Kỳ 31.
Như trên đã phân tích, giai đoạn hai của cuộc chiến tranh chủ yếu diễn ra ở phòng tuyến sông Cầu là quyết chiến điểm chiến lược đối với cả hai bên. Mọi binh chủng của quân đội ta dưới quyền chỉ huy của Lý Thường Kiệt đều có nhiệm vụ là bảo vệ bằng được phòng tuyến sông Cầu và tiêu diệt địch. Thủy quân ta cũng có nhiệm vụ chung như vậy để hoàn thành chiến dịch và đã có một vai trò quan trọng góp công lao vào sự nghiệp của dân tộc.
Tại mặt trận ở miền biển Đông Bắc, thủy quân ta dưới quyền chỉ huy của tướng Lý Kế Nguyên đã anh dũng chiến đấu, ra sức chặn đứng thủy quân Tống, không cho chúng tiến vào nội địa phối hợp với bộ binh và kỵ binh, phá vỡ kế hoạch hợp đồng chiến đấu của địch. Chúng ta biết rằng muốn tiến đánh phòng tuyến sông Cầu, bộ binh và kỵ binh Tống phải vượt qua sông Cầu để đổ bộ lên bờ Nam. Muốn thực hiện được kế hoạch vượt sông đưa toàn bộ quân đội sang bờ Nam cùng một lúc thì Quách Quỳ phải có một đạo thủy quân lớn và trong chiến dịch này nhà Tống đã chuẩn bị một đạo thủy quân hùng mạnh để thực hiện kế hoạch đó. Giả sử thủy quân địch mà tiến được vào sông Cầu thì Quách Quỳ sẽ thực hiện được kế hoạch cho toàn bộ quân đội đổ bộ lên bờ Nam là 20 vạn bộ binh, 1 vạn kỵ binh, đó là chưa tính lực lượng thủy binh. Với một lực lượng hùng mạnh như vậy, Quách Quỳ tập trung đánh vào một điểm của phòng tuyến sông Cầu thì rõ ràng phòng tuyến sông Cầu, cửa ngõ kinh thành Thăng Long và vùng châu thổ rộng lớn giàu có bị uy hiếp nghiêm trọng. Khi đó sẽ có hai khả năng: một là phòng tuyến sông Cầu bị vỡ thì kháng chiến có nguy cơ bị thất bại; hai là có bảo vệ được thì quân ta cũng tốn rất nhiều xương máu. Việc thủy quân ta anh dũng chiến đấu ngăn chặn được thủy quân địch ở miền biển Đông Bắc, không cho chúng tiến vào được sông Cầu phối hợp với bộ binh đã làm cho kế hoạch đưa toàn bộ quân đội vượt sông của Quách Quỳ bị phá sản và do đó mà kế hoạch tập trung sức mạnh tấn công phòng tuyến sông Cầu cũng bị thất bại. Thực tế chiến đấu đã cho ta thấy điều đó. Hai lần Quách Quỳ tổ chức vượt sông, một lần bắc cầu phao đổ một ít quân sang, lần thứ hai đóng bè mỗi lần chở được 500 quân sang đều bị quân ta nhanh chóng tiêu diệt. Không có thủy quân để vượt sông, Quách Quỳ không tiến công được phòng tuyến sông Cầu dẫn đến chiến lược đánh nhanh thắng nhanh bị phá sản và đưa đến thất bại về chiến dịch và dẫn đến thất bại về chiến lược. Cho nên vai trò và tác dụng của thủy quân ta trong cuộc chiến đấu này là đã dũng cảm chiến đấu, ngăn chặn thủy binh địch phá vỡ kế hoạch hợp đồng binh chủng và qua đó góp phần tích cực bảo vệ phòng tuyến sông Cầu, góp phần quan trọng làm thất bại chiến dịch và chiến lược của địch.
