà không được tham gia.
Tạm thời tôi đưa ra 4 điểm như trên trước đã, sẽ còn các kỳ tiếp theo, vì cho đến nay chưa thấy một cơ quan có trách nhiệm nào lên tiếng về cái được và cái chưa được của ngày hội văn hoá Dao lần thứ 2.
TS. Bàn Quỳnh Giao
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/noi-tiep-ve-ngay-hoi-van-hoa-dan-toc-dao-lan-thu-2-tai-thai-nguyen-a15636.html