Kỳ 29.
XII-VAI TRÒ CỦA THỦY QUÂN VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC
Thất bại nhục nhã năm 981 có làm chùn ý chí xâm lược của nhà Tống một thời gian nhưng với sức mạnh của một quốc gia phong kiến lớn, chúng vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta. Khoảng giữa thế kỷ thứ 11 tham vọng đó lại cháy bùng kích động nhà Tống xâm lược. Ngoài mục đích chiếm nước ta, cuộc xâm lăng lần này triều đình Tống còn mong giải quyết mâu thuẫn giai cấp trong nước đã cực kỳ gay gắt, mượn chiến tranh để đẩy mâu thuẫn ra ngoài, mượn thắng lợi quân sự để uy hiếp các nước Lưu, Hạ đang đe dọa cương vực phía Bắc của nhà Tống. Cho nên cuộc chiến tranh với Đại Việt lần này mang những mục đích chính trị to lớn, có một tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sự mất còn của phe cải cải cách và là phe chủ chiến do tể tướng Vương An Thạch cầm đầu.
Chính vì tầm quan trọng như vậy cho nên triều đình Tống chuẩn bị cuộc xâm lược lần này rất chu đáo thận trọng. Rút kinh nghiệm trước đây, để cho quân đội viễn chinh phải hành quân quá xa hậu cứ, lần này nhà Tống đã ra sức xây dựng, biến thành Ung Châu (Nam Ninh - Quảng Tây), căn cứ thủy quân Khâm Châu, Liêm Châu và các trại sát biên giới vùng Đông Bắc nước ta thành các căn cứ quân sự hậu cần làm nơi xuất phát trực tiếp cho các đạo quân xâm lược. Tại các căn cứ đó, các tướng của triều đình Tống được lệnh phải tích trữ lương thực, bắt lính, đóng chiến thuyền và tổ chức lực lượng quân sự. Triều đình Tống còn ra sức mua chuộc các tù trưởng vùng biên giới nước ta xúi giục nội phản. Sứ thần Tống đã tới Vương quốc Chiêm Thành xúi giục, quấy rối biên giới phía Nam của Đại Việt. Thành Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu và các căn cứ quân sự khác của nhà Tống đã trở thành mũi dao nhọn sẵn sàng phóng vào cơ thể quốc gia Đại Việt.
Triều đình Thăng Long theo dõi chặt chẽ âm mưu xâm lược của nhà Tống. Chiến tranh như đám mây đen hung hãn tụ tập bên kia biên giới sắp sửa tràn vào. Nhà Lý dùng sức mạnh quân sự khuất phục Chiêm Thành, ổn định biên giới phía Nam, củng cố khối đoàn kết dân tộc để bước vào kháng chiến. Lý Thường Kiệt với cương vị Phụ quốc Thái úy nắm giữ tất cả binh quyền trong triều đình, là người trực tiếp đảm nhận sứ mệnh tổ chức lãnh đạo kháng chiến.
Lý Thường Kiệt là một người hiểu sâu sắc binh thư, là một tướng lĩnh kiệt xuất nhất của dân tộc ta thời đó. Ông là người kiên quyết, mạnh bạo, quán triệt sâu sắc tư tưởng tiến công để tự vệ. Do đó, ông chủ trương không bị động ngồi chờ quân giặc tới mà phải chủ động tiến công trước để đẩy kẻ địch vào thế bị động ngay từ đầu, tạo ra điều kiện có lợi nhất của cuộc kháng chiến ở giai đoạn sau. Lý Thường Kiệt nói: "Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc". Thực hiện tư tưởng chiến lược đó, ông vạch ra một kế hoạch táo bạo là tổ chức một cuộc tập kích thẳng sang đất Tống, tiêu diệt các căn cứ quân sự xâm lược của kẻ thù rồi nhanh chóng quay về bố trí phòng thủ đất nước. Mục tiêu của cuộc tiến công là các trại biên giới của quân Tống, các căn cứ ở cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu và chủ yếu là thành Ung Châu.
Chiến dịch tập kích được Lý Thường Kiệt bố trí một cách chu đáo, linh hoạt, thể hiện tư tưởng chiến lược tích cực lấy tiến công để tự vệ. Ông huy động 10 vạn quân cho cuộc tập kích, lực lượng này chia làm hai đạo để tiến công. Đạo quân bộ hầu hết là quân lính các dân tộc thiểu số và các tù trưởng như Tôn Đản, Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An và phò mã Thân Cảnh Phúc chỉ huy. Đạo quân này tập trung sẵn ở một địa điểm dọc biên giới và khi có lệnh phối hợp với thủy quân bất ngờ tiến công các trại biên giới của quân Tống. Trong chiến dịch này, Lý Thường Kiệt trao cho thủy quân làm nhiệm vụ của một đạo quân chủ lực và trực tiếp do ông chỉ huy. Đạo thủy quân chủ lực này tập trung ở châu Vĩnh An (Móng Cái) rồi vượt biển đổ bộ đánh chiếm Khâm Châu, Liêm Châu, sau đó cùng phối hợp với bộ binh tiến công thành Ung Châu.