Trong khi thủy quân ta chiến đấu thắng lợi ở miền biển Đông Bắc thì đại bộ phận thủy quân ta tập trung ở Vạn Xuân (Hà Bắc) do hai hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy cũng dũng cảm tham gia tác chiến cùng với lục quân bảo vệ phòng tuyến sông Cầu và tiêu diệt sinh lực địch. Tại mặt trận này, một trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra giữa thủy quân ta với bộ binh và kỵ binh địch. Theo kế hoạch của Lý Thường Kiệt Hoàng tử Hoằng Chân và Hoàng tử Chiêu Văn dùng 400 chiến thuyền đổ bộ vài vạn quân sang phòng tuyến quân địch ở bờ Bắc với nhiệm vụ là tấn công vào trận tuyến của địch ở khúc sông Kháo Tức (đoạn sông Cầu gần núi Nham Biền) thu hút đại bộ phận quân địch về hướng này để đại quân ta tập kích tiêu diệt. Thực hiện kế hoạch này, dưới quyền chỉ huy của hai Hoàng tử Hoằng Châu và Chiêu Văn, thủy quân ta ào ạt đánh sang trận địa quân địch mãnh liệt. Một trận huyết chiến đã diễn ra ở quãng sông Kháo Tức, quân ta dũng cảm tiến sâu vào nội địa của địch, thu hút đại bộ phận địch về hướng đó và rút lui. Trong trận đánh này thủy quân ta bị tổn thất, hai Hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn bị trọng thương nhưng tay vẫn phất cao lá cờ động viên thủy quân ta chiến đấu và sau đó hai người đã hy sinh một cách anh dũng, để lại cho thủy quân ta một tấm gương oanh liệt sáng ngời, quên thân mình vì sự nghiệp cứu nước của hai vị Hoàng tử thủy quân trẻ tuổi anh hùng. Nhiệm vụ của vị tướng tổng chỉ huy giao phó thuỷ quân đã hoàn thành xuất sắc. Nhờ đó, ban đêm quân ta do Lý Thường Kiệt chỉ huy đã vượt sông bất ngờ đánh úp vào trại lính của địch. Quân Tống đại bại, bị quân ta tiêu diệt đến sáu phần mười binh lực. Đó là một đòn phản công có ý nghĩa quyết định giáng vào quân xâm lược, một trận tiêu diệt lớn làm quân địch thiệt hại nặng nề và từ đó chúng không có thể và cũng không dám tổ chức tiến công được nữa, đẩy địch vào thế phòng ngự bị động hoàn toàn, mở ra một cục diện mới trong cuộc chiến tranh, cục diện quân ta chuyển sang phản công chiến lược. Thủy quân ta ở mặt trận phòng tuyến sông Cầu dưới sự chỉ huy của Hoằng Chân và Chiêu Văn đã góp phần quan trọng vào việc mở ra cục diện mới đó trong chiến tranh.
Thất bại thảm hại của cuộc viễn chinh đã làm tan tành mộng tưởng đặt ách cai trị đất nước ta của nhà Tống. Trong cuộc chiến tranh này nhà Tống đã chi phí hết 5.190.000 lạng vàng, 30 vạn binh lính bị thiệt mạng trong các cuộc chiến đấu với quân dân ta trên đất Tống và trong khi tiến vào đất nước ta xâm lược. Thất bại quân sự đó đã làm lung lay nền thống trị của vương triều Tống, tình hình trong nước càng thêm khó khăn. ý chí xâm lược hoàn toàn bị đè bẹp, 200 năm sau nhà Tống vẫn không dám đụng chạm đến nước ta và năm 1164 phải thừa nhận Đại Việt là một Vương quốc độc lập. Trong khí thế vươn lên của dân tộc chiến đấu và chiến thắng, Lý Thường Kiệt vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất kiêm nhà chính trị ngoại giao lỗi lạc đã viết nên bài thơ bất hủ, được ghi vào lịch sử như bản tuyên ngôn độc lập sau 1000 năm bị đô hộ:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phân ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tới bời.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-31-a15668.html