"Tàng hình" tập kích địch

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Rừng Sác (nay thuộc huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) nằm ở vùng ven Sài Gòn. Nơi đây khắc ghi sâu đậm dấu ấn của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác (sau đây gọi tắt là Đoàn 10) với những chiến công đã trở thành huyền thoại.

Bằng lối đánh “xuất quỷ nhập thần” bất ngờ, táo bạo, các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 góp phần chặt đứt tuyến vận chuyển hàng hóa, vũ khí đạn dược của đế quốc Mỹ chi viện cho chính quyền ngụy Sài Gòn.

Thiêu rụi 250 triệu lít xăng

Dịp giáp Tết Nguyên đán năm 2019, hòa cùng dòng người tham quan Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác, nơi Bộ đội Đặc công Đoàn 10 “quần nhau với giặc” trong suốt 9 năm (1966-1975), tôi có dịp gặp lại anh Lê Bá Thành, cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai, con trai thứ tám của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước, nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10. Dù bận công việc nhưng năm nào anh cũng đưa gia đình vào thăm khu di tích, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ và không quên kể cho các con nghe những chiến công xuất sắc của ông nội, người chiến sĩ đặc công Rừng Sác huyền thoại. Thật may mắn, trong chuyến đi đó, tôi được gặp cả cựu chiến binh (CCB) Cao Hùng Ngọt, nguyên Đội trưởng Đội 5, Đoàn 10, người chỉ huy anh dũng cùng các chiến sĩ thiêu rụi kho xăng Nhà Bè của địch.

dvh1ab1c-1665191305.jpg
Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

- Chẳng giấu gì các anh, Rừng Sác từ lâu đã thành ngôi nhà thứ hai của gia đình tôi. Mỗi lần đến đây, tôi như thấy bóng dáng thân thuộc của ba mình và các đồng đội, những con người kiên trung, bất khuất, suốt hơn 9 năm ròng bám đất, bám dân, đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, khiến kẻ thù bạt vía kinh hồn.

- Ngày cụ còn sống, hẳn là anh được nghe cụ kể nhiều chuyện chiến trường?

- Nhiều lắm! Tôi có thể thuộc nằm lòng nội dung các trận đánh do ba tôi trực tiếp chỉ huy, như: Trận tập kích kho bom thành Tuy Hạ; trận phá hủy kho xăng Nhà Bè, trận pháo kích vào nội đô; các cuộc tấn công chớp nhoáng, nhấn chìm hàng trăm tàu cùng hàng vạn tấn hàng hóa của giặc xuống sông Lòng Tàu... Những chiến công vang dội ấy của bộ đội Đặc công Rừng Sác đã được báo chí trong và ngoài nước nhắc đến nhiều. Nhưng thú thực, tôi vẫn thích nghe ông trực tiếp kể chuyện. Cha tôi có trí nhớ rất tốt nên mỗi khi được ông kể cho nghe về các trận quyết tử với kẻ thù, tôi như được xem thước phim tư liệu sinh động và chân thực.

dvh2ab2-1665191578.jpg

Xâu chuỗi các câu chuyện của anh Lê Bá Thành kể về cha mình, chắp nối ký ức của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước qua cuốn hồi ký “Một thời Rừng Sác” và gặp gỡ các nhân chứng từng chiến đấu trong đội hình Đoàn 10, tôi hình dung ra phần nào các trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của Đặc công Rừng Sác năm xưa.

dvh3ab3-1665191623.jpg
Hình mô phỏng Bộ đội Đặc công Đoàn 10-Bộ đội Đặc công Rừng Sác, tại khu di tích Căn cứ Rừng Sác, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

 

Trước tiên phải kể đến trận tập kích kho xăng Nhà Bè. Đây là kho xăng dầu lớn nhất ở miền Nam, có 72 bồn chứa với dung tích khoảng 250 triệu lít. Hai hướng vào kho xăng được bao bọc bởi con sông Lòng Tàu. Kho có diện tích rộng, được bố phòng cẩn mật, xe cộ tấp nập suốt ngày đêm. Dưới sông, tàu địch tuần tra liên tục, trên trời máy bay quần thảo, trên bộ biệt kích phục dày đặc. CCB Cao Hùng Ngọt, 82 tuổi, vẫn nhớ như in trận đánh kho xăng Nhà Bè năm xưa, bởi đây là trận đánh vang danh của Đội 5, tập thể 2 lần được phongn tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân chỉ trong 3 năm (1972-1975). Nghe ông kể chuyện, cùng với các thông tin được ghi lại trong cuốn hồi ký “Một thời Rừng Sác” của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước, tôi vẫn không thể hình dung nổi tại sao người lính đặc công lại luôn thường trực trong tim ý chí sắt đá, tinh thần gan dạ và lòng quả cảm phi thường đến vậy. Có ngày không kịp trở về căn cứ, họ phải moi hầm trú ẩn ngay sát hàng rào của địch, cả ngày phải bọc kín toàn thân trong túi nilon cùng túi gạo rang, bình tông nước, để rồi đến đêm lại mò dậy đi trinh sát tiếp.