Ngày 27-10-1075 cuộc tiến công vào đất Tống bắt đầu, trong khi đạo quân bộ chia thành nhiều mũi vượt biên giới đánh phá các trại quân Tống thì đạo thủy quân chủ lực dưới quyền chỉ huy của Lý Thường Kiệt vượt biển đánh chiếm các cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu. Cuộc tấn công rất bất ngờ, mãnh liệt khiến quân Tống thất bại nhanh chóng. Sau khi chiếm được Liêm Châu, Khâm Châu, thủy quân ta đổ bộ tiến sâu vào đất Tống cùng với đạo quân bộ tạo thành hai gọng kìm tiến lên vây hãm thành Ung Châu.
Ung Châu là một thành lũy được xây dựng rất kiên cố, quân Tống do tướng Tô Giám chỉ huy lại kiên quyết cố thủ để chờ viện binh từ phương Bắc xuống cứu viện. Cuộc chiến đấu giữa quân ta và quân địch quanh thành diễn ra rất gay go quyết liệt, quân ta khép chặt vòng vây và tiến công dữ dội. Để đề phòng và tiêu diệt viện binh của địch, Lý Thường Kiệt hạ lệnh cho một bộ phận binh lực tiến lên mai phục ở Côn Lôn (phía Bắc Ung Châu). Sau 42 ngày công phá rất dũng cảm và mưu trí, ngày 1 tháng 3 năm 1074 quân ta hạ được thành Ung Châu. Lý Thường Kiệt hạ lệnh triệt phá thành trì, tiêu hủy toàn bộ kho tàng lương thực và lấy đá lấp sông để ngăn chặn sự chuyển vận của quân địch. Như vậy toàn bộ căn cứ quân sự xâm lược của nhà Tống bị quân ta tiêu diệt. Mục tiêu của chiến dịch tập kích hoàn thành, tháng 4 năm 1076 quân ta rút về nước.
Chiến dịch tập kích vào thành Ung Châu và các căn cứ quân sự khác trên đất Tống của quân ta có một tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt, đó là một bộ phận khăng khít và là giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, có tác dụng thành bại đến toàn bộ cuộc kháng chiến. Bằng cuộc tiến công táo bạo đó, quân ta đã phá vỡ tan tành toàn bộ căn cứ quân sự hậu cần mà triều đình nhà Tống dầy công chuẩn bị, phá vỡ bước đầu kế hoạch xâm lược của chúng, làm cho chúng gặp khó khăn lớn trong vấn đề hậu cần cung cấp người, lương thực, trang thiết bị khi chiến tranh bùng nổ, khi quân đội viễn chinh tiến sâu vào lãnh thổ Đại Việt. Thực tế chiến tranh đã chứng tỏ những khó khăn về hậu phương sau này quân Tống không thể nào khắc phục được do các căn cứ hậu cần bị triệt phá. Như vậy, tầm quan trọng lớn nhất của chiến dịch này là phá tan các căn cứ quân sự xâm lược của địch, tạo điều kiện cho chúng thất bại ở giai đoạn sau và tạo điều kiện thắng lợi cho quân ta trong cuộc kháng chiến sắp tới. Bằng cuộc tiến công để tự vệ một cách tích cực như vậy, quân ta đã hoàn toàn giành quyền chủ động, đẩy địch vào thế bị động, tạo điều kiện có lợi nhất để đánh kẻ thù khi chúng sang xâm lược. Tầm quan trọng của chiến dịch nói lên vai trò của thủy quân trong khi tham gia tác chiến. Thủy quân đã đóng vai trò chủ lực, hoàn thành nhiệm vụ của chiến dịch một cách xuất sắc. Với vai trò là một đạo quân chủ lực của chiến dịch, thủy quân ta đã tiến công dũng mãnh, gan dạ dũng cảm mưu trí giáng cho kẻ địch những đòn mạnh mẽ liên tục, đem lại toàn thắng cho chiến dịch, mở đầu cho cuộc kháng chiến của nước ta dưới vương triều Lý.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-29-a15639.html