dvh4ab3c-1665191708.jpg
Các chiến sĩ đoàn 10 trước giờ ra trận. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

“Tháng 2-1973, sau khi được giao nhiệm vụ, để tìm lối vào kho xăng dầu vốn được canh chừng cẩn mật với nhiều lớp hàng rào bảo vệ, phải mất 5 tháng nghiên cứu, nắm thông tin, chúng tôi mới tìm được cách tấn công vào kho. Đơn vị chuẩn bị lực lượng, sa bàn và khối lượng thuốc nổ có thể công phá cả kho xăng dầu rộng lớn”, CCB Cao Hùng Ngọt nhớ lại.

- Bác có thể nói kỹ hơn diễn biến trận đánh không?

Bằng kỹ thuật đánh đặc công, phối hợp nhịp nhàng cùng sự quyết tâm cao, 8 cán bộ, chiến sĩ Đội 5 chúng tôi đã vượt qua các trạm gác, chướng ngại vật, bí mật thâm nhập vào những vị trí then chốt của kho xăng dầu. Giữa đêm khuya, hàng loạt vụ nổ làm rung chuyển Sài Gòn, lửa cháy ngùn ngụt suốt 12 ngày đêm... khiến địch phải xả dầu ra sông để tránh nguy cơ lan rộng. Thiệt hại của địch không thể kể xiết, nhất là nguồn nhiên liệu của Mỹ cung ứng cho chính quyền ngụy Sài Gòn bị thiếu hụt trầm trọng, ảnh hưởng đến kế hoạch tác chiến của chúng.

- Hoàn thành trận tập kích, quân ta đều rút ra an toàn chứ ạ?

- Không cháu ạ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh nổ kho xăng dầu, anh em trong đội nhanh chóng tìm lối thoát ra. Nhưng do đây là nơi được canh gác cẩn mật, vào dễ ra khó, hai đồng đội của chúng tôi là Nguyễn Công Bao và Phạm Văn Tiềm bị địch bắt giữ. Để bảo vệ tuyệt đối bí mật tổ chức, cả hai đồng chí ấy đã tự sát khi bị địch bắt lên tàu.

Nổ tung kho bom thành Tuy Hạ

Bộ đội Đặc công Rừng Sác ngoài bơi giỏi như rái cá thì kỹ năng đột kích vào tận sào huyệt của kẻ địch luôn là phẩm chất thường trực trong họ. “Là con trai của nguyên Đoàn trưởng Đoàn 10, được nghe ông kể biết bao trận đánh đi vào lịch sử, nhưng quả thực đến giờ tôi vẫn không thể lý giải nổi vì sao, trong điều kiện khó khăn, gian khổ, đầy rẫy hiểm nguy như vậy, các chiến sĩ Đặc công Rừng Sác vẫn tồn tại, liên tục thực hiện những trận đánh “xuất quỷ nhập thần", bất ngờ, táo bạo như vậy”, anh Lê Bá Thành tự hào kể về ba mình và các đồng đội.

Những điều tâm đắc của anh Lê Bá Thành có lẽ cũng giống như bao người khác. Khi tham quan các mô hình, các trận đánh tiêu biểu của Đặc công Rừng Sác, nhiều người không khỏi trầm trồ thán phục trước kỹ năng phi thường, lòng quả cảm của những chiến sĩ đặc công Việt Nam. Trang bị họ mang theo trước mỗi trận đánh chẳng thể đơn giản, gọn nhẹ hơn, với quần cộc, dao găm, thuốc nổ, súng tiểu liên, ống thở, đi chân đất, nhưng luôn khiến quân địch hoang mang tột độ. Trận đánh phá hủy kho bom thành Tuy Hạ đã tái hiện sinh động những phẩm chất đặc biệt đó.

- Khi còn sống, ba tôi có kể rằng, kho bom này được xây dựng từ thời Pháp. Sau này Mỹ-ngụy mở rộng quy mô nhằm dự trữ bom mìn, vũ khí cho cả chiến trận Đông Dương. Thành Tuy Hạ được bảo vệ bởi hàng chục lớp rào dây thép gai đủ loại, rào mái nhà cao 2,5m, vừa có thể cơ động, vừa có thể cố định. Ngoài ra, chúng còn gài mìn, lựu đạn dày đặc xung quanh. Một bờ đập cao 3m dựng đứng như bức tường, chân đê có hào sâu ngập nước cùng hệ thống đèn pha sáng như ban ngày, lắp đặt trên các tháp canh. Ở các vị trí xung yếu, quân địch bố trí thùng đại liên để đổ dầu, cứ 3m đốt cháy một cột sáng; binh lính canh chừng nghiêm ngặt suốt ngày đêm, đến con kiến cũng khó lọt qua.

- Vậy mà bộ đội đặc công của ta đã đột nhập được vào bên trong, phá hủy toàn bộ kho đạn của chúng? Đây đúng là một kỳ tích?

- Đây thực sự là một kỳ tích. Ba tôi kể rằng, để xóa sổ một trong những kho bom đạn lớn nhất Đông Dương này, ba và đồng đội đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức cho việc điều nghiên, trinh sát, đến mức thuộc nằm lòng vị trí từng ổ hỏa lực, từng bốt gác, chòi canh, hầm ngầm, thói quen sinh hoạt của binh lính, thậm chí là lũ chó béc-giê. Tuy nhiên, để có thể ra vào sào huyệt của chúng rồi rút ra an toàn như vậy, tôi thực sự khâm phục kỹ năng ngụy trang của các chiến sĩ Đặc công Rừng Sác. Bạn biết đấy, ngụy trang nhằm che mắt địch cũng là một thứ vũ khí không thể thiếu đối với bộ đội đặc công. Theo đó, các chiến sĩ phải thường xuyên rèn luyện bản thân để có thể nằm nhiều ngày trên cánh đồng, trên bãi đất trống, ở nhiều ngày trong hầm bí mật. Nhiều chiến sĩ đặc công phải nằm cả tuần liền bên trong hàng rào dây thép gai bao quanh căn cứ địch để theo dõi nhất cử nhất động của đối phương hoặc phải ẩn mình dưới ao bèo cả ngày. Đặc biệt, có chi tiết khá thú vị là, để chống bị phát hiện bởi chó săn, họ phải phơi thân mình nhiều ngày đêm trong sương lạnh, trong vùng đất có xăng dầu, mục đích nhằm làm giảm bớt mùi của cơ thể. Còn nữa, khi tiềm nhập, các chiến sĩ có thể phải nằm im như chết hàng giờ dưới chân một lính canh hoặc đứng khom trong tư thế rất khó để giả làm một mô đất, một lùm cây, một hòn đá dưới ánh sáng đèn pha của địch. Ba tôi cũng kể, kỹ năng đột nhập của đặc công Việt Nam đã đạt trình độ cao đến mức họ có thể bò qua một bãi đất trống giữa hai ngọn đèn pha công suất lớn mà không hề bị phát hiện do biết lợi dụng quy luật giao thoa ánh sáng trong quá trình cơ động.

Lại nói về kho bom thành Tuy Hạ, sau nhiều lần thám thính tình hình, tổ đặc công của ta vẫn chưa đột nhập được vào bên trong do gặp phải mìn dày đặc phía ngoài. Không từ bỏ quyết tâm đánh phá kho bom, các chiến sĩ vắt óc suy nghĩ, tìm hướng khác, quyết tâm bằng mọi giá phải đột nhập vào bên trong. Qua hàng chục lần bò vào căn cứ, một chiến sĩ hy sinh, cuối cùng tổ đặc công đã “soi” được một lỗ hổng để tiếp cận vào tận kho bom. Rạng sáng 12-12-1970, trời tối đen như mực, chỉ lấp lánh ánh sao trời trên cao, hệ thống đèn pha kho bom thành Tuy Hạ vẫn rực sáng cả một góc trời, lâu lâu một phát súng bắn vu vơ hù dọa rồi im bặt. Cả một không gian căng thẳng, lặng im với 4 cặp mắt sáng xuyên vào đêm tối. 8 cánh tay rắn chắc mò mẫm cùng với 4 con tim bình tĩnh nhịp đập, họ vượt qua tất cả lớp rào, các chốt bảo vệ, vô hiệu hóa các loại mìn, lựu đạn.

Anh Thành kể tiếp:

- Khi các chiến sĩ đặc công vào được nhà kho, nhanh như chớp, tất cả khối thuốc nổ được gài vào vị trí đã định, gài kíp hẹn giờ rồi nhanh chóng rút lui. Bên ngoài rào, ba tôi và các chú trong ban chỉ huy Đoàn 10 đã đợi sẵn, chào đón những người anh hùng. Niềm vui của những người đồng đội khi gặp lại nhau không thể nào kể xiết. Về đến đơn vị, ai cũng hồi hộp, chờ đợi. Đồng hồ chậm chạp chạy từng giây, từng giây, mong chờ khối thuốc nổ bùng lên. Đúng 4 giờ sáng, những tiếng nổ từ phía kho bom thành Tuy Hạ rền vang, lửa rực sáng một vùng trời, các cột khói bốc cao hàng trăm mét. Tiếng nổ dây chuyền của hàng vạn quả bom, đạn pháo khiến mặt đất rung chuyển. Trong phút chốc, kho bom thành Tuy Hạ chìm nghỉm dưới những quầng lửa khổng lồ, cháy rừng rực suốt ba ngày ba đêm. Một tiểu đoàn bảo an, một tiểu đoàn quân cụ cùng với một đại đội quân khuyển hơn 100 chó béc-giê của địch bị tiêu diệt hoàn toàn.

(Còn nữa)

Trái tim người lính

Nguyễn Hồng Sáng/Thành Đô (Tổng hợp)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tang-hinh-tap-kich-dich-a15662.html